Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Linh mục Ernesto Nguyễn Văn Hưởng : NHÂN QUYỀN

Nguồn ghxhcg

GHXHCG - Đăng ngày 16-8-2011 10:44 AM GMT+7 - Lượt xem: 94

NHÂN QUYỀN 

Đây là bài trình bày của Cha Ernesto Nguyễn Văn Hưởng, khóa tìm hiểu cơ bản giáo huấn xã hội Công Giáo, được tổ chức tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn.

1. Giáo hội đánh giá cao bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

Phong trào tiến tới chỗ xác định và công bố các quyền của con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáp ứng cách hữu hiệu những đòi hỏi tất yếu của phẩm giá con người. …

Huấn Quyền Giáo Hội không ngừng ghi nhận giá trị tích cực của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngày 10-12-1948, và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như "một cột mốc thực sự trên con đường tiến bộ đạo đức của nhân loại" (152).

2. Vài nhận xét về bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền

Vài điểm nền tảng trong Tuyên ngôn:

  • Công nhận nhân phẩm của tất cả con người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ lànền tảng của tự do, công lý và hòa bìnhtrên thế giới
  • Xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ
  • Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp
  • Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tácvới Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
  • Dùng sự truyền đạt và giáo dục để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.

3. Học Thuyết Xã Hội nói về quyền con người

3.1 Nguồn gốc quyền con người

Thật ra, nguồn gốc các quyền con người nằm ngay trong chính phẩm giá của mỗi một con người.…

Những quyền này mang những đặc tính "phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng"308Phổ quát, vì chúng hiện diện nơi hết mọi người, bất kể thời gian, địa điểm hay chủ thể. Bất khả xâm phạm, bao lâu "chúng tồn tại trong con người và trong phẩm giá con người" và vì "thật vô ích khi công bố các quyền mà đồng thời không làm gì để bảo đảm cho chúng được tôn trọng bởi mọi người, mọi nơi và vì mọi người". Bất khả nhượng, bao lâu "không ai có thể tước đoạt những quyền ấy khỏi người khác một cách chính đáng, bất kể người đó là ai, vì làm như thế là xâm phạm tới bản tính của chính họ".

Phẩm giá này, tồn tại bên trong đời sống con người và bằng nhau trong mỗi một người, đã được nhận thức và lĩnh hội trước tiên là nhờ lý trí. Nền tảng tự nhiên của các quyền này càng trở nên vững chắc hơn khi, nhờ ánh sáng siêu nhiên, người ta nhìn nhận rằng phẩm giá của con người, sau khi được Chúa trao ban và bị thương tổn sâu xa bởi tội, đã được Đức Giêsu Kitô đón nhận và cứu chuộc qua sự nhập thể, qua cái chết và sự sống lại của Người (153).

3.2 Bản liệt kê Quyền con người của Giáo hội

 Cha Nguyễn Văn Hưởng đang trình bày bài Nhân Quyền (ảnh Tuyết Xuân)

 

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lập một danh sách các quyền ấy trong Thông điệp Centesimus Annus: "quyền được sống, một phần không thể thiếu trong quyền ấy là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai; quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý giúp phát triển nhân cách của đứa trẻ; quyền được phát huy trí thông minh, được tự do tìm kiếm và hiểu biết sự thật; quyền được chia sẻ công ăn việc làm để sử dụng các nguồn lực vật chất của trái đất cách khôn ngoan, và quyền được lấy từ việc lao động những phương thế để trợ giúp bản thân và những người lệ thuộc vào mình; và quyền được tự do lập gia đình, quyền có con và dạy dỗ con qua việc thực hiện hành vi tình dục một cách có trách nhiệm. Theo một nghĩa nào đó, nguồn gốc và tổng hợp các quyền này chính là quyền tự do tôn giáo, được hiểu như quyền được sống theo sự thật của đức tin và phù hợp với phẩm giá siêu việt của một con người" : Theo Giáo hội thì : "mọi người phải được miễn không bị một sự cưỡng ép nào từ phía cá nhân hay tập thể xã hội hoặc bất cứ quyền bính nhân loại nào, đểkhông ai bị ép buộc hành động ngược với niềm tin của mình, một cách riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với những người khác, trong giới hạn thích đáng". Tôn trọng quyền này là dấu chỉ cho biết "con người đã tiến bộ thật sự trong bất cứ chính thể, xã hội, hệ thống hay môi trường nào".

3.3 Quyền lợi và nghĩa vụ

Liên kết hết sức chặt chẽ với đề tài quyền lợi là vấn đề nghĩa vụ của con người: "Trong xã hội loài người,quyền của người này là nghĩa vụ cho hết những người khác: cụ thể là nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng quyền ấy". Huấn Quyền đã lưu ý sự mâu thuẫn nội tại khi khẳng định các quyền lợi mà không nhìn nhận các trách nhiệm tương ứng. "Bởi đó, những ai đòi hỏi quyền lợi mà quên hay bỏ qua không thi hành các nghĩa vụ của mình là những người xây dựng tay này nhưng lại phá hoại tay kia" (156).

3.4 Quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia

Luật quốc tế "dựa trên nguyên tắc phải tôn trọng một cách bình đẳng đối với các quốc gia, đối với quyền tự quyết của mỗi dân tộc và đối với sự hợp tác tự do nhằm đạt được công ích cao hơn cho cả nhân loại". Hoà bình được xây dựng không chỉ dựa trên sự tôn trọng các quyền con người, mà còn trên sự tôn trọng các quyền của dân tộc, nhất là quyền độc lập.

Một quốc gia có "quyền căn bản để tồn tại", quyền "có ngôn ngữ và văn hoá riêng, để qua đó dân tộc thể hiện và phát huy… 'chủ quyền' tinh thần căn bản của mình", quyền "định hướng cuộc sống của mình theo những truyền thống riêng của quốc gia, dĩ nhiên khai trừ mọi lạm dụng các quyền căn bản của con người và đặc biệt sự đàn áp các người thiểu số", quyền "xây dựng tương lai mình bằng cách cung cấp một nền giáo dục chính đáng cho thế hệ trẻ" (157).

3.5 Khoảng cách giữa chữ viết và tinh thần

Thực tế rất đáng buồn là các quyền ấy đã bị xâm phạm, với đủ loại chiến tranh và bạo lực, nhất là những cuộc diệt chủng và lưu đày tập thể, việc mở rộng gần như trên toàn thế giới những hình thức chưa từng thấy của sự nô lệ như buôn người, bắt trẻ em làm lính, bóc lột người lao động, buôn bán ma tuý trái phép, mãi dâm (158).

Có một khoảng cách giữa "chữ viết" và "tinh thần" của nhân quyền332, mà chúng ta có thể lần ra nguyên do là vì người ta chỉ nhìn nhận các quyền này một cách hết sức hình thức.

Giáo Hội, ý thức sứ mạng của mình tuy chính yếu là tôn giáo cũng bao gồm việc bảo vệ và phát huy các quyền con người334, Giáo Hội "đánh giá rất cao phong trào rất mạnh hiện nay là đâu đâu cũng cổ vũ các quyền con người". Giáo Hội cảm nghiệm sâu sắc nhu cầu phải tôn trọng công lý và các quyền con người ngay trong hàng ngũ Giáo Hội (159).

4. Thay cho lời kết

Giáo Hội dấn thân trong công tác mục vụ này theo hai hướng: bằng cách công bố những nền tảng Kitô giáo của nhân quyền và bằng cách tố giác những sự vi phạm các quyền này338. Dù sao, "công bố bao giờ cũng quan trọng hơn là tố giácvà không thể tố giác mà quên công bố, vì có như thế việc tố giác mới chắc chắn và có động cơ cao cả". Để đạt hiệu quả cao hơn, việc dấn thân này nên có sự cộng tác đại kết, đối thoại với các tôn giáo, tiếp xúc thích đáng với các tổ chức khác, bất luận thuộc chính phủ hay phi chính phủ, ở cấp quốc gia hay quốc tế. Trên hết, Giáo Hội cậy dựa vào sự giúp đỡ của Chúa và của Thánh Thần Ngài, vì khi được đổ vào tâm hồn con người, Thánh Thần ấy chính là bảo đảm chắc chắn nhất cho công bằng và nhân quyền được tôn trọng, cũng như góp phần đem lại hoà bình. "Đẩy mạnh công lý và hoà bình, đưa ánh sáng và men Tin Mừng thâm nhập mọi lĩnh vực của xã hội con người, đó luôn luôn là mục tiêu Giáo Hội ra sức nhắm tới khi thi hành mệnh lệnh của Chúa".

 

Chú thích: Các số 152, 153, 156, 157, 158, 159 trong bài trên là số thứ tự các đoạn trong quyển Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo.

Linh mục Ernesto Nguyễn Văn Hưởng

Giáo sư Thần học luân lý Đại chủng viện Thánh Giuse

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét