Biểu tình thường nhắm đến một trong hai mục tiêu: hoặc để ủng hộ hoặc để phản đối. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có tính chất biểu kiến. Không có cuộc biểu tình nào chỉ nhắm đến hoặc mục tiêu này hoặc mục tiêu kia. Thường, chúng nhắm đến cả hai. Chỉ có vấn đề là: tùy từng cuộc biểu tình, một trong hai mục tiêu ấy sẽ nổi lên, đóng vai trò chủ đạo, có thể thấy được rõ ràng trong các biểu ngữ cũng như các khẩu hiệu.

Thực chất các cuộc biểu tình nhằm ủng hộ ai đó hoặc điều gì đó là để phản đối ai đó hoặc điều gì đó. Ví dụ dễ hiểu nhất là các cuộc biểu tình do chính phủ tổ chức để ủng hộ chính phủ. Bình thường, không có chính phủ nào lại rỗi hơi hay dở hơi đứng ra làm một việc như thế nếu họ không phải đang gánh chịu một áp lực hay đối diện với một sự đe dọa nào đó. Họ làm như thế là để hóa giải các áp lực và các đe dọa kia. Bởi vậy, thực chất của các cuộc biểu tình do chính phủ tổ chức là các cuộc phản-biểu tình (counterdemonstration) hoặc phản-phản đối (counterprotest). Nghĩa là, nói cách khác, đều nhắm đến mục tiêu phản đối. Cái họ phản đối có khi là có thực hoặc, không hiếm trường hợp, chỉ là một bóng ma trong dư luận.

Biểu tình nhằm phản đối cũng vậy. Trước, Nguyễn Đình Chiểu từng viết "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương". Người biểu tình, để phản đối điều gì, bao giờ cũng có, trong đầu và trong tim họ, một điều gì đó để bênh vực và để cổ vũ. Với người phản đối chiến tranh, đó là lý tưởng hòa bình; với người phản đối áp bức, đó là lý tưởng dân chủ; với người phản đối ngoại xâm, đó là lý tưởng độc lập, v.v... Ngay cả ở những cuộc biểu tình có vẻ vô chính phủ nhất thì cũng thấp thoáng hình ảnh của một lý tưởng nào đó, có khi chỉ là không tưởng. Có thể nói, chính những lý tưởng, tức những điều được ủng hộ ấy, là sức mạnh của những người phản đối và cũng là của chính sự phản đối. Không có chúng, không có ai đủ sức mạnh tinh thần để chịu đựng những trấn áp có khi cực kỳ thô bạo từ chính quyền.

Từ góc độ phản đối, các cuộc biểu tình nhằm phản đối điều gì? Đối tượng bị phản đối dĩ nhiên là vô cùng đa dạng; nhưng có thể được tóm gọn vào ba điểm chính: sự kiện, chính sách và thể chế.

Lãnh tụ một quốc gia độc tài nào đó đến viếng một nước khác? – Một số người xuống đường biểu tình! Cảnh sát bắn nhầm hoặc hành hung dân chúng? – Một số người xuống đường biểu tình. Những cuộc biểu tình nhân một sự kiện gì đó thường xảy ra ở khắp nơi. Tuy nhiên, phần lớn chúng có quy mô khá nhỏ và cũng ít khi có ý nghĩa lớn trong sinh hoạt chính trị của một nước.

Đáng kể hơn và cũng phổ biến hơn là các cuộc biểu tình nhằm phản đối một chính sách nào đó của chính phủ. Chính phủ chủ trương gây chiến hoặc tham chiến ở một nơi nào đó? – Một số người ùn ùn xuống đường phản đối. Chính phủ chủ trương tăng thuế? - Một số người ùn ùn xuống đường phản đối. Chính phủ chủ trương cắt giảm ngân sách ở một lãnh vực nào đó? – Một số người lại ùn ùn xuống đường phản đối. Có thể nói hầu hết các cuộc biểu tình có quy mô lớn ở các quốc gia dân chủ đều thuộc loại này. Người ta xem đó chính là cách bày tỏ quyền-làm-chủ của dân chúng trong việc hình thành các chính sách vốn có ảnh hưởng đến mọi người và vận mệnh của cả nước. Ở đây, ý nghĩa của cuộc biểu tình tùy thuộc vào hai yếu tố chính: một là tầm vóc của chính sách; hai là quy mô của cuộc biểu tình. Chính sách càng có tính chiến lược và ảnh hưởng sâu rộng bao nhiêu, các cuộc biểu tình càng có ý nghĩa bấy nhiêu. Và cuộc biểu tình nào quy tụ càng nhiều người và càng kéo dài bao nhiêu lại càng được xem là có ảnh hưởng bấy nhiêu.

Nội dung thứ ba của biểu tình là nhắm thẳng vào vấn đề thể chế với quyết tâm lật đổ một chế độ để xây dựng một chế độ khác. Loại biểu tình này chỉ xảy ra chủ yếu ở các quốc gia độc tài. Ví dụ tiêu biểu và nóng hổi nhất là các cuộc biểu tình cho tự do và dân chủ ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi, trong đó, đã có những cuộc biểu tình thành công vang dội (ở Tunisia và Ai Cập).

Ở trên là ý nghĩa của biểu tình nói chung. Còn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc thời gian gần đây ở Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội, thì sao?

Thì là để phản đối các hành vi uy hiếp và xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc chứ còn gì nữa? Tất cả các biểu ngữ đều nêu rõ như vậy. Ở đây, cần nói thêm: Khi chúng ta nói biểu tình chống Trung Quốc là một cách nói vắn tắt, cho gọn, chứ thật ra, có lẽ không ai chống Trung Quốc nói chung. Họ chỉ chống những âm mưu bá quyền của Trung Quốc, những âm mưu có ảnh hưởng trực tiếp đến độc lập và chủ quyền của Việt Nam mà thôi. Mà những âm mưu như vậy thì đã rõ như ban ngày rồi. Chính phủ Trung Quốc, ở những cấp cao nhất, tuyên bố tất cả các đảo và vùng biển thuộc chủ quyền Việt nam đều là của họ. Tàu hải giám của họ thì ngang ngược cắt dây cáp ngầm của Việt Nam. Tàu hải quân của họ thì bắt bớ, thậm chí, giết chết ngư dân Việt Nam. Công nhân của họ thì nườm nượp kéo vào Việt Nam làm lậu, bất chấp luật pháp Việt Nam. Những chuyện như thế gây công phẫn cho nhiều người. Biểu tình là cách bộc lộ nỗi công phẫn ấy.

Nhưng đằng sau những sự phản đối ấy, những người biểu tình ủng hộ điều gì? Thứ nhất là độc lập dân tộc. Thứ hai là sự toàn vẹn lãnh thổ. Thứ ba là an ninh quốc gia. Và thứ tư là ủng hộ những chính sách đúng đắn và cương quyết trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nhiều người biểu tình giương cao ảnh và một số câu nói của ông Hồ Chí Minh cũng như của ông Võ Nguyên Giáp.

 

Nội dung thứ tư vừa nêu là một cơ hội cho nhà cầm quyền Việt Nam. Nếu họ cũng quyết tâm chống lại các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc, họ sẽ có thêm sức mạnh từ việc ủng hộ nồng nhiệt của quần chúng. Không phải chỉ những người tham gia biểu tình mà có lẽ còn vô số những đám đông thầm lặng bên ngoài.

Có điều, cho đến nay, có vẻ như nhà cầm quyền chưa dám tiếp nhận cái món quà quý báu ấy.

Tại sao?

Xin nhường câu trả lời lại cho bạn đọc