Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước : “Dũng khí trên nghị trường khó hơn dũng khí trên chiến trường”

Nguồn tuanvietnam

Tác giả: HOÀNG HƯỜNG

Chất vấn Quốc hội chính là một cuộc đấu tranh, đấu tranh giữa các quan điểm, giữa đúng và sai, giữa tích cực và tiêu cực. Nhưng nghị trường và chiến trường khác nhau. Rất nhiều người cầm súng trên chiến trường rất dũng cảm, nhưng ở nghị trường dũng khí lại mất đâu hết.

Gọi điện xin phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI vào buổi tối, giọng cụ mệt mỏi nhưng cụ vẫn đồng ý ngay. Hôm sau đến tôi mới biết lão tướng 85 tuổi vừa tham gia hành trình 8 ngày trên tất cả những nghĩa trang lớn, thắp hương cầu nguyện cho các liệt sĩ.

Thời điểm tôi gọi điện thoại là cụ vừa về đến Hà Nội, nhưng khi nghe tôi trình bày đề tài phỏng vấn, cụ đồng ý ngay vì "thời gian gần đây tôi đứng ngồi không yên, cứ nghĩ đến chuyện thời cuộc đất nước là tôi nằm đến 4h sáng cũng không ngủ được".

"Khi đi thăm các nghĩa trang, tôi cảm nhận có lẽ các liệt sĩ vẫn chưa được thanh thản được, vẫn lo lắng về thời cuộc. Tôi nói: thôi các đồng chí đã hy sinh rồi, các đồng chí hãy yên lòng".

Vị lão tướng trầm ngâm mở đầu buổi trò chuyện.

Bộ trưởng mà nghỉ cả tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì thì hỏng

Quốc hội nhiệm kỳ mới vừa họp, một loạt các chức danh trong Chính phủ đã được công bố. Các tân bộ trưởng cũng đã ra mắt và có những phát biểu, hứa hẹn đầu tiên. Phát biểu của bộ trưởng nào khiến ông ấn tượng nhất?

Tốt nhất hãy để thời gian trả lời, nói sớm không chính xác, không công bằng. Điều tôi quan tâm nhất là họ làm như thế nào, chứ không phải họ nói gì.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng nhận định ghế Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường là chiếc ghế nóng, "đến mức ai thoát ra cũng nhảy chân sáo". Với sự quan sát của một ĐBQH nhiều khóa, ông cho rằng chiếc ghế của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã nóng nhất chưa. Theo ông, lĩnh vực nào hiện nay cần sự quan tâm đặc biệt?

Trên từng mặt trận đều có những vấn đề bức xúc, trong đó tài nguyên & môi trường là một mặt trận bức xúc. Không chỉ bức xúc cho nhiệm kỳ này, mà bức xúc cho nhiều nhiệm kỳ sau, 50 năm hay 100 năm sau của dân tộc Việt Nam.

Tôi tính riêng vụ Vedan đã gây ra một vụ hủy hoại sinh thái khủng khiếp như thế, trong khi cả nước này nếu làm nghiêm sẽ còn bao nhiêu Vedan khác nữa. Vì lợi ích kinh tế trước mắt phá hoại môi trường thì môi trường sẽ hủy diệt lại vấn đề kinh tế.

Giờ nhìn đâu cũng thấy khai thác khoáng sản, người ta chạy đua xuất khẩu mỗi năm tăng mấy chục % , nhưng trong mấy chục % đó có bao nhiêu phần phá hoại môi trường, trong khi môi trường là cái gốc tồn vong của đất nước.

Giống như câu chuyện xuất khẩu rồi lại nhập khẩu than là ví dụ. Thi đua xuất để ghi thành tích, hết rồi lại phải nhập để dùng. Khi xuất ông nói cũng phải, khi phải nhập ông cũng cho là đúng, hoàn toàn là ngụy biện. Cuối cùng chỉ có môi trường và người dân là chịu đủ.

Khi tôi còn là ĐBQH, ông Lê Huy Ngọ khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ ông (Lê Huy Ngọ) rất đau lòng về câu chuyện muối. Việt Nam có 3000km bờ biển mà ta phải nhập khẩu muối từ nước ngoài về.

Mục đích hay lợi ích trong những việc này thuộc về ai, điều này ông nhưng ông bộ trưởng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Thương mại phải trả lời cho bà con.

Khác lệ thường, khi nhậm chức mới tân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không hứa gì, phải chăng bà rút kinh nghiệm của người tiền nhiệm?

Nói như vậy là thỏa đáng. Nếu giờ phô trương, hứa hẹn nhiều quá nhưng kết quả hành động không được như vậy. Một người hứa hẹn nhiều chưa chắc là người nhiệt huyết hơn người không nói gì, quan trọng là sau đó họ sẽ làm thế nào, các ĐBQH và nhân dân sẽ giám sát lời nói và hành động của họ.

Bộ trưởng mà nếu có đi vắng hay nghỉ việc cả tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến lĩnh vực đó thì hỏng, thế nhưng số đó lại không ít đâu.

Giống như chuyện chất vấn trong QH, đại biểu chất vấn, bộ trưởng trả lời, hứa hẹn... rồi ngày mai mọi việc lại đâu vào đó thì việc chất vấn hay hứa hẹn đều chẳng có giá trị gì.

Trong suốt quá trình làm ĐBQH trong ba khóa liên tiếp, ông ấn tượng với vị Bộ trưởng nào nhất?

Một người khiến tôi nhớ nhất là Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ. Ông làm việc trong thời điểm 3 - 4 bộ sát nhập với nhau. Theo quan sát của tôi, ông Ngọ là người vừa dám nói, vừa dám làm, vừa dám nhận khuyết điểm. Có lẽ ông Ngọ cũng là người duy nhất có văn hóa từ chức.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông ấy trong các lần về thị sát và thăm hỏi bà con vùng bão lụt, trông ông giống hệt một ông nông dân lội ruộng.

Một người nữa tôi cũng ấn tượng không kém là Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ Việt - Mỹ, ông Tuyển đã có công rất lớn trong việc thúc đẩy bình thường hóa giữa hai nước.

Ngay cả khi rời ghế Bộ trưởng về làm cố vấn cho chính phủ, ông Tuyển vẫn đưa ra những ý kiến sắc sảo, quyết liệt mà các thành viên chính phủ không đưa ra được. Thậm chí nhiều ý kiến của ông Tuyển còn đi ngược với quan điểm của Chính phủ. Có thể nói, ông Tuyển là con người của khí phách, có tâm, có tầm.

Còn có nhiều người khác cũng khiến tôi nhớ, nhưng theo hướng tiêu cực: không những hứa suông mà nói một đường làm một nẻo; nói rất hay, rất mị dân nhưng hiệu quả công việc hoàn toàn ngược lại. Đối tượng đó tôi không tiện nêu tên ở đây.

Dũng khí trên nghị trường khó hơn dũng khí trên chiến trường

Ông từng nói: nghị sĩ phải có dũng khí như một chiến sĩ?

Chất vấn QH chính là một cuộc đấu tranh, đấu tranh giữa các quan điểm, giữa đúng và sai, giữa tích cực và tiêu cực... Nhưng nghị trường và chiến trường khác nhau. Rất nhiều người cầm súng trên chiến trường rất dũng cảm, nhưng ở nghị trường dũng khí lại mất đâu hết cả.

Khi trước mặt là kẻ thù, sau lưng là dân tộc, người chiến sĩ không có quyền lợi gì, trên vai mang ba lô nhỏ với bộ quần áo sờn quyết chiến đấu để bảo vệ nhân dân. Giờ trên nghị trường, họ lại phải cân nhắc: khi nói ra một điều thì họ được gì và sẽ mất gì cho bản thân.

Xưa hi sinh là vì tổ quốc, bây giờ không thể hi sinh trên nghị trường vì tổ quốc. Dũng khí trên nghị trường khó hơn nhiều dũng khí trên chiến trường.

Giữa những trên - dưới, bạn bè, trước - sau, lợi - hại... Cuộc đấu ở nghị trường là cuộc đấu 'tế nhị', khó hơn nhiều vì họ phải thử thách và vượt lên chính mình.

Và dũng khí người lính/nghị sĩ của ông được kể lại trong giai thoại đòi Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười từ chức và hùng hồn tuyên bố trước QH: không có ông bộ trưởng nào qua mặt được tôi?

(Cười) Vụ này cũng lâu rồi, từ QH khóa IX. Khi đó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười mới mở ra vấn đề đổi mới. Trong một lần họp QH, ông Đỗ Mười than: "Tôi làm Chủ tịch hội đồng bộ trưởng mà "mấy thằng" bộ trưởng tôi không điều khiển được"

Tôi đứng dậy nói luôn: "Thưa anh Đỗ Mười, anh làm Chủ tịch hội đồng bộ trưởng mà không điều khiển được các bộ trưởng thì anh nên từ chức. Tôi làm Tư lệnh quân khu, tôi ra lệnh cho các sư trưởng cấp dưới, nếu người nào không chấp hành thì một là anh ta nghỉ hai là tôi nghỉ, không thể hai anh cùng tồn tại"

Lát sau nghỉ giải lao ra hành lang, một nhà báo thân tình nói nhỏ: "Bác chết đến nơi rồi!" Tôi bảo: "Chết thế nào được!"

Chuyện bộ trưởng thì cũng đúng. Tôi tự tin vì được nhiều chuyên gia, các học giả và nhân dân giúp sức cung cấp tài liệu để đủ cơ sở để 'kiểm tra chéo' lời nói và việc làm của các ông bộ trưởng, lơ mơ là tôi chỉ ngay.

Tôi không phải khoe, nhưng tôi làm mọi việc từ trong tim. Năm 2001, vợ tôi bị tai biến rồi liệt, khi đó tôi đang là ĐBQH vẫn sáng họp QH, trưa về chăm vợ vừa đọc tài liệu, chiều lại vào họp.

Trong lúc làm việc cũng có điều tôi nói có thể đúng, có thể sai, có thể hiệu quả hay chưa thật hiệu quả; nhưng tôi đều cố gắng nêu hết những vấn đề đáng quan tâm, không có gì phải cân nhắc lợi - hại cho bản thân. Bộc lộ hết, nói hết, nói thẳng thừng!

Tuy giờ tôi đã về hưu rồi, nhưng không ngày nào tôi bỏ qua các tin tức về tình hình đất nước. Từ hôm 26/5, phía Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh đến nay không ngày nào tôi ngồi yên. Tôi đã gọi điện cho nhiều đơn vị, Tổng biên tập các tờ báo, tôi cũng gửi thư chia sẻ quan điểm với Bộ Chính trị về tình hình hiện nay.

Tình hình nước sôi lửa bỏng vậy, một ông già sắp 85 tuổi như tôi cũng không thể ngồi yên được.

Mong Bộ trưởng Quốc phòng đặc biệt quan tâm tới an ninh biển

Là một lão tướng quân đội, lại từng là ĐBQH nhiều khóa, ông có lời động viên hay nhắn nhủ nào tới Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh?

Trách nhiệm của quốc phòng hiện nay rất nặng nề, đặc biệt là trách nhiệm của lực lượng hải quân trên Biển Đông cực kỳ nặng nề khi được Bộ Quốc phòng giao trọng trách bảo vệ gần 1.000.000 km2 biển, bằng ¾ lãnh thổ. Như vậy riêng hải quân đã gánh trách nhiệm gấp ba trong việc bảo vệ lãnh thổ.

Cho nên, Bộ Quốc phòng phải hết sức chú trọng đầu tư tiềm lực để bảo vệ chủ quyền biển. Với chức danh là người đứng đầu Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm trước toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng, tôi mong Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến an ninh biển.

Không chi thế, Bộ Quốc phòng và người đứng đầu bộ phải kéo bằng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị - xã hội, bộ máy Nhà nước, Chính quyền cũng như bộ máy Đảng và 84 triệu người dân ủng hộ quân đội tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng xây dựng, bảo vệ biển đảo.

Riêng hải quân và quân đội là nòng cốt trong sức mạnh tổng hợp đó, chứ nếu đơn thương độc mã thì không chỉ trên biển, mà ngay trên đất liền lực lượng này sẽ không thể bảo vệ được đất nước. Bài học đó chúng ta đã quá biết qua bao cuộc chiến chống xâm lược trong quá khứ.

Bảo vệ biển không phải chúng ta chuẩn bị gì đó cho sự đụng độ vũ trang, đó không bao giờ là lựa chọn của một quốc gia hòa bình. Sức mạnh ở đây là tổng hòa của kinh tế, chính trị, ngoại giao và các phát triển khác.

Khi sự việc cắt cáp tàu Bình Minh xảy ra, nhiều người hỏi tôi sao Bộ quốc phòng không đưa lực lượng hải quân ra. Tôi cho rằng họ không hiểu: một dân tộc đã chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh như Việt Nam lúc nào cũng chỉ muốn hòa bình.

Chúng ta không gây hấn với ai cả, nhưng nếu ai cố tình xâm phạm thì chúng ta quyết chống để bảo vệ đất nước.

Chúng ta yêu hòa bình, quyết giữ hòa bình, nhưng chỉ có thể gọi là hòa bình khi chúng ta giữ được toàn vẹn lãnh thổ mà không xảy ra đụng độ, xung đột. Còn nếu phải đánh đổi mất đất, mất biển để lấy một cái hòa bình con con của vài người thì hoàn toàn vô nghĩa.

Chúng ta hãy nhớ bài học chống Mỹ: người Mỹ thua Việt Nam ngay trên đất Mỹ khi hàng triệu người Mỹ yêu hòa bình đã phản đối chính phủ Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tôi tin 1,3 tỷ người dân Trung Quốc không phải ai cũng hung hăng đòi 'nuốt' Việt Nam. Chúng ta cũng phải làm thế nào để những người dân Trung Quốc bình thường, nhân ái, yêu hòa bình ủng hộ chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét