Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Nguyễn Hoàng Đức : CẬU ẤM LÀNG THẤT HỌC

Nguồn buudoan


Ngày xửa ngày xưa, lịch tính theo Anxtanh, nghĩa là quá khứ, hiện tại và tương lai không nắm theo trục dọc kế tiếp nhau, mà lại nằm theo chiều không gian, có khi hiện tại chỉ cách quá khứ một nếp gấp siêu hình rất mỏng. Có hai làng ở cạnh nhau. Làng Đại Học lúc nào cũng lo học chữ. Làng bên cạnh là làng Thất Học, ghét chữ nghĩa, chỉ chuyên nghề ăn mày. Làng Thất Học ghét làng Đại Học lắm vì cách sống kẻ cả tự tin của họ…
Làng Thất Học, có cậu Ấm con trưởng làng. Cậu Ấm được được ăn ngon mặc đẹp, nhưng cậu buồn lắm.
-Sao lúc nào mày cũng buồn thế hả con? –Bố cậu hỏi– Mày được ăn ngon mặc đẹp mà không biết công cha mẹ à? Phải vui lên chứ!
-Ăn ngon mặc đẹp nhưng con vẫn thấy nó hèn hèn thế nào ấy!
-Mày ngu lắm, đồng tiền, rồi thức ăn, rồi quần áo chỉ có nhiều hay ít, có đắt tiền hay rẻ tiền, chứ làm gì có hèn…
-Bố nói thế con không nghe được!
Rồi cậu Ấm bỏ đi. Cậu nhất quyết ra đi để tìm cái chữ. Đến đầu làng bên, làng Đại Học, cậu nhìn thấy tấm áp phích lớn chào mừng đại hội giáo dục của họ. Điều kiện dự đại hội, cậu nghe:
-Loa! Loa! Loa! Hôm nay làng Đại Học mở đại hội giáo dục.  Mời tất cả mọi người trong thiên hạ đến dự. Điều kiện duy nhât là ai phải chứng minh được mình có giáo dục, tức có người dạy mới được vào. Loa! Loa! Loa!
Nghe vậy, Ấm buồn lắm! Ấm ngồi gục bên bờ ao, cảm thấy muốn lao đầu xuống ao tự tử. Bỗng có một anh bạn nhỏ tuổi như Ấm đến bên.
-Này, anh bạn…
Ấm quay lại, ngạc nhiên lắm:
-Cậu gọi tớ à?
-Ừ, mình gọi bạn chứ gọi ai?!
-Mà cậu còn gọi tớ là bạn ư?
-Đúng vậy, việc ấy cũng bình thường mà!
-Tớ tưởng những đứa trẻ ở bên làng cậu cậy có chữ thì kiêu căng chẳng thèm chơi với người làng tớ.
-Không đúng! Bài học đầu tiên ở bên làng mình là "hãy yêu người khác như chính mình ta".
-Hay nhỉ! Tớ thích quá!
-Bạn ngồi đây làm gì? Sao bạn buồn thế?
-Tớ muốn vào làng cậu để dự đại hội giáo dục, nhưng lại phải chứng minh được tớ đã từng nhận ai làm thầy. Tớ đã học ngày nào đâu mà có thầy!
-Cậu đừng lo, hãy đi theo tớ!
-Chẳng lẽ làng Đại Học của cậu mà tùy tiện thiên vị thế à?
-Không đúng! Làng tớ dạy "học thầy không tầy học bạn". Đây tớ sẽ dạy cậu trong năm phút, cậu cứ nhận tớ làm thầy, là cậu có thể dự đại hội.
-Hoan hô! Cám ơn cậu! Nhưng tớ run lắm!
-Đừng lo, bài học đầu tiên của con người là lòng dũng cảm mà.
-Vậy thì cậu dạy tớ đi! Có khó lắm không!
Cậu Ấm theo chân anh bạn nhỏ vào quảng trường nơi diễn ra đại hội. Liền giật thót mình.
-Cậu bé kia, có ai dạy không mà vào đây? Cậu ở làng Thất Học sang có phải không? – Trưởng ban tổ chức quát.
-Dạ, sao thầy lại biết em ở làng Thất Học ạ?
-Thì nhìn cái dáng của bọn vô học, lê la ăn xin đầu đường xó chợ có gì mà lạ! Cậu có biết qui tắc của ban tổ chức, vào đây không có chỗ cho người mất dạy không?
-Dạ em có biết! Nhưng em có người dạy đàng hoàng mà!
-Ai?
-Dạ, bạn nhỏ này!
-Xạo!
-Dạ, không xạo! "Học thầy không tày học bạn".
-Được! Nhưng cậu học được cái gì rồi?
-Em đã học được chữ A, B, C. Và biết 1 + 1 = 2.
-Thế thì chưa đủ!
-Thưa thầy "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", dạy nửa chữ cũng là thầy thì học nửa chữ cũng là trò ạ.
-Được! Cậu tuy học được ít nhưng đến đầu đến đũa. Ta chấp nhận cậu vào dự đại hội.
Sau đại hội, người ta khai giảng khóa học đầu tiên cho những đứa bé. Cậu Ấm cũng được ngồi học. Thầy giáo nói:
-Các trò, đây là mấy điều căn bản các em nên ghi tâm khắc cốt đầu tiên:
1.Nhân bất học bất tri lý! Nghĩa là người không có học sẽ không biết cái lý lẽ của mọi sự. Tương tự, kẻ có học rồi, mà không nhìn sự vật theo lý lẽ, là phí cơm toi. Là vô ích! Và cũng vẫn là đồ vô học!
2-Người ta không thể dạy cái mà mình không biết! Người ta không thể khuyên cái mà mình không sống! nghĩa là kẻ lúng búng nói không thành lời là bọn không biết! Kẻ khuyên nhủ người ta những điều hạ tiện thì cũng chỉ là đám hạ tiện!
3-Thiên tài vật lý Anxtanh nói "Không thể chống lại thế lực của những bọn ngu, vì chúng rất đông",vì thế người có học chúng ta chỉ có mỗi một cách "học, học nữa, học mãi", vì trí tuệ chính là sức mạnh duy nhất để cạnh tranh với đám đông vô lại.
                        *                        
                            *       *  
Cậu Ấm bỏ đi, trưởng làng buồn lắm. Bọn thuộc hạ liền dâng kế. Nay làng bên mở đại hội giáo dục, nghĩa là "có dạy có học", làng ta nên mở đại hội "mất dạy", chỉ có kẻ nào chứng tỏ mình chẳng có ai làm thầy mới được dự đại hội. Chúng ta làm to vào để thu hút cậu Ấm về. Thế là làng Thất Học mở đại hội mất dạy rất lớn, ăn mày và lười biếng kéo nhau đến rất đông được ăn uống no say phè phỡn thỏa cửa, nên càng lúc đám mất dạy đến càng đông. Nhưng chẳng thấy tăm hơi cậu Ấm đâu. Bọn thuộc hạ liền dâng kế, nay nên báo bác gái ốm nặng, cậu Ấm vì chữ hiếu ắt phải về.
Quả vậy cậu Ấm về. Liền nghe bố bảo:
-Con thấy chưa, đại hội mất dạy của ta ăn uống thỏa thuê, lại chẳng mất công đau đầu nhức óc tra hỏi chữ nghĩa, thế có sướng không. Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền con ạ. Giờ con hãy ngồi xuống, bố sẽ dọn cho con một mình ba mâm rượu.
-Không, con cần cái chữ, chứ con đâu có cần ăn. Nói rồi cậu Ấm lại bỏ đi sang làng Đại Học.
Thế sự không ngờ, bỗng nhiên có một con đường sắt chạy qua làng. Nhà nước hứa sẽ đền bù nhiều tiền cho làng Thất Học, với điều kiện hợp đồng bàn giao đất lấy tiền chỉ có thể thực hiện với người biết chữ. Khó quá, làng Thất Học đi cầu xin cậu Ấm trở về ký hợp đồng. Cậu Ấm bảo, chỉ về với điều kiện, nhà nhà trong làng ai muốn bán đất thì phải chứng minh được mình là người có học dù đôi chữ, nghĩa là phải có ai đó dạy dù đôi chữ. Thế là làng ăn mày ào ào rộ lên phong trào mời thầy về học chữ. Rồi cậu Ấm đã về ký hợp đồng cho làng. Mọi người ơn cậu Ấm nhiều lắm, nhưng cái bản chất thất học lười biếng của họ đâu vẫn hoàn đấy, họ vứt bỏ sách bút, quay về đời sống ăn mày. Họ còn bảo, học làm gì cho nó sạch sẽ, càng thất học, càng bẩn thỉu thì người ta mới cho.
Chán quá, cậu Ấm lại bỏ đi. Cậu học kinh khủng, học ngày, học đêm, rồi cậu thi đại học. Cậu còn xuất ngoại để du học nữa. Thấy cậu học ghê quá, nhiều người hỏi "cậu học vong thân như thế để làm gì?" Cậu liền đáp:
-Tôi học hộ cả làng tôi, vì họ không chịu học và cũng không chịu để ai dạy.
Kết thúc thật có hậu, cậu lĩnh giải thưởng quốc tế về toán học. Nhà vua ban lệnh, sẽ tổ chức một đoàn rước khổng lồ để chào đón cậu Ấm về làng với điều kiện nếu làng Thất Học không ai chứng tỏ được bằng cấp của mình thì sẽ không cho đón rước, mà sẽ để làng Đại Học đón rước hộ. Mỗi người đi rước sẽ được nhận một phong bì. Phong bì ấy nặng hay nhẹ là tùy bằng cấp của người đi đón. Thế là làng Thất Học chạy vắt chân lên cổ để lo "có dạy". Và khi đi xin, người ta cho gạo, cho tiền họ đều lắc đầu. Họ bảo: cho tôi xin cái bằng cấp, nhất là bằng thạc sĩ hay tiến sĩ thì tốt hơn.
Cậu Ấm về làng. Một bữa tiệc thịnh soạn chào mừng đã diễn ra, nhưng cả hai bên chẳng ai vui cả. Cậu Ấm thì buồn về những bằng cấp dởm đi xin của người làng. Còn người làng thì chẳng ai cần biết đến giá trị giải thưởng toán học của cậu Ấm cả. Cậu Ấm lại ra đi. Trước khi đi, cậu nghẹn ngào xin đứng lên nói mấy câu:
-Tôi xin được nói mấy câu theo cách phóng tác phương ngôn của Anxtanh: không thể thay đổi được trí tuệ của bọn ngu vì chúng rất đông.
Cậu Ấm khóc ra máu, cậu đau lòng lắm nhưng dân làng vẫn cười hô hố, ăn uống rổn rảng. Họ là dân ăn xin, họ có bao giờ nhận ra tri sỉ đâu mà biết sỉ?
Cậu Ấm ra đi, đi đâu cậu cũng kể câu chuyện làng mình, và kết thúc bằng câu: tôi kể để mong rằng những làng khác, không làng nào phải giống như làng tôi cả. Thất học, rồi không nhận ai làm thầy là một bất hạnh lớn nhất của giá trị con người! Liệu có ai trong các bạn muốn một bất hạnh như vậy không, tôi nói cho các bạn hiểu: Liên Hiệp Quốc đã xác nhận, quyền lợi căn bản nhất của mỗi người là được nuôi dưỡng ăn uống và được giáo dục chữ nghĩa. Các bạn không nên sống bất tri bất túc như người làng tôi. Cũng đừng có bao giờ sống theo truyền thống tiêu cực "văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền". Vì sao? Bởi vì, không có giáo dục và văn hóa sẽ không có cái được gọi là người!
09/05/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét