- TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin không ngạc nhiên về sự cố vừa xảy ra tại Tổ hợp bauxite Tân Rai. Dù sự cố rò hóa chất là xút, ông vẫn khuyến nghị, nên chuyển sang thải bùn đỏ bằng công nghệ "khô".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chỉ ngạc nhiên về cách ứng xử
Sự cố rò rỉ hóa chất ra môi trường của Tổ hợp bauxite Tân Rai được phát hiện là do bể chứa hư hỏng. Ông bình luận như thế nào về sự cố này?
Tôi không ngạc nhiên về sự cố, vì những sự cố như thế này hoặc lớn hơn nữa đã được các nhà khoa học cảnh báo cách đây 2-3 năm. Điều tôi ngạc nhiên là cách ứng xử của những người có trách nhiệm của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin.
Theo dõi trên báo chí, tôi thấy dường như họ rất coi thường vấn đề an toàn hoá học. Alumina là một dự án hoá chất nhiều hơn là một dự án khai khoáng. Trong khi đó, các cán bộ quản lý và điều hành dự án của Vinacomin chỉ có một số kiến thức thực tế về khai khoáng.
Các chuyên gia đã từng cảnh báo, đối với những dự án trọng điểm, lại ở vị trí quan trọng như các tổ hợp bauxite Tây Nguyên, việc dự trù tình huống và xử lý những tình huống bất ngờ rất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về việc dự trù và xử lý sự cố vừa rồi ở Tổ hợp bauxite Tân Rai?
Tôi nghĩ cần đối chiếu ngay với Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xem ĐMT đó đã được lập với chất lượng như thế nào, những người có "thẩm quyền" đã phê duyệt nó ra sao.
Tôi vẫn nhớ trên các phương tiện truyền thông, một thành viên Vinacomin nói rằng sẽ dùng toán xác suất để quản lý các sự cố của các dự án bauxite. Dư luận chỉ thấy rằng, dự án đã bị chậm tiến độ hàng năm trời, chưa kịp hoàn công mà hoá chất độc hại đã bị rò rỉ.
Mới tháng trước, có thông tin hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai tiếp tục bị chậm tiến độ do mưa kéo dài ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Tại sao một công trình xây dựng lại chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều như vậy, thưa ông?
Chậm tiến độ do mưa ở Tây Nguyên là chuyện bình thường. Nhưng, không bình thường là ở chỗ chọn thời điểm thi công vào mùa mưa ở Tây Nguyên. Một dự án có hàng ngìn hạng mục công trình lớn nhỏ, có thể và cần phải bố trí lịch thi công phù hợp với thời tiết. Chậm tiến độ là do trình độ quản lý dự án của chúng ta chưa cao.
Thực tế càng chứng minh cần thải bùn đỏ bằng công nghệ "khô"
Gần đây, dư luận lên tiếng về các dự án thủy điện của nhà thầu Trung Quốc bị chậm tiến độ. Ông có lo lắng cho các dự án bauxite ở Tây Nguyên không?
Tôi may mắn đã được làm việc rất nhiều với các nhà thầu Trung Quốc. Tôi thấy chẳng có gì đáng "lo" về nhà thầu cả. Chậm tiến độ trước hết lỗi là của chủ đầu tư. Chất lượng công trình hay trình độ công nhân kỹ thuật của nhà thầu có thấp chủ yếu cũng do các ban quản lý dự án của phía VN.
Nếu trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ các Ban quản lý dự án thấp thì sẽ dễ bị các nhà thầu qua mặt. Với tôi, cái đáng lo nhất là sau khi bàn giao công trình thì Vinacomin sẽ "xoay" như thế nào với đội ngũ như hiện nay để vận hành dự án này.
Sự cố vừa rồi dù không liên quan tới bùn đỏ nhưng cũng khiến người ta một lần nữa nhắc tới công nghệ thải khô. Ý kiến của ông như thế nào ạ?
Ngay từ đầu chúng tôi đã khuyến nghị rất rõ ràng là phải sử dụng công nghệ "khô" để thải bùn đỏ. Thực tế càng chứng minh điều đó là quan trọng và cần thiết. Kể cả đến bây giờ tôi vẫn khuyên Vinacomin nên chuyển sang thải bùn đỏ bằng công nghệ "khô" vì cũng chưa muộn và chẳng có gì tốn kém cả.
Đang thống kê thiệt hại để yêu cầu bồi thường |
Ngày 23/9, UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết đang xem xét thống kê mức độ thiệt hại trong vụ rò rỉ hóa chất xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua tại Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng để yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại cho người dân. Hiện vẫn chưa có con số chính thức thống kê mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố rò rỉ hóa chất này. |
Hoàng Hạnh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét