Trịnh Viên Phương (bạn đọc DLB) - Các cơ quan tiến hành tố tụng ở VN quan niệm trọng chứng hơn trọng cung. Và nguyên tắc "án tại hồ sơ" chỉ phục vụ cho ý đồ của cơ quan cảnh sát điều tra. Hồ sơ ban đầu tất cả do cơ quan CS điều tra lập nên họ có toàn quyền lái vụ án theo ý đồ của họ. Lấy vụ án nhà báo Hoàng Hùng và vụ án anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương làm ví dụ cụ thể.
Vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt ở Long An đã bị VKS tỉnh Long An trả hồ sơ cần điều tra lại. Kết luận điều tra sơ sài sau hơn nữa năm để ngâm tôm "điều tra" đã bị báo chí phanh phui. Hôm 24.9.2011 thì cơ quan điều tra kết hợp với VKS tỉnh Long An để dựng lại hiện trường vụ án. Điều này báo chí trong nước phản ứng vì dựng lại hiện trường lần thứ 2 nhưng lại thiếu hai nhân chứng quan trọng là cháu H.Nh. con gái đầu lòng của nhà báo Hoàng Hùng và ông Ng. V.S. là anh em cột chèo với nhà báo. Đây là hai nhân chứng quan trọng của vụ án nhưng họ không được mời tham gia buổi dựng lại hiện trường vụ án. Rồi thì kết luận điều tra chuyển qua VKS kỳ này cũng sẽ không đưa đến đâu. Sự thật bị cố tình bẻ cong theo hướng khác thì có dựng lại hiện trường 100 lần cũng chỉ vô ích.
Trường hợp nhà báo Hoàng Hùng thì có hay không sự dính líu của cơ quan Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) Long An và nhóm quyền lợi của bà Đại biểu Quốc Hội khóa này là bà Đặng Thị Hoàng Yến? Cá nhân bà Hoàng Yến và tổ chức QLTT Long An đã từng bị nhà báo Hoàng Hùng phanh phui những tiêu cực của họ đã bị cơ quan cảnh sát điều tra bỏ qua ngay từ đầu. Thường thì một nạn nhân của vụ án nào bị sát hại thì ngay lập tức người ta xem xét ai có quyền lợi mâu thuẫn với nạn nhân. Các cá nhân và tổ chức này là đối tượng các bài báo của nhà báo Hoàng Hùng chống tiêu cực phanh phui. Cách làm hồ sơ của cơ quan CS điều tra công an tỉnh Long An làm cho người ta càng nghi ngờ những "kết luận điều tra " của họ.
Trường hợp anh công nhân Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương bị chết tại phòng điều tra của công an huyện Bến Cát thì nơi này chịu trách nhiệm. Điều tra đã lâu cũng chưa có kết luận gì. Chắc chắn là cơ quan cảnh sát điều tra đang đau đầu chuyện "làm án" vụ này.
Những vụ án liên quan đến thương tích hay ma túy thì bắt buộc phải qua giám định. Tưởng rằng ở các cơ quan giám định sẽ độc lập, nhưng không, đây vẫn là cơ quan điều tra chỉ đạo. Với quy định tỷ lệ thưong tật trên 11% và những định lượng về hàm lượng ma túy để khởi tố hình sự vụ án hình sự thì công an điều tra có thể sửa theo ý của họ. Họ muốn ai bị khởi tố hình sự hay chuyển qua phạt hành chính là quyền của họ.
Các bên liên quan trong vụ án như là gia đình bị hại, gia đình bị can bị cáo hay các nhân chứng có thể "chạy án" ngay từ đầu cho cơ quan cảnh sát điều tra để họ làm sai lệch vụ án.
Chuyện cơ quan cảnh sát điều tra làm lệch án theo ý họ là chuyện ai cũng biết nhưng bị phanh phui chuyện đổi trắng thay đen này bị phát hiện rất ít. Đây là một ví dụ hiếm hoi của chuyện "lật án" mới bị phát hiện:
Khởi tố năm cán bộ công an làm sai lệch hồ sơ
TP - Ngày 23-9, Cục Điều tra thuộc Viện KSND Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng nguyên là Công an huyện Tân Phú và Công an thị trấn Tân Phú (Đồng Nai), về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Theo đó, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với trung tá Đinh Công Luận, nguyên Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an huyện Tân Phú; ông Võ Văn Nguyên, Phó Công an thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú) để điều tra về hành vi làm sai lệch hồ sơ. Các cán bộ công an thị trấn Tân Phú gồm ông Huỳnh Văn Thơ, nguyên Trưởng Công an thị trấn (đã nghỉ hưu), ông Trần Đình Thái, công an viên; đại uý Phan Văn Minh cũng bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại.
Theo điều tra ban đầu, năm 2009, trong quá trình điều tra một vụ đánh bạc tại thị trấn Tân Phú, các bị can trên đã làm sai lệch hồ sơ làm giảm số tiền sai phạm để xử lý hành chính các đối tượng sai phạm.
Đức Minh
Nguồn dẫn ở đây:
*
Tuy nhiên, đây là một trường hợp cá lẻ, nhỏ, và xác xuất nội bộ công an tố cáo nhau để "xì" ra việc sai lệch hồ sơ là xác xuất cao.
Một sự thật đau lòng là nghiệp vụ điều tra của các điều tra viên ở trại giam thì rất thấp. Nghiệp vụ của họ là tra tấn và dùng nhục hình ép cung còn luật pháp thì không biết gì nên các cơ quan cảnh sát điều tra rất sợ có luật sư tham gia ngay từ đầu ở giai đoạn điều tra. Chỉ những vụ trẻ vị thành niên phạm pháp khi điều tra có người giám hộ hay luật sư tham gia nhưng các điều tra viên thường cố tình quên đi điều này. Do vậy nhiều trẻ em bị bắt vào đồn công an thì ra về đầy vết tích. Trường hợp vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra thì đụng chỗ nào cũng gặp. Luật sư Phan Đăng Thanh từng tuyên bố như vậy.
Bao giờ thì luật sư được phép tham gia ngay từ đầu của vụ án ở giai đoạn điều tra? Câu hỏi còn chờ trả lời của ban chỉ đạo cải cách tư pháp họp phiên đầu tiên vào ngày 5.10.2011 tới đây. Với lực lượng am hiểu pháp luật như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chánh án TATC Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSTC Nguyễn Hòa Bình, nguyên chánh án TATC Nguyễn Văn Hiện, Ông Lê Thúc Anh nguyên Phó Chánh án TATC hiên là cán bộ cao cấp liên đoàn luật sư Việt Nam, bà Lê Thị Thu Ba(ủy viên TW đảng), ông Hà Hùng Cường, bộ trưởng Bộ tư pháp... không biết chuyện cải cách tư pháp kỳ này sẽ đến đâu khi trong ban chỉ đạo cũng lấp ló vài quan chức của Bộ công an như ông Trần Đại Quang?
Cải cách tư pháp để có lợi cho ai? Bao giờ thì hết cảnh công an có toàn quyền bao trùm các vụ án dân sự, hành chính lẫn hình sự? Nếu luật pháp chỉ là mớ phù phiếm thì giải tán quốc hội chỉ cần một Ban chấp hành trung ương đảng là xong. Nếu thấy quyền lợi của đảng phụ thuộc vào công an thì không cần VKS hay Tòa án chỉ cần một mình công an vừa hành pháp vừa lo tư pháp cho nhẹ nhàng bộ máy.
Có ai tin vào chuyện cải cách tư pháp lần này không? Một thăm dò gần đây ở Trung Quốc cho hay rằng người ta tin vào gái điếm hơn tin vào lời hứa của các quan chức. Ở Việt Nam chắc cũng không khác gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét