Sự kiện đáng chú ý sáng nay là xung quanh khu vực hồ, nhiều sân khấu ngoài trời do tổ chức đoàn Thanh niên Cộng sản Hà Nội phụ trách đã được dựng lên tại các địa điểm mang tính lịch sử của Hà Nội, như : khu vực tượng Lý Thái Tổ, tượng đài Cảm tử, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Nhà hát Lớn. Theo những quan sát tại chỗ, nhiều thanh niên tham gia biểu diễn đã có mặt từ rất sớm, ngay dưới trời mưa, để chuẩn bị các tiết mục trình diễn phục vụ hai dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám (19/9/1945) và Quốc Khánh (2/9/1945). Một số trang mạng bình luận : các cuộc biểu diễn ngoài trời được tổ chức ngay từ sớm để thu hút sự chú ý của dân chúng, nhằm thực hiện kế hoạch « phản biểu tình ».
Trước khi cuộc biểu tình bắt đầu, theo thông tin chưa được kiểm chứng từ một số trang web, sáng sớm nay, tại thành ủy Hà Nội, đã có một cuộc họp đặc biệt, với sự tham gia của các đại diện của Sở Công an Hà Nội, Quân khu Thủ Đô (trong đó có các đại diện lực lượng tăng thiết giáp và đặc nhiệm dù), ... để đối phó với cuộc biểu tình.
Vào khoảng 9 giờ sáng, tại Hồ Gươm vài chục người bắt đầu tập hợp lại giương cao cờ và biểu ngữ, và hô khẩu hiệu. Một trong các biểu ngữ ở hàng đầu là : « Tổ Quốc lâm nguy, xin đừng vô cảm ! », « Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam là sứ mệnh của toàn dân » ... Theo AFP, ngoài các biểu ngữ thường dùng, có thêm một biểu ngữ so sánh chính quyền Trung Quốc với chế độ phát xít Đức. Ngay lập tức, loa của chính quyền cũng vang lên yêu cầu chấm dứt cuộc tuần hành và ít phút sau, lực lượng an ninh bảo vệ ập đến dồn người biểu tình lên hai xe buýt chở khách chờ sẵn. Theo một số quan sát tại chỗ, những người biểu tình còn lưu lại thêm được khoảng nửa giờ nữa.
Theo AFP, khoảng 15 người bị câu lưu, còn theo một số nguồn tin tại chỗ, có đến 30 người bị bắt giữ. Giống như hai cuộc trấn áp đã từng diễn ra trong tháng 7, những người biểu tình cũng bị đưa về đồn Công an Mỹ Đình (huyện Từ Liêm – Hà Nội), cách trung tâm thành phố khoảng 10 km.
Nhiều người tham gia biểu tình nhưng không bị bắt đã có mặt, cùng với thân nhân, bạn bè của những người bị bắt tập hợp trước trụ sở Công an phường Mỹ Đình để yêu cầu trả lại tự do cho họ. Theo một số nguồn tin tại chỗ, từ khoảng 14 giờ, công an bắt đầu thả một số người.
Đại diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, ông Phil Robertson, ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích hành động trấn áp kể trên. Ông tuyên bố « Thật đáng buồn là, chính quyền đã phản ứng quá mức, với sự hiện diện của lực lượng an ninh, đông hơn rất nhiều so với nhóm biểu tình, và có những hành động nhằm ngăn cản không cho họ tập hợp nữa. Thực tế là, những người biểu tình không làm gì sai trái cả. Công an cần trả tự do cho những người bị bắt ».
Cuộc biểu tình lần thứ 11 tại Hà Nội bị đàn áp không nằm ngoài các dự đoán, sau khi chính quyền Hà Nội ra thông báo cấm biểu tình trước đó ít hôm. Bản thông báo kể trên của Ủy ban Nhân dân Hà Nội ngay lập tức đã bị nhiều trí thức, cũng như các công dân khác phản đối, vì vi phạm chính pháp luật của Việt Nam. Một bản kiến nghị phản đối bản Thông báo phi pháp của Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã được 25 người ký tên, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, và đã được công bố trên Internet. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có câu trả lời nào từ phía chính quyền về kiến nghị phản đối này.
Kể từ khi tờ Thông báo « không chữ ký » của chính quyền Hà Nội được công bố, tại nơi cư trú, các đại diện của địa phương bao gồm công an, đại diện tổ dân phố, đại diện Ủy ban phường, … đã đến nhà của một số người để bàn về câu chuyện biểu tình ngày Chủ nhật, đó là trường hợp các ông Nguyễn Xuân Diện, Joseph Nguyễn Hữu Vinh, … hay tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
Theo các nguồn tin trên mạng, dưới áp lực của chính quyền địa phương, nhiều người đã bị chính người thân ngăn cản không cho tham gia, như trường hợp giáo sư Ngô Đức Thọ hay bà Đặng Bích Phượng, ...
Xin nhắc lại là, các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn diễn ra tại Hà Nội vào Chủ nhật hàng tuần kể từ hơn hai tháng nay đã thu hút mỗi lần hàng trăm người tham gia. Theo giới phân tích, chính quyền Việt Nam có thái độ không rõ ràng đối với các cuộc tuần hành này, khi thì để mặc cho diễn ra, khi thì tổ chức ngăn chặn, thậm chí trấn áp.
Ngày 2/8/2011, trong một cuộc họp báo, giám đốc Công an thành phố Hà Nội – trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đã tuyên bố: «Không đàn áp những người biểu tình yêu nước ». Tuy nhiên, hơn hai tuần sau tuyên bố này, chính quyền Hà Nội đã thay đổi thái độ. Cuộc biểu tình một lần nữa lại bị trấn áp.
RFI đã phỏng vấn anh Nguyễn Chí Đức, làm việc tại Trung tâm dịch vụ khách hàng – Viễn thông Hà Nội, một người tham gia thường xuyên vào các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn tại Hà Nội. Anh Đức cho biết các quan sát của anh về cuộc trấn áp biểu tình hôm nay và giải thích lý do vì sao anh lại tích cực tham gia vào các cuộc tuần hành Chủ nhật tại Hà Nội :
« Hôm nay, sau khoảng 5 đến 7 phút đầu (của cuộc biểu tình) họ đã cho lực lượng đeo băng đỏ đến áp chế và đưa mọi người lên xe buýt. Họ làm thực sự là rất dứt khoát, nhưng mà vẫn ôn tồn, tức là không nói gì nặng lời với những người biểu tình cả. Còn tôi, bản thân tôi lúc ấy họ cũng định bắt, nhưng tôi tự vệ, tôi co người lại, thế là họ không làm gì được. Một lúc như thế, thì tôi đi về. Tôi đi thẳng lên chỗ công an Mỹ Đình luôn, vì tôi biết thể nào cũng lên đấy mà. Lên đấy, một lúc sau thì rất đông. Đồng bào đi biểu tình và ủng hộ biểu tình rất đông.
Có một sự kiện mà tôi chứng kiến là, lúc anh Lã Việt Dũng ra nói gần như khóc là : khi anh ấy nói về chuyện đảo Gạc Ma, nơi bộ đội của Quân đội Nhân dân Việt Nam bị chết (năm 1988, Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam, khiến 64 binh sĩ Hải quân Việt Nam thiệt mạng), thì những người được hỏi, không biết đảo Gạc Ma là gì. Anh Lã Việt Dũng rất là buồn. Lúc ra, anh nói : đảo Gạc Ma bao nhiêu người anh hùng, bộ đội Việt Nam đã hy sinh ở đấy mà lực lượng công an thành phố, tức là các cán bộ chứ không phải những người lính, không biết được. Trong khi những người dân thường vô danh, như anh Lã Việt Dũng, chị Trịnh Kim Tiến, như tôi và rất nhiều đồng bào khác biết sự kiện đảo Gạc Ma đã bị giặc Tàu bắn xối xả như thế, mà các cán bộ của lực lượng vũ trang không biết thì thực sự rất đau lòng.
Khi anh Lã Việt Dũng ra khỏi đồn anh khóc, không chỉ anh khóc mà chính chúng tôi cũng buồn. Tại vì sao như thế, tại sao dân biết những sự kiện kinh hoàng như bắn giết ngư dân, bắt bớ ngư dân, bắn giết cả lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong khi đó, lực lượng công an thành phố, những người trong lực lượng vũ trang, những người phải sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc lại không biết sự kiện ấy. Họ thờ ơ hay họ bàng quang ?
Cho nên, tại sao lại có những cuộc biểu tình như thế này ? Để đánh động dư luận đã đành, mà còn đánh động trong hàng ngũ chính quyền, từ cao nhất là Bộ Chính trị, Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, là : các anh phải hiểu rằng, bao nhiêu người xả thân cho chế độ này. Họ xả thân không phải vì lý thuyết cao xa, mà vì họ yêu nước. Họ đã theo đảng cộng sản, giống như rất nhiều anh hùng trong quá khứ, họ đã hy sinh vì Tổ quốc. Mà các anh, bây giờ đang nắm trọng trách, mà không nghĩ đến việc tuyên truyền cho nhân dân, thì có phải đau lòng không ? Mai mốt, giặc Tàu nó nã súng, nó cướp đảo, thì bấy giờ mới ngã ngửa ra. Tục ngữ Việt Nam có câu, « đừng mất bò mới lo làm chuồng ». Đến lúc đó là quá muộn rồi.
Cho nên, chúng tôi hầu hết là vô danh, bản thân tôi nếu không bị đạp cũng chỉ là người đi biểu tình bình thường như bao lần thôi, không có ảnh nào về tôi cả (Nguyễn Chí Đức là người bị khiêng và bị công an đạp vào mặt trong cuộc biểu tình 17/7/2011). Nhưng tại sao chúng tôi đi ? Chúng tôi phải đánh động cho dư luận, tại vì cuộc sống bây giờ, thời kinh tế thị trường, cơm áo, gạo tiền, nó băng hoại xã hội vì rất nhiều vấn đề rồi. Nhân dân lo mải kiếm ăn, các thành phần quan chức thì tham nhũng, và gây ra rất nhiều chuyện buồn để dư luận bức xúc. Mà bây giờ họ thờ ơ với vận mệnh của dân tộc, thì những người dân chúng tôi phải lên tiếng, bắt buộc phải lên tiếng. Chứ chúng tôi không muốn tạo ra sự kiện này để nổi đình, nổi đám đâu, hay để cho công an, hoặc các thành phần của chính quyền phải mệt mỏi theo chúng tôi.
Tôi, không những tôi, mà đa số mọi người đều mong rằng : chính quyền và những người có thẩm quyền, ban Tuyên giáo phải tuyên truyền về chuyện giặc Tàu o ép. Vì nếu mất nước là mất chế độ luôn, đừng nói là « Còn Đảng, còn mình ». Công an Nhân dân có câu trên. Nhưng nên nhớ rằng, mất Tổ quốc, thì Đảng cũng mất luôn, mà Đảng mất thì cũng chẳng còn Công an Nhân dân nữa. Cho nên, tôi, những người như chúng tôi, đi biểu tình rất trường kỳ, rất nhẫn nại. Không phải vì chúng tôi muốn sách động, hay muốn làm cái gì to tát, tại vì khả năng của chúng tôi là những người dân thường… Chúng tôi muốn đánh động dư luận trong nước, và kể cả các thành phần cao cấp nhất rằng : phải đứng về phía Nhân dân, đứng về Nhân dân thì mới còn chế độ. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét