Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

TS Nguyễn Thành Sơn từ TKV: Hai lý do cho phép đóng cửa dự án Alumina

Post lại từ luongtamconggiao



Sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận, với 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án – Ts Nguyễn Thành Sơn từ TKV.
Nguyễn Thành Sơn
 
Toàn bộ làng Kolontár nhuộm một màu đỏ chết chóc – Ảnh: AFP
LTS: Sau thảm họa bùn đỏ tại Hungary, vấn đề bô-xít Tây Nguyên một lần nữa lại nóng lên trong dư luận xã hội và ngay tại nghị trường, với các ý kiến trái chiều xung quanh hiệu quả kinh tế và tính an toàn của dự án. Trước những ý kiến tranh luận nhiều chiều những ngày qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ lắng nghe để thảo luận thêm nhằm đi đến quyết sách cuối cùng trong vấn đề này.
Nhằm cung cấp thêm một góc nhìn tham khảo để Đảng, Chính phủ có những thông tin tham chiếu trước khi đưa ra một quyết định đúng đắn về số phận 2 dự án quan trọng đã được Đảng cho phép thí điểm này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, thuộc tập đoàn TKV – chủ đầu tư dự án bô xít Tây Nguyên.
Trước đây, chúng tôi có dịp trình bầy 10 lý do không nên giao cho TKV triển khai các dự án bauxite trên Tây Nguyên. Tuy nhiên, BCT và Ban bí thư đã có ý kiến kết luận và chỉ đạo triển khai thử nghiệm. Đây là việc làm cần thiết. Khác với ý kiến của ông bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không cần thí điểm, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thử nghiệm này.
Đến nay, sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, cũng rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận. Sau đây chúng tôi xin trình bầy 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án:
Nguy cơ từ công nghệ thải bùn đỏ
Vấn đề vỡ đập hồ bùn đỏ chứa chất thải độc hại của nhà máy alumina ở Hungary vừa qua không phải là duy nhất. Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều vụ vỡ các đập chắn của các bể/hồ chứa chất thải của các cơ sở công nghiệp. Tính đến nay đã có hàng trăm vụ vỡ đập đã được thống kê, chỉ có điều các hồ bùn thải đó không chứa nhiều chất độc hại như hồ bùn đỏ.
Tháng 8 năm 2005, cũng đã xảy ra sự cố chất thải của một xí nghiệp alumina của Ucraina. Nhưng vì khi đó, TKV chưa triển khai thử nghiệm các dự án bauxite nên dư luận cũng không quan tâm.
Sự cố ở Ucraina khi đó cũng không kém phần sôi nổi, đã làm cho nước sông Dnhép đổi sang mầu đỏ, tổng thống Victor Iusenko đã phải can thiệp, yêu cầu thay đổi công nghệ thải bùn đỏ, còn trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta gọi bùn đỏ là "khủng bố đỏ" ("красного террора") v.v.
Nhân sự cố ở Hungary, trên báo điện tử có người nói "ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary", hay "công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn". Nói như vậy là lừa bịp dư luận, chứng tỏ người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công nghệ thải "ướt" tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay. So với Hungary, nguy cơ bùn đỏ phá huỷ và gây thương vong ở Việt Nam còn cao hơn hàng trăm lần.
Vấn đề là công nghệ thải "khô" hay "ướt" chứ không phải công nghệ "xử lý". Hầu hết các nước đều thải theo công nghệ "khô" và bể bùn của họ ở gần bờ biển chứ không phải treo trên độ cao hàng vài trăm mét so với mặt nước biển như những bể bùn đỏ "đã được thẩm định rất cẩn thận" của TKV.
Chỉ những dự án (được xây dựng cách đây hàng chục năm) áp dụng công nghệ thải bùn đỏ lạc hậu (giống như công nghệ của TKV đang áp dụng ở trên Tây Nguyên) mới có bùn đỏ dưới dạng chất lỏng còn chứa nhiều hoá chất cực kỳ độc hại (như ở Hungary). Nếu áp dụng công nghệ thải "khô" như của các nước thì tính độc hại của bùn đỏ giảm đi rất đáng kể.
Giải pháp chia hồ chứa bùn đỏ theo thiết kế rộng hàng trăm hecta thành các lô nhỏ chỉ là mánh khoé giảm vốn đầu tư ban đầu của nhà thầu mà thôi. Đây là giải pháp có thể ví như đã "ăn vụng" nhưng lại bôi lên mép. Nếu trong 5ha đó mà vẫn là bùn đỏ ở dạng ướt thì vẫn nguy hiểm như nhau.
Bình thường một hồ chứa bùn đỏ phải có chi phí đầu tư rất lớn. Ví dụ, hồ chứa bùn đỏ của dự án Aughinish ở Irland xây dựng 2008-2010 với diện tích 103ha nhưng chi phí đầu tư là 60 triệu U$ (khoảng 40 tr.Euro); hay hồ bùn đỏ của dự án Eurallumina ở Ý có chi phí cải tạo mở rộng lên tới 81,5 tr.U$ (54,3 tr.Euro).
Tại sao bùn đỏ thải ra dưới dạng "ướt" thì rất độc hại còn bùn đỏ thải ra dưới dạng khô thì ít độc hại. Trong bùn đỏ thải ra ngoài từ các nhà máy alumina có hai loại chất độc hại và nguy hiểm là lượng hoá chất (xút) dư thừa từ khâu sản xuất và các kim loại nặng được loại ra từ khoáng vật bauxite.
Khi thải bằng công nghệ "ướt", cả hai loại chất độc hại nằm trong cả hai pha: rắn và lỏng của hỗn hợp bùn đỏ khi mới được bơm ra hồ chứa. Pha lỏng nguy hiểm hơn rất nhiều vì chứa các hoá chất độc hại (đối với môi sinh), nhưng rất đắt tiền (đối với công nghệ tuyển alumina), vì vậy công nghệ thải "ướt" yêu cầu phải bơm trở lại nhà máy phần pha lỏng từ hồ chứa để tái sử dụng.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, sau khi được thải ra hồ, trước khi kịp bơm về nhà máy, bùn đỏ sẽ phân pha theo thời gian, các chất rắn chìm xuống dưới, nhưng đồng thời các thành phần cỡ hạt nhỏ và siêu mịn chứa các kim loại nặng rất độc hại của pha rắn cũng bị tách ra. Vì vậy, mặc dù có bơm tuần hoàn phần chất lỏng về nhà máy để tái sử dụng thì phần chất rắn còn lại ngoài hồ chứa cũng bị phân ly theo cỡ hạt. Điều này làm cho bùn đỏ ở thể rắn từ chỗ lẽ ra ít nguy hiểm lại trở thành nguy hiểm hơn. Các kim loại nặng sẽ lẫn vào thành phần cỡ hạt siêu mịn chìm xuống dưới và xâm nhập vào nước ngầm. Khi gặp nước mưa, hồ chứa bùn đỏ của TKV sẽ vẫn trở nên độc hại vì còn kim loại nặng có nguy cơ bị rửa trôi theo.
Trong trường hợp thải bằng công nghệ "khô", các chất hoá học độc hại chủ yếu đã được giữ lại tuần hoàn ngay trong nhà máy, không bị thải ra ngoài, còn bùn đỏ thải ra ngoài chỉ chứa chất độc hại chủ yếu là kim loại nặng. Với thành phần bùn đỏ "khô", các kim loại nặng này bị giam giữ hoà lẫn trong cả khối chất rắn, sau một thời gian, sẽ xẩy ra các liên kết hoá lý tạo ra các khoáng vật mới gần như "trơ" đối với nước mưa, vì vậy sẽ trở nên an toàn hơn nhiều.
Chính vì những "dích zắc" đó, với những tiến bộ của KHKT, trên thế giới đã từ lâu người ta giải quyết vấn đề "xử lý" bùn đỏ ngay trong dây truyền công nghệ của nhà máy trước khi thải ra ngoài. Tức là, tất cả những gì TKV đang làm để "xử lý" bùn đỏ sau khi thải ra ngoài (ở trong một thung lũng nào đó), thì thế giới với công nghệ tiên tiến, họ xử lý ngay trong nhà máy, chỉ thải ra ngoài bùn đỏ dưới dạng khô (như cát) ít độc hại, có thể chất cao như núi (giảm chi phí, giảm diện tích chiếm đất) và sau một thời gian, các thành phần khoáng vật còn sót lại trong bùn đỏ "khô" này cũng sẽ liên kết lại với nhau trở thành "trơ", nếu có gặp nước mưa cũng vô hại. Còn các đạp để ngăn giữ các đóng bùn đỏ khô này rất đơn giản và không bao giờ bị vỡ. Chính vì điều này mà như chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến, ngay cả các nước có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều như trên Tây Nguyên của VN người ta cũng đã và đang áp dụng công nghệ thải bùn đỏ "khô".
Trong ngành alumina-nhôm, công nghệ đã được kiểm chứng hàng trăm năm nay là công nghệ chuyển hoá quặng bauxite thành alumnia- công nghệ Bayer là công nghệ cơ bản, chứ không phải công nghệ thải bùn đỏ là công nghệ phụ. Thực chất lịch sử phát triển của ngành alumina-nhôm trên thế giới là lịch sử phát triển của công nghệ phụ xử lý bùn đỏ này.
Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa, công nghệ thải bùn đỏ của các dự án trên Tây Nguyên là công nghệ "ướt", lạc hậu, có nguy cơ cao giống hoàn toàn như của Hungary. Nếu chúng ta cứ cố tình cho rằng "đã được thẩm định rất cẩn thận" vẫn tiếp tục cho áp dụng công nghệ thải bùn "ướt" thì có sang Hungary cũng chỉ tốn tiền thuế của dân còn nguy cơ vẫn tồn tại như nhau.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, với rất nhiều lý do, tốt nhất là đóng cửa dự án như kiến nghị của các nhà trí thức, còn nếu không đóng cửa được vì lý do nào đó thì tối thiểu cũng phải yêu cầu chủ đầu tư là TKV chuyển công nghệ thải bùn đỏ từ "ướt" sang "khô". Đây là giải pháp đơn giản nhất, hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật cũng như về mặt kinh tế.
Rủi ro về kinh tế
Ngoài vấn đề bùn đỏ, đối với dự án alumina của TKV trên Tây Nguyên vấn đề nhãn tiền trước mắt là rủi ro về kinh tế của dự án. Bùn đỏ có rủi ro thì cũng phải vài ba năm nữa mới xẩy ra sự cố, khi đó, nhiều người trong số những người có chức có quyền về bauxite của TKV cũng đã "hạ cánh an toàn".
Những vùng cư dân lớn chìm trong biển bùn đỏ

Nếu nhìn về vùng than Quảng Ninh, thì chúng ta không thể tin được vào những lời hứa của các quan chức của TKV về bảo vệ môi trường hay an toàn lao động. Cứ bỏ qua các cam kết của TKV về bùn đỏ, chúng ta đã có thể xem xét đánh giá những cam kết của TKV trước khi thử nghiệm về hiệu quả kinh tế-tài chính và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.
Về hiệu quả kinh tế-tài chính: Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế tài chính của dự án. Đối với một dự án khai thác chế biến khoáng sản (vì không có khoản mục nguyên liệu chính đầu vào như đa số các dự án sản xuất khác) yếu tố giá bán (đầu ra) quyết định rất cơ bản hiệu quả kinh tế của dự án. Trong cơ chế thị trường, giá bán hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm.
Mặc dù cũng mang tiếng là làm ra được kim loại đồng, nhưng, với công nghệ lạc hậu và mặc dù tiêu hao điện năng cao hơn rất nhiều so với mức bình thường, nhưng nhà máy Đồng Sinh Quyền của TKV chỉ cho ra sản phẩm với chất lượng chỉ đạt "3 số 9″ (99,9%) trong khi thế giới người ta phải làm ra tới "4 số 9″ (99,99%). Giá bán trên thị trường của 1 tấn đồng "4 số 9″ cao hơn của "3 số 9″ hàng ngìn đô la. Những khách hàng mua đồng "3 số 9″ của TKV về bỏ ra thêm khoảng vài trăm đô la nữa để biến thành "4 số 9″ rồi bán và thu lãi hàng ngìn đô la/tấn. Trong khi hiện nay, dự án đồng Sinh Quyền này của TKV đang phải xin Chính Phủ cho phép xuất khẩu cả quặng đồng thô, nếu không thì thua lỗ nặng.
Đối với alumina cũng vậy. Không thiếu gì khách hàng sẵn sàng mua vì alumina có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Vấn đề là họ mua với giá như thế nào? điều kiện như thế nào? hay nói đúng hơn ta có loại sản phẩm chất lượng như thế nào để bán?
Các sản phẩm alumina có chất lượng khác nhau sẽ có giá trị sử dụng rất khác nhau và suy ra giá bán sẽ rất khác nhau. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của dự án sẽ phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng cụ thể của alumina.
Ở đây, liên quan đến việc TKV thường hay ưa nhập các công nghệ lạc hậu (như công nghệ thải bùn đỏ và công nghệ luyện đồng nêu trên là những ví dụ sinh động), vấn đề đặt ra là phải quan tâm rất cơ bản đến chất lượng sản phẩm. Với trình độ quản lý dự án của TKV như từ trước đến nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nghi ngại rằng chất lượng sản phẩm alumina của TKV sẽ không có gì hứa hẹn hơn so với chất lượng của kim loại đồng Sinh Quyền.
Yêu cầu về chất lượng của alumina rất nghiêm ngặt và cao hơn so với đồng thỏi Sinh Quyền (vì alumina thực chất là một nguyên liệu hoá chất, giống như mì chính, còn đồng thỏi là kim loại). Sản phẩm alumina có nhiều loại: loại chất lượng tốt dùng để luyện ra nhôm kim loại (gọi là alumina luyện kim) có giá trị cao; các loại alumina có chất lượng kém hơn được dùng cho các mục đích khác (không để luyện kim). Chất lượng của alumna (thường có hai dạng biến thể α-Al2O3 và γ-Al2O3) được đánh giá thông qua các chỉ tiêu như: hàm lượng Al2O3 (độ tinh khiết càng cao càng tốt, nhưng không nhỏ hơn 98%), thành phần cỡ hạt (cỡ hạt bình quân 80-100 micronmet, nhưng thành phần cỡ hạt loại nhỏ hơn -45mcm phải thấp hơn 10%), tỷ trọng bề mặt (không lớn hơn 35m2/g); độ ẩm càng thấp càng tốt (nhưng không được lớn hơn 0,5%); các tạp chất càng ít càng tốt (nhưng P2O5không lớn hơn 0,002%; Fe2O3 không lớn hơn 0,08%; TiO2+V2O5+Cr2O3+MnO không lớn hơn 0,1%).
Hiện nay, trong quá trình thử nghiệm, dự án đã có thiết kế và chủ đầu tư đã có cam kết của nhà thầu về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, đã quá muộn để TKV công khai các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm theo cam kết của nhà thầu để người đóng thuế tin vào lời hứa "năm ăn, năm thua" của TKV.
Nếu chất lượng sản phẩm alumina đến tay người tiêu dùng mà không đạt các mức tối thiểu như nêu trên thì nên đóng cửa dự án càng sớm càng tốt và khỏi cần quan tâm tới bùn đỏ (chuyển công nghệ thải "khô").
Vấn đề thứ hai liên quan (hay có ảnh hưởng trực tiếp) đến hiệu quả kinh tế của dự án là chi phí vận chuyển alumina từ Tây Nguyên xuống tới cảng biển. Đến nay, sau một thời gian triển khai chúng ta cũng đã có đủ thông tin để tính đúng tính đủ được rồi. Với cung độ vận chuyển hàng trăm cây số và với khối lượng vận chuyển hàng trăm ngìn tấn (hai thông số cơ bản của bài toán vận tải) TKV (là một "cao thủ" trong ngành khai thác khoáng sản), thừa hiểu chỉ có những người thiểu năng trí tuệ mới tổ chức vận tải bằng ôtô (với bất cứ tải trọng nào). Còn việc xây dựng một tuyến đường sắt chạy cắt ngang đông-tây trên cung độ 200km nhưng với trênh lệch độ cao tới gần 800m thì chắc chỉ có người điên mới dám nghĩ tới. Riêng về vận tải, chúng ta có thể kéo màn kết thúc vở diễn ở đây.
Về hiệu quả kinh tế-xã hội: Khác xa so với cách đây 1-2 năm, thay vì người đứng đầu khẳng định tính khả thi về kinh tế của dự án alumina, nay các ban "tham mưu" của TKV đang "dọn đường" dư luận cho việc giảm lỗ của dự án bằng cách xin miễn thuế. Rất may là lãnh đạo TKV với ý thức chính trị cao nên không đề cập đến việc xin miễn thuế.
Một dự án sản xuất kinh doanh mà cứ mong được miễn hay giảm thuế (dù là bất cứ thuế gì theo qui định của luật) thì còn gọi gì là có hiệu quả kinh tế-xã hội (đóng góp hay thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương). Đây dứt khoát không phải là cách hành xử của một tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây chỉ là cách hành xử của một nhóm lợi ích, nhất là của các cổ đông của dự án.
Điều đáng mừng là đã có người (lãnh đạo địa phương) thấy trước được cái nguy cơ "phá hỏng đường" của việc vận chuyển liên quan đến các dự án alumina. Đóng góp ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế thì chưa thấy đâu, nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường và phá hỏng hệ thống đường bộ đã hiện hữu.
Cách đây chưa đầy 2 năm, để chứng minh cho tính hiệu quả của dự án, theo số liệu của TKV tính toán người đứng đầu của địa phương đã tuyên bố công khai trên báo trí mỗi năm ngân sách địa phương sẽ thu được 2000 tỷ từ dự án alumina. Đến nay, dự án alumina đi vào hoạt động mà TKV không nộp cho ngân sách địa phương được 2000 tỷ mỗi năm như đã "tính toán" và công bố trước đây thì chắc đồng bào dân tộc sẽ … vào mồm chủ đầu tư. Nếu biết trước là sẽ không thực hiện được như mong mỏi của địa phương thì TKV nên cuốn cờ rút lui sớm.
Kết luận
Vấn đề bùn đỏ nằm ở bản chất công nghệ thải "khô" (xử lý hoá chất độc hại bằng dây truyền công nghệ trong nhà máy trước khi thải ra ngoài), hay "ướt" (thải cả hoá chất độc hại cùng với bùn đỏ ra ngoài rồi mới xử lý). Công nghệ của TKV là công nghệ thải bùn đỏ "ướt", rẻ tiền, lạc hậu, hoàn toàn giống như của Hungary. TKV không nên phí tiền đóng thuế của dân để sang đó vì sẽ chẳng học được gì và cũng chẳng cần sang đó cũng đã có thể rút ra bài học rồi là đừng bao giờ áp dụng công nghệ thải "ướt". Còn nếu chỉ để xem đập bãi thải bị vỡ ra sao thì chúng tôi có thể cung cấp cho TKV khoảng gần 100 địa chỉ những nơi có đập bãi thải bị vỡ, kể cả ở ngay ở VN và ở trong TKV.
Chúng tôi cho rằng việc thử nghiệm hiện nay đã cho phép có câu trả lời, và câu trả lời cho câu hỏi "có nên đóng cửa nhà máy alumina hay không?" hoàn toàn nằm ở phía "sân" của TKV, đó là: nếu vẫn duy trì công nghệ thải bùn đỏ "ướt" như đang làm thì nên sớm đóng cửa, và/hoặc nếu chất lượng alumina chỉ đạt dưới 98%Al2O3 thì cũng nên đóng cửa sớm.
Còn nếu trong tương lai, chúng ta vẫn không thể không bán tài nguyên đi để tăng GDP thì nên đưa các nhà máy alumina xuống gần biển (giống như các nước vẫn làm và như COMECON đã khuyên chúng ta) và dứt khoát phải áp dụng công nghệ thải bùn "khô". Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn lòng tham mưu cho các chủ đầu tư phương án vận tải quặng bauxite từ Tây Nguyên xuống bờ biển khả thi nhất và hiệu quả nhất.
Cuối cùng, bây giờ khi còn chưa muộn, chúng ta nên làm rõ trách nhiệm của những người đã có ảnh hưởng đến quyết định để đưa công nghệ thải bùn đỏ "ướt" vào ngành alumina của TKV.
Nguồn: TVN
===========================================
Dự án bô-xít Tây Nguyên: Tiếp hay dừng?
Vấn đề bô-xít Tây Nguyên một lần nữa lại nóng lên trong dư luận xã hội và ngay tại nghị trường Quốc hội, người bảo nên dừng, người lại bảo không có lí do gì phải dừng. Mỗi bên viện dẫn những cái lí riêng xung quanh hai vấn đề: Hiệu quả kinh tế và tính an toàn của dự án.
Đã tính hết nguy cơ "khủng bố đỏ"?
Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary xới lên cuộc tranh luận về tính an toàn của các dự án bô-xít Tây Nguyên, nhất là khi các dự án này đều ở trên cao.
Các hồ chứa bùn đỏ sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng chục triệu người với tai họa khôn lường…Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ…
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng hàng loạt nhân sĩ – trí thức đã viết như vậy trong thư kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạm dừng khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Theo những người đề nghị dừng dự án bô-xít Tây Nguyên, thảm họa ở Hungary "là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên".
Cùng với tính "phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia" của dự án bô-xít, thảm họa ở Hungary khiến nhiều người kiến nghị ngừng dự án bô-xít để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc, khoa học và tổng thể về vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Thế nhưng, đại diện chủ đầu tư, ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản VN (TKV), cho rằng, "việc dừng là không nhất thiết vì lý do môi trường".
Theo ông Hòa, sự cố bùn đỏ ở Hungary là lần đầu tiên xảy ra trên thế giới, không nên vì sự cố đó mà dừng hoàn toàn công nghiệp nhôm.
Hơn nữa, các nhà máy ở Việt Nam đã có phương án đảm bảo an toàn, đã tính hết phương án chống thấm, chống tràn, động đất, lũ quét và tiếp tục nghiên cứu để tăng tính an toàn.
Trong khi đó, lãnh đạo địa phương sở tại đều bày tỏ sự "yên tâm" của mình. Theo ông Lê Thanh Phong, Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng, Hungary đã làm cách đây 50-60 năm rồi, lại dùng công nghệ cũ và lạc hậu. Còn chúng ta bây giờ làm sau, phải học tập và rút kinh nghiệm để áp dụng trong thực tiễn sau này.
Sự yên tâm của lãnh đạo địa phương, được viện dẫn vì đã có sự nghiên cứu, thẩm định của các Bộ và cơ quan khoa học, nói như ông Điểu K'ré hai năm trước, vấn đề này đã có các Bộ lo.
Từ phía lãnh đạo Bộ, người đứng đầu ngành Tài nguyên – Môi trường, ông Phạm Khôi Nguyên, nhiều lần khẳng định các dự án "đảm bảo an toàn": "an toàn là về mặt thiết kế, an toàn về chạy mô hình, an toàn về học tập kinh nghiệm nước ngoài để đưa vào Việt Nam".
Hơn nữa, các dự án đã được "thẩm định cẩn thận". Cụ thể, theo Bộ trưởng, hai khu xử lý bùn đỏ của Tân Rai và Nhân Cơ đã được hội đồng quốc gia và chuyên gia nước ngoài "thẩm định rất cẩn thận". Hệ số an toàn đã gấp hai lần, động đất tính cấp 7 nhưng tính trừ hao lên cấp 9.
Tuy nhiên, như ông Nguyên cũng thừa nhận, sự an toàn này là về mặt lí thuyết. Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, Bộ này cũng đã kiến nghị với Chính phủ thành lập một đoàn sang Hungary để khảo sát, tìm hiểu nhằm rút kinh nghiệm.
Lập luận của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã bị chính người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án nhôm của TKV, người từng tham gia triển khai dự án Tân Rai, phản bác.
Theo ông Ban, phương pháp xử lý bùn đỏ kiểu thải ướt đang áp dụng đối với hai dự án bô xít Tây Nguyên không phải là phương pháp tiên tiến.
Mặc dù TKV cho biết thực hiện theo kiểu chia ô nhưng mỗi ô vẫn là một hồ bùn đỏ và các hồ nhỏ này nằm trong một hồ bùn đỏ lớn, tức nếu có biến động thiên tai thì các hồ này sẽ bị tàn phá như nhau, nguy cơ thảm họa vẫn có thể xảy ra như ở Hungary, ông Ban cho hay.
Ông Nguyễn Văn Ban nhấn mạnh: "Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không.
Có thể khi thiết kế chúng ta dựa vào tài liệu khí tượng thủy văn hàng trăm năm để tính nhưng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra đột biến và ghê gớm như hiện nay, việc thiết kế các hồ chứa bùn đỏ cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng, phải lấy những hệ số an toàn cao hơn rất nhiều, kể cả hệ số dự tính cho những đột biến xảy ra đối với thời tiết".
Được – mất: Cái nào lớn hơn?
Bên cạnh vấn đề bùn đỏ và nguy cơ thảm họa môi trường, những người đề nghị dừng dự án lưu ý, khả năng sinh lời trong khai thác bô-xít Tây Nguyên "không hiện thực, thậm chí hầu như chắc chắn là lỗ".
Vấn đề vận tải và cảng cho việc sản xuất, xuất khẩu alumina hiện tại và trong vài năm tới "hoàn toàn bế tắc chưa thể giải quyết". Nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu một thời gian.
Thế nhưng, như ông Lê Thanh Phong nói: "Lúc này đã xây dựng nhà máy, chuẩn bị đi vào hoạt động, còn nói gì nữa".
"Nếu dừng nhà máy, thiệt hại lớn, nặng nề là nhãn tiền bởi đã đầu tư trên 400 triệu USD vào dự án bô-xít Tây Nguyên trong tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng (khoảng 600 triệu USD)", ông Dương Văn Hòa viện lí do.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quang A, một trong những người ký tên đề nghị tạm dừng dự án, cho rằng, nếu "dừng ngay, chúng ta chỉ mất 35 triệu USD, nhưng nếu tiếp tục, dự án này sẽ chịu chung số phận với Vinashin, mất 4,5 tỉ USD hoặc hơn nữa. Đừng để rơi vào tình trạng "đâm lao phải theo lao".
Là người từng tham gia vào dự án Tân Rai, ông Nguyễn Văn Ban thì cho rằng: "Bây giờ nếu cảm thấy không an toàn thì việc dừng dự án là đúng, là cần thiết. Nhưng có dừng hay không thì phải trên cơ sở xem xét thiết kế, giải pháp có đủ độ tin cậy hay không. Nếu không đủ độ tin cậy thì dừng dự án.
Hiện chúng ta có hai dự án, Tân Rai dự kiến tháng 4 sang năm vận hành nên từ nay đến đó thẩm định kỹ và thấy đảm bảo mới cho vận hành, nếu không thì dừng vĩnh viễn hoặc dỡ thiết bị chuyển địa điểm nhà máy.
Còn Nhân Cơ mới khởi công nhưng thật sự chưa làm, dự kiến ngày 25/10 mới làm nên có thể dừng vì dự án này cũng phi kinh tế và các điều kiện khác không đảm bảo. Tôi vừa đọc thông tin của TKV thấy tiền đền bù cho các dự án này từ 300 triệu đồng/ha đất màu giờ lên 1,2 tỷ, tức chi phí đã tăng, tính hiệu quả của dự án sẽ giảm. Một dự án bôxit bao giờ cũng phải đạt song song ba mục tiêu là hiệu quả kinh tế, bảo đảm về môi trường và an sinh xã hội".
Hiểu cái khó này, các nhân sĩ – trí thức ký tên trong bản kiến nghị, nhấn mạnh việc dừng dự án là"một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ".
Nhưng "dù sao, sẽ vẫn còn rẻ hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra", các nhân sĩ viết trong thư.
Trước những ý kiến tranh luận nhiều chiều những ngày qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ lắng nghe để thảo luận thêm nhằm đi đến quyết sách cuối cùng trong vấn đề này.
Các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời về bôxit trên tinh thần nhìn thấy những vấn đề về biến đổi khí hậu, về công nghệ, thiết bị đảm bảo an toàn, đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường.
"Việc có dừng dự án hay không là vấn đề lớn. Dự án bô-xít đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua. Việc dừng hay không Trung ương, Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể sau", ông Phúc nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét