Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Nguyễn Huy Canh : QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ & HIẾN PHÁP

Nguồn phamvietdao

-Điều lệ Đảng, chương III, điều 19, Đảng đã tự qui định nội dung quyền lực chính trị này thuộc về BCHTW. Như vậy có thể nói quyền lực chính trị đối với đất nước đã không thuộc về nhân dân. Điều ấy có nghĩa là: nói quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; HP là văn bản nhân dân trao quyền lực cho nhà nước là không thành thật, đây chỉ là hành động giả trang mà thôi ?

-Một bộ phận bảo thủ không nhỏ trong Đảng đã tìm thấy cơ sở lí luận cho hành động biến quyền lực của Đảng thành lợi ích, thành tiền bạc cho bản thân, cho vợ con mình, cho những đ/c của mình ?

-Nói theo ngôn ngữ HP, quyền lực chính trị nằm trong tay Đảng là vi hiến (mặc dù đã có qui định của điều 4). Nhưng tiếc rằng thể chế chính trị này đã không có được cơ quan tư pháp (hiểu theo đúng chức năng và nhiệm vụ của nó), và cũng chẳng có được một chính trị gia, một lí luận gia nào cắt nghĩa cho được cái điều phi logic này ngoài việc cổ vũ cho Đảng phải luật hóa nó (điều 4).

Nguyễn Huy Canh.

Công việc sửa đổi HIẾN PHÁP1992(HP) đặt ra rất nhiều nội dung phải giải quyết từ tổ chức bộ máy nhà nước, quyền sở hữu đất đai đến quyền phúc quyết HP của người dân…Và đặc biệt, nó đã được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của nhân dân.
Tôi cho rằng các nhà chính trị, các luật gia sẽ là khó khăn trong việc giải quyết các nội dung này, nếu như ngay từ đầu, không có một quan niệm đúng đắn và đầy đủ về HP.
HP đã được chúng ta quan niệm như thế nào? Đó là bộ luật gốc, luật mẹ, luật cơ bản và có hiệu lực pháp lí cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác không được trái với nó. Đó là một hệ thống những qui định về bản chất nhà nước, chế độ chính trị-kinh tế-xã hội; những qui định về quyền và nghĩa vụ công dân…Đó là những quan điểm đúng về HP, nhưng tôi cho rằng chưa đầy đủ, chưa đi vào thực chất cốt lõi của nó. Nếu không có một lí thuyết về HP dẫn đường, soi sáng những vấn đề, những nhu cầu của xã hội, cái logic vân động của đời sống hiện thực thì tôi e rằng lần sửa đổi HP này vẫn chưa thể đáp ứng được tâm nguyện và ước vọng sâu xa của nhân dân.
Một lí thuyết mới về HP dẫn đường không thể không nói đến vấn đề QUYỀN LỰC và mối quan hệ của quyền lực chính trị của Đảng với bản thân nó. Khi nói về vấn đề này, GS Nguyễn Đăng Dung đã có một ý kiến đúng rằng, cốt lõi của HP là ở sự giới hạn quyền lực. Tôi xin được nói thêm rằng bản chất của HP là quyền lực chính trị của nhân dân được trao cho, ủy thác cho nhà nước. Nếu nội dung này không được khẳng định, không được làm rõ thì cũng không có vấn đề được đặt ra về sự giới hạn quyền lực nhà nước.

Quyền lực chính trị của nhân dân trao cho nhà nước bằng HP và thông qua HP là gì? Chúng ta phải nói đến đó là quyền được quyết định những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước về đối nội, đối ngoại; về an ninh, quốc phòng; về kinh tế, văn hóa-xã hội; về dự toán ngân sách; về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước; về cơ chế kiểm soát, hạn chế quyền lực…
Nhưng có một điều làm chúng ta phải suy nghĩ, phải đặt ra bởi những khó khăn của HP khi nó va chạm, gặp phải những vấn đề gọi là nhạy cảm.Đó là quyền được quyết định những vấn đề lớn của đất nước, của xã hội đã thuộc về ĐẢNG như một tất yếu lịch sử khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, và xây dựng chính quyền nhà nước trong suốt những năm kháng chiến, chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
Một tất yếu lịch sử đã không được soi sáng bởi một trí tuệ, một tư duy chính trị sâu sắc và dũng cảm khi chiến tranh đã đi qua. Đất nước đã được độc lập, được tự do. Kết quả ấy, thành quả ấy đương nhiên thuộc về sự hi sinh, sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Nhưng thực tiễn và triết lí lịch sử cũng đã hiểu ra rằng thành quả ấy đầu tiên và cuối cùng cũng là của nhân dân, của sự hi sinh xương máu của nhân dân. Sự hi sinh ấy đã đem lại cho nhân dân cái khả năng, cái tư thế của người làm chủ đất nước, của người có khả năng ra được những quyết định về những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước và của cuộc đời mình dưới sự lãnh đạo của các chính đảng, của một chính đảng.
Ta gọi đó là quyền lực chính trị. Nó phải là của nhân dân, thuộc về nhân dân ngay từ đầu khi cái khả năng nói trên đã xuất hiện. Nhưng tiếc rằng, như một sự trớ trêu của lịch sử, cho đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa có được cái điều tưởng như là logic, là hiển nhiên đó.
Điều lệ Đảng, chương III, điều 19, Đảng đã tự qui định nội dung quyền lực chính trị này thuộc về BCHTW. Như vậy có thể nói quyền lực chính trị đối với đất nước đã không thuộc về nhân dân. Điều ấy có nghĩa là, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, HP là văn bản nhân dân trao quyền lực cho nhà nước chỉ còn là giả, là vật trang trí mà thôi…
Để tránh một sự hiểu lầm tai hại có thể có, tôi cũng phải nói rằng, từ trong lí thuyết đạo đức, ý chí đạo đức của Đảng, ngoài quyền lợi của nhân dân, Đảng không còn quyền lợi nào khác. Từ mệnh đề có tính đạo đức ấy, chúng ta phải suy ra được rằng quyền lực chính trị của Đảng, về thực chất cũng là của nhân dân…
Tuy nhiên từ cách thức tổ chức, từ mô hình chính trị đã được xây dựng, tư duy chính trị phải thấy ra cái logic không chối bỏ được này: do từ trong bản chất, Đảng là một tổ chức thống nhất về quyền lợi, về ý chí và về hành động, nên một lẽ tự nhiên, Đảng đã mang mô hình của một thể chế chính trị "quân chủ chuyên chế" áp đặt vào cho nhân dân, cho xã hội chúng ta (có thể là do vô thức, vô tình?). Đây cũng là điều đã được một số nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng nhận ra.
Nói theo ngôn ngữ HP, quyền lực chính trị nằm trong tay Đảng là vi hiến (mặc dù đã có qui định của điều 4). Nhưng tiếc rằng thể chế chính trị này đã không có được cơ quan tư pháp (hiểu theo đúng chức năng và nhiệm vụ của nó), và cũng chẳng có được một chính trị gia, một lí luận gia nào cắt nghĩa cho được cái điều phi logic này ngoài việc cổ vũ cho Đảng phải luật hóa nó (điều 4). Đó là điều không thể làm được vì những hệ lụy của nó đối với sự lãnh đạo của Đảng
Theo logic của lịch sử, của nhà nước pháp quyền hiện đại,quyền lực chính trị thực sự thuộc về nhân dân thì nhân dân phải có được 2 hành động liên tiếp sau:
Bước 1/ nhân dân trao, ủy thác quyền lực của mình cho nhà nước bằng HP, thông qua HP (nhờ đó nhà nước mới trở thành cơ quan quyền lực của xã hội)
Bước 2/ nhân dân tiếp tục trao các cơ quan nhà nước cho các chủ thể chính trị bằng lá phiếu của mình. Bởi vì, các cơ quan nhà nước phải do những con người bằng xương, bằng thịt thuộc các chính đảng nắm giữ, điều hành.
Trong trường hợp người viết bài này, đó là một tiên đề chính trị đã được mặc định (giống như tiên đề 5 Ơclit vậy), đó là việc nhân dân ta trao quyền lực nhà nước cho ĐCS thông qua các cuộc bầu cử QH và nguyên thủ QG
Vì không thấy được cách thức tổ chức mô hình chính trị của mình là vi hiến, Đảng đã vô tình tạo ra những cơ chế chính trị cho sự sản sinh và nuôi dưỡng tham nhũng. Không phải là cơ chế tiền lương như GS HOÀNG TỤY đã lí giải là ngọn nguồn của nó.Đó sẽ là một sự nhầm lẫn tai hại về bản chất.
Một bộ phận bảo thủ không nhỏ trong Đảng đã tìm thấy cơ sở lí luận cho hành động biến quyền lực của Đảng thành lợi ích, thành tiền bạc cho bản thân, cho vợ con mình, cho những đ/c của mình. Điều này càng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn bởi lịch sử nước nhà đang bị chi phối mạnh mẽ bởi qui luật đa nguyên (ít ra chúng ta cũng đã nhìn thấy điều đó trong lĩnh vực của các quan hệ kinh tế, của các lợi ích kinh tế, của lĩnh vực Tồn Tại).
Cơ sở lí luận ấy chính là cơ chế quyền lực không được kiểm soát, không có giới hạn và đứng bên ngoài, bên trên HP
Bộ phận quan chức này đang hàng ngày hàng giờ làm cho Đảng ta suy yếu, xa dân và mất uy tín với nhân dân. Đây chính là điều làm cho tướng VĨNH đau lòng chăng!?
Kết luận: Công cuộc sửa đổi HP chỉ có thể có được thành quả như một bước ngoặt lịch sử, khi Đảng CS nhất định hiểu ra được rằng: Đảng chỉ là một tổ chức chính trị (thuần túy) trong sự tồn tại của chính mình. Chỉ trở thành một tổ chức quyền lực khi Đảng trở thành ĐẢNG CẦM QUYỀN thông qua bầu cử, qua lá phiếu bầu của nhân dân.
Điều đó đòi hỏi Đảng phải dũng cảm, mạnh mẽ thay đổi nhiều nội dung của Điều lệ, thay đổi cách thức tổ chức của mình. Tôi tin rằng, mặc dù là rất khó khăn,với điều đó, Đảng sẽ "trường tồn" cùng dân tộc và, đó cũng chính là cơ sở lí thuyết và thực tiễn cho công cuộc đổi mới HP1992.
N.H.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét