Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

RFA. “Đẩy nợ cho tương lai”

Nguồn RFA

Vũ Hoàng, phóng viên RFA 2014-07-15

vuhoang07152014.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

000_Hkg8576388-305.jpg
Công nhân trồng hoa tại một khu đô thị cao cấp ở ngoại thành Hà Nội hôm 26/4/2013.
AFP

 

Trong kỳ họp thứ 7 vừa qua, các đại biểu Quốc Hội đã thẳng thắn nhìn nhận tình trạng Việt Nam vay nợ để trả nợ đang khiến vấn đề nợ công ngày càng nặng và khó giải quyết đối với Việt Nam.

Đi vay để đảo nợ?

Nói về những khoản nợ của Việt Nam thì rõ ràng không có gì  là mới mẻ, bởi với một nền kinh tế đang phát triển, cần những khoản nợ để đầu tư, sản xuất… là chuyện hết sức bình thường, thế nhưng khi nền kinh tế được đánh giá là không có đủ năng lực để trả nợ thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và có thể nói là nguy hiểm.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới trong nước, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung thẳng thắn phân tích: "Việc đi vay để trả nợ, điều đó chứng tỏ khả năng tạo ra vốn để trả nợ là không có. Hay nói cách khác phải đi vay thêm, nghĩa là anh đang không có đủ năng lực để trả nợ."

Theo T.S Nguyễn Đình Cung, đáng lẽ trong hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn, phải đi vay thì nguồn vốn đó dùng để tạo ra năng lực trả nợ, thế nhưng, trên thực tế những khoản vay mới không được dùng để đầu tư cũng như không tạo ra nguồn lực, mà là vay nợ để trả nợ, từ đó kéo theo khả năng trả nợ tiếp tục giảm đi. Tuy vậy, T.S Cung không quên bình luận trong ngắn hạn thì buộc phải áp dụng biện pháp đi vay về để đảo nợ.

Việc đi vay để trả nợ, điều đó chứng tỏ khả năng tạo ra vốn để trả nợ là không có. Hay nói cách khác phải đi vay thêm, nghĩa là anh đang không có đủ năng lực để trả nợ. 
-Nguyễn Đình Cung

Trao đổi với chúng tôi về các khoản nợ tại Việt Nam, T.S Phạm Chí Dũng cho biết quan điểm của ông dưới cả 2 góc độ vi mô và vĩ mô:

"Ông Đình Cung nhận xét đúng và khá trọn vẹn vấn đề và thậm chí còn mô phỏng vấn đề từ tầm cỡ những doanh nghiệp vi mô cho tới tầm vĩ mô của quốc gia. Đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn từ 2011 đến 2014 đã phải tự giải tỏa các khoản nợ của họ bằng cách được ngân hàng cho vay lại, khi được cho vay lại, họ lấy số tiền cho vay lại đó và họ trả nợ cộng lãi cho ngân hàng và ngân hàng lại trùm thêm một số nợ. Đó là cách nhìn vi mô và từ đó chúng ta nhìn lên cách nhìn vĩ mô, nhà nước Việt Nam cũng như vậy thôi. Mặc dù không công bố, minh bạch nhưng tình hình tài chính hiện nay cực kỳ khó khăn và có vẻ như hiện tượng mà chúng ta đang đi đến điểm đích của nó là vẫn phải tiếp tục vay trong các năm tháng tới, vay không phải chỉ để đầu tư mà còn vay để trả nợ cho các khoản vay trước đó. Đó là các khoản nợ cứ gối đầu, chồng chất, hiện giờ người ta dùng cụm từ "đẩy nợ cho tương lai."

no-cong-250.jpg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa qua, một con số báo động đã được đưa ra là nợ công Việt Nam vượt mức 80 tỉ đô la và tổng dư nợ cả năm chiếm hơn một nửa GDP, ở mức 53,4%. Nhiều người có thể lập luận rằng những quốc gia như Nhật Bản hay Singapore có tỉ lệ nơ công rất cao thậm chí chạm ngưỡng 200% GDP, nhưng lật lại vấn đề thì thấy rằng những quốc gia như Nhật Bản chẳng hạn lại là nước xuất khẩu và thâm dụng vốn rất lớn, cho nên họ có sự cân đối khác nhau. Trong khi đó, Việt Nam không phải là nước xuất khẩu vốn cũng như không phải là nước dồi dào về tư bản, thế nên tình trạng mất cân đối hiện tại hoàn toàn đáng phải xem xét và cần giải quyết triệt để.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm nguy hại hiện tại là vay nợ nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, vì để đánh giá mức độ an toàn nợ công, người ta không chỉ dựa trên tổng lượng tiền nợ, mà quan trọng hơn là họ dựa trên hiệu quả sử dụng đồng tiền này.

Đầu tư hoàn toàn không hiệu quả?

Đơn vị đo này là ICOR viết tắt tiếng Anh của "hệ số sử dụng vốn" nhằm đo lường số vốn bỏ ra thêm để sản xuất một mặt hàng nào đó, chỉ số ICOR càng thấp càng tốt, một nền kinh tế phát triển bền vững sẽ có chỉ số là 3. Thế nhưng hiện tại, chỉ số ICOR của Việt Nam lên đến 9 và nhiều chuyên gia đánh giá "đầu tư hoàn toàn không hiệu quả."

Sự "đầu tư hoàn toàn không hiệu quả" này được G.S, T.S Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung Ương phân tích trong một bài phỏng vấn với báo Đất Việt. Khi đề cập đến đầu tư công tràn lan, lãng phí, các dự án ODA đội giá cao, G.S Lược khẳng định phần lớn các nước đi vay ODA đều là những nước kém phát triển và có nền quản trị kém, chính vì thế nó giải thích tại sao việc xây dựng đường cao tốc ở VN sử dụng vốn ODA luôn có giá cao hơn gấp 3 lần so với thế giới. Từ đó, G.S Võ Đại Lược đi đến kết luận cần phải xem xét một cách nghiêm túc bắt đầu từ chủ trương đầu tư của nhà nước có đúng không và xem xét lại nền quản trị và quá trình giám sát, thực thi chủ trương đó thế nào.

Cứ hình dung mỗi ngày ngủ dậy Ngân sách NN thu vào khoảng gần 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên, con số chi cũng tương tự như vậy. 
-Bùi Đặng Dũng

Quay lại với con số vay nợ, hiện tại, Việt Nam vay nợ nước ngoài dài hạn khoảng 50% và số còn lại 50% là ngắn hạn ở trong nước. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc Hội Bùi Đặng Dũng nêu lên con số "cứ hình dung mỗi ngày ngủ dậy Ngân sách NN thu vào khoảng gần 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên, con số chi cũng tương tự như vậy" điều này khiến chúng tôi liên tưởng đến con số mà T.S Vũ Đình Ánh của Viện tài chính giá cả có lần thừa nhận Việt Nam làm ra 100 đồng thì đã phải trả nợ hết 98 đồng rồi.

Nhắc về số nợ phải trả hàng tháng, T.S Lê Đăng Doanh trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây với chúng tôi, ông cho biết:

"Theo tôi vấn đề nợ công rất phức tạp, hiện nay cứ mỗi ba tháng ngân sách Nhà nước phải trả nợ nước ngoài khoảng 1 tỷ USD. Đấy là một khoản nợ không phải là nhỏ và số nợ công trong những năm gần đây đã tăng lên một cách nhanh chóng. Đấy cũng là một yếu tố rất đáng chú ý và rất đáng lo ngại."

Một yếu tố khác cũng đẩy con số nợ công lên cao đó là các khoản chi thường xuyên của chính phủ cũng tăng rất nhanh. Theo nhận xét của T.S Phạm Đình Cung thì gốc rễ của vấn đề này là vai trò của nhà nước. Ông cho rằng nếu vai trò của nhà nước thu nhỏ lại thì hoạt động sẽ ít đi, còn hiện tại, vai trò của nhà nước vẫn mở ra và càng mở rộng thì càng chi tiêu. Do đó, T.S Cung kết luận muốn thắt chặt ngân sách thì gốc của nó là vai trò của nhà nước và các bộ ngành, cần làm rõ vai trò của từng chủ thể để dễ dàng nhìn thấy các khoản chi cần thiết tới mức nào.

Trước khi kết luận về tình trạng nợ nần hiện tại, chúng tôi xin trích ý kiến của T.S Phạm Chí Dũng để thấy một bức tranh khá rõ về hiện tượng "đẩy nợ cho tương lai" mà ông nêu lên:

"Quả thực là hiện trạng nợ nần của Việt Nam hiện nay quá khó để giải quyết, không phải chỉ hiện nay mà từ những năm 2010, 2011 đã nêu ra vấn đề đó rồi. Những khoản nợ công quốc gia, lúc đó 2010 – 2011 chỉ khoảng 40 đến 45% thôi, còn hiện nay là khoảng 54%. Nhưng thực tế mà nói theo những phân tích của các chuyên gia thượng thặng như ông Vũ Quang Việt từng đánh giá là nợ công của Việt Nam có thể lên tới 106%, thời điểm đó, không một ai tin. Nhưng đến thời điểm diễn đàn mùa xuân năm 2013, 2014 vừa rồi thì các chuyên gia phản biện mới phải thừa nhận và đặt lại vấn đề tỉ lệ nợ công của VN lên đến ít nhất là 95%. nếu tình trạng nợ công tiếp tục tăng như thế này thì quá khó để VN trả nợ cho tương lai, nếu không muốn nói tất cả nợ sẽ đổ lên đầu con cháu chúng ta."

"Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống" là chuyện rõ ràng đang xảy ra ở Việt Nam, nhưng ở một quốc gia "nhà có chủ" đàng hoàng thì câu trả lời về tiền bạc, nợ nần hẳn dành cho những người "chủ nhà" trả lời sẽ hợp lý hơn cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét