Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Tại sao các nhà nghiên cứu về Trung Đông không thấy trước Mùa Xuân Ả Rập (Trần Ngọc Cư dịch)

Nguồn BVN

(Huyền thoại về sự ổn định của các chế độ độc tài)

F. Gregory Gause IIIForeign Affairs, tháng Bảy/tháng Tám 2011

Trần Ngọc Cư dịch

Trong tiểu luận sau đây, Giáo sư F. Gregory Gause III nêu bật tính bất khả tiên liệu (the unpredictability) của các cuộc cách mạng Trung Đông. Những cái tát bất ngờ "long trời lở đất" đã diễn ra trên mọi lĩnh vực – quân đội, kinh tế, và xã hội Ả Rập: (1) Mặc dù nhìn nhận rằng phức hợp quân đội-công an (the military-security complex) là một cột trụ chính cho sự bền vững của các chế độ độc tài, nhưng tác giả cũng nhấn mạnh rằng khi một quân đội đã phát triển thành một cơ chế chuyên nghiệp với sự tự tin của các tướng lĩnh là sẽ không bị mất binh quyền lúc cách mạng thành công, thì quân đội đó có nhiều khả năng đứng về phía nhân dân thay vì thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình. Đó là trường hợp điển hình của quân đội Ai Cập và quân độiTunisia. Mặt khác, những lực lượng vũ trang vốn là công cụ của một thiểu số độc tài, dù được nhồi sọ "còn lãnh tụ còn mình", cũng có những lựa chọn khác nhau trước các cuộc nổi dậy của dân chúng: đào ngũ theo phe chống đối, đứng bên lề, bỏ về nhà, hoặc ngoan cố chống lại nhân dân để duy trì quyền lợi phe nhóm – đây là trường hợp Libya; (2) Những cải tổ theo kinh tế thị trường và tự do mậu dịch, trước đây tưởng là có thể tạo được một tầng lớp trung lưu cần thiết cho sự bền vững của chế độ, hóa ra lại chỉ tạo ra những bất bình đẳng siêu nghiêm trọng, giữa một bên là thiểu số quá giàu có và con ông cháu cha gắn liền với chế độ và bên kia là tuyệt đại đa số dân chúng bị tước đoạt nhân phẩm và quyền sống (Tình hình này không khác mấy với Trung Quốc); (3) Khác với các cuộc cách mạng dưới thời Nasser, các cuộc nổi dậy Ả Rập hiện nay mang tính cách "vô lãnh đạo" (the leaderless quality) và nhờ công nghệ Internet xuyên biên giới đã tạo nên một hình thái mới cho chủ nghĩa Liên-Ả Rập (the new pan-Arabism), một tinh thần liên đới có khả năng ảnh hưởng chính sách của Mỹ tại Trung Đông.

Bauxite Việt Nam

Đại đa số các chuyên gia nghiên cứu thế giới Ả Rập đã lấy làm sửng sốt như mọi người khác về những biến động đã lật đổ hai nhà lãnh đạo Ả Rập vào mùa đông năm ngoái và hiện vẫn còn đe dọa nhiều nhà độc tài khác. Rõ ràng là các chế độ Ả Rập đã bị người dân oán ghét và phải đối phó nhiều vấn đề nghiêm trọng về dân số, kinh tế, và chính trị. Thế nhưng, các học giả chỉ tập trung vào việc lý giải điều mà họ cho là khía cạnh thú vị và khác thường của chính trị Ả Rập: sự bền vững của các nhà lãnh đạo phi dân chủ.

Mãi cho đến năm nay, thế giới Ả Rập vẫn khoa trương một danh sách dài gồm những nhà lãnh đạo như thế. Muammar al-Qaddafi lên cầm quyền tại Libya năm 1969; gia đình Assad cai trị Syria từ năm 1970; Ali Abdullah Saleh trở thành tổng thống Bắc Yemen (về sau thống nhất với Nam Yemen) năm 1978; Hosni Mubarak lên cầm quyền tại Ai Cập năm 1981; và Zine el-Abidine Ben Ali nhậm chức tổng thống Tunisia năm 1987. Các chế độ quân chủ thậm chí còn tồn tại lâu dài hơn: dòng họ Ha-si-mit cai trị Jordania từ ngày nước này được thành lập năm 1920, gia đình al-Saud trị vì một Ả Rập Saudi thống nhất từ năm 1932, và vương triều Alaouite lên cầm quyền lần đầu tiên tại Maroc vào thế kỷ XVII.

Những chế độ này vẫn tồn tại qua một thời kỳ nhiều thập kỷ khi những làn sóng dân chủ cuồn cuộn chảy qua Đông Á, Đông Âu, châu Mỹ La tinh, và các nước châu Phi phía Nam sa mạc Sahara. Thậm chí các quốc gia láng giềng của các nước Ả Rập này trong vùng Trung Đông Hồi giáo (Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) cũng trải qua những biến chuyển chính trị to lớn vào giai đoạn đó, với một cuộc cách mạng và ba thập kỷ đấu tranh chính trị tiếp theo tại Iran và một đảng chính trị mang màu sắc Hồi giáo ra sức xây dựng một chế độ cởi mở và dân chủ hơn tại Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thế tục.

 

Đối với nhiều chuyên gia nghiên cứu Trung Đông, hồ sơ về sự ổn định phi thường của các chế độ đang gặp nhiều thử thách này đã đòi hỏi sự chú ý và cách lý giải của họ. Tôi là một trong những chuyên gia ấy. Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs này vào năm 2005 ("Thể chế dân chủ có thể chặn đứng chủ nghĩa khủng bố không?" Số tháng Chín/tháng Mười 2005), tôi lý luận rằng Hoa Kỳ không nên khuyến khích dân chủ trong thế giới Ả Rập vì các đồng minh Ả Rập độc tài của Hoa Kỳ tiêu biểu cho sự đánh cuộc chắc nịch (stable bets) về tương lai. Về điểm này, tôi đã sai lầm một cách ngoạn mục. Tôi còn tiên đoán rằng các Chính phủ dân chủ Ả Rập sẽ tỏ ra không muốn hợp tác với các mục tiêu đối ngoại của Hoa Kỳ ở trong vùng. Điều này thì hiện nay vẫn còn là một câu hỏi mở. Mặc dù hầu hết các đồng nghiệp của tôi lúc đó đã bắt đầu ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm khuyến khích cải tổ chính trị Ả Rập, nhưng tôi gần như không phải là kẻ duy nhất hoài nghi về viễn tượng của một chuyển biến dân chủ thực sự khi người dân đang còn đối diện với những chế độ độc tài tưởng chừng không có gì lay chuyển được.

 

Việc tìm hiểu những gì chúng ta đã bỏ sót và những gì chúng ta đã đánh giá quá cao trong các lối giải thích về sự ổn định của các chế độ độc tài Ả Rập – và việc tìm hiểu vì sao chúng ta đã làm như thế – có ý nghĩa vượt lên trên lĩnh vực nghiên cứu. Những nhà phân tích thời sự vùng này phải xác định điều gì đã thay đổi trong các lực lượng đã củng cố bốn thập niên ổn định của các chế độ Ả Rập và những yếu tố mới mẻ nào đã xuất hiện để châm ngòi cho những cuộc nổi dậy hiện nay. Làm được điều này sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đối phó các cuộc nổi dậy Ả Rập một cách hữu hiệu hơn, bằng cách cung ứng cho họ một cái nhìn quán triệt về các yếu tố sẽ thúc đẩy nền chính trị hậu cách mạng trong thế giới Ả Rập.

 

Các nhà nước Ả Rập và quân đội của họ

 

Nhiệm vụ đầu tiên là phải xác định điều gì giới nghiên cứu đã biết và đã không biết. Trước hết, điều quan trọng là phải nhìn nhận rằng rất ít, nếu có, nhà nghiên cứu tình hình Trung Đông nào giải thích sự ổn định kỳ lạ của các chế độ Ả Rập theo quan điểm thuần văn hóa – đây là một dấu hiệu tiến bộ so với giới nghiên cứu trong các thời kỳ trước đây. Các tác phẩm bàn về sự tồn tại lâu dài của các nhà độc tài Ả Rập không chứa đựng những luận điệu cũ rích như cho rằng Hồi giáo là xung khắc với dân chủ hay cho rằng văn hóa Ả Rập vẫn còn quá gia trưởng và quá thủ cựu đến nỗi không thể hậu thuẫn các chuyển biến dân chủ. Chúng ta đã thấy rằng quan niệm dân chủ là rất hợp lòng dân trong thế giới Ả Rập và rằng khi có quyền lựa chọn thực sự bằng lá phiếu, người dân Ả Rập đã tham gia các cuộc bầu cử rất đông đảo. Chúng ta còn hiểu được rằng người dân Ả Rập đã không chấp nhận chế độ độc tài một cách thụ động. Từ An-giê-ri đến Ả Rập Saudi, các nhà độc tài Ả Rập đã có thể nắm quyền liên tục trong suốt 40 năm qua chỉ bằng một cách duy nhất là dập tắt một cách thô bạo các mưu toan của dân chúng nhằm lật đổ họ – dù các mưu toan đó được thúc đẩy vì đàn áp chính trị hay vì giá lương thực. Người dân Ả Rập chắc chắn đã từng chứng tỏ nguyện vọng và khả năng vận động các cuộc tranh đấu chống Chính phủ của họ. Nhưng trước năm 2011, những Chính phủ này đã cực kỳ thành công trong việc chiêu dụ và ngăn chặn những người chống đối.

 

Do đó, những nhà nghiên cứu đã hướng sự quan tâm của mình vào việc giải thích các cơ chế mà các nhà nước Ả Rập đã phát triển nhằm vượt qua nỗi bất bình của dân chúng. Mặc dù nhiều học giả khác nhau đã tập trung vào nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này, từ các cơ chế đối nội đến các chiến lược của Chính phủ, hầu hết mọi người đã gán ghép sự ổn định của các chế độ độc tài Ả Rập với hai yếu tố thông dụng: phức hợp quân đội-công an (the military-security complex) và quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Trong mỗi lĩnh vực này, chúng ta trong cộng đồng nghiên cứu đã tạo ra các giả định (assumptions), mặc dù có thể có giá trị trong quá khứ, nhưng hóa ra sai lầm vào năm 2011.

 

Hầu hết các nhà nghiên cứu đinh ninh rằng có một sự gắn bó không có gì chia cắt được giữa các chế độ cầm quyền với quân đội và các lực lượng công an. Giả định này không phải là vô lý. Nhiều vị Tổng thống Ả Rập đã từng phục vụ trong quân ngũ trước khi lên cầm quyền chính trị, trong số này có Ben Ali và Mubarak. Tiếp theo sau các cuộc đảo chính của thập niên 1950 và thập niên 1960, các nhà lãnh đạo Ả Rập đã tạo ra nhiều cơ chế để thực thi quyền kiểm soát chính trị đối với quân đội và, trong một số trường hợp, đã thành lập các lực lượng quân sự cạnh tranh nhau nhằm tạo thế quân bình trong quân đội. Các quân đội Ả Rập đã giúp các chế độ cầm quyền thắng các cuộc nội chiến và dập tắt các cuộc nổi dậy. Do đó, các chuyên gia về Trung Đông đã đi đến giả định cho rằng các quân đội Ả Rập và các lực lượng an ninh sẽ không bao giờ ly khai với lãnh đạo chính trị của mình.

 

Thực tế đã rõ ràng chứng minh rằng giả định này là sai lầm. Các học giả đã không thấy trước hoặc không hiểu được những cách uyển chuyển mà các quân đội Ả Rập đã phản ứng trước những cuộc biểu tình bất bạo động của đông đảo quần chúng. Sai lầm này đã xảy ra vì cộng đồng chuyên gia về Trung Đông gần như đã mất hứng thú trong việc nghiên cứu vai trò của quân đội trong chính trường Ả Rập. Mặc dù trước đó đề tài này từng là chủ đề nghiên cứu của các học giả Mỹ về vấn đề Trung Đông – khi các cuộc đảo chính quân sự Ả Rập vào những thập niên 1950 và 1960 chiếm sự quan tâm của giới hàn lâm thời đó – sự ổn định phi thường của các chế độ độc tài Ả Rập đã đưa chúng ta đến giả định cho rằng vấn đề này không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, một sự duyệt xét sơ bộ về các cuộc nổi dậy đã diễn ra cho thấy rằng có hai yếu tố ảnh hưởng cách phản ứng của các quân đội Ả Rập trước bất ổn xã hội: một là, thành phần xã hội của chế độ và của quân đội; hai là, mức độ cơ chế hóa và chuyên nghiệp hóa của bản thân quân đội.

 

Là những quốc gia trong đó quân đội, như một cơ chế, đã đứng về phía người biểu tình, Ai Cập và Tunisia là hai trong những xã hội thuần nhất nhất (the most homogeneous) của thế giới Ả Rập. Tuyệt đại đa số dân chúng của hai xã hội này là người Hồi giáo Sunnitte. (Thiểu số Thiên chúa giáo cổ [Coptic] tại Ai Cập đóng một vai trò xã hội quan trọng nhưng không có quyền lực chính trị bao nhiêu). Cả quân đội Ai Cập lẫn quân độiTunisiatương đối là chuyên nghiệp, và cả hai đều không phải là công cụ cá nhân của nhà lãnh đạo đất nước. Các vị tư lệnh quân đội trong hai quốc gia này nhận thức rằng cơ chế của họ có thể đóng một vai trò quan trọng dưới chế độ mới và vì thế đã dám liều lĩnh tống khứ giới lãnh đạo cũ ra khỏi vị trí quyền lực.

 

Tại những nước Ả Rập có các lực lượng vũ trang ít được cơ chế hóa hơn, những nơi mà các ngành công an được vị thủ lĩnh độc tài trực tiếp lãnh đạo và được sử dụng như công cụ riêng của ông và gia đình ông, những lực lượng này thường phân hóa hay tan rã khi đối diện với các cuộc biểu tình của dân chúng. Tại Libya và Yemen, những đơn vị quân đội và công an do chính gia đình của các vị thủ lĩnh cầm đầu vẫn tiếp tục hậu thuẫn chế độ, trong khi các đơn vị khác đào ngũ sang phía chống đối, đứng bên lề, hay chỉ việc bỏ về nhà.

 

Trong những xã hội phân hóa sâu sắc, nơi mà chế độ chỉ đại diện cho một thiểu số sắc tộc, giáo phái, hay địa phương và đã đào tạo được một đội ngũ sĩ quan do thiểu số cầm quyền khống chế, cho đến nay quân đội vẫn còn hậu thuẫn chế độ. Các lực lượng an ninh do người Hồi giáo Sunnitte lãnh đạo tạiBahrain, một quốc gia đa số theo Hồi giáo Shiitte, vẫn cương quyết đàn áp người biểu tình để duy trì chế độ quân chủ Sunnitte. Quân đội Jordania vẫn trung thành với chế độ quân chủ, bất chấp bất ổn chính trị trong cộng đồng đa sốPalestinecủa nước này. Vệ binh Quốc gia của Ả Rập Saudi, được tuyển mộ chủ yếu từ các bộ lạc Ả Rập ở miền Trung và miền Tây nước này, sẵn sàng bảo vệ triều đại Ả Rập al-Saud ở miền Tây.Trong mỗi nước này, lý luận đơn giản là: nếu chế độ sụp đổ và phe đa số nắm quyền, thì giới lãnh đạo quân đội [thuộc thiểu số] cũng sẽ bị thay thế.

 

Phản ứng của quân độiSyriađối với cuộc khủng hoảng chính trị của chế độ Assad sẽ cung ứng một phép thử quan trọng cho giả thuyết này. Các thành viên của gia đình Assad chỉ huy những đơn vị quân đội quan trọng, trong khi những người theo giáo phái Ali (Alawites) và các thành viên của các nhóm thiểu số khác chiếm một bộ phận lớn trong đội ngũ sĩ quan tại quốc gia đa số Sunnitte này. Nếu sự đoàn kết của các nhóm thiểu số còn kéo dài, thì Assad có thể giữ được quyền lực. Nhưng nếu các sĩ quan bất mãn bắt đầu nhận thấy quân đội chỉ là một công cụ của bản thân gia đình Assad, họ có thể lật đổ chế độ. Tùy theo trường hợp này hay trường hợp khác, một khi tình hình ổn định trở lại, các nhà nghiên cứu về Trung Đông sẽ phải duyệt xét lại các giả định của mình về mối quan hệ giữa các nhà nước Ả Rập với quân đội của mình – có lẽ đây là yếu tố then chốt trong việc quyết định sự sống còn của chế độ trong một cuộc khủng hoảng chính trị.

 

Yếu tố cải tổ kinh tế

 

Sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế tại [các quốc gia] Trung Đông là một cột trụ khác được các nhà nghiên cứu nhìn nhận là cần thiết cho sự ổn định của chế độ. Các học giả thừa nhận rằng các nhà nước Ả Rập có trong tay những trữ lượng và lợi tức dầu hỏa to lớn đã sử dụng của cải này để kiểm soát nền kinh tế quốc gia, xây dựng hệ thống ô dù, cung cấp các dịch vụ xã hội, và chỉ đạo việc phát triển các khu vực kinh tế tư nhân lệ thuộc vào chế độ. Qua những ngân quỹ này, các nhà cai trị Ả Rập đã ràng buộc lợi ích của các khối cử tri quan trọng với sự sống còn của chế độ và đã xoa dịu các bộ phận dân chúng khác bằng cách bố thí cho họ trong các thời kỳ khủng hoảng. Thật vậy, từ khi các cuộc nổi dậy hiện nay bắt đầu xảy ra, chỉ có Libya là nước duy nhất trong các nước xuất khẩu dầu hỏa quan trọng tại Trung Đông (An-giê-ri, Iraq, Cô-oét, Libya, Ca-ta, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) gặp sự thử thách nghiêm trọng. Được tiếp sức nhờ giá dầu hỏa tăng cao, các nước xuất khẩu dầu hỏa khác đã chặn đứng tiềm năng chống đối bằng cách phân phối nguồn lực qua việc tăng lương công nhân viên nhà nước, tăng trợ cấp cho các hàng tiêu thụ, và trực tiếp bố thí (direct handouts) cho người dân. Trường hợp Qaddafi chứng minh rằng tiền dầu hỏa phải được sử dụng một cách đúng đắn, chứ không được phung phí vào các dự án do sở thích cá nhân (pet projects) và các ý đồ ngu xuẩn, mới mong nó bảo vệ được chế độ. Như vậy, những cuộc nổi dậy của dân chúng Ả Rập gần đây có vẻ chứng minh được luận điểm này trong các giả định của giới nghiên cứu về sự ổn định chế độ.

 

Tuy nhiên những cuộc nổi dậy năm nay đã đặt nghi vấn đối với các nền tảng kinh tế trong lý luận về ổn định chế độ khi ta bàn đến các quốc gia không sản xuất dầu hỏa. Mặc dù các quốc gia dầu hỏa Ả Rập đã dựa vào lợi tức dầu hỏa của mình để tránh việc cải tổ kinh tế, nhưng những biến chuyển trong nền kinh tế thế giới và những điều kiện tự do hóa kinh tế mà các nước cấp viện trợ đã đòi hỏi trong hai thập kỷ qua buộc các quốc gia không sản xuất dầu hỏa phải hiện đại hóa nền kinh tế của họ. Một số chế độ Ả Rập, gồm các chế độ tại Ai Cập, Jordania, Maroc, và Tunisia, đã tư hữu hóa các xí nghiệp nhà nước, khuyến khích đầu tư nước ngoài, đặt ra các khích lệ vật chất để khởi động khu vực tư, và cắt giảm các trợ cấp và các chi phí nhà nước, những chi tiêu đã ngốn hết ngân sách chính phủ. Những cải tổ kinh tế kiểu đồng-thuận-Washington này [kinh tế thị trường và tự do mậu dịch] đã tăng thêm các bất bình đẳng xã hội và làm cho đời sống người nghèo trở nên khó khăn thêm, nhưng chúng cũng mở ra những vận hội mới cho các doanh nhân địa phương và cho phép các giai cấp thượng lưu được hưởng sự lựa chọn các mặt hàng tiêu thụ to lớn hơn nhờ một chế độ mậu dịch được tự do hóa. Một số chuyên gia nghiên cứu tình hình Trung Đông đã cho rằng tiến trình tự do hóa kinh tế có thể tạo ra các cơ sở hậu thuẫn cho những nhà độc tài Ả Rập và khuyến khích mức tăng trưởng kinh tế cần thiết để đối phó những thách thức do dân số ngày một gia tăng (như các cải tổ kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại thêm nhiều hậu thuẫn cho Đảng Công lý và Phát triển đang cầm quyền tại nước này). Trong khi đó, các Chính phủ phương Tây cổ vũ ý kiến cho rằng cải tổ kinh tế là một bước tiến tới cải tổ chính trị.

 

Nhưng chính những cải tổ kinh tế này đã mang lại những hậu quả ngược với sự mong đợi của các Chính phủ đã chấp nhận chúng nhiệt tình nhất: đó là chính quyềnCairovà chính quyềnTunis. Mặc dù cả Ai Cập và Tunisia đã đạt được tỉ lệ tăng trưởng kinh tế khả quan và mới đây, vào năm 2010, nhận được sự ca ngợi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng các đợt tư hữu hóa có động lực chính trị đã không tăng thêm ổn định cho chế độ. Ngược lại, chúng đã tạo ra một giai cấp mới gồm những doanh nhân giàu nứt vách đổ tường (superwealthy entrepreneurs), trong đó có cả thân nhân của các vị Tổng thống của hai nước này – họ đã trở thành đối tượng cho sự phẫn nộ của dân chúng. Và giả thuyết của các nhà nghiên cứu cho rằng các thành phần thụ hưởng thành quả cải tổ kinh tế này sẽ hậu thuẫn các chế độ độc tài được thực tế chứng minh là ảo tưởng. Những đại gia do nhà nước sản sinh hoặc đã bỏ trốn hoặc không thể chặn đứng các chuyển biến của tình hình và cuối cùng đã lao vào các nhà tù hậu cách mạng. Tầng lớp trên của giai cấp trung lưu (the upper-middle class) đã không bày tỏ thái độ mặn mà đối với Ben Ali hay Murabak. Thật ra, chính một số thành viên của tầng lớp này đã trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng.

 

Thật là cực kỳ mỉa mai khi khuôn mặt biểu tượng của cuộc nổi dậy tại Ai Cập là Wael Ghonim, Ủy viên Ban quản trị của Công ty Google tại Ai Cập. Ông đúng là hạng người có đầy đủ tư thế để thành công tại nước Ai Cập của Murabak – nói hai thứ tiếng, được đào tạo tại Đại học Mỹ ở Cairo, và rất quen thuộc với thế giới doanh nghiệp toàn cầu. Nhưng Ghonim đã dám liều lĩnh cả tương lai lẫn mạng sống để tổ chức trang Facebook "Tất cả chúng ta đều là Khaled Said", để tưởng niệm một người bị cảnh sát Ai Cập đánh chết. Trang mạng này đã giúp huy động dân chúng Ai Cập đứng lên chống chế độ. Đối với ông cũng như nhiều người khác trong hoàn cảnh kinh tế tương tự, quyền tự do chính trị là quan trọng hơn cả cơ hội làm tiền.

 

Chứng kiến những biến cố diễn ra tại hai thủ đô Cairo và Tunis, các nhà lãnh đạo Ả Rập khác đã vội vàng tìm cách xoa dịu người dân bằng cách tăng lương cho công nhân viên nhà nước, hủy bỏ các kế hoạch cắt giảm trợ cấp, và gia tăng số việc làm trong các cơ quan nhà nước. Tại Ả Rập Saudi, chẳng hạn, vào tháng Hai và tháng Ba năm nay, Vua Abdullah đã công bố những kế hoạch chi tiêu có trị giá trên 100 tỉ đôla Mỹ. Chính quyền Saudi có tiền dầu hỏa để thực hiện những hứa hẹn này. Tại các nước không sản xuất dầu hỏa, như Jordania chẳng hạn, tức các nước đã phải ngừng chương trình cải tổ kinh tế khi bất ổn chính trị bắt đầu xảy ra, có thể các Chính phủ tại đó sẽ không có đủ tiền để duy trì khế ước xã hội trước đây (the old social contract), theo đó nhà nước sẽ cung ứng sự an toàn kinh tế cơ bản cho người dân để đổi lấy sự trung thành của họ. Hai quốc gia mới được giải phóng, Ai Cập vàTunisia, cũng đang đối diện với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng mà họ thừa hưởng từ các chế độ trước. Những khối cử tri có thêm nhiều quyền sẽ đòi hỏi phân phối lại của cải mà Chính phủ không có được trong tay và đòi hỏi tái thương thuyết một khế ước xã hội mà Chính phủ không có ngân sách để thực hiện.

 

Nhiều học giả về Trung Đông đã nhận ra rằng các chương trình kinh tế tân tự do (neoliberal economic programs) tạo ra nhiều vấn đề chính trị cho các Chính phủ Ả Rập, nhưng ít ai thấy trước những hậu quả làm rung chuyển chế độ. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá quá cao cả hiệu ứng cải thiện tình hình (the ameliorating effect) của sự tăng trưởng kinh tế do những cải tổ mang lại lẫn quyền lực chính trị của những thành phần được hưởng lợi nhờ các chính sách ấy. Do đó, họ đã đánh giá thấp sự phẫn nộ của người dân đối với nạn tham nhũng và nạn con ông cháu cha trong tiến trình tư hữu hóa đi kèm với các cuộc cải tổ kinh tế này.

 

Của cải do dầu hỏa mang lại vẫn là một khí cụ đáng tin cậy để đảm bảo sự ổn định của chế độ, chí ít trong thời điểm giá dầu lên cao. Tuy nhiên, vì quá tập trung vào việc các chế độ Ả Rập đã đạt được ổn định nhờ dựa vào tài nguyên dầu hỏa, các học giả nghiên cứu Trung Đông đã bỏ qua những tác dụng gây bất ổn của những chính sách kinh tế tự do được thực thi tồi dở trong thế giới Ả Rập.

 

Một hình thái mới của chủ nghĩa Liên-Ả Rập (Pan-Arabism)

 

Một yếu tố khác bị các chuyên gia nghiên cứu Trung Đông bỏ qua ít liên quan tới các chính sách và cơ chế nhà nước, nhưng liên quan nhiều hơn tới bản sắc Ả Rập xuyên biên giới (cross-border Arab identity). Không phải là một sự tình cờ mà các bất ổn chính trị nghiêm trọng đồng loạt diễn ra đều khắp thế giới Ả Rập. Các nhà hoạt động và trí thức Ả Rập đã từng chăm chú theo dõi những cuộc biểu tình của Phong trào Xanh 2009 tại Iran, nhưng lúc đó không một nhóm Ả Rập nào xuống đường, bắt chước các người láng giềng Iran. Tuy nhiên vào năm 2011, chỉ một tháng sau khi người bán rau quả tạiTunisiatự thiêu, cả thế giới Ả Rập chìm ngập trong các cuộc nổi dậy. Nếu còn ai không tin rằng người Ả Rập có khả năng giữ được một ý thức chung về bản sắc chính trị mặc dù sống rải rác trên 20 quốc gia khác nhau, thì những biến cố lịch sử của năm nay nhất định đã xua tan mối hoài nghi đó.

 

Đáng lẽ những tình cảm Liên-Ả Rập mãnh liệt này đã không làm cộng đồng nghiên cứu ngạc nhiên. Phần lớn công việc nghiên cứu về chính trị Ả Rập trong các thế hệ trước đây đã tập trung vào chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và chủ nghĩa Liên-Ả Rập, vào khả năng của các nhà lãnh đạo Ả Rập trong việc vận động hậu thuẫn chính trị xuyên biên giới quốc gia dựa trên tư duy cho rằng mọi người Ả Rập đều có chung một bản sắc chính trị và một số phận. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu trong chúng ta đã cho rằng lời hiệu triệu xuyên biên giới về bản sắc Ả Rập đã trở nên yếu ớt trong những năm qua, đặc biệt sau cuộc thất bại của người Ả Rập trong chiến tranh 1967 với Israel. Ai Cập và Jordania đã ký những hiệp ước với Israel, trong khi người Palestine và Syria đã tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel, vi phạm một kỵ húy chủ yếu của chủ nghĩa Liên-Ả Rập. Những cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo chống Iraq trong năm 1990 – 1991 và khởi đầu năm 2003 đã kích động sự phản đối trong thế giới Ả Rập nhưng không gây bất ổn cho các Chính phủ đã tham gia các kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ – một dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa Liên-Ả Rập đang mai một cũng như các Chính phủ đã có tính miễn nhiễm (immunity) đối với sự bất mãn của dân chúng. Hình như các nhà nước Ả Rập đã trở nên đủ mạnh (với một vài ngoại lệ, như Li-băng và Irag thời hậu-Saddam Hussein) để chặn đứng các sức ép ý thức hệ từ bên kia biên giới. Hầu hết các học giả nghiên cứu Trung Đông tin rằng chủ nghĩa Liên-Ả Rập đã ngủ yên.

 

Vì thế họ đã không thấy trước làn sóng cách mạng của cộng đồng Ả Rập năm 2011. Mặc dù những biến cố chính trị của năm nay chứng tỏ sự quan trọng liên tục của bản sắc Ả Rập, nhưng chủ nghĩa Liên-Ả Rập đã mang một hình thức khác xa với nửa thế kỷ trước dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser. Lúc bấy giờ, Nasser, một nhà lãnh đạo đầy sức thu hút với một Chính phủ mạnh trong tay, đã cổ vũ những tư tưởng hợp lòng dân và đã thúc đẩy nhiều biến cố tại các nước khác, bằng cách sử dụng công nghệ mới của thời đại ông, đó là radio bán dẫn (the transistor radio), để kêu gọi người Ả Rập [tại các nước khác] chống lại Chính phủ của mình và đi theo chính sách của ông. Ngày nay, chính tính cách "vô lãnh đạo" (leaderless quality) của các cuộc huy động quần chúng tại Ai Cập vàTunisiagần như khiến những cuộc vận động này trở thành nguồn khích lệ cho cả thế giới Ả Rập.

 

Trong những thập kỷ gần đây, các lãnh đạo Ả Rập, nhất là Saddam trong Chiến tranh Vùng Vịnh, đã toan tính khoác lên cho mình chiếc áo của Nasser và châm ngòi cho những phong trào quần chúng Ả Rập. Ngay cả nhà lãnh đạo Ayatollah Khomeini của Iran – một người Ba Tư chứ không phải Ả Rập – cũng vận dụng Hồi giáo để huy động nhân dân Ả Rập đứng dưới ngọn cờ của ông. Tất cả những âm mưu này đều thất bại. Tuy nhiên, khi người dân Tunisia rồi đến người dân Ai Cập lật đổ các nhà độc tài tham nhũng của họ, người Ả Rập tại các nơi khác thấy mình có thể đồng hóa với họ. Sự kiện các cuộc nổi dậy này thành công đã tạo hy vọng (trong vài trường hợp, như tạiBahrain, chỉ là ảo vọng) cho những người Ả Rập khác rằng họ cũng có thể làm như vậy. Kẻ thù chung của các cuộc nổi dậy Ả Rập năm 2011 không phải là chủ nghĩa thực dân, thế lực Mỹ, hay Israel, nhưng chính là các nhà lãnh đạo của họ.

 

Các nhà nghiên cứu cần phải thẩm định tầm quan trọng mới được phục hồi của bản sắc Ả Rập để có thể hiểu được tương lai chính trị Trung Đông. Khác với tiền thân của nó, chủ nghĩa Liên-Ả Rập mới (new pan-Arabism) dường như không hề thách thức bản đồ chính trị trong khu vực. Người Ả Rập không có ý định giải thể quốc gia của mình để hợp nhất thành một thực thể Ả Rập duy nhất; nghị trình của họ gần như chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước. Nhưng các cuộc nổi dậy Ả Rập đã cho thấy rằng việc gì xảy ra trong một quốc gia Ả Rập đều có khả năng ảnh hưởng đến các quốc gia Ả Rập khác trong những cách thế khó tiên liệu và mãnh liệt. Do đó, các học giả và các nhà làm chính sách không còn có thể đối xử với các nước trong vùng này trên cơ sở từng trường hợp một (on a case-by-case basis). Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn khi hậu thuẫn cho dân chủ trong một nước, như Ai Cập, đồng thời khoanh tay đứng nhìn các đồng minh khác, chẳng hạn Bahrain, đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình đòi dân chủ.

 

Ngoài ra, chủ nghĩa Liên-Ả Rập mới (new pan-Arabism) nhiên hậu sẽ đưa vấn đề hòa bình Ả Rập-Israel lên ưu tiên hàng đầu. Mặc dù không một cuộc nổi dậy nào trong năm 2011 nhân danh người Palestine, nhưng các chế độ dân chủ Ả Rập sẽ phải phản ánh dư luận của dân chúng đối với Israel, một dư luận vẫn còn cực kỳ tiêu cực. Dư luận của công chúng Ả Rập đối với Hoa Kỳ lại bị chi phối bởi quan điểm của người Ả Rập về cuộc xung đột Israel-Palestine cũng như bởi những hành động của Hoa Kỳ tại các nước Ả Rập khác. Do đó, Hoa Kỳ sẽ cần phải tái khởi động các cuộc hòa đàm Israel-Palestine để tiên liệu những đòi hỏi của các khối dân chúng Ả Rập khắp Trung Đông.

 

Chuẩn bị lại từ đầu

 

Các chuyên gia nghiên cứu chính trị Ả Rập, như chính bản thân tôi, cần phải xét lại một đôi điều. Việc làm này vừa là hào hứng vừa đáng sợ về mặt tri thức. Lý giải sự ổn định của các nhà độc tài Ả Rập đã là một công tác phân tích quan trọng, nhưng việc này đã dẫn một số nhà nghiên cứu đến chỗ đánh giá thấp các thế lực đòi thay đổi đang sôi sục ở bên dưới, và đôi khi ở bên trên, bề mặt chính trị Ả Rập. Các nhà khoa học xã hội không thể nào đưa ra các tiên đoán chính xác về thế giới Ả Rập, và vì thế không nên coi việc này là một tiêu chí trong việc nghiên cứu. Nhưng các nhà nghiên cứu cần phải duyệt xét lại các giả định (assumptions) của mình về một số vấn đề, gồm có vai trò của quân đội trong nền chính trị Ả Rập, những tác dụng của chuyển đổi kinh tế lên sự ổn định chính trị, và sự nổi bật của bản sắc Ả Rập xuyên biên giới, để có một cảm thức chính trị Ả Rập sẽ diễn biến như thế nào.

 

Khi các mô hình nghiên cứu bị gãy đổ và các lý thuyết bị những biến cố trên thực địa xé toang, chúng ta cần phải nhớ rằng những cuộc nổi dậy của dân chúng Ả Rập không phát xuất từ các quyết định chính sách của Washington nhưng từ các yếu tố kinh tế, chính trị, và xã hội địa phương mà các động cơ thúc đẩy chúng là cực kỳ khó tiên đoán. Tiếp theo sau các biến động bất ngờ này, cả các nhà nghiên cứu lẫn các nhà làm chính sách cần phải đối xử với thế giới Ả Rập bằng thái độ khiêm nhượng trước khả năng xây dựng tương lai của họ. Cách hay nhất là để cho người Ả Rập tự quyết định lấy tương lai của mình.

 

 

 

F. GREGORY GAUSE III là Giáo sư Khoa Chính trị tại Đại học Vermont

 

T.N.C.

 

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét