Đây không phải là chuyện tuyển mộ người lái xe cho một công ty hay một gia đình. Đây là chuyện quốc gia đại sự.
Đây là chuyện đất nước Việt Nam giữa cơn nguy biến, giặc ngoại xâm động binh trên bộ và trên biển, giặc nội xâm vơ vét của cải quốc gia trên lưng gày còm của thứ dân, còn đàn áp, đạp giày lên mặt người yêu nước. Tổ quốc lâm nguy.
Hơn bao giờ hết, nước Việt Nam như một con tàu biển lớn, cần đến một tay bẻ lái vững vàng,
am hiểu sóng cả đại dương, am tường luật hàng hải quốc tế, biết rõ từng mảng đá ngầm, dẫn dắt con tàu quốc gia đến bến thịnh vượng, an toàn cho mọi người dân với tốc độ cao. Lãnh đạo là thế. Là cầm lái cho vững, luôn tỉnh táo, thông thạo bản đồ và địa hình, hiểu rõ luật lệ giao thông, biết rẽ phải hay rẽ trái khi cần, có khi quay hẳn lại phía sau để tìm ra con đường tối ưu đi nhanh đến đích.
Người lãnh đạo trước hết cần nhuần nhuyễn môn địa - chính trị. Nước ta đang ở đâu, ở vị trí nào về kinh tế, tài chính, quân sự, giáo dục, văn hóa, mức sống của thế giới? Thuộc chế độ chính trị loại nào? Có thể có sự lựa chọn nào khác, tốt hơn không? Vị trí địa lý sát một nước lớn mang bản chất bành trướng có phải là định mệnh hay không? Liên minh với những nước nào hiện nay là tốt nhất cho toàn dân tộc? Có nên thay đổi liên minh hay không? Đường lối đối nội và đối ngoại của nước ta hiện tại có thật là đúng đắn, là tuyệt hảo, là phù hợp với lợi ích của dân tộc, của toàn dân hay không? Tư duy đổi mới là thế.
Có phải trong thời kỳ gọi là «đổi mới», đã có khá nhiều đổi mới, nhưng đồng thời cũng lại có quá nhiều giáo điều cũ kỹ không chịu từ bỏ, trong khi gần như toàn thế giới đã từ bỏ dứt khoát, như chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít, chế độ độc đảng, chế độ quốc doanh là chủ đạo của nền kinh tế. Tất cả đều đã vào bảo tàng hay cho ra bãi phế thải.
Tại sao một chế độ tự nhận là « dân chủ nhân dân » lại không dám tổ chức trưng cầu dân ý rộng rãi, về : - có nên từ bỏ hay giữ chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng lý luận?
- có nên từ bỏ chủ nghĩa xã hội theo mô hình Mác- xít?
- có nên giữ hay từ bỏ chế độ một đảng duy nhất như hiện nay?
- có nên tiếp tục coi sở hữu quốc doanh là chủ đạo trong nền kinh tế?
Và trong nội bộ đảng, tại sao không trưng cầu ý kiến toàn đảng xem có nên thay đổi tên của Đảng Cộng sản Việt Nam để lấy một tên khác hay không? Hiện nay không ai biết cái chủ nghĩa cộng sảnsẽ mang nội dung gì, đến bao giờ thành hiện thực. Không có một đảng viên nào hình dung rõ nó ra sao, nó còn còn rất mơ hồ, xa xăm.
Đảng CS Anh, đảng CS Ý đã tự giải thể, đảng CS Nhật Bản đã từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và nguyên lý dân chủ tập trung, ngay đảng CS Trung Quốc cũng không nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ nói mang màu sắc Trung Quốc nghĩa là bỏ hẳn tính chất quốc tế của chủ nghĩa Mác, chỉ nói bản chất dân tộc. Hàng ngũ liên kết CS quốc tế đã rã rời, tan vỡ từ lâu.
Do bế tắc trên đây, đất Việt Nam có quá nhiều đồ cũ kỹ, cổ hủ, sáo mòn, rất có hại. có thể dùng chữ hủ lậu, trái thời đại. Đang có vô vàn trí thức mang dòng máu Việt Nam, mang trí tuệ thời đại dơ biển «Stop » trước cỗ xe dân tộc đang ỳ ạch lăn bánh. Và cần có một tay lái cứng cỏi, am hiểu bản đồ đường sá và luật lệ quốc tế để rẽ ngoặt đúng hướng cần thiết và rú ga, đưa cỗ xe Việt Nam đi vào đại lộ văn minh của thế kỷ XXI này.
Nhật Bản từng có tay lái như thế từ thời Minh Trị, để rẽ ngoặt, đi học những cái hay, cái tốt ở tận phương Tây xa xăm, làm bàn đạp cho sự canh tân.
Rồi vẫn Nhật Bản bị bom nguyên tử Mỹ tàn phá, tự rũ bỏ tệ phát xít, lái ngoặt lại liên minh bền chặt với Hoa Kỳ, tạo thế thịnh vượng sau bại trận, tưởng không sao ngóc dậy nổi. Pháp và Đức từng là kẻ thù truyền kiếp trong bao cuộc chiến tranh, từ hơn nửa thế kỷ nay đã quyết đoán bẻ tay lái quay lại kết thành liên minh nòng cốt cho cả châu Âu mới.
Xin hãy nhìn đảo Đài Loan nhỏ xíu, cùng dân tộc Trung Quốc, đâu có ngán, sợ sệt gì anh lục địa khổng lồ. Vẫn ta đây, riêng một chế độ dân chủ ưu việt, tự hào có tự do, có phồn vinh cho toàn dân gấp 10 lần lục địa, tuy số dân chỉ bằng 1 phần 50, diện tích chỉ bằng 1 phần 250 lục địa. Bắc Kinh đã bao giờ dám nghĩ đến nuốt chửng Đài Loan bằng vũ lực, đã bao giờ định cho mình mốc thời gian giải phóng Đài Loan, thống nhất Trung Hoa? Không dám vì làm không nổi. Vì tuy khổng lồ mà đuối sức. Lục địa không dám cho tàu chiến vào hải phận Đài Loan, không dám cho máy bay vào không phận Đài Loan, vì Đài Loan ngang nhiên liên minh quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ. Các học giả Đài Loan từng viết những bài bình luận sâu sắc nhất diễu cợt, trêu chọc các tướng lục địa huênh hoang chưa phải lúc. Họ còn tự tin là chính Đài Loan đang làm gương sáng để dân chủ hóa toàn lục địa. Họ luôn tỏ lòng thương xót đồng bào lục địa vẫn còn ở vị trí hèn kém dưới 100 nước về thu nhập tính theo đầu người. Nhóm lãnh đạo toàn trị ở Hà Nội nên nghiên cứu kỹ, học tài bẻ lái, tìm mối liên minh vững chãi của người Trung Quốc trên đảo nhỏ Đài Loan, thoát khỏi cạm bẫy Bắc thuộc đã quá lâu.
Hãy quan sát cho kỹ, Nhật Bản, Cộng hòa Mông Cổ, Ấn Độ, Pakistan… đều là láng giềng gần của Trung Quốc rộng lớn, họ đâu có coi đó là định mệnh để quỳ gối, cúi đầu.
Xã hội công dân nước ta đang trưởng thành, từng bước lừng lững tiến bước. Đây là nét đẹp nhất, hứng khởi nhất trong lịch sử dân tộc. Cuộc xuống đường thứ X ghi được những mức độ mới về số lượng và khí thế người tham gia. Bức tối hậu thư ẩn danh hèn hạ của ngành an ninh gửi cho một trong những trí thức nhen nhóm các cuộc tập trung chỉ làm trò cười cho thiên hạ và kích thích thêm nhân dân đông đảo. Một loạt khẩu hiệu mới xuất hiện:
-Chung tay bảo vệ Tổ quốc, quyết không phụ máu, nước mắt, mồ hôi của tiền nhân!
-Sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm! - Tổ quốc là của chung, không của riêng nhóm nào!
-Nhân dân có quyền được biết, được bàn việc nước! - Bảo vệ trí thức yêu nước!
-Phản đối Trung Quốc đưa dàn khoan vào biển Đông VN! -Giặc đến nhà đàn bà phải đánh!
- Không sợ đe dọa của kẻ ác, chỉ sợ sự thờ ơ vô cảm của người lương thiện.
-Phải trục xuất ngay lao động Trung Quốc vào Việt Nam bất hợp pháp!
Đó là khẩu hiệu của công dân yêu nước, không cần đến sự xét duyệt của ngành tuyên huấn.
Rồi đây trong các cuộc xuống đường định kỳ, tất sẽ có những khẩu hiệu ngày càng cao hơn, như yêu cầu từ bỏ học thuyết Mác - Lênin, từ bỏ chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít, từ bỏ chế độ độc đảng, yêu cầu mở trưng cầu dân ý, yêu cầu lựa chọn, lập liên minh với thế giới dân chủ.
Các tàu chiến Hoa Kỳ Ronald Reagan, John McCain, nay là hàng không mẫu hạm George Washington thăm hữu nghị Việt Nam, rồi nghị sỹ Jim Webb đến Hà Nội tỏ rõ ý muốn thắt chặt hơn quan hệ Mỹ - Việt là những thông điệp mở, đúng lúc, cho mối liên minh mới.
Hoa Kỳ và các nước dân chủ đều không còn coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng có trách nhiệm, mà là một đối tượng vô trách nhiệm, nguy hiểm, cần giám sát và ngăn chặn.
Không có thể áp đặt mãi những quan niệm hủ lậu, liên minh tệ hại cho đất nước và toàn dân.
Và rồi sẽ sớm đến lúc đông đảo dân ta cùng lên tiếng yêu cầu lãnh đạo đất nước, cá nhân cũng như tập thế, phải là những tay lái tài giỏi am hiểu bản đồ địa – chính trị của thế giới và khu vực, am tường luật pháp quốc gia và quốc tế, vững tay lái cỗ xe của đất nước trên xa lộ văn minh của thời đại, đạt tốc độ cao, đến đích phồn vinh, hạnh phúc cho toàn dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét