Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Bí mật Ngũ Giác Đài – Phần IV. B. 5 – Kỳ 1 (Nguyễn Quốc Vĩ dịch)

Nguồn ethongluan

"…sự đồng lõa của chúng ta trong việc lật đổ Diệm đã nêu cao trách nhiệm và cam kết của chúng ta cho một Việt Nam nay như rắn mất đầu…"

DIỄN TIẾN CỦA CHIẾN TRANH

Lật Đổ Ngô Đình Diệm
Tháng Năm – Tháng Mười Một, 1963

Lời người dịch:

Sau khi dịch Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I và Phần II, tôi tạm gác qua một bên việc dịch Bí Mật Ngũ Giác Đài từ Phần III và đi thẳng dịch phần IV-B-5 là do những email nhận được từ bạn bè nhiều nơi và xem các websites tiếc thương cố TT Ngô Đình Diệm và người em Ngô Đình Nhu (trong Lời người dịch, chữ 'tài liệu' chỉ tài liệu Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần IV-B-5). Những năm trước 1963, đã ít nhất một lần cùng các bạn thời tiểu học cầm cờ đứng dọc đường cả buổi để đón "nhà chí sĩ", đã nghe bao lần "Suy Tôn Ngô Tổng Thống", trong lòng thấy kỳ kỳ. Năm 1963, tôi lần đầu tiên được biết mùi lựu đạn cay, được các bà các cô tiếp tế chanh, nước – mẹ tôi cùng cả hàng xóm suốt con đường (và nhiều con đường khác) mang bàn thờ Phật đặt ra giữa đường, lần đầu tiên đi meeting và nghe hai chữ "Cách Mạng".

Dịch xong tài liệu này, tôi đã rất vui tìm ra câu trả lời cho "Vì sao ông Diệm là Thủ Tướng cho Vua Bảo Đại mà lại lật Bảo Đại ? Diệm có phải là người tốt không?" – Câu trả lời là ông Diệm đã làm đúng, nên làm và phải làm vì Bảo Đại là một ông Vua chỉ biết ăn chơi, đua ngựa, hộp đêm, chơi xe, đánh bạc và tự mình đã rút về ở Cannes (cạnh Vương Quốc Monaco, khu ăn chơi đánh bạc hàng cao cấp ở miền Nam nước Pháp), mọi việc ở Nam Việt Nam đều giao cho ông Diệm. Đất nước không nên, không cần có thứ Vua đó. Và tôi cũng khám phá rằng TT Diệm là một kẻ sĩ rất chân chính, tuy rằng cách cai trị của ông nặng câu 'vua cho ra vua – thần, dân cho ra thần, dân' . Giờ chót, từ nơi trốn ẩn, chính ông đã ra lệnh cho Liên Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ đầu hang để không làm đổ máu thêm vô ích … Nếu có trách ông độc tài thì không sai nhưng không cần vì thứ độc tài kiểu Thủ Tướng Lý Quang Diệu Singapour đã rất nhiều người ngưỡng mộ.

Trong thời gian dịch, tự mình không thỏa mãn bởi những thông tin trong tài liệu, tôi kiếm trên Net và tình cờ lại đọc được "BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-65" (a) của cố Linh Mục Viện Trưởng viện Đại Học Huế, "LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẾT MỘT TỔNG THỐNG" (b) do sử gia Cao Thế Dung và ông Lương Khải Minh (tức Bác Sĩ Trần Kim Tuyến nguyên là người đứng đầu Tình Báo của ông Diệm) viết tại Sàigon năm 1970 trước cả khi tài liệu Bí Mật Ngũ Giác Đài được soạn thảo năm 1974. Có rất nhiều bài viết về gia đình TT Diệm, nhưng đại đa số gồm quá nhiều phán xét theo kiểu "thương nhau.. ghét nhau" vả lại cũng không đủa ngày giờ mà đoc. Từ các nguồn trên cộng với những gì tôi đã được đọc, nghe đây đó mấy mươi năm qua tôi có một số suy nghĩ chủ quan sau.

Dịch xong phần này tôi có cảm tưởng là có nhiều sự thực được che dấu trong tài liệu vì có những chuyện quan trọng như việc TT Thích Trí Quang tỵ nạn sống nhiều ngày trong Tòa Đại Sứ Mỹ mà không hề có một câu chữ nào nói về việc ông ấy làm gì trong những ngày ấy. Cái logic chính trị cho thấy TT Quang là người lãnh đạo trong biến động Phật Giáo không thể ở chơi, ngâm thơ đọc báo … chuyện Sứ Quán Mỹ nhận được tin đồn là ông Nhu đã liên lạc với bên kia để hiệp thương thống nhất mà hoàn toàn không có một phản ứng nào ngoài một giòng ngắn được ghi nhận trong tài liệu và nhất là thế chiến lược vô cùng quan trọng của Nam Việt Nam, một trong những "tiền đồn" cho người Mỹ chống và ngăn chận Cộng Sản bành trướng. Gặp gỡ này đã được ghi nhận trong cuốn (b) và trong bài phỏng vấn "CAO XUÂN VĨ KỂ VIỆC NGÔ ĐÌNH NHU BÍ MẬT GẶP ÔNG PHẠM HÙNG Ở KHU RỪNG TÁNH LINH-BÌNH TUY ". Theo bài phỏng vấn này ông Nhu đã liên lạc với Miền Bắc vào năm 1962 thông qua Giáo Sư Bửu Hội …

Từ đó tôi lại vẩn vơ:

Trong vòng đai an ninh tiền Thái Bình Dương của Mỹ để ngăn chận làn sóng đỏ từ Trung Cộng, Việt Nam là một trong những mắt xích của vòng đai đó. Khi một âm mưu thống nhất và muốn biến Việt Nam thành nước Trung Lập, đối với chiến lược vòng đai an ninh, là một chuyện tày trời làm sao người Mỹ chỉ xem là chuyện tin đồn nói để mà chơi … Và có lẽ phía Bắc cũng thế, khi Chu Ân Lai ép Hồ Chí Minh nhận vĩ tuyến 16 làm đường chia cách Việt Nam (sau kèn cựa thành vĩ tuyến 17) cái thế Việt Nam là vùng đệm để ngăn Mỹ và để tạo điều kiện "bung" ra lớn hơn. Nếu tình báo Mỹ ở Nam Việt Nam biết, thì không có gì cấm tình báo Tàu đỏ không biết được, có khi họ lại bảo cho nhau nghe trong tình nghĩa "răng môi" ớn lạnh. Và có lẽ từ đó cả ông Hồ cũng bị khống chế bởi ai đó vì như theo tính cách của ông Hồ mà tài liệu Bí Mật Ngũ Giác Đài I cho thấy là giải pháp hiệp thương rồi thống nhất trung lập là hết sức hấp dẫn cho ông… Và ai đó theo tôi là cặp bài trùng Duẫn-Thọ và kẻ phò Tàu thâm canh Trường Chinh … (ai đó bảo tôi vẩn vơ thì xin chứng minh là tôi sai).

TT Diệm bản thân là một quan lại thanh liêm sĩ khí và chính cái sĩ khí cứng đầu đó đã góp phần giết ông. Đại Sứ Cabot Lodge là con cáo già chính trị đã lèo lái và qua mặt cả các chỉ đạo từ Washington là không được tích cực tham gia âm mưu đảo chính nhưng đã thực hiện những hành động ngầm nhưng còn hơn là tích cực. Lão già này biết rất rõ mọi bước đi của bọn tướng lãnh trong phe đảo chánh, biết rõ đến nỗi trong lần liên lạc chót qua phone với TT Diệm đã đưa ra đề nghị cứu mạng sống cho TT Diệm. Thời gian ngắn sau anh anh em TT Diệm bị giết thảm thương. Đại Sứ Mỹ Frederic E. Nolting đã nói rất nặng về người thay ông làm Đại Sứ ở VNCH (c) cũng như Cụ Trần Văn Hương đã khinh miệt bọn Tướng bất tài nay đã rõ (d) .
Ai giết? Mọi chỉ dấu trong tài liệu hướng về phía Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân … Tài liệu Bí Mật Ngũ Giác Đài nhắc đến mối hận thù lâu ngày của Mai Hửu Xuân đối với ông Diệm … Kẻ phản bội đáng nguyền rủa nhất là tướng Tôn Thất Đính (được dư luân từ hồi tôi còn bé nghe là con nuôi hay con đỡ đầu của TT Diệm). Chính ông ta đã đưa ông Nhu vô tròng. Nhưng nói chung cả bọn tướng lãnh "ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa" (a goddam bunch of thugs) như Tổng Thống Johnson đã nói là thủ phạm … từ đó dẫn đến việc leo thang chiến tranh bao nhiêu người chết, bao gia đình tan nát để rồi họ xuống thang bán đứng Miền Nam cho Tàu Cộng …Không thể trách họ vì họ có quyền lợi tối thượng của đất nước của họ. Trách chăng là ở chỗ thủy chung và nói cho cùng nó cũng là một thứ "răng môi" thắm thiết.

Tôi nguyền rủa bọn Tướng ác ôn này là vì vào thời điểm trước biến cố Phật Giáo theo tài liệu Bí Mật Ngũ Giác Đài phần này cho thấy ba vùng chiến thuật I, II, III đến cuối năm 1964 là xem như chiến tranh chỉ sẽ còn những tấn công lẻ tẻ, vùng IV thêm một năm nữa (1965) là xong … Ở chiến trường thì thế, chính phủ lâm thời do Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ Tướng lại chọn toàn người không biết việc. Tưởng cũng nên nhắc lại là Thơ thời Tây làm Tỉnh Trưởng, đầu thời Diệm đã lừa Ba Cụt về đầu hàng rồi giết, là phó Tổng Thống cho ông Diệm 8 năm. Dương Văn Minh là cháu ông Thơ. Ông Diệm bị giết, ông Thơ nắm chức Thủ Tướng Chính phủ: liêm sĩ hay không liêm sĩ? Bá đạo hay không bá đạo? (khi có điều kiện tôi sẽ tìm hiểu cho biết, hay ai đó?)

"Ấp Chiến-Lược" bị hủy-bỏ bởi Sắc Luật số 103/SL/CT, do Thủ-Tướng Nguyễn Khánh ký ngày 9 tháng 3-1964 … Chín lần đảo chánh, chỉnh lý trong hai năm sau biến cố 1963 cộng thêm việc quân Mỹ tràn ngập miền Nam tạo nên chính nghĩa cho phe Cộng Sản, chiến tranh bùng phát kéo thêm cả chục năm chiến tranh, hàng triệu người chết và bị thương, hàng trăm ngàn gia đình ly tán để rồi chuyện gì xảy ra: "Đồng Minh Tháo Chạy" … Biết làm sao, vận nước … vận nước đầy nước mắt và đau thương… biết làm sao?

Từ ngày thảm kịch xảy ra 1.11.1963 cho đến nay nhiều câu hỏi về lãnh đạo Phật Giáo thời đó có dính gì đến Việt Cộng không? Tài liệu có câu "một phong trào "đấu tranh" toàn diện của Phật Giáo chứng minh là đã có một đầu não phức tạp với các kỹ thuật biểu tình công khai bởi một tổ chức chặc chẽ và kỷ luật" cho đến ngày này vẫn còn bỏ ngõ với câu hỏi lâu nay TT Thích Trí Quang đang ở đâu và làm gì?

Nếu ông Diệm giải quyết được vấn đề Phật Giáo có lẽ đã không chết thảm thì vận mệnh miền Nam và có lẽ cả vận mệnh Đất Nước đã khá hơn … Theo cuốn "LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẾT MỘT TỔNG THỐNG", giờ chót bà Ngô Đình Nhu đã làm hư chuyện không hòa giải được với Phật Giáo, từ đó đã bùng phát xáo trộn tạo thêm thế cho Cabot Lodge và bọn ác ôn đảo chánh. Phải chi bà Nhu đừng làm thế !!! Nhiều cái phải chi, nói để mơ ước và tiếc nuối …

(a) "BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-65": có nhiều websites đăng trên Internet

(b) "LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẾT MỘT TỔNG THỐNG": có nhiều websites đăng trên Internet

(c) Phỏng vấn Đại sứ Nolting: Ambassador, Henry Cabot Lodge, "to give encouragement to the military junta to revolt, on the stupid assumption that they could organize a better government and make more progress against the Viet Cong."

(d) Trần Văn Hương, stated that "The top generals who decided to murder Diem and his brother were scared to death. The generals knew very well that having no talent, no moral virtues, no political support whatsoever, they could not prevent a spectacular comeback of the president and Mr. Nhu if they were alive."

Paris đúng ngày Noel 25-12-2011
Nguyễn Quốc Vĩ

BÍ MẬT NGŨ GIÁC ĐÀI
PHẦN IV. B. 5

DIỄN TIẾN CỦA CHIẾN TRANH
Lật Đổ Ngô Đình Diệm
Tháng Năm – Tháng Mười Một, 1963

TÓM LƯỢC VÀ PHÂN TÍCH

Cuộc đảo chính Diệm là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử của chính sách của Mỹ có thể đã làm thay đổi cam kết của chúng ta. Các lựa chọn lúc ấy là: (1) cùng Diệm tiếp tục công việc nặng nề một cách hạn chế – mặc dù ông và Nhu càng ngày càng mất lòng dân, (2) khuyến khích hoặc mặc nhiên hỗ trợ lật đổ của Diệm, với rủi ro là Chính phủ Việt Nam có thể sụp đổ và/ hoặc thích nghi với Việt Cộng, và (3) nắm bắt cơ hội của sự bất ổn chính trị ở Nam Việt Nam, với những rủi ro rõ ràng, để rút [khỏi Việt Nam]. Lựa chọn đầu tiên đã bị từ chối vì tin rằng chúng ta không thể giành chiến thắng với Diệm-Nhu. Lựa chọn thứ ba chưa bao giờ được xem là một lựa chọn chính sách nghiêm túc vì giả định rằng một Nam Việt Nam, độc lập, phi cộng sản là quá quan trọng một lợi ích chiến lược để từ bỏ nó – và bởi vì tình hình không đủ trầm trọng để đưa ra những câu hỏi cơ bản cho một tình huống như thế. Giải pháp thứ hai đã được chọn chủ yếu là vì lựa chọn số một đã bị loại bỏ – Việt Nam được cho là quá quan trọng, chúng ta muốn chiến thắng, và dường các Tướng nổi loạn là khách hàng tiềm năng.

Với lựa chọn sẽ không làm gì để ngăn chặn cuộc đảo chính và mặc nhiên ủng hộ nó, Mỹ đã vô tình làm sâu sắc thêm sự tham gia của mình. Thái độ làm lơ đó là yếu tố quan trọng. Đó là một tình hình mà không có lựa chọn thay thế tốt. Trong khi chính phủ Diệm đưa ra một số dáng vẻ của sự ổn định và đang nắm chính quyền, thì những hành động đàn áp chống Phật giáo đã vĩnh viễn làm mất lòng dân, đưa đến một xác suất cao cho chiến thắng của Việt Cộng. Xuất hiện như những người có khả năng, các lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự lại không có cơ sở chính trị mà họ có thể điều động. Khi họ lên nắm quyền và sau đó ra khỏi hệ thống báo cáo của Diệm-Nhu [phá nát cấu trúc của chính phủ Diệm mà trong đó hệ thống Ấp Chiến Lược là quan trọng] , vị trí của Chính phủ Việt Nam [với các Tướng lãnh] đã được tiết lộ là yếu và xấu đi. Và, nhờ sự can thiệp vào việc nội bộ của Việt, Mỹ đã đảm nhận một trách nhiệm quan trọng đối với chế độ mới, một trách nhiệm cam kết cao của chúng ta và làm sâu sắc thêm sự tham gia của chúng ta.

Các sự kiện xúc tác đã thúc đẩy mau chóng cuộc khủng hoảng kết thúc với sự sụp đổ của chế độ Diệm là việc xử lý làn sóng phản đối của Phật Giáo tại Huế vào ngày 8 tháng 5, 1963. Bản thân sự việc hầu như không một cái gì đó có thể làm rung chuyển nền tảng sức mạnh của hầu hết các nhà cầm quyền hiện đại, nhưng cách thức mà Diệm đối phó với nó, và từ đó nhiều cuộc biểu tình tiếp theo xảy ra, chính xác là chỉ làm nặng thêm chứ không làm giảm bớt tình hình [căng thẳng]. Lâm nguy, tất nhiên, là nhiều hơn trong một vấn đề dính đến tôn giáo. Cuộc biểu tình của Phật giáo đã có mầu sắc chính trị sâu đậm ngay từ đầu. Nó đã làm nẩy nở và nuôi dưỡng cảm giác thất vọng về chính trị và về sự đàn áp mà lối cai trị độc tài của Diệm đã mang đến.
Điểm khởi đầu của sự kết thúc cho Diệm có thể được bắt nguồn từ các sự kiện đàn áp bằng bạo lực của chế độ đối với một cuộc biểu tình phản đối của Phật giáo tại Huế vào ngày Phật Đản, mồng 08 Tháng Năm [1963], trong đó có chín người đã thiệt mạng và mười bốn người bị thương. Mặc dù Phật tử cho đến lúc đó đã hoàntoàn không hoạt động chính trị, trong những tuần tiếp theo, một phong trào "đấu tranh" toàn diện của Phật Giáo chứng minh là đã có một đầu não phức tạp với các kỹ thuật biểu tình công khai bởi một tổ chức chặc chẽ và kỷ luật, phần nào đã tố cáo sự dối trá của quan điểm cho rằng phong trào là một phản ứng tự phát, bị xúc phạm vì đàn áp tôn giáo và phân biệt đối xử. Tuy nhiên, vào tháng sáu, rõ ràng là chế độ không phải chỉ đối mặt với một thiểu số tôn giáo bất đồng chính kiến​​, nhưng với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về niềm tin của công chúng. Cuộc biểu tình của Phật giáo đã trở thành một phương tiện để huy động sự bất mãn của rộng rãi quần chúng chống lại một chế độ độc tài và thường áp bức. Nó đã trở thành tâm điểm của phe đối lập chính trị với Diệm. Dưới áp lực mạnh mẽ của Mỹ và khi đối mặt với dư luận thế giới phẫn nộ, chế độ đã đạt được thỏa thuận mơ hồ với các Phật tử vào ngày 16. Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ đơn thuần là giấy tờ để qua cuộc khủng hoảng, mà không có bất kỳ nhượng bộ nghiêm túc từ phía Diệm. Sự không khoan nhượng này đã được tăng cường bởi em trai của Diệm, Ngô Đình Nhu, và vợ của ông là những người cay đắng tấn công Phật Giáo trong suốt mùa hè. Đến giữa tháng Tám, cuộc khủng hoảng đã đạt đến điểm đỉnh.

Biểu tình và phản đối của Phật giáo đồng thời cũng tạo ra một cuộc khủng hoảng cho chính sách của Mỹ. Chính sách của Mỹ hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chống lại cuộc nổi dậy của Việt Cộng với sự hổ trợ của Hà Nội đã được thành lập với mục đích rõ ràng là để hỗ trợ Diệm, người mà Mỹ từ lâu đã coi là nhà lãnh đạo quốc gia duy nhất có khả năng thống nhất người dân của mình cho cuộc nội chiến của họ. Khi cuộc biểu tình của Phật giáo cho thấy sự bất mãn của công chúng là rộng rãi, Mỹ đã nhiều lần cố gắng thuyết phục Diệm khắc phục tình trạng bất bình của Phật giáo, sửa chữa hình ảnh trước công chúng của ông, và để giành lại sự ủng hộ của công chúng. Tuy nhiên, gia đình họ Ngô từ chối quy phục. Diệm, theo phong cách quan lại thực sự, được bận tâm với câu hỏi của sĩ diện và sự sống còn – không cần biết đến lòng dân. Ông không hiểu những thay đổi sâu sắc mà đất nước của ông đang chịu áp lực, ông cũng không hiểu được yêu cầu của long dân với một ý nghĩa mới của chủ nghĩa dân tộc đã thành hình. Đại sứ Hoa Kỳ, Frederick Nolting, đã tiến hành một tiếp cận ngoại giao kín đáo với Diệm, được thiết kế để đưa ông ta đến cách suy nghĩ theo lối p Mỹ là thông qua lý luận và thuyết phục. Ông đã tiếp cận chế độ trong những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng Phật giáo theo cách tương tự, nhưng không có kết quả. Khi ông rời Sàigòn đi nghỉ phép vào cuối tháng, DCM của ông, William Truehart, từ bỏ cách nhẹ nhàng để lấy một thái độ khó khăn. Ông đã đưa những quan điểm của Hoa Kỳ cho Diệm không phải là những biểu hiện ý kiến​​, nhưng là những đòi hỏi phải có hành động. Diệm, tuy nhiên, vẫn còn tánh ngoan cố và lảng tránh hơn bao giờ hết. Ngay cả khi Mỹ đe dọa không dính líu gì đến các hành động của Chính phủ Việt Nam trong cuộc khủng hoảng mà phong trào Phật giáo mang lại.

Cuối tháng Sáu, Nolting vẫn còn nghỉ phép, Tổng thống Kennedy công bố việc bổ nhiệm Henry Cabot Lodge làm Đại sứ Việt Nam để thay thế Nolting trong tháng Chín. Trong những cuộc thảo luận về chính sách sau đó đã diễn ra ở Washington, lần đầu tiên đã được đưa ra xem xét là về những tác động do việc đảo chính Diệm sẽ gây ra. Nhưng Nolting trở lại, đầu tiên tới Washington và sau đó đến Sài Gòn, cho rằng việc thay Diệm duy nhất chỉ sinh ra hỗn loạn. Giới quân sự Mỹ, tin rằng các nỗ lực chiến tranh đang diễn ra tốt đẹp, cảm thấy rằng không có gì nên được thực hiện để phá vỡ chiếc bánh đang ngon. Vì vậy, Nolting đã được trao thêm một cơ hội nữa để khuyên Diệm hòa giải với Phật giáo. Ông Đại sứ đã siêng năng làm nhiệm vụ [khuyên Diệm] suốt tháng Bảy và một phần đầu tháng Tám, nhưng Diệm chỉ đồng ý làm những cử chỉ [hòa giải] và đưa ra các biện pháp nửa vời, những chuyện ấy không thể ngăn tình hình chính trị trở nên tồi tệ hơn. Nolting rời Việt Nam vĩnh viễn vào giữa tháng Tám với môt bảo đảm mơ hồ từ Diệm rằng ông sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Phật Giáo. Chưa đầy một tuần sau đó, Nolting bị phản bội bởi Nhu với các cuộc tấn công bi thảm vào nửa đêm ngày 21 tháng Tám vào nhiều chùa Phật giáo trên khắp Việt Nam.

Một trong những bài học quan trọng cho sự tham gia của Mỹ ở Nam Việt Nam là việc hỗ trợ cho Diệm với một chính sách cam kết không hạn chế với một lãnh đạo, đặc biệt đã đặt chúng ta ở một vị trí yếu và dễ bị vận dụng về các vấn đề nội bộ quan trọng. Quan điểm cho rằng "không có lựa chọn để thay thế" Diệm đã hạn chế rất nhiều mức độ ảnh hưởng của chúng ta trên chế độ cai trị và trong nhiều năm nay đã đã loại trừ một số loại đòn bẩy [sức ép] mà chúng ta đã có thể sử dụng hoặc đe dọa sẽ sử dụng. Hơn nữa, nó đặt Mỹ trong vai trò kẻ cầu hôn bất hạnh trước một người yêu hay thay đổi. Nhận thức được cam kết cơ bản của chúng ta, ông Diệm có thể bỏ qua những mong muốn của chúng ta mà tương đối không sợ bị trừng phạt. Nó đảo ngược mối quan hệ quyền lực thực sự giữa hai nước. Trước việc thường xuyên và tàn nhẫn loại bỏ tất cả các phe đối lập chính trị tiềm năng của Diệm, cuối cùng chúng ta quả chỉ có thể đưa ra những lựa chọn ảm đạm đối với một khủng hoảng mà chúng ta không thể cho phép sự chậm trễ và lập lờ nước đôi. Cho dù tốt hơn hoặc tồi tệ hơn, việc tấn công vào các Chùa ngày 21 tháng 8 đã quyết định vấn đề cho chúng ta.

Các cuộc tấn công, tự thân, đã được Nhu cẩn thận xếp đặt vào thời điểm mà không có Đại sứ Mỹ [ở Saigon], và thi hành ngay sau khi một sắc lệnh thiết quân lực trên toàn quốc được ban hành. Họ đã dùng cảnh sát dã chiến và các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt nhận lệnh trực tiếp từ Nhu, không thông qua chuỗi lệnh Quân đội. Các cuộc tấn công sâu rộng trong làm bị thương khoảng 30 tu sĩ, bắt giữ hơn 1400 Phật tử và đóng cửa nhiều chùa (sau khi đã bị hư hại và cướp bóc trong các cuộc tấn công). Trong sự tàn bạo của họ và việc bác bỏ thẳng thừng của Diệm qua những từ ngữ trầm trọng gửi đến Nolting, họ đã cho một cái tát trực tiếp vào mặt Hoa Kỳ. Nhu đã dự kiến rằng sau khi nghiền nát Phật Giáo, ông có thể đối mặt với Đại sứ mới của Mỹ bằng một việc đã rồi, khi đó sẽ chấp nhận những phàn nàn của Mỹ, như chúng ta đã từng có rất nhiều lần [đối phó] với những hành động của chế độ mà chúng ta phản đối. Hơn nữa, ông đã cố gắng đổ lỗi các cuộc tấn công vào các Tướng lĩnh cấp cao của quân đội. Từ Honolulu, nhận được tin về các cuộc tấn công, nơi ông đang trao đổi với Nolting và Hilsman, Lodge bay trực tiếp đến Sài Gòn. Ông ngay lập tức cho biết rằng Hoa Kỳ hoàn toàn không liên quan gì đến các cuộc tấn công và không thể chấp nhận những hành vi như vậy. Tại Washington buổi sáng ngày hôm sau, trong khi đang có sự rối rắm về câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công, một tuyên bố bác bỏ [việc tấn công] đã nhanh chóng được đưa ra. Chỉ sau một vài ngày, Mỹ cuối cùng đã kết luận Nhu là thủ phạm đưa ra các cuộc tấn công và công khai miễn trừ trách nhiệm của quân đội.

Ngày 23 Tháng Tám, liên lạc đầu tiên với một đại diện Hoa Kỳ đã được thực hiện bởi các Tướng lãnh đã bắt đầu lên kế hoạch một cuộc đảo chính chống Diệm. Các Tướng muốn có một dấu hiệu rõ ràng về phía Mỹ. Bộ Ngoại Giao trong phần trả lời sau đó gây tranh cãi của mình, đã soạn thảo và đã được thông qua vào cuối tuần khi một số các cố vấn chính của Tổng thống vắng mặt ở Washington, khẳng định rằngviệc Nhu còn tiếp tục một vị trí quyền lực trong chế độ là điều không thể chấp nhận và, nếu sau khi Diệm đã được cho cơ hội để loại bỏ Nhu và nếu ông không làm, "thì chúng ta phải đối mặt với khả năng không thể giữ Diệm lại". Thông điệp này đã được thông báo cho các Tướng, và Diệm đã được cảnh báo rằng Nhu phải ra đi. Lodge đồng ý với cách tiếp cận với các Tướng, nhưng cảm thấy sẽ là vô ích khi đưa cho Diệm một tối hậu thư mà Diệm sẽ bỏ qua và có thể là chỉ dấu cho Dinh Độc Lập về một kế hoạch đảo chính. Lodge chỉ tiến hành thông báo cho các Tướng. Họ được cho biết rằng Hoa Kỳ không thể hỗ trợ một chế độ có Nhu, nhưng việc giữ lại mà Diệm tùy thuộc hoàn toàn nơi họ. Chuyện này đã thông tin cho các Tướng vào ngày 27 tháng 8. Tổng Thống [Mỹ] và một số cố vấn của mình, tuy nhiên, đã bắt đầu có suy nghĩ thứ hai về chuyển đổi ngựa đột ngột như vậy, và với thông tin rất ít về khả năng thành công của cuộc đảo chính, và nếu thành công thì loại chính phủ nào sẽ lên nắm quyền lực? Hóa ra, sự lo lắng của Washington là vô nghĩa, âm mưu vẫn còn đang thai nghén, và sau nhiều ngày không chắc chắn, tính toán của nó cuối cùng đã chung cuộc vào ngày 31 tháng 8.

Vì vậy, vào cuối tháng Tám, chúng ta rơi vào tình thế không được một lãnh đạo nào hỗ trợ và không có một chính sách nào để theo trong quan hệ của chúng ta với Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh này, việc đánh giá chính sách kéo dài cả tháng đã diễn ra tại Washington và tại Việt Nam. Cơ bản là để một tìm kiếm giải pháp thay thế. Trong cả hai nơi. vấn đề đã kéo theo hai khuynh hướng giữa (1) những người đã nhìn thấy không có lựa chọn thay thế thực tế nào để thay Diệm và họ cảm thấy rằng chính sách của Diệm chỉ có một ảnh hưởng không đáng kể trên nỗ lực chiến tranh, và họ muốn nối lại sự hỗ trợ và liên lạc của chúng ta với Diệm; và (2) những người cảm thấy rằng cuộc chiến tranh chống Việt Cộng sẽ không thể chiến thắng với Diệm cầm quyền và do đó đã chọn thúc đẩy một cuộc đảo chính theo cách nào đó. Quan điểm đầu tiên chủ yếu được hỗ trợ của quân đội và CIA ở Sài Gòn và Washington, trong khi ý kiến sau được chấp nhận bởi Sứ Quán Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và các thành viên của đội ngũ nhân viên Nhà Trắng. Cuối cùng, một lựa chọn thứ ba được lựa chọn, cụ thể là áp lực trên Diệm để Diệm loại bỏ ông bà Nhu khỏi chính trường và chấm dứt chính sách đàn áp của ông. Thông qua, tuy nhiên, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục với cường độ ngày càng tăng. Cân nhắc chiến thuật, chẳng hạn như Lodge sẽ dùng một cách tiếp cận khác để Diệm loại bỏ ông bà Nhu và tác động của nghị quyết của Thượng nghị sĩ Church kêu gọi đình chỉ viện trợ, đang được tập trung thảo luận trong thời gian đó, nhưng vấn đề là tái hỗ trợ cho Diệm hay không vẫn còn đó. Quyết định [như thế nào] xoay quanh việc đánh giá nghiêm túc về sự suy thoái chính trị sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh.

Trong quá trình của những tranh luận về chính sách, người tham gia theo đuổi những kết luận hợp lý nhưng đau đớn nhận ra rằng cuộc chiến không thể thắng với Diệm, và nếu loại bỏ của Diệm là sẽ dẫn đến sự hỗn loạn chính trị và cũng có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực chiến tranh, sau đó chiến tranh có lẽ là không thể thắng được. Nếu chuyện đó [loại Diệm] xảy ra, các lập luận theo tiếp là, Mỹ thực sự cần phải đối mặt với một quyết định cơ bản hơn: hoặc là sẽ rút lui trong trật tự khỏimột tình trạng không thể cứu vãn, hoặc leo thang tham gia mạnh mẽ của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc sử dụng quân đội Mỹ. Những tiếng nói tiên tri của nhóm thiểu số, tuy nhiên, đã nêu lên một viễn cảnh không gì thích thú rằng chính phủ [Mỹ] đã không được chuẩn bị để đối mặt [tình huống] tại thời điểm đó. Tuy nhiên, nhận thức rõ ràng rằng đây là một trong những thời điểm trong lịch sử tham gia của chúng ta vào Việt Nam khi chúng ta đã phải lấy một lựa chọn cơ bản. Chọn rút lui trong vinh dự tại thời điểm đó [1963] bây giờ [1968-1969] xuất hiện như một trong những lựa chọn hấp dẫn với chi phí thấp. Nhưng đối với chính quyền Kennedy lúc ấy, các chi phí chắc chắn là đã được đưa ra hiện cao hơn nhiều. Trong mọi trường hợp, đã được chứng minh là không ai sẵn sàng chấp nhận các tác động theo các dự đoán cho một tương lai ảm đạm. Chính quyền [Mỹ] đã bị đốn ngã với niềm tin rằng nếu Hoa Kỳ quyết tâm thực hiện sức mạnh của mình, cuối cùng Hoa Kỳ luôn luôn có thể có riêng đường lối của mình trong các vấn đề của thế giới.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn về nhiều quan điểm rất khác nhau của các thẩm quyền chính ở Sài Gòn, Chính Phủ [Mỹ] muốn tìm ra những kết luận độc lập đã gửi liên tiếp hai đoàn Điều Tra Thực Tế [đến VN]. Đoàn đầu tiên của những cuộc thanh sát như cơn lốc, gồm Đại Tướng Victor Krulak, JCS SACSA, và một chuyên gia về Việt Nam của Bộ Ngoại giao, Joseph Mendenhall, từ ngày 7-10 tháng Chín, đã đúc kết cho Tổng thống những báo cáo hoàn toàn trái ngược lẫn nhau về những điều kiện và tình hình [ở VN] và, kết quả là, vô ích. Sự sai biệt đưa ra bởi Krulak-Mendenhall là quan trọng bởi vì nó tiêu biểu cho các thiếu sót trong phân tích của cả hai cơ quan đại diện dân sự và quân sự của Mỹ tại Việt Nam đối với tổng thể tình hình chính trị trong cả nước. Các nhà quan sát dân sự Mỹ, về phần mình, không hoàn toàn đánh giá cao những tác động của việc Diệm đã ngăn ngừa sự xuất hiện của bất kỳ lực lượng chính trị nào khác. Phật giáo, trong khi là một phong trào phản kháng thiểu số lại đoàn kết và hiệu quả, nhưng thiếu chương trình, và phương tiện để đạt được quyền lực. Các công đoàn lao động hoàn toàn nằm ở đô thị và chỉ kêu gọi được một phân đoạn nhỏ của dân số. Các đảng chính trị bí thì mật nhỏ, ở thanh phố, và thường là các thành phần ưu tú. Các giáo phái chỉ những đòi hỏi nhỏ và dựa trên một thiểu số dân chúng. Chỉ có Việt Cộng có tất cả các ủng hộ thực tế và có cơ sở ảnh hưởng rộng lớn ở nông thôn. Thực sự chỉ có một nguồn quyền lực chính trị thay thế là quân đội khi nó là một tổ chức lớn, áp dụng kỷ luật bao trùm cả nước, có hệ thống liên lạc và vận chuyển độc lập và có ưu thế về sức manh cưỡng chế trên bất kỳ nhóm quyền lực nào khác. Trong báo cáo về Quân đội [VN], tuy nhiên, Tướng Harkins và các giới chức quân sự Mỹ đã thất bại không đánh giá được những tác động ăn mòn sâu sắc về lòng trung thành và kỷ luật trong nội bộ quân đội khi mà chính sách thăng thưởng và bổ nhiệm là dựa trên lòng trung thành với Diệm, một việc đã xảy ra từ lâu. Họ không thấy trước rằng ngay sau cú đảo chánh, các sĩ quan cao cấp đã thiếu sự gắn kết với nhau và sự cám dỗ của quyền lực sẽ thúc đẩy một cuộc tranh dành đưa đến chia rẽ nội bộ giữa những con người đầy tham vọng mà cuộc chiến chống lại Việt Cộng phải trả giá.

Hai tuần sau khi cuộcc điều tra của nhóm Krulak-Mendenhall không kết quả, các cuộc thảo luận ở Washington vẫn còn bế tắc, tới phiên đoàn của Bộ trưởng McNamara và Tướng Taylor, Chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng, đi đánh giá vấn đề. Họ đi Việt Nam vào ngày 23 tháng 9 với các chỉ thị của Tổng thống để thẩm định tình hình các nỗ lực chiến tranh và tác động của cuộc khủng hoảng chính trị Phật giáo và đề nghị một quá trình hành động cho Chính phủ Việt Nam và Mỹ. Họ trở về Washington vào ngày 2 Tháng Mười. Báo cáo của họ là một sự thỏa hiệp với một chút mâu thuẫn giữa quan điểm của các nhân viên dân sự và quân sự. Báo cáo khẳng định rằng chiến tranh đang được chiến thắng, và rằng nó sẽ được kết thúc thành công trước tiên ở ba khu vực quân đoàn vào cuối năm 1964, và ở đồng bằng Nam Bộ vào năm 1965, từ đó cho phép rút cố vấn Mỹ về nước, mặc dù báo cáo ghi nhận rằng những căng thẳng chính trị bắt đầu đã có ảnh hưởng xấu đến nó [chiến thắng quân sự]. Tuy nhiên, quan trọng hơn, báo cáo đề nghị một loạt các biện pháp nhằm ép Diệm tuân thủ mong muốn của Mỹ bao gồm việc ngưng có chọn lọc các chương trình viện trợ kinh tế của Mỹ, việc ngưng hỗ trợ cho các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt được sử dụng vào cuộc tấn công [Phật Giáo]ngày 21 tháng 8, trừ khi họ phải trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu [VN], và tiếp tục thái độ xa lánh và nguội lạnh chính thức của [Đại Sứ] Lodge với chế độ. Báo cáo đề nghị thông báo công khai ý định Mỹ sẽ rút 1.000 quân vào cuối năm nay, nhưng đề nghị đình chỉ viện trợ không được công bố để cho Diệm một cơ hội đáp ứng mà không bị mất mặt trước công chúng. Báo cáo kết luận rằng Mỹ sẽ không tích cực khuyến khích một cuộc đảo chính, mặc dù thực tế là đình chỉ viện trợ là một bước mà các Tướng đã yêu cầu trong tháng Tám như là một dấu hiệu của Mỹ lên án Diệm và hỗ trợ cho một thay đổi trong chính phủ. Bản báo cáo đã nhanh chóng được thông qua bởi Kennedy trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và một tuyên bố ngắn gọn, và sau đó môt thông cáo nặng nề đã được phát cho báo chí vào ngày 02 tháng 10, công bố kế hoạch rút 1.000 quân vào cuối năm nay.

Phái đoàn McNamara-Taylor, cũng giống như phái đoàn Krulak-Mendenhall trước đó và Hội nghị Honolulu vào tháng sau cuộc đảo chính, đều điểm lại những khó khăn gặp phải mà các đoàn điều tra cấp cao và các lần hội nghị nhằm tìm ra những "sự thật" về vấn đềmột chính sách phức tạp như thế ở Việt Nam trong một thời gian ngắn. Thật khó tin rằng những chuyến đi thăm dò vội vã của các quan chức cấp cao mệt mõi với các hành trình quá tải có thể đóng góp thực sự được thêm nhiều dữ liệu hoặc có một cái nhìn sáng suốt. Và bởi vì họ trở thành một tâm điểm của báo chí trên toàn thế giới, họ thường nâng cao kỳ vọng hoặc lo lắng của công chúng mà điều đó chỉ có thể tạo thêm vấn đề cho Tổng thống. Có nhiều hội nghị cấp cao như thế về Việt Nam.

Trong số các khuyến nghị của báo cáo McNamara-Taylor, đề nghị đình chỉ có chọn lọc các viện trợ kinh tế, đặc biệt là đình chỉ chương trình nhập khẩu thương mại, quan trọng nhất cả vì tác động của nó, và như là một ví dụ về việc khéo léo trong việc cấp hay không viện trợ của Mỹ để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của chúng ta. Trong vụ trừng phạt kinh tế này, dưới hình thức đình chỉ viện trợ lựa chọn trong những chương trình nhạy cảm nhất cho chế độ nhưng không có tác động xấu ngay lập tức đến nỗ lực chiến tranh, đã được sử dụng một cách xây dựng để ảnh hưởng đến các sự kiện hơn là để trừng phạt một cách tiêu cực những người đã vi phạm các mong muốn của chúng ta, như những phản ứng thông thường của chúng ta về các cuộc đảo chính ở Châu Mỹ La tinh. Bản thân đề nghị đó đã được xem xét kể từ khi âm mưu đảo chính bị chết yểu trong tháng Tám. Vào thời điểm đó, Lodgeđã được ủy quyền để đình chỉ viện trợ nếu ông nghĩ rằng nó sẽ tăng cường khả năng cho sự thành công của một cuộc đảo chính. Sau đó vào tháng Chín, một lần nữa được ông lại được trao cụ thể quyền kiểm soát về việc dời ngày triễn khai hoặc đình chỉ bất kỳ chương trình viện trợ nào đang chờ xử lý. Trên cả hai trường hợp, tuy nhiên, ông đã bày tỏ sự nghi ngờ về sự ích lợi của bước đi đó. Trong thực tế, việc tái hạnchương trình nhập khẩu thương mại đã bị treo từ đầu, vào tháng Chín, do đó việc thông qua đề nghị McNamara-Taylor chỉ chính thức hóa tình hình hiện tại vào chính sách. Như có thể được mong đợi (mặc dù tài liệu ghi mù mờ trong việc định ra đây là một mục tiêu có ý thức của Chính Phủ hay không), các Tướng Việt giải thích việc đình chỉ là đèn xanh đã được [Mỹ] bật để tiến hành cuộc đảo chính.

Trong khi chính sách này được tiến hành trong tháng Mười, Lodge xa lánh tất cả các tiếp xúc với chế độ nếu không phải là do sáng kiến ​​của Diệm. Ông muốn được rõ ràng là chúng [ý kiến của Diệm] gửi đến ông phải được sửa soạn để chấp nhận sự tư vấn của chúng ta [nói cách khác là phải làm theo ý người Mỹ] trước khi ông đê nghị Washington một thay đổi về chính sách của Mỹ. Lodge đã làm việc đó một cách rất khéo léo, nhưng không thể trách khỏi những đụng chạm với Sứ Quán [Mỹ] khi nhiều quan điểm và đề nghị khác nhau đã được đưa ra. Đặc biệt, là những bất đồng và tranh luận giữa Lodge và Tướng Harkins trong tháng Mười lúc mà cuộc đảo chánh đã được sửa soạn xong và sau đó đã trở thành một bối rối đáng kể cho Washington khi tin tức về chuyện đụng chạm đã bị rò rỉ cho báo chí. Lodge đã cẩn thận chuẩn bị báo chí, và khi nào câu chuyện về những đụng chạm sát Xuất hiện, luôn luôn là Harkins hoặc Richardson hoặc ai đó là người xấu.

Không lâu sau khi đoàn McNamara-Taylor trở về Washington và đưa ra những khuyến nghị thì các Tướng đã mở lại liên lạc với Sứ Quán và một lần nữa cho biết là họ đã sẳn sàng để tấn công chống chế độ một lần nữa. Ngay lập tức phản ứng của Washington ngày 05 tháng 10 là nhắc lại quyết định của NSC dựa trên báo cáo McNamara-Taylor, tức là, Hoa Kỳ không khuyến khích cuộc đảo chínhLodge nhận chỉ thị hướng dẫn, tuy nhiên, vẫn duy trì liên lạc với các Tướng và theo dõi kế hoạch như đã xuất hiện của họ. Lodge tiếp tục liên lạc định kỳ [với các Tướng VN] và đến ngày 25 tháng 10, Lodge kết luận rằng Diệm khó mà đáp ứng những đòi hỏi của chúng ta và do đó chúng ta không nên ngăn cuộc đảo chánh. Harkins không đồng ý, cho rằng chúng ta vẫn chưa cho Diệm một cơ hội thực sự để loại Nhu và chúng ta nên đưa ra cho Diệm một tối hậu thư và xem lại phản ứng của Diệm trước khi tiến hành cuộc đảo chánh. Harkins, hơn nữa, đã có dè dặt về sức mạnh của lực lượng đảo chính sovới những lực lượng còn trung thành với chế độ. Tất cả những điều này làm Washington lo lắng và nghi ngờ. Lodge được cảnh báo là phải kiếm ra những thông tin đầy đủ hơn về câu truyện, bao gồm việc theo phe nào của các lực lượng và kế hoạch hành động [đảo chánh] đề xuất. Hoa Kỳ không thể có chính sách hỗ trợ cuộc đảo chánh không có tiềm năng thành công mạnh mẽ. Lodge được yêu cầu tìm cách ngừa hoặc trì hoãn đảo chánh nếu ông nghi ngờ là không có triển vọng thành công. Đến thời điểm này, tuy nhiên, Lodge cảm thấy được thuyết phục, hơn nữa, cảm thấy vấn đề không còn trong tầm tay của chúng ta. Các Tướng đã hành động theo sáng kiến ​​riêng củahọ và chúng ta chỉ còn có thể ngăn ngừa bây giờ chỉ bằng cách tố cáo chúng cho Diệm. Trong khi tranh luận vẫn đang diễn ra, các Tướng đã tấn công.

Ngaysau khi Đại sứ Lodge và Đô Đốc Felt gọi điện cho Diệm vào ngày 1, các Tướng đã tiến hành hành động, kết cục của một mùa hè và mùa thu của một câu chuyện phức tạp. Đảo chánh lãnh đạo bởi Tướng Minh, một Tướng được hầu hết các Tướng cao cấp kính trọng, cùng với các Tướng Đôn, Kim và Khiêm. Họ triệu tập một số các sĩ quan cao cấp tại trụ sở Bộ Tổng Tham Mưu vào buổi trưa ngày đảo chánh, công bố kế hoạch và được các Tướng đồng ý. Bản thân cú đảo chánh được thi hành nhanh chóng và khéo léo. Họ đã dành chú tâm đặc biệt để cô lập các lực lượng lớn có khả năng trung thành và các chỉ huy của họ ra khỏi chiến dịch. Đến cuối buổi chiều của ngày 1 tháng 11, chỉ có lực lượng Phòng Vệ Tổng Thống Phủ vẫn còn bảo vệ hai anh em Diệm Nhu. Lúc 4:30 PM, Diệm gọi điện cho Lodge để hỏi Hoa Kỳ đứng về phía nào. Lodge không cam kết gì và chỉ giới hạn vào việc quan tâm đến an toàn sinh mạng của Diệm. Cuộc trò chuyện kết thúc và không gì được kết đúc. Các Tướng đảo chánh gọi điện nhiều lần vào dinh đề nghị sẽ đưa hai ông an toàn ra nước ngoài nếu chịu đầu hàng, nhưng cả hai vẫn giữ hy vọng đến phút cuối cùng. Đâu đó vào buổi tối hai ông bí mật lẻn ra khỏi dinh bằng đường ngầm và đi đến một nơi bí mật xa trong Chợ Lớn. Họ bị bắt sáng hôm sau khi Dinh Độc Lập bị chiếm và chỗ trốn của hai ông bị khám phá. Không lâu sau đó, hai anh em bị giết phía sau trong thùng một thiết vận xa trên đường tới trụ sở Bộ Tổng Tham Mưu.

Sau khi đảo chánh thành công, các Tướng bắt đầu sắp xếp một chính phủ dân sự. Phó Tổng Thống [Nguyễn Ngọc] Thơ được đưa lên làm Thủ Tướng một chính phủ mà đa phần là dân sự, nhưng trùm che dưới Tướng Minh nay thành Tổng Thống và Chủ tịch Hội đồng Quân Nhân Cách mạng. Sau một thời gian trì hoãn thích hợp, Hoa Kỳ công nhận chính phủ mới vào ngày 8. Tuy nhiên, sau hưng phấn của những ngày đầu tiên được giải thoát từ bàn tay nặng nề của chế độ Diệm bị teo tắt, tình hình thực sự trầm trọng về kinh tế và thiếu các chuyên viên trong chính phủ mới đã được thấy rõ ràng bởi cả hai phía Việt Nam và Mỹ. Sự suy giảm tình hình quân sự và chương trình Ấp Chiến lược ngày càng được thấy rõ.

Các chủ đề trên bao trùm cuộc thảo luận tại Hội nghị Honolulu vào ngày 20 khi Lodge và nhóm nghiên cứu từ Mỹ đến là với Rusk, McNamara, Taylor, Bell, và Bundy. Cuộc họp kết thúc với không kết quả gì. Sau khi Lodge trao đổi với Tổng thống [Kennedy] một vài ngày sau đó tại Washington, ở đó, Nhà Trắng cố gắng kéo lại với nhau một số kết luận và đưa ra một số hướng dẫn để tiếp tục vai trò hiện nay của chúng ta và tham gia sâu sắc hơn vào Việt Nam. Các chỉ thị ghi trong NSAM 273, tuy nhiên, đã không phản ánh trung thực tình hình như đang xảy ra đã được đưa ra ánh sáng trong vài tuần sau đó. Các lần tái đánh giá đều bị những thông tin mới làm nó nhanh chóng trở nên không còn thích hợp, chúng đã bị "vượt qua bởi thời cuộc".
Đối với các cuộc đảo chính quân sự chống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ phải chấp nhận toàn bộ phần trách nhiệm của mình.Bắt đầu từ tháng Tám năm 1963 chúng ta qua nhiều cách khác nhau đã cho phép, đồng ý và khuyến khích những nỗ lực đảo chánh của các Tướng Việt Nam và đã hổ trợ hoàn toàn cho chính phủ kế tiếp. Trong tháng Mười, chúng ta đã cắt viện trợ cho Diệm trong một cự tuyệt trực tiếp,bật đèn xanh cho các Tướng.Chúng ta đã bí mật tiếp xúc với họ suốt các giai đoạn lên kế hoạch và thực hiện cú đảo chánh và đã tìm cách xem lại chương trình hoạt động của họ và đề xuất một chính phủ mớiVì vậy, chín năm cầm quyền của Diệm đã kết thúc đẫm máu, sự đồng lõa của chúng ta trong việc lật đổ Diệm đã nêu cao trách nhiệm và cam kết của chúng tacho một Việt Nam nay như rắn mất đầu.

(còn tiếp)

Nguyễn Quốc Vĩ dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét