Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

RFA. Điều 4 Hiến pháp – những bất cập

Nguồn RFA

2011-08-29

Điều 4 Hiến pháp vẫn được nói đến rất nhiều, điển hình là các buổi tọa đàm về "Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển" trước đại hội 9 năm 2001. Lần này điều 4 Hiến pháp lại một lần nữa được quốc hội khoá 13 mang ra "mổ xẻ".

AFP photo

Bích chương bầu quốc hội khóa 13, tháng 5-2011


Noi theo các nước Cộng Sản

Dịp thảo luận nhân đại hội 9 năm 2001, một số nhà lý luận đã nhận định rằng "điều 4 Hiến pháp đã đặt Đảng vào vị thế siêu quyền lực". Nay điều 4 lại được đem ra trước diễn đàn Quốc hội trong dịp quốc hội bàn việc tu chính hiến pháp 1992.

Có thể nói điều khoản này của Hiến pháp là một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi nhất, đặc biệt khi áp dụng vào những vấn đề trọng đại của quốc gia. Trong đó, điều luật xác định sự cầm quyền của Đảng Cộng sản cùng với ảnh hưởng của điều 4 trong đời sống dân chủ của người dân thường được nói đến nhiều nhất. 

Khi chúng ta làm Hiến pháp 1980 cũng tham khảo qui định của Liên Xô và vận dụng vào hiến pháp của mình".
nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn đình Lộc

Việt Nam không phải là nước đầu tiên hay duy nhất nói đến Đảng trong Hiến pháp. Mặc dù ngôn ngữ khác nhau nhưng hiến pháp các nước Liên Xô cũ, Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba cũng có những điều khoản nhằm khẳng định sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Thực chất điều 4 Hiến pháp 1980 được xây dựng dựa trên sự tham khảo điều 6 Hiến pháp Liên Xô. Việc này đã được khẳng định trong lời phát biểu của người từng tham gia xây dựng hiến pháp năm 1980 và 1992, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Đình Lộc. Trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ vào tháng 10 năm 2007, ông Lộc nói: 

"Điều 6 hiến pháp năm 1977 của Liên Xô đã nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi chúng ta làm Hiến pháp 1980 cũng tham khảo qui định của Liên Xô và vận dụng vào hiến pháp của mình".

Điều 4 Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định "Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992 xây dựng trên cơ sở điều 4 Hiến pháp 1980, chỉ bỏ đi từ "duy nhất" sau khi chủ nghĩa cộng sản Đông Âu sụp đổ.

"Ông vua tập thể"

Việc bỏ đi từ "duy nhất" xem ra không làm nhẹ đi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, ở một xứ sở mà khái niệm đa đảng chưa được khuyến khích. Bằng chứng là nhiều vị quan chức về hưu, thậm chí còn tại vị đã phải lên tiếng khi điều khoản này đã tạo ra những lạm dụng quyền lực. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn trên Tuần Việt Nam năm ngoái, ông Nguyễn Đình Lộc cũng nói rằng "Liên Xô sụp đổ, cũng là lúc cái điều trong Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản được khẳng định rất mạnh mẽ". 

Không phải dân chủ nữa mà là đảng chủ rồi
Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An 

Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đã phát biểu trong bài phỏng vấn với Tuần Việt Nam, số ra tháng 10 năm ngoái rằng 

"Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy, Đảng trở thành ông vua tập thể rồi. Không phải dân chủ nữa mà là đảng chủ rồi". 

Một khi đã là ông vua tập thể, nếu quyền lực tập trung như thế, thì sự lạm quyền là tất yếu. Đó cũng chính là tư tưởng của thuyết Montesquieu, nền móng cho các Hiến pháp dân chủ, trong đó hiến pháp Hoa Kỳ được nhiều người công nhận là mô thức điển hình . 

Việc quy định quyền lãnh đạo của Đảng trong hiến pháp tất nhiên tạo ảnh hưởng đến cả các bộ luật hay văn bản dưới luật cũng như gây ảnh hưởng trực tiếp đến các điều khoản, luật lệ khác trong hiến pháp.  Có thể nói không quá lời khi cho rằng hầu hết các điều trong Hiến pháp đều bị điều 4 chi phối, nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng vẫn là tối thượng. 

Tháng 10 năm 2007, khi có nhiều ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp, TS Uông Chu Lưu phó chủ tịch Quốc hội phát biểu rằng việc sửa đổi Hiến pháp "cần chờ đại hội Đảng toàn quốc để sửa đổi cương lĩnh…Bây giờ nếu chúng ta sửa Hiến pháp, rồi sau khi Đảng sửa cương lĩnh, lại đặt vấn đề sửa Hiến pháp nữa thì rất phức tạp". 

Phản biện trước ý kiến này, nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã nói "Ai có quyền tối hậu trong Lập Hiến thì người đó là người chủ đích thực của đất nước".  Như vậy phải chăng Đảng Cộng Sản, thực chất chỉ là một nhóm người được quy định tại điều 4 Hiến pháp, đã tước đi vai trò làm chủ thật sự của người dân?

Luật gia Lê Hiếu Đằng, phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát biểu:
"Ví dụ có những vấn đề Đảng lại quyết định trước rồi mới thông qua Quốc hội. Như vậy vai trò của QH không có ý nghĩa gì cả. Cho nên vấn đề này cần được minh bạch".

Quyền lập hiến phải thuộc về toàn dân

Hiến pháp không phải là một văn bản bình thường. Hiến pháp qui định những điều căn bản của xã hội, trong đó bao gồm tự do, dân chủ, nhân quyền. Chính vì thế, quyền lập hiến chỉ thuộc về một bộ phận duy nhất là nhân dân, vì họ là người chủ đất nước thực sự. Điều 83 của Hiến pháp 1992 qui định "Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền Lập Hiến và Lập Pháp".  

Đây là một sự chuyển quyền mà theo cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là "sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập hiến từ dân đã được chuyển sang Quốc hội". Trong khi đó thì Quốc hội luôn luôn nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng bởi hơn 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Ai cũng thấy được rằng một nước dù theo thể chế nào đi nữa thì mọi đảng viên của một đảng chính trị nào cũng phải theo chính sách của đảng ấy.

bây giờ người dân phải bầu (chọn hiến pháp) qua Quốc hội. Mà Quốc hội có đến hơn 90% là đảng viên rồi"  

Cổ động bầu quốc hội khóa 13, tháng 5-2011- AFP photo
Cổ động bầu quốc hội khóa 13, tháng 5-2011- AFP photo

luật gia phó chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một trong hai nguyên tắc bắt buộc để xác định người chủ đất nước là việc bầu cơ quan đại diện cao nhất cho mình, tức Quốc hội. Thế nhưng ở Việt Nam người dân phải bầu chọn từ một danh sách được Mặt trận tổ quốc và Ban bầu cử đã chọn trước và đưa ra. Đảng Cộng sản coi Mặt Trận Tổ Quốc do đảng chọn ra cũng là đại diện của nhân dân, vậy liệu có phải các vị "nhân dân cấp cao" trong Mặt Trận lại được chọn ra danh sách ứng cử viên quốc hội để toàn dân chọn lại chăng? Ông Lê Hiếu Đằng, cho biết:

"Về vấn đề nhân sự, người dân phải bầu trực tiếp. Tuy nhiên, bây giờ người dân phải bầu (chọn hiến pháp) qua Quốc hội. Mà Quốc hội có đến hơn 90% là đảng viên rồi".

Trong bài "Một chiến lược dân chủ hóa để chống tham nhũng" năm 2000, trung tướng Trần Độ từng nhận định rằng một khi đã nắm hết quyền mà không ai kiểm soát thì sẽ sinh ra tham nhũng. Về điều này, luật gia Lê Hiếu Đằng chia sẻ:
"Điều 4 cần được thể chế hóa thành luật quy định sự lãnh đạo của Đảng phải để người dân giám sát. Nếu không có giám sát thì Đảng dễ sinh ra tệ quan liêu, chuyên quyền, lạm quyền.

"Luật hóa" điều 4: chống lạm quyền

Chính vì thế, từ lâu, đã có những ý kiến về điều 4 Hiến pháp, trong đó có việc đề nghị luật hóa điều này. Gần đây nhất, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH cũng từng phát biểu rằng 
"Còn riêng về điều 4, tôi cho là cần phải cụ thể hóa hơn nữa, để người dân cũng biết được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật là nghĩa như thế nào. Và thậm chí cũng nên cụ thể hóa bằng một đạo luật". 
Theo điều 2 Hiến pháp, thì Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, vậy nên nếu không thể chế hóa về mặt pháp lý sự lãnh đạo của Đảng, thì chẳng lẽ Đảng lại nằm ngoài vòng pháp luật hoặc đứng trên pháp luật? Ông Lê Hiếu Đằng nói thêm:
 "Nếu muốn tiến lên một xã hội dân sự, pháp quyền, thì phải như thế thôi. Mọi bộ máy trong hệ thống chính trị phải được người dân giám sát chặt chẽ, không loại trừ một ai. Như thế mới gọi là dân chủ".

Nếu Đảng là đảng cầm quyền thì dĩ nhiên những chính sách và phương thức lãnh đạo của Đảng có mối quan hệ trực tiếp và sâu rộng với đời sống gần 90 triệu dân. Cho nên, nếu không có những biện pháp chế tài và kiểm soát của pháp luật thì lợi ích người dân trong tất cả các mối quan hệ xã hội từ chính trị, văn hóa xã hội, thể chế… sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực, do xu hướng lạm quyền.

Suy cho cùng, các quy định của pháp luật, dù là đối với Đảng, không phải được đặt ra để ngăn cấm hay hạn chế, mà chính là tạo ra khuôn khổ để đảm bảo quyền lợi của người chủ thật sự của đất nước: đó là nhân dân.  Chính vì thế, mà đề nghị luật hóa điều 4 đã được nói đến. Việc này nhằm xác định những giới hạn trách nhiệm công việc, phương thức kiểm soát và chế tài khi cần thiết như ông Lê Hiếu Đằng chia sẻ:

"Mặc dù có điều 4 Hiến pháp nhưng nếu chính sách, chủ trương của Đảng không phù hợp thì sự lãnh đạo của Đảng cũng rất yếu và không có tác dụng nhiều"...."Và khi Đảng có những sai lầm thì cũng phải có những chế tài nhất định'.

Ông Nguyễn Minh Thuyết không phải là người đầu tiên và duy nhất nói đến luật hóa điều 4 Hiến pháp. Trong một đề tài quốc gia của Học viện Hồ Chí Minh, cũng đã có ý kiến đề nghị xây dựng một dự án luật về sự lãnh đạo của Đảng. Thêm vào đó, ông Nguyễn Đình Lộc cũng từng cho rằng có một số văn kiện gây lúng túng và đạo lý của nó chưa được thấm hết. Theo ông, "thế nào là đảng cầm quyền, trách nhiệm đến đâu, quan hệ với nhà nước thế nào".

Một nền móng bất cập, mập mờ

Những nhà lãnh đạo Việt Nam hay dùng hình mẫu "độc đảng" của Singapore trong thời kỳ lập quốc như một minh chứng rằng một đảng lãnh đạo vẫn có thể mang đến một xã hội phát triển. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là hiến pháp Singapore không hề qui định về sự lãnh đạo của đảng, trong khi điều 4 Hiến pháp Việt Nam, qui định sự lãnh đạo của Đảng; đó là một trong những điều tối quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. 

Những phân tích vừa được dẫn giải cho thấy những chồng chéo, bất cập, và thậm chí mập mờ của Hiến pháp Việt Nam, nền móng của luật pháp ở Việt Nam - một việc không nên xảy ra với bất kỳ một Hiến pháp nào. Hiến pháp là luật gốc, là luật mẹ, là khế ước của toàn dân.

Một khi đã không đảm bảo được tính dân chủ thật sự cho người dân, từ tay người dân, thì hiến pháp, dù là hiến pháp mang tên dân chủ, cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét