Le Nguyen (danlambao) - Đọc bản báo cáo những con số do các cơ quan nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa đưa ra khó tránh bị choáng váng mặt mũi, nhiều khi té xỉu nữa là đằng khác và theo dõi báo đọc, nghe, nhìn do lề phải đưa tin khó tránh khỏi bật lên tiếng cười khan bởi cách đưa tin dốc láo vô tư không hề biết "đỏ mặt" của các loại báo này.
Điển hình cho lối đưa tin "khó hiểu" là bản tin trên báo Lao Động trong tháng chín và bản tin trong tháng tám trên thông Tấn Xã Việt Nam, cơ quan thông tin chính thức của chính phủ cộng sản Việt Nam. Cả hai tờ báo có trích dẫn cùng một nguồn nhưng nội dung sai biệt khá nhiều.
Theo Thông Tấn Xã dẫn nguồn từ tổng cục thống kê thiếu, giảm đói, đưa tin: "...trong tháng 8 số hộ thiếu đói giảm gần 39% với 19 nghìn hộ thiếu đói. Số nhân khẩu thiếu đói giảm trên 34% so với cùng kỳ năm trước với khoản 85 nghìn nhân khẩu..."
Cũng dẫn nguồn từ tổng cục thống kê thiếu, giảm đói của nhà nước nhưng báo Lao Động viết khác: "9 tháng năm 2011, cả nước còn 58 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với trên 2 triệu nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 8.4% so với cùng kỳ năm ngoái."
Đọc hai bản tin không bàn về sự lủn củn, tối tăm của bản tin mà chỉ muốn nói đến sự sai biệt số thống kê thiếu đói, giảm đói của hai bản tin này. Có phải trong tổng cục thống kê tồn tại hai bản thống kê thiếu, giảm đói khác nhau hay hai tờ báo nhận chỉ đạo đưa tin nhằm đối phó tình thế, chủ trương của "trên" đề ra?
Có thể lắm chứ! Với một nhà nước không minh bạch bị lãnh đạo bởi băng đảng gian tham thì chuyện gì cũng có khả năng xảy ra. Một bản để giành cho báo cáo thành tích với lãnh đạo, một bản sử dụng vào việc xin xỏ viện trợ xóa đói giảm nghèo của các tổ chức, chính phủ, phi chính phủ trên thế giới và cả hai bản thống kê đều không phản ảnh đúng với hiện trạng thật sự nghèo đói, thiếu đói của Việt Nam!?
Ở đây trong phạm vi bài viết này, người viết không có ý đi quá xa vào nội dung của thống kê thiếu, giảm đói của các tờ báo lề phải mà chỉ muốn nêu bật sự thật nghèo đói, thiếu đói của người dân Việt Nam hiện nay do các tờ báo nhà nước đưa ra, có ít nhiều liên quan đến một sự kiện nóng bỏng gây bức bối trong lòng đa phần quần chúng nhân dân. Đó là dự án xây tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng với phí xây dựng dự đoán vài trăm tỷ Việt Nam đồng.
Về dự án xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã có nhiều phản bác chống lại kế hoạch xây tượng đài và số đông phản đối tựu trung vào ý kiến tương tự như ý kiến của bà Lê Hiền Đức, bà lão đơn độc chống tham nhũng miệt mài, ròng rã vài thập niên qua, không hề mệt mõi vang danh trong cũng như ngoài nước. Ý kiến chống xây dựng tượng đài của bà như sau: "Hiện nay dân ta còn nghèo lắm, có biết bao bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng còn sống sờ sờ đấy kia. Các mẹ nghèo, đói, thiếu thốn trăm bề... thậm chí có một mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh còn đang bị cưỡng chế, thu hồi nhà mất ruộng cày, không có việc gì làm để sống..."
Thật bà Lê Hiền Đức dù tuổi đã cao nhưng trí óc còn rất minh mẫn, nhận xét chính xác như nhiều người suy nghĩ là hiện nay dân mình còn nghèo lắm... hãy dừng dự án tượng đài vài trăm tỷ để thực hiện những nhu cầu thiết thực cho các mẹ còn đang sống sờ sờ ra đó... và trong khối dân oan mất đất, mất nhà, bị cướp đi phương tiện làm ăn sinh sống, dầm mưa giãi nắng đội đơn dâng lên quan trên cao,nhờ đèn trời soi xét, không thiếu bóng dáng của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có ai quan tâm đến họ mà bày "trò lố" dựng tượng ghi nhận công đức của mẹ Việt Nam anh hùng?
Thế nhưng, ý kiến chính đáng của số đông quần chúng đã bị quan lớn, phó ban văn hóa văn nghệ của tuyên giáo trung ương, họa sĩ Lương Xuân Đáng phản bác lại ý kiến khác biệt của số quần chúng nhân dân này. Trong lập luận phản bác của ông Đáng có nội dung chính như sau:"...không nên căng thẳng ở vấn đề kinh phí... Hà Nội từng cuống lên vì xây dựng bảo tàng hai nghìn tỷ... nếu muốn so sánh thì tượng đài này chẳng đáng giá là bao...
Về chủ trương xây tượng đài Mẹ Việt Nam ban đầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi... theo nguyện vọng của nhiều người... nhưng thời gian qua có ý kiến trái chiều vì động đến tiền bạc... Công trình khởi động từ 2006 đến giờ... chưa có tượng đài nào có lộ trình dài như vậy... cho thấy tính nghiêm túc, cẩn trọng của những người có trách nhiệm khi đặt chất lượng nghệ thuật của công trình lên hàng đầu...
Điểm qua các công trình tượng mẹ... như Mẹ Tổ Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh... Mẹ Miền Nam ở bảo tàng Nam Bộ... Mẹ Việt Nam ở Quảng Nam thì cần nhìn tổng thể... tôi khẳng định việc lồng ghép các công năng không làm cho cụm công trình tượng đài "loảng" về mặt thẩm mỹ hay ý nghĩa...
Tôi nhớ lại câu chuyện năm 1990 khi bỏ ra số tiền 600 triệu, tương đương 100 nghìn Mỹ Kim để mua lại bức tranh vườn xuân Trung Nam Bắc... hồi đó dư luận cũng rất căng thẳng... nếu nhà nước không bỏ tiền ra mua... kiệt tác này chắc chắn không còn ở Việt Nam vì người nước ngoài sẵn sàng trả gấp mười lần để mua (để thuyết phục ông Đáng nên đưa tên, quốc tịch người nước ngoài này vào. Rất tiếc ông không làm vậy?)... bây giờ có bỏ ra số tiền gấp trăm lần chưa chắc mua lại được...
Qua đây tôi muốn nói rằng, cái gì đáng tiền thì nên làm, nên mua... tỉnh Quảng Nam xứng đáng có công trình văn hóa, lịch sử này, xứng đáng có khuôn mặt khang trang đẹp đẽ chứ không chỉ dừng lại ở khuôn mặt cũ trong thế kỷ mới..."
Nhìn chung, phát ngôn của ông Lương Xuân Đáng không đi sâu vào phân tích ý tưởng lẫn câu chữ chúng ta sẽ thấy ông muốn nói rằng, đừng quan ngại kinh phí xây dựng, có khối công trình căng thẳng kinh phí trong quá khứ nhưng giá trị không đúng với giá trị thật của nó. Tượng đài này hoành tráng hơn, lộ trình chuẩn bị khá dài bảo đảm chất lượng nghệ thuật hàng đầu, đáng đồng tiền bát gạo, phảỉ xây tượng đài để làm đẹp mặt Quảng Nam trong thế kỷ mới.
Lý lẽ này, thoáng nghe qua khá thuyết phục, không khó để ông thuyết phục lãnh đạo đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam với "giấc mơ" chất lượng nghệ thuật hàng đầu. Cũng với chất lượng nghệ thuật hàng đầu này không khó để ông bịt mồm các bà mẹ Việt Nam anh hùng, kể cả những ai đang"căng thẳng tiền bạc" vì sáng sớm mai thức dậy lấy chi bỏ vào bụng cho các con thơ và cho chính mình? Khi xưa, mẹ chỉ biết đào hầm che dấu mấy thằng con đi bộ đội chứ làm gì biết đến chất lượng nghệ thuật hàng đầu, nói với mẹ cũng bằng thừa phải không ông Lương Xuân Đáng?
Nói thế không có nghĩa không có ai nhận ra chất lượng nghệ thuật các công trình quốc gia với số tiền đầu tư rất lớn chưa hoàn thiện, dở dang, xuống cấp... của các ông đã làm ra rãi rác đó đây khắp cả nước, trong đó có Tượng Đài Chiến Thắng Điện Biên, Tượng Đài Anh Hùng Núp ở Pleiku... Thế cho nên người dân luôn lo ngại các tuyên bố vung vít vô trách nhiệm, sẳn sàng phủi tay khi sự cố nghiêm trọng xảy ra của các ông quan chức nhà nước.
Ông Lương Xuân Đáng xin hỏi nhỏ, ông có dám đem cái mạng của ông ra bảo đảm cho chất lượng nghệ thuật Mẹ Việt Nam Anh Hùng không? Thú thật chỉ đùa với ông cho vui thôi chứ không ai nở để cho ông bỏ mạng vì một dự án chất lượng hàng đầu trên giấy, giống như các đồng chí của ông quyết tâm xây dựng xã hội chủ nghĩa mà không một ai trong các ông định hình được vóc dáng xã hội chủ nghĩa như thế nào, mập ốm ra làm sao nhưng vẫn cả quyết là ưu việt, là hàng đầu!
Để chứng minh cho ông Lương Xuân Đáng thấy nếu đem cái mạng ông cho công trình tượng đài đạt chất lượng hàng đầu là sự đánh đổi ngu xuẩn, mất mạng là phần nhiều. Tôi biết chắc không chỉ ông, ngay cả nhiều triệu đồng chí của các ông cũng không ai can đảm để làm cuộc đánh đổi này.
Theo tôi suy nghĩ, lo ngại của bà Lê hiền Đức cũng giống như suy nghĩ, lo ngại của nhiều người là chính đáng, nhưng với ông là một nghệ nhân, một quan chức nhà nước, cố đánh đổ nỗi lo sát sườn của người dân để vẽ lên bức tranh hoành tráng, thấp thoáng giá trị nghệ thuật "tưởng" như ở tầm cao mới nhưng nói thật ông hơi "bị" chủ quan.
Hãy bình tỉnh lắng nghe nhà văn Nguyên Ngọc nói về tầm cao nghệ thuật của tượng đài Mẹ Viêt Nam Anh Hùng ông nhé: "Văn học với điêu khắc, đặc biệt là tượng đài, là hai nghành nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Một ý tưởng văn học rất hay khi đem sang ngôn ngữ tượng đài lại có thể trở nên rất dở...
Khi xem phác thảo tượng đài Mẹ Việt Nam bằng thạch cao, cỡ nhỏ, tôi thấy tác giả dựa trên ý tưởng văn học có thể là hay: người Mẹ Việt Nam Anh Hùng như từ đất đai thiêng liêng tổ quốc mà nẩy sinh, là một phần gắn bó mật thiết với đất mẹ ngàn đời ấy, vừa nổi lên vừa chìm đi trong đất ấy...
Tượng đài là một quả đồi lớn, cái đầu người (người mẹ) nhô lên thành một khối cao to hơn chục mét, tôi xin lỗi, cho tôi nói thật, tôi rất lo sẽ gây ra cảm giác không phải vĩ đại mà là dị hợm, trẻ con nhìn thấy ắt sẽ hoảng sợ, người lớn đi qua đó ban đêm thanh vắng cũng có thể run..."
Ông Đáng có biết, tại sao luận bàn về nghệ thuật dựng tượng đài mà nhà văn Nguyên Ngọc xuống nhỏ một câu khô khan đến lạnh lùng, người viết rất tâm đắc "...trẻ con nhìn thấy ắt sẽ hoảng sợ, ngươì lớn đi qua đó ban đêm thanh vắng cũng có thể run..." bởi ông nghi ngờ khả năng, tài năng thật của các quan chức nhà nước và ông biết không hiếm trong đám quan chức ấy không thiếu những kẻ gian manh "ma đầu" thiếu năng lực lẫn tay nghề sẽ làm đầu Mẹ Việt Nam Anh Hùng nhô lên từ đất biến dạng thành "đầu ma" hù dọa cho con nít hoảng sợ và người lớn run khi đêm thanh vắng đi ngang qua đó!
Ngoài ra, với tầm nhìn xuyên suốt lịch sử bốn nghìn năm dựng nước, giữ nước, mở nước, cứu nước của dân tộc Việt Nam thì ý tưởng Mẹ Việt Nam Anh Hùng mà các ông xôn xao, nhốn nháo muốn thực hiện, chỉ giới hạn cục bộ ở "triều đại"cộng sản, nó không nêu bật vai trò trọn vẹn của người Mẹ Việt Nam trong giòng sử mệnh của nòi Việt, nên mở mắt nhìn mẹ Việt Nam Anh Hùng trên nền tảng sâu, rộng và cao ở tầm cao lịch sử, tầm Mẹ Việt Nam Anh Hùng của mọi thời đại. Dựng tượng Mẹ Việt Nam Anh Hùng có chăng, chỉ đáp ứng nhu cầu của một số "ma đầu" với "đầu ma" máu quỷ sống bám trên nỗi thống khổ của đồng bào, đồng loại. Như thế có nên chăng hay phải tiến hành vì đó là chủ trương lớn của đảng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét