(Tường thuật cuộc biểu tình chống Tàu sáng 21-8-2011)
Đ.T.
Sau cái ngày "đặc biệt" 18-8-2011 – ngày UBND TP Hà Nội ra thông báo hài hước gây "ngơ ngác" con dân: "chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát của người dân" mà chỉ đóng dấu treo, không ai dám ký – thì liên tiếp An ninh Quận, An ninh Phường, và các thể loại đoàn thể hùng hục đi đến hết nhà nọ nhà kia thuyết phục, khuyên giải, dọa nạt người biểu tình yêu nước hoặc người có thái độ thẳng thắn phản bác việc đàn áp người biểu tình.
Kết quả của hai cái động thái kỳ cục ấy là: 1/ Lập tức gần hai chục nhân sĩ trí thức đứng đầu là Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gửi Bản kiến nghị phản đối lên ông Chủ tịch UBNDTP Hà Nội; 2/ Cư dân mạng được dịp thỏa sức thưởng lãm rất nhiều bài viết tuyệt hay, đơn cử: Tôi đang phát huy truyền thống gia đình đấy chứ (Phương Bích), Cán bộ Phường Giáp Bát: Có chỉ thị cấm biểu tình của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội? (J.B Nguyễn Hữu Vinh), Quyền biểu tình của công dân (GS Hoàng Xuân Phú), v.v và v.v.
Cảm nhận nổi bật dễ thấy trên những bài viết đó là sự kiên cường, không nao núng của người biểu tình. Thậm chí sáng sớm nay, trước khi xuống đường chắc chắn ai cũng biết mẩu tin trên Ba Sàm:
"Một phản hồi của độc giả gửi lúc 1h43′ sáng 21-08-2011: "Bên DLB không thể gửi còm được, khẩn thiết thông báo anh em dù chỉ còn vài giờ: 'Tôi mới được anh bạn thân làm bên an ninh cho biết, sáng nay có một cuộc họp tuyệt mật do Thành ủy HN chủ trì. Các thành phần tham gia gồm Sở CA HN, Quân khu Thủ đô (đại diện tăng thiết giáp và đặc nhiệm dù cùng dự), An ninh, Tuyên giáo, PCCC, 1 đại biểu Đảng ủy Sở Y tế HN. Có chủ trương đàn áp mạnh nếu cần thiết (khi chỉ thị trực tiếp từ BCT đến người có trách nhiệm của Hà Nội) nhưng tuyệt đối tránh gây thương vong.
Các công cụ cho phép dùng là dùi cui, hơi cay, vòi rồng, đạn cao su. Cuộc họp có nhắc rút kinh nghiệm vụ đạp mặt vì cho là không cần thiết, gây ảnh hưởng xấu. Có một xe tăng được đưa từ Ba Vì về ém trong khuôn viên Nhà khách Bộ QP số 1 Phạm Ngũ Lão (mang tính chất đe dọa). Lữ đoàn dù đặc nhiệm bảo vệ TW được quán triệt tình hình từ 1 tháng nay và được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Vội báo cho anh em chúng ta biết đề phòng. Đã dấn thân vì Tổ quốc là chấp nhận thôi. Không tài nào chợp mắt nổi. Mong trời sáng mau để chúng ta bên nhau. Tổ quốc Việt Nam anh hùng và bi thương không thể mất. Đả đảo Trung Cộng xâm lược!".
Nhưng rút cuộc thì sao.
Cho dù đúng như bản tin đã đưa, ai đến khu vực này cũng đều nhận thấy dường như có đủ loại phương tiện: Xe cứu hỏa, vòi rồng, xe phá sóng cực kỳ hiện đại, lực lượng An ninh với bộ đàm, "gậy chỉ huy" đầy người. Và ngoài ba địa điểm chính: sân tượng đài Lý Thái Tổ, Đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sừng sững mấy cái sân khấu ngoài trời và từ khá sớm các nghệ sĩ nghiệp dư là cháu thanh thiếu niên các phường quận huyện của Thủ đô đang tưng bừng ca những câu đại loại chăm học chăm ngoan dựng xây đất nước...
Và cho dù thế, khắp các đầu đường đổ về Bờ Hồ như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Phụng Hiểu, Hàng Dầu... đều đông dặc lực lượng an ninh cắm chốt. Họ đã đặt sẵn hàng rào sắt, chăng những sợi dây thừng to tướng ngang đường, chỉ chực có lệnh là kéo thẳng lên chặn lối người qua. Điều rất hay ho nữa là hầu như ở "chốt" nào cũng có dăm ba cái ghế nhựa con con để các bác tranh thủ "dưỡng chân" trong khi làm nhiệm vụ. Hô hô, có cảnh sát nước nào sung sướng như thế này không? Trước cửa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, một dãy xe buýt túc trực. Chắc họ phải ra đây sớm lắm nên lác đác trong xe có "sư phụ" (cách gọi bác tài theo kiểu Tàu hiện nay) đang nằm gác chân lên thành xe... đánh một giấc rất say.
Bỗng từ sân tượng đài Lý Thái Tổ, giữa "phút ngừng lặng tâm lý" (bạn nào học Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp rồi thì chắc không quên mấy chữ này) – tức là giữa lúc các nam thanh nữ tú đang chuyển tiết mục, tiếng ca giọng hát tạm dừng thì đột nhiên bên này đường vang vút lên âm thanh vô cùng quen thuộc và thân thương xúc động đến rộn lòng của chị Hằng: "Đả đảo Trung Quốc xâm lược" – ầm ầm vang: "Đả đảo"; "Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam" – ầm ầm vang: "Việt Na... am", "Bảo vệ biển đảo Việt Nam" – "Bảo vệ"! Tất cả sững sờ. Bên tượng đài, nhiều bạn trẻ đứng vụt lên ngơ ngác nhìn sang đường, hướng về phía tiếng hô. Thế là được. Đám thanh niên này chúng cần phải biết hiện tình đất nước. Chúng phải biết có kẻ đang rắp tâm cướp giật đất đai, biển đảo quê hương của chúng. Những tiếng hô kia của các cô, các chú, các ông, các bà chắc chắn đã gieo vào đầu các cháu những chữ HS – TS – VN thiêng liêng. Thế cũng là tốt rồi cho dù ngay sau đó, chúng đã buộc phải trở lại với cái văn nghệ quần chúng của mình. Nhưng tiếng nhạc inh ỏi, tiếng loa eo éo của cảnh sát, tiếng hò hát có trợ giúp của hệ thống loa cực đại cũng chẳng thể át được tiếng hô sang sảng của đoàn biểu tình mỏng manh ít ỏi hơn 10 cuộc trước rất nhiều. Bên kia rộn rã, bên này ầm vang vẫn là sôi động và hào hùng lắm thay.
Đoàn bắt đầu đi, hướng về phía Tháp Hòa Phong. Đã có dấu hiệu xô lấn, nhưng những người biểu tình khá điềm tĩnh. Chị Hằng đứng hẳn lên một chiếc ghế đá miệng hô, tay giơ cao, mắt rực sáng: "Bảo bệ biển đảo Việt Nam", "Bảo vệ ngư dân Việt Nam", "Bảo vệ máu thịt Việt Nam". Nhưng người biểu tình thì ít, kẻ phá đám thì nhiều. Dưới đủ màu áo. Và cái gì đến đã đến. Lực lượng bảo vệ (LLBV) ào ào xô tới túm người nọ kéo người kia, người đẩy kẻ xô, khối người cứ trồi lên trụt xuống. Không nao núng, những tiếng tiền hô hậu ủng kiên quyết lặp đi lặp lại: "Phản đối bắt người yêu nước", "Bảo vệ người yêu nước". Cuộc giằng co không cân sức, một loạt người bị đẩy lên xe buýt. Người gào người thét náo loạn. Trong số khá đông người nước ngoài có mặt thì có một ông cao to chắc là khách du lịch, có lẽ chưa bao giờ chứng kiến cái quang cảnh khủng khiếp mà trong tưởng tượng của những người cả đời được tắm trong bầu sữa nhân văn không thể tưởng tượng được. Ông ta cứ đờ người ra, luống cuống hết bước lên hè lại bước xuống đường, rồi lùi vào một gốc cây. Có lẽ sau một lúc trấn tĩnh ông ta bèn quay ra hỏi một người dân và rõ "nguồn cơn" nên sau đấy ông trở thành một người khác hẳn, giơ máy ảnh chụp lia lịa, ông ấy cao lừng lững, dù bị mấy ả an ninh xua đuổi vẫn nhất quyết quay, chụp bằng được. Cơ hội hiếm có trong đời một người phương Tây chứng kiến người dân thể hiện lòng yêu nước bị chính chính quyền của mình hủy hoại tinh thần đó – thì đố mà tìm được trong lịch sử nước ông ta cũng như trong lịch trình tiến hóa của nhân loại cái tình huống có một không hai ấy. Vậy thì tội gì mà không chộp lấy mang về làm quà cho vợ con xem – như một câu chuyện kinh dị – đặc sản chuyến du ngoạn Việt Nam?
Tiếng hô vẫn không ngừng vọng ra từ trên xe buýt... Biểu tình trên xe buýt lại diễn ra. Những cuộc biểu tình độc đáo Việt Nam!
Rồi lại một xe nữa. Lại xô đẩy, lại túm giằng. Một bạn trẻ giơ cao cờ Tổ quốc lên đầu, bị một kẻ hầm hầm xông đến giằng giật vò xoắn. Người viết bài này bèn hét lên: "Không được xé cờ Tổ quốc! Làm gì thì làm không được xé cờ Tổ quốc!". Ngay lập tức, có nhiều tiếng phụ họa. Nhưng có hai loại tiếng, một là tiếng thét: "Không được xé cờ!" bật ra từ lồng ngực của người yêu nước. Thứ tiếng còn lại là lời nhắc nhau: "Đừng xé cờ" – Chắc họ cũng hiểu rằng họ đã từng "thoát" một lần vì tội vò xé, giẫm đạp lên cờ Tổ quốc trong cơn hăng máu bảo vệ tinh hữu nghị "láng giềng tốt" hôm nào. Có tiếng hô: "Thằng nào xé cờ?". Đáp: "Kia, kia, đây!". Nhất loạt hàng chục máy ảnh, máy quay, điện thoại di động như những mũi tên chĩa thẳng về phía mặt tên vò cờ, y bỗng tái mặt, hoảng hốt thực sự, luống cuống thế nào chạy tọt lên xe chui lên phía trên ngồi trốn trong đó.
Cuộc vật lộn càng lúc càng quyết liệt, thiếu nữ váy áo xênh xang ư – cũng vào đây! Ông lão tóc bạc ư? Mặc cho mọi người hò hét: "Không được làm đau ông lão" – Cũng vào đấy. Chàng trai to con khi nãy bị 5-6 cậu LLBV túm kéo, xô đẩy quyết không khuất phục ngồi bệt xuống đất – nhưng lần này các "chú" không dám khiêng, khênh, đạp nữa nên các chú cứ chơi trò quây đặc kín. Tiếc không có máy mà chụp thì bạn đọc sẽ được nhìn một cái cũi chân người – rất xuya. Mà rồi chẳng hiểu sao, tự dưng chả co chả kéo nữa, lại í ới gọi nhau: "Lên xe đi, lên đây đi mọi người ơi". Thế là lục tục một vài người nhảy tót lên. Ô hay, đi hết thế kia thì còn ai biểu tình? Đang ngơ ngác không hiểu "mô tê răng rứa" gì thì chị bạn mới quen giải thích: "Chúng nó sẽ biểu tình trên xe, rồi đến đâu là nó lại biểu tình ở đó, như lần trước đấy". Ra vậy. Nhưng liệu có được thế không vì người biểu tình thì tự phát, không có họp bàn các phương án như cánh "giải biểu tình" kia, họ có đủ lực lượng, phương tiện, được hỗ trợ tối đa từ vật chất đến tinh thần?
Tình nguyện lên xe buýt…
Những người còn lại như rắn mất đầu, đứng co cụm với nhau từng tốp từng tốp một, không ai muốn về. Rì rầm trò chuyện: kia là tên cá chìm, con bé kia là LLBV đấy, thằng kia toàn đi nghe lén mọi người nói chuyện đấy, mấy ông bà già kia là cả một gia đình từ Thanh Hóa lên đi biểu tình đấy, đây là nhà văn Vũ Ngọc Tiến, anh bạn này tên là H., làm ở một tờ tạp chí, kia là ba người trong gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng... LLBV quyết không để yên, vẫn sấn tới xua đuổi. Một bác mắt long sòng sọc gắt: "Đây là nơi công cộng, tôi ra đây để xem diễn tuồng, không được à?". Một y khác đến trước mặt người viết bài này: "Mời chị đi cho". Vặn luôn: "Tôi đứng chơi ở vườn hoa, thế bên cửa Bưu điện kia có phải là tụ tập đông người không?". Y ta quay người nhìn sang bên cửa Bưu điện: trong đám đông dân chúng ở đó lố nhố hàng chục tên mặc áo đen thuộc LLBV. Im lặng y ta bỏ đi.
Trời Hà Nội mát mẻ. Quanh hồ Gươm vẫn còn ba tụ điểm tụ tập đông người "được phép" đang hát múa xập xình. Đang lầm lũi bước đi, tôi bất giác quay đầu: "Đâu rồi tiếng hát Dậy mà đi phát ra từ một cái loa nhỏ bé của một bạn trẻ lúc nãy? Bài hát làm nền cho cả cuộc biểu tình sáng nay đâu rồi?
Đ.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét