PGS-TS Trần Hoàng Ngân |
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia đưa ra nhận định này trong cuộc trả lời phỏng vấn chiều 27/9.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, giá vàng trong nước chênh lệnh lớn với giá vàng thế giới sẽ gây áp lực lớn lên tỉ giá. Vì chỉ cần giá vàng chênh nhau 500.000 đồng/lượng là thị trường tự do xuất hiện tình trạng gom USD để nhập vàng. Mà như vậy thì giá đồng USD ngoài thị trường tự do tăng lên sẽ gây áp lực cho giá đồng USD niêm yết trong hệ thống ngân hàng. Tỉ giá mà biến động thì nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn, nhất là đang vào những tháng cuối năm.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, để giải quyết vấn đề này, NHNN nên quy việc nhập vàng về một đầu mối. Đầu mối đó có thể là một công ty con do NHNN lập ra. Công ty này có nhiệm vụ nhập vàng về rồi bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng. Giá vàng trong nước hiện chênh lệch khá nhiều so với giá thế giới cho thấy việc nhập vàng không nên giao phó tất cả cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp họ còn kinh doanh để kiếm lợi nhuận.
TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới 4 triệu đồng/lượng cho thấy, nhiều khả năng sự biến động này đang có bàn tay của giới đầu cơ.
TS. Cao Sỹ Kiêm nêu rõ, về lý thuyết, khi cầu tăng cao thì cung cũng phải tăng tương ứng để điều chỉnh giá cả. Và, thực tế, để giảm nhiệt giá vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước đang tính toán tiếp tục cho nhập khẩu vàng. Tất nhiên, đây có thể chỉ là biện pháp tình thế đơn thuần.
Vàng chúng ta không sản xuất được, chỉ một số nước sản xuất được, trong khi dự trữ các quốc gia lại tăng lên. Họ có thể thu gom ngay, nên biên độ lên xuống cách xa nhau.
Trong khi đó, việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới không phải do cung cầu, do tiêu dùng mà là do đầu cơ nên khó lường trước. Chúng ta không loại trừ khả năng đầu cơ, làm giá để kiếm lời. Do vậy, người dân khi muốn tìm hiểu thông tin, cần phải dựa vào thông tin từ Ngân hàng Nhà nước công bố. Những thông tin không chính thống có thể sẽ ẩn chứa mục đích tư lợi trong đó.
Trên thực tế, nếu người dân mình cứ nghe lời khuyên hay tâm lý rỉ tai liền mua vào thì rủi ro rất lớn. Tăng lên giảm xuống do một số nhà đầu cơ thế giới, họ lại nắm nhiều ngoại tệ, khi chứng khoán khó khăn họ sẽ tìm đến vàng, mua vào một lượng khổng lồ nên khi bán ra, giá sẽ giảm nhanh chóng.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thực tế, từ nhiều năm nay, trên thị trường Việt Nam, dù không chính thức, nhưng vàng được xem như một đồng tiền với đầy đủ chức năng (từ chức năng thanh toán, thước đo giá trị, để dành…) và cùng với ngoại tệ, nó cạnh tranh trực tiếp với đồng Việt Nam.
Doanh nghiệp và người dân đang cất giữ một lượng USD và vàng rất lớn. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, lượng vàng năm 2010 tại Việt Nam (lấy lượng vàng nhập khẩu trừ đi số đã xuất khẩu) khoảng 1.000 tấn, tương đương với 45 tỷ USD. Tuy con số này chưa được công nhận, nhưng chắc chắn một lượng vàng rất lớn đang được người dân nắm giữ, đang trở thành luồng vốn hoạt động không chính thức, gây sức ép không nhỏ đến chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế nói chung.
Khi doanh nghiệp và người dân đưa USD và vàng ra lưu thông thì các cơ quan quản lý nhà nước lại không thể quản lý được. Như thế, USD và vàng sẽ tạo nên áp lực lên nguồn cung hàng hóa, làm giá cả tăng cao và đó chính là nguyên nhân của lạm phát. Trong khi chúng ta chưa có các công cụ hữu hiệu để quản lý ngoại tệ và vàng trên thị trường.
Hơn nữa, trong thời điểm giá vàng "lên đỉnh" thì USD đang mất giá do những biến động kinh tế của Mỹ. Ở trong nước, thị trường chứng khoán đang suy giảm, thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu phục hồi, thì việc người dân rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng để đổ vào vàng là chuyện đương nhiên, hay chính là sự "xói mòn" lòng tin của một bộ phận người dân vào đồng tiền Việt Nam.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, NHNN cần phải điều hành linh hoạt, xuất nhập khẩu vàng bình thường. Phải giải quyết được tâm lý, minh bạch công khai, tránh gây hiểu lầm, đồn thổi trong dư luận.
Mỹ Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét