Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

JB. Nguyễn Hữu Vinh : Thư ngỏ gửi ông Vũ Duy Thông (thầy đời về "nhận rõ những âm mưu thâm độc")

Nguồn  jbnguyenhuuvinh

Thưa ông Vũ Duy Thông,

Vũ Duy Thông

Trên mạng có một bài viết của ông được đưa lên để thiên hạ quán triệt "học tập và làm theo". Đó là bài viết khuyên thiên hạ "Cần nhận rõ những âm mưu thâm độc". Tôi cũng không có ý định đọc nó, vì thường những bài báo được đăng trên tờ Hà Nội mới, tôi ít khi mất công đọc vì không muốn mua vào mình những chuyện bực mình.

Tôi cũng đã định không có ý kiến gì thêm nữa, vì góp thêm một ý kiến đối với ông lúc này, khác chi đổ thêm một giọt nước lên đầu vịt, nó cũng sẽ trôi tuột đi thôi.

Nhưng, cái thói tò mò của tôi đã thắng, tôi đành phải đọc bài viết của ông, để xem ông đã nhả ngọc phun châu những gì mà được cả thiên hạ chú ý, dành cho ông những lời lẽ không mấy ai muốn nghe.

Thưa ông,

Đọc bài viết của ông với câu mở đầu rằng: " Nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Hàng nghìn năm nay, lòng yêu nước khi thấm sâu, khi sôi sục trở thành những dòng thác mạnh mẽ nhấn chìm những âm mưu thôn tính, xâm lược của kẻ thù để giữ vững độc lập, tự do cho đất nước". Tôi nghe thấy quen quen, những câu này, tôi được học từ khi còn là học sinh cấp 2 trường làng. Cũng nhừa nhựa như vậy, cũng tương tự như thế.

Nhưng, đó là ngày xưa.

Ngày nay, trẻ con không ai học như thế nữa vì nó học được ở trên các kênh Truyền hình Việt Nam luôn luôn đầy rẫy các bộ phim về Càn Long, Võ Tắc Thiên, Tần Thuỷ Hoàng, Lưu Bị, Hán Vũ Đế, Thương Ưởng, Hoàn Châu cách cách, Hoà Thân, Bao Công… Bọn trẻ (và ngay cả người lớn) hiểu rằng Tần Doanh Chính như một người có công thống nhất Trung Quốc. Nhưng mọi người không được biết rằng chính ông ta đã cho quân xâm lược nước ta ngay từ buổi đầu của nước Âu Lạc.

Học sinh ngày nay đâu có được biết rằng: Thời Hán với Hán Cao Tổ, Lưu Bang đã từng đem quân xâm lược nước ta.

Rồi học sinh ngày nay, biết được nhà Đường với những nhân vật như Đường Huyền Tông, Võ Tắc Thiên nhưng đâu được biết đây là những kẻ đã từng đem quân sang xâm lược và đô hộ nước ta hơn 300 năm, vơ vét sản vật, bóc lột nhân dân ta vô cùng tàn khốc.

Cũng hàng ngày trên kênh truyền hình Việt Nam, người dân Việt biết được Tống Nhân Tông như một minh quân của triều Tống. Nhưng họ đâu được biết rằng: cũng chính triều Tống ấy đã mang quân xâm lược, đẩy đất nước Đại Việt vào trận chiến quyết tử và đã bị quân dân Đại Việt dạy cho một bài học về sự xâm lược ngay tại thành Ung Châu và bến Sông Như Nguyệt.

Hoặc người dân ta được biết đến Thành Cát Tư Hãn một con người tài giỏi vô cùng, đã lật đổ nhà Tống, lập ra đế quốc Nguyên – Mông với những chiến thắng lẫy lừng khắp Châu Âu, Châu Á mà họ không được biết rằng chính triều Nguyên đã từng ba lần xâm lược nước ta và đều bị quân nhà Trần, dưới sự lãnh đạo của các Vua Trần và Trần Hưng Đạo, đánh tan tành ở Đống Đa và Nhị Hà.

Ngay cả ông, trong bài viết này ông cũng chẳng bao giờ dám nói đến những điều đó.

Thưa ông,

Tôi không hiểu ông ngồi tưởng tượng trong môi trường nào, trong căn phòng nào để nghĩ ra những mưu đồ to lớn như ông đã viết về những con người yêu nước đã biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày hôm đó. Có lẽ ông đang đắp chăn ngủ kỹ sau một đêm dài mộng mị để viết ra những dòng này mà không hề có mặt khi đoàn người dương cao biểu ngữ: "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam" và "Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc là sứ mệnh của toàn dân Việt Nam" hoặc "Tổ Quốc Việt Nam là của 90 triệu người dân Việt Nam, không riêng của bất kỳ ai hoặc bất cứ nhóm người nào"

Vua Lê Thái Tổ đứng ngắm cảnh này sẽ nghĩ sao?

Tôi thấy ở đó, họ ý thức được nghĩa vụ của mình trước vận mệnh thiêng liêng của Tổ Quốc. Tôi thấy ở đó không ai gây mất trật tự công cộng cho bằng cái đám vũ nữ sexy áo quần hở hang nhảy nhót dưới mưa, trước tượng vua Lê Thái Tổ như để trêu ngươi một vị vua có công đánh đuổi quân Minh, chấm dứt 20 năm Bắc thuộc lần thứ tư và sáng lập nhà Hậu Lê đang áo mũ cân đai chỉnh tề trước bàn dân thiên hạ, hoặc trước tượng đài Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh.

Giá như vị vua đó còn sống, những người cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh kia nói được, tôi tin rằng họ mong muốn đất nước hùng cường, không chịu chấp nhận hèn hạ với giặc, hiên ngang trước kẻ thù mà chắc chắn họ không muốn ngắm những cái đùi non thiếu nữ ướt lướt thướt dưới mưa như hôm đó. Có lẽ người thấy khoái, thấy hả dạ với những cảnh đó và cho rằng như vậy là "sôi nổi" (Tôi chưa rõ ông viết sai chính tả không? Hay ông muốn nói là "trôi nổi"?) chỉ có những người như ông chăng?

Chắc ông không bao giờ nghe thấy những tiếng hét căm hờn từ những lồng ngực yêu nước hôm đó, để rồi ông viết: "…một nhóm người đã mượn danh yêu nước, đứng ra hò hét, kích động…". Họ kích động ai thưa ông?

Chắc chắn rằng, với những kẻ như ông, thì Tổ Quốc dù mất đi Hoàng Sa – Trường Sa, Ải Nam Quan… chứ ngay cả Hồ Gươm đi nữa, ông vẫn cho rằng chỉ là "chuyện bé xé ra to" miễn là cái nhà ông đang ở, đồng tiền nhuận bút đáng xấu hổ ông nhận được vẫn còn.

 Nếu như ông có mặt xung quanh Hồ Gươm lúc đó với lực lượng công an, dân phòng như thời chiến, ông sẽ hiểu rằng nguyên nhân chưa hẳn là vì "chủ trương của chính quyền được dư luận người dân trong và ngoài thành phố hưởng ứng" mà chỉ là vì không có một thịt da nào có khả năng chống chọi được súng đạn.

Thật đáng buồn, khi bài viết của ông nêu lên được một sự thật, đó là "Thể hiện bằng lời nói, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả phù hợp với năng lực, và trong khuôn khổ pháp luật thì các hoạt động hô hào cũng là một cách nhưng lại không mang lại hiệu quả nhất". Vâng, có nhiều cách, nhưng cách đơn giản nhất là hô lên rằng Tổ Quốc đang bị xâm lăng, đất nước đang bị họa ngoại xâm mà ông còn không làm được, thì thử hỏi ông sẽ làm được gì hơn?

Người ta còn nhớ rõ, người hô hào nhiều nhất, chưa phải là nhân dân, chưa phải là những người biểu tình trong mấy cuộc vừa qua mà đó chính là Bộ ngoại giao Việt Nam cứ mỗi lần bị anh bạn vàng xâm lược, bắn giết ngư dân cấm biển Việt Nam hoặc phá hoại kinh tế Việt Nam trên biển thì lại "Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý…" thậm chí còn không dám hô hào cụ thể, mà tất cả chỉ là "Tàu lạ"Tàu nước ngoài" và chỉ có như thế rồi dân cứ chịu bắt, chịu đánh, nộp tiền…

Và ở đó thì đúng như ông nói: " hoạt động hô hào cũng là một cách nhưng lại không mang lại hiệu quả nhất" vì dân vẫn tiếp tục bị bắt, tàu lạ vẫn bắn vào ngư dân, Trung Quốc vẫn cấm biển Việt Nam như không có chuyện gì xảy ra và ngược lại ngày càng lấn tới.

Còn nhân dân, họ có gì ngoài biểu lộ tinh thần yêu nước bằng việc làm đơn giản nhất là hô hào mà cũng bị bắt bớ, bị trấn áp? Vậy họ còn có thể làm gì thưa ông? Họ đi mua vũ khí chống xâm lược chăng? Họ hô theo nhà nước là Tàu lạ và giữ im lặng để tiếp tục bị bắn, bị giết chăng? Hay họ cũng được quyền "giao thiệp" với Trung Quốc như Bộ Ngoại giao Việt Nam từng phải "giao thiệp" với Đại sứ quán Tàu khi dân mình bị giết, bị bắt?

Trong bài viết, ông viết rằng: "Âm mưu lâu dài, chiến lược của họ là cô lập và làm suy yếu đất nước ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm suy yếu để đi đến lật đổ chế độ". Đọc những lời này, tôi thấy quả là trí tưởng tượng của ông khá phong phú, một sự phong phú bệnh hoạn. Không ai khác, chính là ông đã vạch ra được một đường lối chiến lược rất "phản động" để gán cho họ.

Ông quên rằng Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh mới nói xong, lời nói chưa rời khỏi miệng rằng "biểu tình mang tính chất yêu nước", sao những lời này của ông đập vào miệng Tướng Nhanh một cách hỗn xược đến thế? Chẳng lẽ một người đã gần suốt đời chuyên nắm bắt những âm mưu, những chiến lược của các thế lực thù địch lại không hiểu vấn đề bằng ông?

Thực sự, bài viết của ông là sự coi thường "đảng và nhà nước ta" một cách rất thậm tệ. Đảng và nhà nước ta luôn tự hào là "đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đã đưa Việt Nam lên tầm cao mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng – đội quân tiên phong và là trí tuệ nhân loại, lương tâm của thời đại – người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là đội quân bách chiến bách thắng… đến nỗi người nước ngoài cứ nằm mơ sau một đêm ngủ dậy được trở thành người Việt Nam". Lẽ nào "đảng và nhà nước ta" với một thế và lực như vậy lại đi sợ mấy người dân chưa đầy hai xe bus, tay không tấc sắt có thể "lật đổ chế độ"? Chẳng lẽ chế độ này dễ dàng bị lật đổ thế sao?

Không thể nói gì hơn, đúng như cách nói của đảng và nhà nước ta thường dùng thì ông là người bằng ngòi bút và đầu óc phản động của mình đã "nói xấu đảng và nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, hạ thấp uy tín và vị thế của đất nước, coi thường Dân tộc và Nhân dân Việt Nam anh hùng luôn đi theo đảng và luôn trung thành với đảng như bố mẹ mình".

Còn nếu như có thế lực chống đối nào muốn lợi dụng lòng yêu nước để làm những việc xằng bậy, thì đảng và nhà nước ta sẽ bắt ngay, trị tội những thế lực chống đối đó không thương tiếc. Tại sao không chiến đấu với thằng hàng xóm xấu bụng thì lại bắt nạt con mình khi nó bảo vệ nền nếp, gia phong?

Ông cho rằng những người biểu thị lòng yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược "đã thất bại và trở nên lố bịch trong mắt mọi người".

Không. Họ chỉ lố bịch trong con mắt của những kẻ mang tâm hồn bệnh hoạn không nhận ra lẽ phải, lẽ sống ở đời là phải bảo vệ lấy non sông, đất nước mình mà thôi thưa ông.

Thưa ông Vũ Duy Thông,

Tôi nghĩ rằng nói với ông, một người mang học hàm được trưng lên trên báo là PGS-TS như ông, kể ra cũng hơi ngược đời vì tôi chẳng được học hành nhiều như ông. Tôi không rõ ông có ý định hù dọa thiên hạ với cái danh hiệu PGS-TS hay ý đồ gì? Nếu đúng thế, ông đã nhục mạ chính cái danh hiệu đó.

Đọc kỹ lại bài viết, tôi thấy không có gì lạ lẫm lắm khi bài viết của ông được tờ Hà Nội mới đặt hàng. Chắc ông thừa biết tờ Hà Nội mới này chính là tờ báo đã ca ngợi không tiếc lời tên tướng Hứa Thế Hữu, kẻ đã cầm đầu cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979 gây bao tang thương cho đất nước này. Tờ báo này đang nợ hàng ngàn chiến sỹ đã hi sinh trên biên giới phía Bắc, hàng vạn người dân đã bị quân xâm lược tàn sát, hủy hoại cuộc sống, nhà cửa và làng bản của họ một ngàn lời tạ lỗi. Qua đó, lẽ ra là một người luôn mồm nói về lòng yêu nước, ông đã phân biệt được nó là gì?

Hà Nội mới ca ngợi tướng Tàu Hứa Thế Hữu, kẻ thù mang nợ máu của nhân dân Việt Nam

Nhưng không, có lẽ mấy đồng nhuận bút kia đã mua đứt lương tâm của người cầm bút như ông chăng?

Đến đây, tôi mới hiểu câu nói của ông rằng"(mà nhiều người tham gia thường nhẹ dạ, cả tin, không biết mình đang bị lợi dụng) để thực hiện những mưu đồ của họ" lại không ai khác mà chính là ông.

Bài viết của ông đã viết ra, nhất ngôn xuất, tứ mã nan truy – một lời nói được nói ra bốn ngựa chạy theo không kịp – đó là cách nói của những người biết hối hận với việc làm sai trái của mình. Nhưng với ông thì chắc là không.

Dù vậy thì tôi vẫn tin rằng ông cũng có gia đình, con cái, họ hàng và những mối quan hệ khác nữa, trong đó có những người biết liêm sỉ, biết nhục, biết vinh…

Thế rồi khi nhìn qua cả mấy trăm ý kiến phản hồi nói theo cách của tuyên huấn ta hay dùng là "tuyệt đại đa số" đều… chửi. Mà cái "tuyệt đại đa số" này có thể thống kê được hẳn hoi chứ không phải theo cách của Hà Nội mới, (thích cái gì thì cái đó được coi như có tuyệt đại đa số ủng hộ theo kiểu nói liều đâu nhé). Chỉ trong có 9  tiếng đồng hồ, có tất cả 376 ý kiến, trong đó chưa tìm thấy được ý kiến nào ủng hộ ông. Nghĩa là cứ chưa đầy 1,5 phút thì có một người buông câu chửi. (Xin ông lưu ý: Từ chửi ở đây được dùng theo nghĩa là phản đối mà là phản đối có tri thức, chứ không phải kiểu chửi đầu đường xó chợ mà một số báo chí ta hay dùng để bôi bẩn cá nhân ai đó họ không ưa).

Đọc những lời đó, tôi chỉ biết với lòng bác ái cần có, tôi cầu mong cho ông, vợ con, họ hàng hay bạn bè thân thích đừng có đọc đến nó. Kẻo rồi khi những ý kiến góp ý đó đã ăn sâu vào đầu, thì chắc nói dại miệng là lỡ ông có nằm xuống, chẳng lẽ trong đám tang người ta không nhắc đến chiến công này của ông. Mà nhắc đến, có khi ma quỷ dưới âm ty cũng không chịu nhận một âm hồn như vậy vì nhỡ đâu xuống đó ông cam tâm làm tay sai bán cả âm ty.

Ông dùng lời Hồ Chí Minh muốn làm cái lá chắn, cái bùa hộ mạng để che cho bài viết bẩn thỉu của mình, nhưng ông không dám nhắc đến câu nói này của Hồ Chí Minh: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Vâng, tinh thần yêu nước của nhân dân ta sẽ không chỉ nhận chìm tất cả bè lũ cướp nước mà còn cả bè lũ bán nước, thưa ông.

Hà Nội, ngày 23/8/2011

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh
************************************

Và một bài khác trên BVN cũng về cái bài của ông Vũ Duy Thông này (ngoài ra ông này cũng được treo ở nhiều nơi khác và đặc biệt bên anhbasam cho mọi người cùng "chiêm ngưỡng và bình luân"...

Tranh nhau yêu nước

PV Quốc Doanh

Ở Thủ đô Hà Nội đang có chuyện tranh nhau yêu nước. Một bên là những người dân, chủ yếu là những người tham gia 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc và những người theo dõi trên mạng, chắc chắn rất đông. Một bên là những người của bộ máy chính quyền, hầu hết giấu mặt, quan chức không dám ký tên vào cái thông báo cấm biểu tình, những người mặc thường phục đi bắt người biểu tình, một số tác giả không dám đề tên thật dưới những bài viết vu vạ biểu tình đăng trên báo chí quốc doanh…

Tranh nhau yêu nước tốt hơn tranh nhau chức quyền, tranh nhau dự án, tranh nhau quản lý các tập đoàn kinh tế để vun vén cá nhân. Nhưng tranh nhau yêu nước lại đi đến tranh giành quyền yêu nước thì lố bịch.

Người Việt Nam từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu, đến đời Lê, Lý, Trần, Lê đã biết yêu nước nồng nàn, chẳng phải chờ có lãnh đạo hoặc dạy cho mới biết cách yêu nước. Ngược lại, trong mọi thời đại, một lực lượng nào đó dũng cảm yêu nước cùng với nhân dân bằng cách nêu gương đi đầu hy sinh, phấn đấu, sẽ trở thành lực lượng tiên phong yêu nước, được nhân dân tin tưởng ủng hộ và trở thành lực lượng lãnh đạo nhân dân.

Người lãnh đạo thực sự không bao giờ dám tự cho mình quyền dạy dỗ nhân dân, mà chỉ phấn đấu phục vụ lợi ích của nhân dân. Nên nếu ai đó nói với dân rằng "cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách" thì đó là kẻ không hiểu biết. Nhưng cũng ngạc nhiên khi có người như ông PGS TS Vũ Duy Thông viết bài "Cần nhận rõ những mưu đồ thâm độc" đăng trên báo Hà Nội Mới, mở đầu: "Nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Hàng nghìn năm nay, lòng yêu nước khi thấm sâu, khi sôi sục trở thành những dòng thác mạnh mẽ nhấn chìm những âm mưu thôn tính, xâm lược của kẻ thù". Những câu này gần như nguyên văn những câu mở đầu một bài viết nổi tiếng của Bác Hồ mà không thấy có dấu trích. Một bài báo mở đầu bằng đạo văn trắng trợn như thế thì không nên mất công đọc.

Tình yêu nước như mọi thứ tình yêu, muôn hình vạn trạng và đều đẹp, nhưng đặc biệt hơn mọi thứ tình yêu khác là vẻ đẹp của nó không loại trừ nhau. Tình yêu trai gái chẳng hạn, người trong cuộc thường thấy mình xứng đáng hơn người ở bên ngoài, còn tình yêu nước không như thế, càng yêu nước càng thấy người yêu nước khác cũng rất tốt đẹp, nên người xa lạ mà trở thành anh em. Nói yêu nước mà lại so bì, tự cho mình yêu nước hơn người khác, đúng hơn người khác, thì đó chưa phải là yêu nước thật sự. Và nói chung, đúng cách thì không hoàn toàn là tình yêu mà đã có màu vị lợi. Lên giọng dạy đời thì chỉ khiến nhớ lời Mạnh Tử (372–289 trước công nguyên): "Cái nguy hiểm nhất của những kẻ tầm thường là thích làm thầy người khác".

Tình yêu nước tự nhiên từ tình yêu cha mẹ, vợ con, anh em, nơi chôn rau cắt rốn. Nó thuộc quyền sống, quyền tự do của con người. Đó là những quyền bất khả xâm phạm. Nhà nước sinh ra chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đảm bảo và bảo vệ quyền tự nhiên ấy của công dân. Điều này đã được John Locke (16321704), nhà triết học người Anh, nói rõ khi bàn về vai trò, chức năng và nguồn gốc nhà nước. Mà ông John Locke chính là nhà tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bản tuyên ngôn được Bác Hồ trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập nước ta.

Ông John Locke gọi quyền tự do của con người là "nhân quyền tự nhiên". Ông phân tích rất rõ, "nhân quyền tự nhiên" là những quyền hiện diện ngay trong trạng thái tự nhiên, khi con người ý thức mình là con người, gắn với con người và thuộc về con người, chứ không phải do nhà nước ban phát. Nên nói nhà nước yêu nước thay cho công dân là rất kỳ quái, còn kỳ quái hơn nói nhóm người này sẽ yêu nước thay cho nhóm người nọ.

Tiếp thu tư tưởng của John Locke, nhà triết học thời khai sáng người Pháp Montesquieu (1689 -1755) đã nghiên cứu và đưa ra lý thuyết phân chia quyền lực. Cơ sở lý luận của lý thuyết này, người nào nắm giữ quyền lực cũng có thiên hướng lạm quyền, cho nên phải phân quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mãi sau này, thêm quyền lực thứ tư là truyền thông, quyền lực thứ sáu là xã hội dân sự. Sự phân chia này nhằm đảm bảo cho nhà nước, trong mọi trường hợp, không được vi phạm các quyền tự nhiên của công dân. Nên nếu bây giờ nói, quyền lực nhà nước phải thống nhất thì đi ngược với lịch sử tư tưởng loài người, lịch sử nhà nước khoảng 300 – 400 năm.

Thời hiện đại còn nhận thức ra, nhân quyền có tính phổ quát, vấn đề không chỉ của quốc gia mà còn của cộng đồng quốc tế. Nên mới ra đời Hiến chương của Liên hiệp quốc ngày 26-6-1945 có một điều nói về nhân quyền và Tuyên bố chung về nhân quyền ngày 10-10-1948 mà nước ta đã là một thành viên đầy đủ. Nên nếu bây giờ nói, nước ta có đặc thù để vi phạm nhân quyền thì cũng đi ngược lại lịch sử.

Nói về đặc thù, quả trong lịch sử nước ta ở thời hiện đại, có một giai đoạn đặc biệt, phải đánh giặc nên làm không đủ ăn. Quan chức chính phủ lúc đó đi xin viện trợ về cho dân tiêu dùng và dân ta thường nói "nhớ ơn chính phủ". Ngày nay thời thế đã đổi thay, phải nói ngược lại "chính phủ nhớ ơn nhân dân", vì nhân dân làm ra cho chính phủ được nhận lương, có tiền tiêu xài. Nếu chính phủ tiêu xài hoang phí, làm mất tiền, nhân dân có quyền bắt phải chịu trách nhiệm, không bây giờ thì tương lai.

Bất luận thế nào, lịch sử vẫn đi tới, không ai quay ngược được lịch sử, chỉ có thể học lịch sử mà thôi.

Nhà Nguyễn đặt triều đình cao hơn đất nước nên để mất nước.

Liên Xô coi thường quyền tự nhiên của con người nên sụp đổ dù có vũ khí nguyên tử.

Đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802- 1885) từng viết: "Không có quân đội nào đứng vững trước sức mạnh của một trào lưu tư tưởng".

Ngày 22/8/2011

Q.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét