Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-08-27
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vào sáng ngày 27 tháng 8 có cuộc gặp với một số nhân sĩ, trí thức từng kiến nghị phản đối thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình chống Trung Quốc mà cơ quan công quyền này đưa ra hồi ngày 18 tháng 8 vừa qua.
Chưa đầy 10 ngày sau khi có kiến nghị gửi đến cho chính chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tư pháp; cũng như sau khi có nhiều phản ứng đối với việc gần 50 chục người bị bắt giữ vì tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc hôm ngày 21 tháng 8 vừa qua tại Hà Nội với những kêu gọi như chính quyền phải đối thoại với người dân chứ không thể tiếp tục có hành động bắt bớ, qui chụp họ bị các thế lực khác giựt dây, thậm chí các cơ quan truyền thông của chính quyền còn gọi họ phản động; thì một cuộc gặp giữa ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với một số nhân sĩ - trí thức Hà Nội đã được tổ chức.
Chỉ lắng nghe
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thông báo trên trang blog của ông cho hay phía Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có hầu như đầy đủ các vị lãnh đạo gồm bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị, chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, phó chủ tịch Nguyễn Hồng Khanh, trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hồ Quang Lợi, giám đốc công an thành phố trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp Hà Nội Đào Văn Bình, chánh văn phòng UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành…
Phía các nhân sĩ trí thức có thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các giáo sư Chu Hảo, tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Tinh thần của cuộc gặp được mô tả là'trọng thị'.
Một người có mặt tại cuộc gặp vào sáng ngày 27 tháng 8, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết lại nội dung chính cuộc gặp và đánh giá của ông:
"Cuộc làm việc xoay quanh bản kiến nghị do 25 người ký về thông báo chấm dứt biểu tình mà UBND thành phố Hà Nội đưa ra. Đây là cuộc gặp gỡ mà có những lãnh đạo cao cấp nhất của thành phố Hà Nội. Tinh thần rất lắng nghe, mọi người khá thẳng thắn, xây dựng. Mọi người nêu ý kiến của mình, Trong cuộc trao đổi như thế hiểu nhau hơn.
Trong sáu điểm mà chúng tôi đưa ra có một điểm được trả lời rõ ràng là thông báo như thế UBND thành phố Hà Nội đưa ra đúng pháp luật, dù có thiếu sót về hình thức.
Còn về quyền biểu tình thì trong hiến pháp có qui định nhưng chưa có luật nên UBND Hà Nội áp Nghị định 38; nhưng phía chúng tôi cho rằng chưa có luật biểu tình nên không thể áp Nghị định 38. Đó là khác biệt, và còn một số khác biệt nữa nên cần nhiều cuộc gặp để rút ngắn những khác biệt.
Cuộc làm việc không đưa ra kết luận gì cả, mà chỉ là lắng nghe thế thôi; chính quyền nghe bốn vị có mặt tại đó và chính quyền nghe ý kiến của bốn vị, không đặt ra vấn đề phán xét về chuyện này chuyện kia.
TS Nguyễn Quang A
Cuộc làm việc không đưa ra kết luận gì cả, mà chỉ là lắng nghe thế thôi; chính quyền nghe bốn vị có mặt tại đó và chính quyền nghe ý kiến của bốn vị, không đặt ra vấn đề phán xét về chuyện này chuyện kia. Còn nhiều khác biệt nên phải có thảo luận trên tinh thần lắng nghe lẫn nhau, để hiểu nhau hơn và thu hẹp khoảng cách khác biệt."
Trong tuần qua, dư luận hết sức quan tâm đến việc tiếp tục giam giữ một số người tham gia biểu tình chống Trung Quốc cũng như những người đến tiếp nước và thức ăn cho những người bị đưa về công an huyện Từ Liêm, Mỹ Đình.
Phía đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng về việc bắt giữ đó và yêu cầu cơ quan chức năng Hà Nội phải trả tự do ngay cho họ.
Một số trí thức trong nước như Nhà Văn Hoàng Tiến hôm ngày 23 tháng 8 viết thư gửi cho các lãnh đạo nhà nước đề nghị 'dẹp bỏ tự ái, đối thoại với người biểu tình. Kẻ thù với nhau rồi còn bắt tay ngồi bàn tròn nói chuyện, huống hồ mâu thuẫn giữa chính quyền với nhân dân. Một chính quyền của dân, do dân, vì dân không thể đàn áp nhân dân'.
Yêu cầu xin lỗi, cải chính
Giáo sư Chu Hảo vào ngày 25 tháng 8 công khai một bức thư ngắn với tựa'Thông điệp khẩn'trong đó ông nhắc đến đọan băng của Đài truyền hình Hà Nội gọi những người biểu tình chống Trung Quốc là 'phản động', là kẻ xấu. Giáo sư Chu Hảo cho rằng nếu qui kết như thế với những người biểu tình chống Trung Quốc mà trong đó có những nhân vật có tiếng tại Việt Nam như nhà văn Nguyên Ngọc thực là quan điểm của chính quyền Hà Nội thì chính quyền đó không phải của nhân dân nữa. Giáo sư Chu Hảo đưa ra đề nghị phải đến thành ủy chất vấn trực tiếp ông bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị về điều đó.
Cũng vào ngày 27 tháng 8, một số người trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Quang A… gửi thư yêu cầu Đài phát thanh- truyền hình Hà Nội, gọi tắt là HTV1, xin lỗi và cải chính vì đã phát nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến công dân.
Một tác giả ký tên Lưu Mạnh Anh gửi đến mạng Dân Luận bài 'Cơ quan công quyền nên xin lỗi chính thức về việc bắt giữ người trái pháp luật ngày 21 tháng 8 năm 2011.' Trong bài viết tác giả nêu ra những sai phạm của cơ quan công an quận và Viện Kiểm sát quận Hoàn Kiếm chiếu theo nhiều điều khoản của Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam.
Cuộc gặp giữa các vị lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố Hà Nội với một số nhân sĩ- trí thức trong ngày 27 tháng 8 được nhiều người hoan nghênh. Tuy nhiên còn rất nhiều điều còn chờ thời gian để trả lời xem những sai trái từ phía các cơ quan chức năng, truyền thông Nhà Nước… tiếp tục được sửa đến đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét