Berlin – Này hãy nhìn xem, ĐGH Benêđictô XVI luôn tạo ra một sự bất ngờ tốt cho những người quý mến Ngài cũng như cho kẻ thích chỉ trích Ngài, lời nhận định của nhà bình luận kỳ cựu và cũng là chủ bút Thomas Schmid của nhật báo Die Welt nổi tiếng của Đức. Từ công việc cho đến tài năng cá nhân Ngài luôn có sự liên tục bển bỉ, hầu như không có sự đổi thay nào cho dù tuổi tác đã cao và sức khỏe theo đó giảm đi. Điều này đã làm cho những đối thủ của Ngài ái ngại vì chạy theo không kịp. Nói theo kiễu nhà đạo, đấy là người Chúa giữ gìn và sống nhờ ơn Chúa.
Đối với nhiều người ĐGH Benêđictô XVI được coi như là một nhà bảo thủ cứng rắn, một người nghiêm khắc cầm cương gìn giữ tín lý của Giáo Hội từ nhiều thập kỷ qua, nhiều khi đối với Ngài không có chuyện bàn cãi nhiều lời mà chỉ dựa tên lý trí, nền tảng vững chắc của Thần Học chính thống và lòng tin vững vàng.
Mới đây được dẫn chứng bằng một cuộc triển lãm của 600 mục sách của Ngài được dịch ra sang 30 ngôn ngữ khác tại điện nghỉ hè ở Castel Gandolfo, một học giả lớn thật hiếm có của thế kỷ. Tư tưởng của ĐGH Benêđictô XVI sẽ đi theo niềm suy tư của nhân loại về triết lý lẫn thần học trong nhiều năm tới. Khi đến thăm củộc triển lãm sách, ĐGH phải ngạc nhiên về gia sản tư tưởng của mình: "Tôi cảm động và cũng thấy lo lo khi thấy bao nhiêu bộ sách ở đây xuất phát từ tư tưởng của tôi. Tôi hy vọng điều này có thể hữu ích cho con người, và chúng không phải chỉ là những lời qua đi, nhưng là những lời có thể giúp tìm ra con đường".
Trong chuyến Tông Du lần thứ ba thăm nước Đức, giới chính trị đã làm nóng nghị trường trong nhiều ngày vừa qua khi Quốc hội Đức mời Ngài đến thăm và đọc bài tham luận tại đây. Một nhóm Dân Biểu trong khối Đảng Xanh Grün, Cánh Tả Linke và Đảng Xã Hội SPD gồm 80 người đã tẩy chay cuộc viếng thăm.
Những người cực đoan thuộc nhóm này cho rằng một người lãnh đạo tôn giáo không được nói chuyện trong Quốc hội. Người khác cho biết đó là một việc làm truyền giáo cần phải ngăn cấm.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng người Đức đầu tiên kể từ năm 1523 và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Đức. Trong lịch sử 62 năm của Quốc hội Đức, Ngài là người thứ 13 đương nhiệm nguyên thủ của một quốc gia được mời đến nói chuyện với các đại biểu tại quốc hội.
Quốc hội Đức được đại diện bởi 620 Dân Biểu qua cuộc bầu cử Liên Bang vào năm 2009 từ 5 Đảng đại diện dân tộc Đức. Gồm có:
1. Liên minh Dân Chủ và Xã Hội Thiên Chúa Giáo – CDU/CSU: 237 Dân biểu
2. Đảng Xã Hội SPD: 146 Dân biểu
3. Đảng Dân Chủ Tự Do FDP: 93 Dân biểu
4. Cánh Tả Linke (gốc CS Đông Đức): 76 Dân biểu
5. Đảng Xanh Grün: 68 Dân biểu
Trong khối Liên minh Dân Chủ và Xã Hội Thiên Chúa Giáo có 55% Dân biểu là người Công Giáo, Đảng Dân Chủ Tự Do FDP chiếm 20% CG, Đảng Xã Hội SPD 15% CG, Đảng Xanh 13%. 76 Dân biểu của Cánh Tả Linke (gốc CS Đông Đức) chỉ có duy nhất 1 người công giáo.
Hôm thứ năm, ĐGH Benêđictô XVI đọc diễn văn tại Quốc hội thì 48 Dân Biểu của Cánh Tả Linke đã chống đối bằng cách vắng mặt. 19 vị của các đảng khác không đến tham dự vì bệnh tật hoặc bận công vụ.
Nhà báo Thomas Schmid thấy tiếc cho những vị Dân Biểu này, họ đã bỏ mất một cơ hội tốt để trau dồi tư tưởng cho chính mình. Nếu ĐGH muốn lấy lòng một nhóm thiểu số này thì Ngài sẽ nói về hôn nhân đồng tình luyến ái, vợ chồng ly dị, truyền chức cho nữ giới, các viên thuốc phá thai, bao cao su, v.v… Nghĩa là ĐGH cúi đầu trước sự đòi hỏi mang tính chất chính trị của họ và phải chạy theo xu hương trào lưu mới của xã hội, thì kẻ chống đối Ngài sẽ vô cùng hài lòng.
Không như thế, ĐGH muốn trao cho các nhà chính trị Đức cũng như trên thế giới một nền tảng cai nước trị dân bằng môt "một trái tim hiểu biết" để cảm nhận được quyền quyết định phải đặt trên nền tảng công lý và phục vụ người dân. Đối với ĐGH đó là những điều cơ bản nhất của chính trị trong một xã hội tự do.
ĐGH Benêđictô XVI đặt trái tim này trong cách cư xử khôn ngoan của Vua Salomon để nói về nền tảng chính trị, công lý và đức tin. Đây là một triết lý để sống trong đời chính trị và làm cho các Dân Biểu quá đỗi ngạc nhiên.
Nền tảng của chính trị trong một xã hội tự do
Ngay khi vừa mới bước vào tòa nhà Quốc hội lúc 16g51 (trễ hơn dự định 21 phút) ĐGH Benêđictô XVI đã được chào đón bằng những tràng pháo tay vang dội.
Chủ tịch quốc hội Đức, giáo sư Dr. Norbert Lammert vui mừng chào ĐGH: "Chưa bao giờ trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đã nói đến nói chuyện trước quốc hội Đức. Và hiếm khi có một bài diễn văn tại tòa nhà này trước khi được phát biểu đã nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm như thế."
Sau đó ĐGH Benêđictô XVI bước lên bục giảng làm cho cả hội trường im phăng phắc lắng nghe.
Trước tiên ĐGH biểu lộ tâm tình: "Đây là điều vinh dự và niềm vui của tôi được đọc diễn văn trong tòa nhà này, trước Quốc hội của nước Đức, tổ quốc của tôi, trước những vị đã được bầu lên trong sự dân chủ để đến đây cùng nhau làm việc vì lợi ích cho Cộng hòa Liên bang Đức".
Ngay lúc mở đầu ĐGH đã muốn nhắc nhở các chính trị gia Đức: "Làm việc như một chính trị gia không thể coi đó là môt thành công và chắc chắn không để làm giàu cho vật chất. Các nhà chính trị phải nỗ lực để mang lại công lý và do đó tạo ra các điều kiện tiên quyết cho hòa bình".
Một cách hài hước ĐGH nói về tuổi tác của mình: "Một điều trấn an cho tôi khi biết rằng người đời với 84 tuổi vẫn còn có thể suy nghĩ chín chắn".
ĐGH Benêđictô XVI trích dẫn tư tưởng của Thánh GM Augustinô của thế kỷ III: "Đánh mất nền công lý thì nhà nước còn lại điều gì, ngoài lũ trộm cướp" để dẫn giải vào ý tưởng trình bày của Ngài cho các chính trị gia Đức. Điều này đã xảy ra khủng khiếp trên quê hương nước Đức của Ngài, một nơi đã dã man xem thường luật pháp và công lý của phát xít Đức để bắt đầu cho một cuộc diệt chủng tàn khốc của nhân loại. Tiếp theo sau đó, tại một nơi bên phần đất Đông Đức trong thời cộng sản người dân đã bị tước đoạt mọi quyền tư do cơ bản của con người.
Giới bình luận ca ngợi ĐGH đã nhắc nhở điều quan trọng này liên quan đến những giai đoạn lịch sự đen tối của nước Đức cho các nghị viên tại quốc hội Đức.
Không chỉ dừng tại đó mà Ngài muốn hướng dẫn người nghe đi xa hơn khi nêu lên câu hỏi cơ bản: Công lý đến từ đâu và phải gìn giữ nó lâu dài như thế nào? Trong sự hiểu biết chín chắn về nó thì chính con người và xã hội có thể đặt nền công lý ra khỏi bên ngoài cuộc sống. Dẫn chứng cho lập luận này ĐGH Benêđictô XVI đưa ra luận đề của luật gia người Đức, ông Ernst-Wolfgang Böckenförde nói vào năm 1976: "Một nhà nước tự do và thế tục sống dựa và các điều kiện mà họ không thể đảm bảo nó". Đó là một mức đo trong một cuộc chơi làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta là thượng đế và đồng thời cũng chính là người quan tòa. ĐGH nhấn mạnh: "Con người có thể phá hủy thế giới. Con người có thể tự lừa dối mình. Con người có thể tự tạo ra con người và loại trừ con người".
Đây là một món ăn tinh thần khó nuốt mà ĐGH muốn trao cho những người đại diện dân chúng trong quốc hội Đức. Chẳng ngại ngùng Ngài dùng ngôn ngữ của bậc thầy trong đại học để giảng dạy rõ ràng quan điểm triết lý cho những người đang mang trách nhiệm xây dựng một thế giới công bằng và phải bảo vệ nó.
Ngay cả trong một nền dân chủ tự do, không phải mọi điều rõ ràng và mang tính cách đa số đều là đúng – cũng không phải ngày nay khi thấy các điều tích cực rồi làm cho lý trí hào nhoáng lên là đủ.
Quan điểm của ĐGH không đặt vào cách nhìn của nền tảng Kitô giáo. Ngài khiêm tốn chỉ ra ý tưởng này đã được phát triển bởi sự bình đẳng của tất cả mọi người, sự bất khả xâm phạm vào nhân phẩm con người và trách nhiệm của con người cho hành động của họ từ ý tưởng của đấng tạo hóa.
Các chính trị gia cần có "một trái tim hiểu biết" của Vua Salomon
Trong một thời khắc lịch sử, lúc đó con người trước đây đã không thể tưởng tượng được quyền lực đã đến, thì trách nhiệm trước toàn dân càng cấp bách hơn nhằm đến "phục vụ cho công lý" và người làm chính trị cần phải có khả năng phân biệt tốt xấu.
Một lời cầu khẩn như Vua Salomon đã làm và đã xin "một trái tim hiểu biết" để phân biệt được điều thiện điều ác. Đó là một vấn đề hệ trọng hàng đầu, ngay cho đến ngày nay mà các chính trị gia và chính sách của họ luôn đứng trước các quyết định sống còn.
Bài phát biểu của ĐGH Benêđictô XVI chấm dứt vào lúc 17g10. Tự phát tất các Dân Biểu trong hội trường đứng lên, một cách biểu tỏ lòng kính trọng với vị khách mời, ngay cả các nghị viên của Đảng Xanh Grün, Cánh Tả Linke và Đảng Xã Hội SPD cũng đứng lên. Hội trường vỗ tay không ngừng dài đến 2 phút đồng hồ.
Lời diễn văn của ĐGH Benêđictô XVI tại Quốc hội Đức kéo dài 21 phút.
Chủ tịch Quốc hội Đức, giáo sư Dr. Norbert Lammert cho biết sau khi nghe bài diễn văn xúc tích chứa đựng triết lý cao của ĐGH thì một số trong những Dân Biểu đã tẩy chay ĐGH Benêđictô XVI sẽ tự xấu hổ cho hành động nông nổi của mình.
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
Vietcatholic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét