Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Nguyễn Đình Cống : ĐỐI THOẠI CHA CON VỀ TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC

Nguồn boxitvn

27/07/2014

Giới thiệu. Cha: Cồ Hân ( 1919- 2005, thường được gọi là Kụy) , vào đảng CS năm 1942, nguyên là cán bộ cao cấp trong chính phủ. Con : Cồ Huy, sinh 1957, tiến sĩ luật tại Pháp, bất đồng quan điểm với đảng CS lãnh đạo, bị bắt năm 2010, án 7 năm tù, được phóng thích trước thời hạn, vào năm 2014.

Được tin Cồ Huy vừa ra tù trước hạn và đã sang Mỹ tôi cứ miên man suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa đưa tên phản động này vào tù cũng như nguyên nhân thầm kín đưa hắn ra khỏi nơi đó. Nằm ngủ tôi bỗng nghe tiếng gọi từ hư vô : "ngươi cả ngày cứ nghĩ về Cồ Huy, vậy có muốn nghe cuộc đối thoại giữa cha con họ thì hãy theo ta". Tôi lập tức vâng dạ và " bay" về phía tiếng nói, lễ phép thưa: "Thưa ngài, nếu không có gì bí mật xin cho biết con đang được gặp ai và đang đi về đâu". Tiếng trả lời: "Ta là Thiên sứ, ta nhận được nguyện vọng thiết tha của Cồ Hân muốn chuyện trò để giáo dục con trai, nhưng từ khi Huy bị ở tù, ta thấy chưa tiện, bây giờ hắn được tự do, ta quyết định đưa hai cha con gặp nhau để họ chuyện trò, ta biết ngươi có lòng thành nên cho đi theo để chứng kiến".

Tôi xin phép được bỏ qua việc đã theo vị Thiên sứ như thế nào, quang cảnh nơi hai cha con họ Cồ gặp nhau mà chỉ xin ghi chép lại theo trí nhớ những lời đối thoại (tiếc quá, trong mộng không mang theo ghi âm được )

Cha (Cồ Hân- Kụy ): Ba rất mừng con đã được tự do. Ba biết ơn đảng và nhà nước đã có lòng tốt thả con ra trước thời hạn. Kể từ khi con bị bắt, ba rất muốn gặp để tìm hiểu sự việc và khuyên con vài điều mà không sao gặp được. Hôm nay nhờ Thiên sứ mà cha con gặp nhau, tuy âm dương hai ngả nhưng tình cảm ruột thịt vẫn còn sâu đậm, ba muốn tâm sự với con như những ngày còn sống, không những như giữa hai cha con mà như giữa hai người bạn thân thiết, giữa hai người đồng chí. Huy ơi, ba không hiểu trong sự hướng dẫn, giáo dục của ba, của nhà trường, của đoàn thể có chỗ nào sai mà đã đẩy con từ một cậu bé ngoan ngoãn, một thanh niên đầy triển vọng thành một kẻ phản bội lý tưởng, phủ nhận thành quả cách mạng với bao hy sinh xương máu của thế hệ cha anh, phản bội Tổ quốc để đi theo bọn phản động, chống lại nhân dân. Con ơi, Huy ơi , con làm thế thì ba làm sao dám gặp lại Bác Hồ, gặp các đồng chí cách mạng tiền bối. Trong lần các vị đón tiếp anh Văn, ba nghĩ đến con, thấy xấu hổ với các vị nên không dám công khai chào hỏi mà chỉ đứng sau lưng anh Hoàng Minh Giám, không ngờ anh Văn thấy, đến bắt tay và nói một câu mà đến bây giờ ba vẫn chưa hiểu được bản chất: "thằng Huy nhà anh khá lắm". Từ khá được phát âm nghe rất lạ, không biết là chê hay khen. Từ hôm đó đến nay ba chưa thể gặp lại đại tướng để hỏi cho ra nhẽ. Con ơi, Huy ơi, con là đứa có hiếu. Ba đã suốt đời theo Bác Hồ làm cách mạng, mong rằng các con sẽ kế nghiệp. Ba thật không ngờ con đã đi sai đường, làm cho ba mang tiếng xấu. Con ơi, nay nhờ ơn đảng, chính phủ, con được trả tự do, ba mong con hối cải, bỏ con đường sai lầm, bỏ ý tưởng phản bội mà quay về với lý tưởng tốt đẹp của dân tộc, được như thế thì ba mới dám gặp lại các bạn bè, đồng chí ở thế giới tâm linh, mới vui vẻ về dự các buổi cúng giỗ của con cháu hàng năm. Huy ơi, nếu con có lý tưởng khác với ba thì ba không thể bắt con từ bỏ nó nhưng ba xin con hãy khôn ngoan hơn, đừng hoạt động quá lộ liễu. Làm gì con nên nghĩ đến danh dự của ba, của gia đình, nghĩ đến tương lai của con cháu, đừng vác nạng chống trời, ba mong con rút được kinh nghiệm đắt giá sau khi đã ở tù vài năm mà khôn ngoan hơn.

Con (Cồ Huy): Thưa ba, con vô cùng ân hận vì đã gây ra cho ba nhiều điều lo lắng và khó xử ở dưới suối vàng. Con vô cùng biết ơn Thiên sứ đã cho cha con gặp nhau để trao đổi. Ba ơi, con ân hận không phải vì việc con đã làm mà vì việc con đã không kịp thời thông báo, giải thích cho ba biết, không hỏi được ý kiến của ba. Con tin chắc rằng nếu ba được nghe con trình bày thì không những không có điều gì phải lo lắng, khó xử mà còn ủng hộ con, tự hào vì con. Con tin rằng nhận xét của Đại tướng là một lời khen chứ không phải lời trách khéo, vì đến cuối đời chắc Đại tướng cũng đã thấy ra một điều gì đó. Con xin thề, trên có Trời, dưới có Đất, giữa có Nhân dân, có vong linh của ba, của các bậc tiền bối, của tổ tiên là con không có ý tưởng và hành động chống lại Tổ quốc, chống lại dân tộc, không phản bội thành quả cách mạng, không làm sai lý tưởng mà ba và các bậc tiền bối theo đuổi. Những việc con đã làm và sẽ làm chỉ nhằm thức tỉnh nhân dân đấu tranh cho một nền dân chủ chân chính, bảo vệ nhân quyền, chống lại một số thế lực lợi dụng lòng tin và sự thấp kém về dân trí của đa số nhân dân để củng cố địa vị thống trị, để bảo vệ chức vị, quyền lợi cá nhân và lợi ích nhóm, thực chất là họ đã lợi dụng thành quả cách mạng, họ phản lại lợi ích của dân tộc. Nhóm người này ngoài mồm họ tuyên bố là rất sáng suốt, một lòng vì nước vì dân, nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn họ chỉ nhằm củng cố quyền lực và lợi ích cá nhân, nhằm bảo vệ một học thuyết đã tỏ ra sai lầm, lỗi thời, mang đến nhiều tai họa cho nhân loại nhưng lại cho họ độc quyền. Ba không gặp phải sai lầm gì trong việc dạy bảo con cả. Ba thường đem bài thơ " Lời mẹ dặn" của Phùng Quán để dạy con lòng trung thực: "dù ai dỗ ngọt, dỗ ngon cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu". Con đã thực thi lòng trung thực của một kẻ sĩ theo lời dạy của ba. Ba lấy lời của Bác Hồ để dạy con "Trung với nước, hiếu với dân, trung thành với lý tưởng". Ba dạy con rất rõ, lý tưởng của chúng ta là Độc lập cho đất nước, Tự do, Hạnh phúc cho nhân dân. Chắc ba còn nhớ có lần Bác Hồ đã nói, mục đích của cách mạng là tự do và hạnh phúc của nhân dân, nếu nước được độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập ấy cũng vô nghĩa. Tuy hồi trước con còn bé nhưng nhớ rất rõ những buổi ba ngồi đàm luận hàng giờ với các chú, các bác về những điều khó hiểu khi so sánh lý thuyết với thực tế của cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, về nhân văn giai phẩm, về vụ án bác Nguyễn Hữu Đang, về việc làm và cái chết của Kim Ngọc, về bác Vũ Đình Huỳnh bị bỏ tù, về đội ngũ tay sai của Ngô Đình Diệm rất tích cực chống cộng chính là những cán bộ của Miền Bắc trốn thoát được cải cách ruộng đất để vào Nam, về việc hàng triệu người bỏ nước đi trốn sau 1975. Con còn nhớ có người đã phân tích nguyên nhân cái chết của Kim Ngọc, các bác sĩ cho là tại bệnh gan nhưng thực ra nguyên nhân sâu xa là do xung đột tư tưởng, một bên là lòng tin vào chủ nghĩa, tin vào trung ương, một bên là sự thật phũ phàng, để đưa lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì phài làm ngược lại nghị quyết của Bộ chính trị, làm ngược lại đường lối của trung ương, phải làm trái sự chỉ đạo của lãnh tụ. Vậy đâu là chân lý, cái gì cần chống, cái gì nên theo. Cuộc chiến trong tư tưởng của bí thư Kim Ngọc, của nhà cách mạng lão thành Vũ Đình Huỳnh, của các tướng Trần Độ, Đặng Kim Giang, của hùm xám đường số 4 Đặng Văn Việt và rất nhiều người nổi tiếng khác không kém gì những trận đấu pháo ở Điện Biên Phủ. Chắc ba còn nhớ câu nói nổi tiếng của Hoàng Văn Thụ: "Trong cuộc đấu tranh sinh tử của chúng tôi…", con xin dựa vào đó mà tuyên bố rằng: "Trong cuộc đấu tranh của những người vì tự do, dân chủ, chống lại những thế lực độc tài đang cầm quyền, chống lại bọn quan lại thối nát đang thống trị, việc thất bại tạm thời là khó tránh khỏi, chỉ biết rằng cuối cùng nhân dân nhất định thắng".

Người ta tuyên truyền và khẳng định là yêu nước thì phải yêu chủ nghĩa xã hội, là dân tộc Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là theo chủ nghĩa Mác Lê nin, là dân VN phải bảo vệ thành quả cách mạng, đó là đảng, chính quyền và chế độ, ai chống lại chính quyền và chế độ là chống lại Tổ quốc, là phản bội dân tộc. Những luận điệu như thế rõ ràng là ngụy biện, bất kỳ một người nào am hiểu về lôgic đều có thể bác bỏ, nhưng đại đa số dân ta trình độ còn quá thấp nên đã tin theo hoàn toàn, không dám nghi ngờ những kẻ nhân danh chính quyền và lãnh đạo. Còn ba, con tin chắc là ba và bạn bè của ba thấy rõ sự ngụy biện trong các lập luận ấy. Họ đưa ra luận thuyết ấy thực chất là muốn giữ độc quyền kể cả lòng yêu nước, không chấp nhận lòng yêu nước của những người khác chính kiến.

Thưa ba, con sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng bởi lý tưởng cộng sản. Lúc còn bé, khi chưa biết tự suy nghĩ, con tuyệt đối tin vào học thuyết của Mác, tin vào lý tưởng cộng sản, nguyện suốt đời phấn đấu và nếu cần thì hy sinh cho lý tưởng đó. Nhưng khi lớn lên, biết tự suy nghĩ, lại được tiếp xúc với nhiều quan điểm khác nhau trên thế giới, được chứng kiến những sự thật đau lòng của các cuộc cách mạng vô sản tại Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, con đã nghi ngờ lý thuyết của Mác. Đặc biệt sau sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN, càng ngày con càng thấy rõ những nhầm lẫn của Mác, những sai lầm của cộng sản. Con công nhận là có ý thức và tuyên truyền chống lại đường lối cộng sản vì con thấy rõ đó là không tưởng, nó tạo ra sự độc quyền, mà độc quyền lại đẻ ra tham nhũng, con công nhận đã tuyên truyền, đã vạch mặt một số người cầm quyền hiện tại đã lợi dụng thành quả cách mạng, lợi dụng xương máu của bao chiến sĩ để leo lên địa vị cao của xã hội, họ không phải là đại diện chân chính của nhân dân, họ đang cấu kết với nhau và liên kết chặt chẽ với thế lực có nhiều tiền để làm giàu cá nhân trên cơ sở vơ vét tài nguyên của đất nước, trên cơ sở tham nhũng và hối lộ. Ba hãy nhìn kỹ vào chính quyền và các cơ quan khác của đảng, từ địa phương đến trung ương, chỉ trừ một số rất ít là tích cực và trong sạch còn phần lớn đã thối nát. Họ nói rằng nguyên nhân của sự thối nát là do một số cán bộ các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Thử hỏi ai, cái gì sinh ra và nuôi dưỡng bọn ấy trong khi tốn rất nhiều công sức và tiền của để học tập đạo đức Hồ Chí Minh, để sáng suốt lựa chọn người vào chức này chức nọ trong những lần bầu cử, để đẩy mạnh phê bình và tự phê bình. Chính là chủ nghĩa Mác, là sự độc quyền của đảng, là chuyên chính vô sản sinh ra và nuôi dưỡng bọn ấy từ trong trứng nước. Thưa ba, con tự thấy mình là người yêu nước chân chính nhưng không yêu chế độ cộng sản, con chống lại bọn thống trị mới, con đấu tranh cho tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân. Con nghĩ ba nên tự hào vì đã có một đứa con như thế. Ba không cần biết ơn đảng và nhà nước đã thả con ra trước hạn tù, đó không phải vì lòng tốt của họ mà là vì một sức ép nào đó buộc họ làm như thế.

Cha: Ba công nhận những điều con nói là sự thật, con là người yêu nước, con đấu tranh cho tự do, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân, nhưng dù sao con vẫn phạm sai lầm khi tuyên bố không yêu chế độ cộng sản, thực chất là con phản bác, con chống lại, nhưng con dùng từ " không yêu" chỉ để giảm nhẹ mức độ. Con nghĩ thế nào khi Bác Hồ, đại tướng Giáp, ba và bao nhiêu chiến sĩ đã nhờ vào cộng sản mà chiến thắng được ngoại xâm, giành được độc lập, thống nhất. Con chống lại cộng sản thì khác gì chống lại Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối, khác gì phủ nhận một giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Con: Thưa ba, những người cách mạng như ba và nhiều vị khác, những chiến sĩ đã hy sinh xương máu trên mọi mặt trận cũng như nhiều người đang sống đã có chỗ hơi bị nhầm lẫn, cứ tưởng rằng nhờ chủ thuyết cộng sản, nhờ chủ nghĩa Mác Lê nin mà dân tộc ta chiến thắng được ngoại xâm, giành được độc lập thống nhất. Có sự nhầm lẫn ấy là vì những người như Bác Hồ, Võ đại tướng và nhiều người CM khác thành lập ra đảng cộng sản, ở trong đảng, mà đảng lại theo học thuyết Mác Lê nin. Trước đây con cũng nhầm như vậy, nhưng sau khi biết nhiều, suy nghĩ nhiều, chiêm nghiệm nhiều mới thấy rõ bản chất không phải thế. Nguyên nhân cơ bản nhất, sâu xa nhất của chiến thắng ngoại xâm là lòng yêu nước vô hạn của dân tộc, là lòng căm thù giặc sâu sắc. Lòng yêu nước đó được những người yêu nước như Bác Hồ, như Võ đại tướng tập hợp, động viên nên đã phát huy sức mạnh. Những người Việt Nam dù mang danh là cộng sản hay không, khi chiến đấu, khi bị bắt bớ tù đày đều nêu cao lòng yêu nước. Các chiến sĩ trên mọi mặt trận khi xông lên, khi ngã xuống cũng được kích thích chủ yếu bởi lòng yêu nước.

Thưa ba, Cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin là gì. Là đấu tranh giai cấp, là cách mạng và chuyên chính vô sản, là chôn vùi các giai cấp bóc lột, là công hữu hóa, là độc quyền lãnh đạo, là "chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành", là " những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp". Có phải những chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên, mặt trận Quảng Trị và mọi nơi khác vì những thứ đó mà hy sinh xương máu hay vì lòng yêu nước.

Những người lãnh đạo của VN đã thực hiện chủ nghĩa Mác Lênin ở đâu, như thế nào. Đó là cải cách ruộng đất đã mang lại tai họa cho phần lớn dân tộc, mang lại tổn thất cho cách mạng, là cải tạo tư sản, là hợp tác hóa nông nghiệp đã mang lại sự kiệt quệ nền kinh tế, là sự đàn áp các tư tưởng trái chiều đã mang lại nỗi khiếp sợ cho nhiều người và bóp nghẹt tự do. Đảng cộng sản Việt Nam hễ cứ khi nào tìm cách vận dụng chủ nghĩa Mác là đều gặp tai họa. Có người cố tình biện luận dù sao cải cách ruộng đất cũng thắng lợi cơ bản vì đã đem lại ruộng đất cho nông dân. Đó là ngụy biện vì hoàn toàn có thể làm cho người cày có ruộng bằng các cách khác nhân văn hơn, hiệu quả hơn. Mà đưa lại ruộng đất cho nông dân chỉ trong vài ba năm rồi lại công hữu hóa toàn bộ, lại để người nông dân chỉ được phép sử dụng mà không có quyền sỏ hữu thì làm cải cách ruộng đất mà làm gì. Khi gặp phải sai lầm, người ta cố tình đổ lỗi cho việc thực hiện, đổ lỗi cho người thực hiện, đổ lỗi cho sự áp đặt của ai đó mà không thấy cái sai từ trong gốc rễ. Người ta một phần vì yêu quý Mác, một phần vì sợ một thứ gì đó, phần nữa vì đầu óc nô lệ mà không dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những sai lầm tại gốc của chủ nghĩa Mác. Người ta bao che, cho rằng trước đây chủ nghĩa Mác rất đúng, duy nhất đúng, còn bây giờ, có một phần nào đó không còn thích hợp, nhưng cơ bản vẫn là đúng. Thưa ba, con và nhiều người VN cũng như nhiều dân tộc trên thế giới đã thấy cái sai từ gốc rễ của chủ nghĩa Mác.

Thưa ba, sau mỗi lần thất bại nặng nề vì vận dụng chủ nghĩa Mác thì một số người trong hàng ngũ lãnh đạo cũng nhìn ra sai lầm, rồi nào là sửa sai cải cách ruộng đất, nào là khoán 10, nào là mở cửa. Họ lại kể thành tích, lại cho là sáng suốt. Họ bảo nông dân nhờ ơn họ được cởi trói, vậy ai đã trói nông dân. Họ bảo nhờ ơn họ mà cửa được mở, vậy ai đã đóng cửa.. Nếu không làm sai có phải tốt hơn nhiều so với việc làm sai rồi sửa không. Có nhiều người so sánh với thời gian cách đây vài chục năm, lúc mới ra khỏi chiến tranh, đói rét, thiếu thốn trăm bề, nay đời sống khá hơn và quy công cho lãnh đạo, cho chủ nghĩa. Có phải thật như thế không. Nếu không phạm sai lầm, nếu bớt được tham nhũng và lãng phí, nếu nhân dân được thực sự tự do phát triển thì có phải đời sống chỉ như bây giờ hay khác đi. Cũng trong thời gian vài chục năm sau chiến tranh hoặc sau khi được độc lập thử hỏi các nước không theo Mác như Nhật, Đức, Hàn Quốc ( bị tàn phá nhiều hơn VN ), như Đài Loan, Singapore, Malaysia … họ phát triển như thế nào. Cứ mỗi lần thấy và sửa chữa sai lầm họ lại bảo là nhờ sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác. Đó là sự ngụy biện trắng trợn, chỉ lừa được một số người kém hiểu biết và quá tin vào họ, còn thực chất đó là nhờ làm ngược lại chủ nghĩa Mác.

Thưa ba, cũng xin đừng nhầm lẫn mà ghép những người cầm quyền hiện nay với các bậc tiền bối như Bác Hồ, Võ đại tướng và nhiều chiến sĩ khác vào trong cùng một tổ chức. Tuy họ cùng ở trong một đảng có cùng tên nhưng đó là hai đảng khác nhau hoàn toàn về chất. Một đảng trước đây, tuy lấy tên cộng sản nhưng thực chất là đảng của những người yêu nước, đấu tranh, hy sinh cho độc lập của dân tộc, một số người nói rằng đó là đội tiên phong của giai cấp công nhân thì chỉ là một lũ sáo, vẹt mà thôi. Một đảng hiện nay cũng tên là cộng sản nhưng là của những người thống trị, có nhiều đặc quyền, đặc lợi, họ cũng nói là đội tiên phong của công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc nhưng thực chất không phải như vậy. Những người của đảng sau này đã lợi dụng thành quả, lợi dụng xương máu của những người thuộc đảng trước, phản bội lại lý tưởng những người trước. Bọn họ thường đem công lao, đem sự hy sinh của những người trước làm bình phong, làm lá chắn cho mình.

Có một số người không biết vì lý do gì cố tình bao che, nói rằng "thì đảng vẫn thấy được sai lầm, công nhận sai lầm, vẫn tìm cách làm trong sạch, vẫn tích cực chống tham nhũng v.v..đấy chứ". Vâng, bề ngoài thì đúng như thế vì những sự thối nát là quá rõ ràng, không có cách nào che giấu được. Bị buộc phải nói đến " làm trong sạch", nói đến " chống cái nọ cái kia", một phần là vì không thể không nói, phần nữa cũng nhằm lừa những người dễ tin, chứ nhìn vào thực tế thì liệu thực hiện được bao nhiêu hay chỉ nói cho qua chuyện. Việc công khai công nhận những sai lầm rồi tìm cách đổ lỗi cho người nọ người kia, đó là một thủ đoạn mị dân chứ không phải là thực chất.

Cha: Ba thấy những lập luận của con cũng có thể nghe được, nhưng thử hỏi, đất nước này không do đảng cộng sản lãnh đạo thì rồi chuyện gì sẽ xẩy ra, không theo chủ nghĩa Mác thì theo chủ nghĩa nào. Ba chưa nghe con nói đến đa nguyên đa đảng, chỉ mới nghe nói đến đấu tranh cho dân chủ, nhưng dân chủ dựa trên chủ thuyết nào. Nếu nói đến dân chủ, cần đảng đối lập thì đảng thứ hai, đảng đối lập ấy sẽ từ đâu ra, phải chăng đó sẽ là những thế lực vẫn chống đối từ trước đến nay mà một số đang lén lút ở trong nước, số khác đang dựa vào thế lực nước ngoài. Nếu cho đa đảng thì rồi sẽ mọc ra hàng chục đảng khác nhau, dân tộc bị chia rẽ như thời 12 sứ quân, lại xảy ra tranh giành quyền lực và nội chiến. Không thể để xẩy ra cảnh tranh giành quyền lực, cảnh chia rẽ, cảnh nồi da xáo thịt.

Con: Con nhất trí với ba là dân tộc này không thể để xẩy ra cảnh chia rẽ, tranh giành, nồi da xáo thịt. Con nói đấu tranh cho dân chủ chứ không đòi đa đảng vì con biết dân chủ mới là mục đích cao hơn, còn đa đảng hay không chỉ là phương tiện. Một đảng hoặc không đảng nào cả vẫn có thể thực hành tốt nền dân chủ, nhưng đa đảng thì dễ thực hiện hơn. Ngay dân chủ cũng chưa phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là phương tiện để đạt đến cái cao hơn là đời sống thực sự hạnh phúc, tự do. Sẽ là rất tốt nếu xã hội không cần đảng nào cả, nhân dân sẽ bầu cử tự do để chọn ra người thật sự có tài năng và đạo đức để quản lý xã hội. Nếu người được bầu tỏ ra không xứng đáng nhân dân sẽ bãi miễn và bầu ra người khác xứng đáng hơn.Thử hỏi, khi cử ra người đứng đầu chính quyền cấp nào đó để điều hành là đã tin người ấy có đủ năng lực, thế thì cần gì phải có cơ quan đảng bên cạnh để lãnh đạo, làm như thế là một lúc có 2 chính quyền, tốn kém và dẫm đạp lên nhau.Trong quá trình vận động của cách mạng việc xác định sự lãnh đạo của đảng là cần thiết, còn khi đã có được độc lập, thống nhất mà bày ra trò "đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý" là việc làm sai lầm, chỉ nhằm thực hiện chế độ "toàn trị độc đoán", một kiểu vua Lê chúa Trịnh kiểu mới. Trong các nước theo thể chế dân chủ chỉ có đảng cầm quyền, không có khái niệm "đảng lãnh đạo", không có cơ sở đảng kèm chặt chính quyền, kèm chặt người dân đến tận từng tổ dân phố, từng tổ công tác. Nếu người của đảng tài giỏi thì cứ để vị đó đứng đầu chính quyền cho xong, bớt được bao tốn kém và rắc rối. Nếu chỉ có 1 đảng mà đảng đó thực sự đặt quyền lợi của dân tộc, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết chứ không phải để thi hành một học thuyết nào đó phục vụ cho quyền lợi riêng của đảng, một đảng thực sự có năng lực và trong sạch thì vẫn thực thi được dân chủ. Khi những người lãnh đạo đảng đó thấy mình bị sai một chỗ nào thì phải tự rút lui, khi biết đảng đã đi sai đường hoặc bị bệnh quá nặng, đã thối nát không cách gì chữa được thì phải tự giải tán để nhường chỗ cho những người tài năng hơn lập ra 1 đảng mới để lãnh đạo. Để đánh giá mức độ chân chính của con người hãy nhìn vào việc xử sự của người đó khi sử dụng quyền lực, khi quyền lợi bị va chạm, khi được chỉ ra những sai lầm. Ba thử vận dụng điều này cho đảng cộng sản hiện nay xem như thế nào. Chuyên chế và dân chủ đều có ưu và nhược điểm của nó. Quan trọng hơn là phẩm chất của những người đứng đầu. Nếu chuyên chế mà người đứng đầu thực sự có tài năng và đạo đức thì vẫn rất tốt. Tấm gương về Pie đại đế, Minh trị thiên hoàng, Hoàng đế Càn Long, đức vua Trần Nhân Tông, tổng thống Pắc Chung Hy là những thí dụ. Tuy vậy nền chuyên chế lại dễ để chính quyền rơi vào tay những kẻ tham lam, cơ hội với nhiều thủ đoạn đểu cáng. Lúc này bọn cầm quyền sẽ tìm đủ mọi cách, kể cả lừa dối, đàn áp để duy trì sự thống trị, lúc này dân tộc sẽ chịu nhiều thảm họa. Phần lớn thời gian thuộc vua Lê chúa Trịnh là như vậy… Nền dân chủ nhưng gặp phải những người cầm quyền kém năng lực thì xã hội cũng dễ rơi vào hỗn loạn, nhưng sẽ kéo dài không lâu vì nhân dân sẽ tìm cách thay đổi. Chính vì vậy mà nhìn chung thì nền dân chủ vẫn tốt hơn nền chuyên chế với sự độc quyền của một người hoặc một nhóm người.

Thưa ba, Ý kiến cho rằng nếu có một đảng đối lập thì đảng đó phải bao gồm những kẻ nguyên là từ phía bên kia, là tay sai của ngoại quốc là một lập luận mới nghe qua thì thấy có lý và thuyết phục được những người cả tin, nhưng thực chất thì đó là một kiểu ngụy biện nguy hiểm, dựa vào sự đánh tráo khái niệm một cách thô thiển, nhằm lừa bịp một số người yếu kém trình độ lý luận, thiếu kinh nghiệm cuộc sống, dễ tin vào sự tuyên truyền một chiều. Thử hỏi những đảng đối lập với đảng cộng sản ở Nga, Ucraina, Belôrutxia, Azerbaidan, Gruzia, Balan, Tiệp, Bungari, Rumani, Mông Cổ v.v..là ở đâu ra, có phải vẫn từ trong các đảng cộng sản mà ra, từ trong các dân tộc đó mà ra… Thử hỏi Enxin, Putin, Metvêđep từ đâu ra, có phải cũng chính từ trong đảng cộng sản.

Dân chủ, trước hết phải có ở trong đảng. Thực ra sẽ là đẹp nhất cho dân tộc nếu những người lãnh đạo của đảng nhìn sa sự sai lầm của học thuyết đấu tranh giai cấp, của chuyên chính vô sản mà từ bỏ chủ nghĩa Mác, từ bỏ độc quyền, mở rộng tự do dân chủ thật sự. Sẽ rất tốt cho đảng nếu những người đang cầm quyền thấy được bản chất, nguyên nhân sâu xa và cơ bản của sự thối nát của mình mà tự rút lui, nhường quyền lãnh đạo cho những thế lực tiến bộ trong đảng. Tấm gương về đất nước Myanma gần đây là một thí dụ thực tế vô cùng sinh động. Những người cầm quyền độc tài trong mấy chục năm đã giác ngộ, tự rút lui, nhường quyền lại cho những người dân chủ. Đất nước Myanma đang phát triển rất tốt đẹp. Còn nếu như những kẻ cầm quyền không tự làm được cải cách, vẫn tìm đủ mọi biện pháp để duy trì sự thống trị, duy trì tình trạng thối nát thì trước hết những người ở trong đảng có giác ngộ về quyền lợi dân tộc, những người thực sự muốn cứu vớt đảng, đưa đảng trở về với tổ chức của những người yêu nước thời đại Hồ Chí Minh sẽ lên tiếng, sẽ đấu tranh để loại bỏ bè lũ thống trị độc tài.

Con hình dung như sau: Trong một kỳ đại hội hoặc kỳ họp trung ương đảng, một số người ưu tú sẽ đề xuất phương án cải cách, đổi mới đảng toàn diện, lấy lại tên Đảng Lao động như Bác Hồ đã đặt, thực thi dân chủ, dân quyền, xóa bỏ độc quyền, từ bỏ luận thuyết đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, bỏ điều 4 của Hiến pháp v.v… Làm được như thế thì không những phụng sự được Tổ quốc, dân tộc, phát triển được đất nước mà còn bảo vệ được, nâng cao được uy tín của đảng. Đây sẽ là một cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phái trong đảng. Nếu phái cải cách thắng lợi thì đó là phúc lớn cho dân cho nước và cả cho đảng. Nếu phái bảo thủ thắng thì phái cải cách tuyên bố tách ra, thành lập một đảng khác lấy tên là Đảng Lao động, là đảng đối lập với đảng CS đang cầm quyền. Đảng đối lập sẽ là một đảng như vậy, nó được tách ra từ đảng CS chứ không phải là một đảng từ ngoài du nhập vào, đảng đó sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Luận điệu tuyên truyền cho rằng đảng đối lập nhất định là tay sai của nước ngoài rõ ràng là luận điệu của những kẻ kém hiểu biết hoặc nhằm lừa bịp những người ít hiểu biết, ít chịu khó suy nghĩ. Con tin chắc rằng khi một đảng Lao động như vậy được thành lập sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn dân. Thưa ba, Con thật sự thất vọng khi những người lãnh đạo của VN mắc mưu bọn Tàu tại hội nghị Thành Đô 1990, kiên quyết giương cao ngọn cờ cách mạng vô sản theo chủ thuyết Mác. Ngọn cờ đó đã bị Liên Xô và các nước Đông Âu vứt bỏ không thương tiếc. Bọn Tàu cố giữ lại chẳng qua chỉ là hình thức, chủ yếu là để lợi dụng sự độc quyền, sự toàn trị của cộng sản để khống chế nhân dân, để lừa những nước kém hiểu biết như chúng ta. Phải chăng những người lãnh đạo của VN cố kiên trì chủ nghĩa Mác cũng là để thỏa mãn tính háo danh, tính huyênh hoang tự cho rằng ta đây là lực lượng tiên phong của phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới, rằng đảng CS Việt nam hơn hẳn đảng của Liên Xô và các nước Đông Âu, rằng ngọn cờ đầu của CM thế giới đã được trao vào tay chúng ta..Việt Nam lại nhầm mà cho rằng hiện tại ta có nhiều quan hệ tốt và nhiều bạn bè trên toàn thế giới, họ sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ. Con phát hiện ra điều ngược lại là sau hội nghị Thành Đô năm 1990, Việt Nam bị Trung Quốc lừa đến nỗi rơi vào tình thế cô độc hơn bao giờ hết, nếu không tìm cách thoát ra thì sẽ bị lệ thuộc vào cộng sản Tàu hoàn toàn. Trong các cường quốc trên thế giới, ngoài Tàu ra không có một nước nào ủng hộ cộng sản, họ hoặc là chống lại, hoặc là từ bỏ. Ba có biết nhiều học giả lớn của thế giới đã tổng kết từ lý thuyết và thực tiễn, chỉ ra rằng, về độc tài, về mất dân chủ và không tôn trọng nhân quyền thì cộng sản chỉ xếp sau phát xít. Vì Việt Nam kiên trì chủ nghĩa cộng sản nên tuy có nhiều bạn nhưng chỉ là bạn bè, quan hệ ngoại giao và buôn bán chứ không có bạn thân thiết, không có bạn cùng chí hướng. Các nước quan hệ với Việt Nam theo kiểu "Khi vui cùng vỗ tay vào. Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai". Khi Việt Nam gặp khó khăn, đặc biệt là khi có tranh chấp về lãnh thổ với cộng sản Tàu sẽ có rất nhiều người lên tiếng ủng hộ nhưng chủ yếu chỉ ủng hộ bằng mồm, không có mấy ai ủng hộ thật lòng. Hiện nay thế giới ghét Tàu mười phần thì cũng ghét Việt Nam sáu, bảy phần. Thế giới đã rất thương yêu và cảm phục Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng sau đó, với sự chiếm đóng dài ngày Cămpuchia, với sự ngoan cố duy trì ách cộng sản, với sự đàn áp các thế lực dân chủ bất đồng chính kiến, với sự tham nhũng và mua quan bán tước tràn lan thì thế giới chỉ còn chơi với Việt Nam một cách dè chừng. Sau vụ giàn khoan 981 nhiều người bàn đến chuyện thoát Trung, con nghĩ rằng quan trọng hơn là thoát cộng. Ta với Trung Quốc ở cạnh nhau, chịu nhiều ảnh hưởng về văn hóa và kinh tế, khó có thể cắt rời hoàn toàn mọi quan hệ. Khi thoát được cộng thì dễ dàng thoát được sự kiềm chế của Trung Quốc về chính trị, mới giữ được độc lập đúng nghĩa.

Khi Việt Nam từ bỏ chủ thuyết cộng sản thì không những được nhiều cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada, Ý, Úc… hợp tác chân thành mà còn tăng cường được khối đoàn kết và sức mạnh của dân tộc, sẽ lôi kéo được những người con yêu nước, trước đây chống cộng, nay trở về trong lòng dân tộc.

Thưa ba, ba ngại việc làm của con có gì đó phản lại Bác Hồ. Không, không những con không phản lại Bác Hồ mà còn bảo vệ lý tưởng của Bác. Trên thế giới và trong nước đã từng có nhiều thảo luận xem Hồ Chí Minh là dân tộc hay cộng sản. Nhiều người nghiên cứu và khẳng định Bác Hồ là con người dân tộc. Bác tạm thời phải theo luận cương của Lênin, tạm thời phải theo Quốc tế cộng sản chỉ là điều bắt buộc, để lợi dụng phong trào cách mạng vô sản mà giải phóng dân tộc, chứ thật tâm có lẽ Bác không tin gì vào lý thuyết cộng sản. Khi thành lập đảng cộng sản Việt nam năm 1930 Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra luận cương cách mạng dân tộc phản đế. Luận cương đó chỉ sau chưa đến 1 năm đã bị Trần Phú, theo chỉ thị của Quốc tế cộng sản, bác bỏ hoàn toàn. Con đã đọc lại hàng chục lần di chúc của Bác, phân tích từng câu, từng chữ để hiếu đúng bản chất. Bác chỉ mong ước xây dựng đất nước thống nhất, hòa bình, dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc. Bác không nói đến đấu tranh giai cấp, không nói đến chuyên chính vô sản, không nói đến chủ nghĩa xã hội và cộng sản, không nói đến việc học tập chủ nghĩa Mác Lê nin. Nếu cần kể ra những kẻ đã phản bội Bác Hồ thì đó chính là tập đoàn lãnh đạo của đảng ngay sau khi Bác vừa mất. Hỏi ai đã sửa đổi một số nội dung di chúc của Bác, sửa như thế nhằm mục đích gì. Hỏi ai đã xóa bỏ tên nước và tên đảng do Bác lập ra, sửa thế để làm gì. Hỏi bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, có phải là vấn đề xây dựng nhà nước và đảng không, nếu vậy thì những ai là người đầu tiên phải học, họ có học không hay chỉ yêu cầu người khác học.

Ba băn khoăn, nếu không theo chủ nghĩa Mác thì theo chủ nghĩa nào. Thưa ba, lý thuyết này, lý thuyết nọ, chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia chỉ là những vấn đề mà một số nhà khoa học quan tâm, rồi lập ra các trường phái. Những người lãnh đạo và quản lý đất nước có thể và nên tham khảo các chủ nghĩa để chọn cách hành động cho hợp lòng dân chứ không bắt buộc phải theo một chủ nghĩa nào nào cả. Có người đã đưa ra một khái niệm vô cùng sai lầm về nhà nước, cho rằng nhà nước là công cụ của một giai cấp này nhằm thống trị giai cấp khác. Không thể như thế. Nếu có nhà nước như thế thì đó là một nhà nước vô cùng phản động, người chủ trương thiết lập nhà nước như thế là một kẻ độc tài. Việc tôn sùng một chủ nghĩa, cho rằng phải theo một chủ nghĩa mới lãnh đạo và quản lý được nhà nước, việc phân chia thế giới thành chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội chỉ là lập luận phiến diện của những người theo Mác mà thôi chứ về bản chất người ta thường chỉ quan tâm đến chế độ dân chủ hay độc tài. Một số người băn khoăn là nếu không theo chủ thuyết cộng sản thì phải theo chủ thuyết tư bản, mà tư bản gắn với đế quốc xâm lược, gắn với bóc lột và áp bức. Đó là một nhận thức sai lầm, cũng do những người cộng sản đưa ra để lừa bịp và hù dọa thiên hạ. Thử hỏi những nước như Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Ba Lan, Singapore, Niu dilân, Malaysia và hàng trăm nước khác không theo cộng sản thì họ đã xâm lược ai, bóc lột và áp bức ai, nhân dân của họ sống như thế nào.

Có lập luận cho rằng hễ có đa đảng sẽ xấy ra tranh giành quyền lực như thời 12 sứ quân, đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn, có thể xấy ra nội chiến. Đó cũng là một lập luận ngụy biện, một kiếu suy diễn võ đoán. Đúng là có đa đảng sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, cũng như có nhiều tôn giáo với các giáo lý khác nhau, nếu có đấu tranh về quan điểm thì chủ yếu là bằng ngôn luận, bằng thông tin chứ không phải bằng vũ lực. Tuyệt đại đa số các nước có chế độ đa đảng đã chứng minh điều đó. Trong thời gian gần đây, có một số cuộc đấu tranh vũ trang ở một số nước thì nguyên nhân chính là do độc tài, chuyên chế của chính quyền chứ không phải do nền dân chủ.

Cha: Những điều con nói ba cũng đã từng suy nghĩ. Từ lúc còn sống ba cũng có lúc trao đổi với bạn bè, nghi ngờ sự đúng đắn của lý thuyết cộng sản. Nhưng con giải thích thế nào khi Bác Hồ và đảng ta nhờ theo lý thuyết đó mà đã giành được thắng lợi. Con nghĩ thế nào khi hàng chục triệu đảng viên và người dân Việt Nam đã một lòng tin tưởng vào Bác Hồ, vào đảng cộng sản, bây giờ họ có chịu nghe nói ngược lại về sai lầm của chủ nghĩa cộng sản hay không và việc nhà nước công khai từ bỏ ý thức hệ cộng sản liệu có nối giáo cho những người chống cộng từ trước có cơ nổi dậy làm rối loạn đất nước hay không?.

Con: Thưa ba, Điều ba vừa nói không phải chỉ là suy nghĩ của ba mà là của số đông những người Việt Nam chân chính, những người đã từng theo Bác Hồ làm cách mạng giải phóng dân tộc. Như con đã trình bày, mong ước lớn nhất của Bác Hồ là độc lập, thống nhất đất nước, là tự do, hạnh phúc cho nhân dân chứ không phải là xây dựng chủ nghĩa xã hội hoặc cộng sản. Bác là con người dân tộc. Việc Bác phải tạm thời theo cộng sản, tạm thời dựa vào phe xã hội chủ nghĩa chỉ là bắt buộc. Trước và sau cách mạng Tháng Tám Bác rất quan tâm đến việc liên lạc để nhận sự giúp đỡ từ Mỹ. Bác biết thời đó Mỹ rất ghét cộng sản, vì thế Bác đã công khai tuyên bố giải tán đảng cộng sản ngày 11 tháng 11 năm 1945 để rút vào hoạt động bí mật . Tiếc rằng việc làm này bị CIA phát hiện và Mỹ cho rằng ta định lừa dối nên đã không trả lời các bức thư của Bác. Một sự thật hiển nhiên là đảng lãnh đạo cách mạng và kháng chiến thắng lợi và đảng theo chủ nghĩa Mác Lê nin. Tuy vậy như con đã phân tích có được thắng lợi chủ yếu là do lòng yêu nước, do truyền thống dân tộc chứ không phải do các lý thuyết của Mác về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về công hữu hóa tư liệu sản xuất v.v…Như con đã trình bày, cứ mỗi lần đảng cố tình vận dụng lý thuyết của Mác là mỗi lần thất bại thảm hại, mang lại nhiều tổn thất cho dân tộc. Như vậy sự thắng lợi của Việt Nam trong thời gian vừa qua chủ yếu không phải do chủ nghĩa Mác. Con còn có thể chứng minh nhiều tệ hại của xã hội Việt nam hiện nay như tham nhũng, chuyên quyền và quan liêu, nạn mua quan bán tước và danh vị, tệ gian dối, sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội đều có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa Mác. Suy cho cùng chủ nghĩa Mác đem lại cho dân tộc Việt Nam cũng như cho nhân loại lợi ít, hại nhiều. Khi những người cách mạng Việt nam dựa vào chủ nghĩa Mác, tổ chức ra đảng cộng sản để đánh đuổi thực dân, giành độc lập thì chẳng khác nào " đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau", để lại tai họa cho dân tộc.

Hàng trăm triệu người ở Liên Xô và Đông Âu đã từng nhận thức nhầm về chủ nghĩa Mác, họ đã tỉnh ngộ ra và từ bỏ. Hàng chục triệu người Việt, do sự tuyên truyền một chiều đã nhận thức nhầm, cho là Mác hoàn toàn đúng, chủ nghĩa Mác hoàn toàn tốt đẹp. Nếu bây giờ những người ưu tú của dân tộc, dù ở trong hay ngoài đảng cộng sản, được tự do, công khai giải thích, tranh luận để cho toàn đảng, toàn dân thấy rõ thực chất cái đúng, cái sai của Mác thì con chắc là mọi người sẽ nhận ra việc cần làm. Con tin là dân tộc Việt Nam khi được tự do tư tưởng sẽ có đủ trí tuệ để nhận ra chân lý và cũng sẽ vui vẻ từ bỏ Mác như nhân dân Liên Xô và Đông Âu đã từng làm. Để tránh mọi phiền phức chỉ cần đổi tên đảng, không gọi đảng cộng sản nữa. Ai còn cho học thuyết của Mác là hay thì cứ lập ra tổ chức mà hoạt động, mà tuyên truyền.

Ba ngại những người chống cộng trước đây sẽ nhân cơ hội mà gây rối loạn. Con lại nghĩ khác. Họ sẽ rất phấn khởi được hân hoan trở về trong lòng dân tộc, hợp sức với toàn dân xây dựng đất nước. Họ là những người yêu nước chân chính. Trước đây chỉ vì ý thức hệ mà những người cộng sản đẩy họ sang hàng ngũ kẻ thù. Nay xóa bỏ ý thức hệ, không còn cộng sản thì cũng không còn phe phái quốc gia.

Thiên sứ: Hôm nay cho phép cha con ngươi gặp nhau, trao đổi đến đây. Cồ Hân, ngươi định thuyết phục con bỏ hoạt động đang theo đuổi để quay về với lý tưởng cộng sản, nhưng không ngờ ngươi đã bị con thuyết phục ngược lại. Ngươi hãy về, tĩnh tâm suy nghĩ, nếu thấy lập luận của Cồ Huy có chỗ nào sai thì cứ phản bác, ta sẽ tạo điều kiện cho các ngươi gặp nhau để trao đổi thêm, chỉ nhắc ngươi là phải điều tra kỹ càng để biết rõ tình hình thực tế, không nên nghe theo một chiều mà vướng vào tội vô minh.

Thiên sứ chỉ vào tôi và dặn: còn ngươi, hãy nhớ lấy mọi điều đã nghe ở đây và tường thuật lại cho bạn bè tham khảo.

Tôi được Thiên sứ cầm phất trần gõ nhẹ vào đầu và tỉnh dậy.

N.Đ.C

Tác giả gửi BVN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét