Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Anh Phan Trọng Khang ủng hộ biểu tình bị bắt giam … (khó tin ca hành xử với đồng chí mình tệ đến thế!)

 Nguồn giangnamlangtu

 Đôi lời giới thiệu

Tiếp tục loạt bài về các cuộc biểu tình phản đối TQ xâm lược ở Hà Nội, Giang Nam lãng tử  vừa nhận được bài viết của một người bạn (bút danh Sát Thát) kể về  anh Khang một người ủng hộ biểu tình bị bắt giam và đối xử tàn tệ…

Phần một

 GẶP ĐƯỢC NGƯỜI BẠN CAO CẢ CHƯA BIẾT TÊN

 Vừa qua sau khi đăng tin nhắn tìm anh Phan Trọng Khang, chúng tôi đã gặp được anh. Qua câu chuyện trao đổi với nhau tôi ghi lại những gì anh đã trải qua mấy ngày tại công an Từ Liêm và Hỏa Lò chỉ vì hành động cao cả mang bánh ăn và nước uống cho những người bạn chưa biết tên, chưa biết mặt đang bị công an bắt giam tại đồn công an Mỹ Đình trong cuộc biểu tình yêu nước hôm 21/08/2011. Sự chia sẻ của anh thể hiện một đạo lý trong câu tục ngữ của người Việt: "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Những người bạn chưa từng quen biết của anh, họ đi biểu tình phản đối hành động hung hăng, láo xược của người "đồng chí" luôn mồm cao đạo "quân tử" và đòi hỏi Việt Nam ta phải hành xử theo nguyên tắc "bốn tốt" và "mười sáu chữ vàng" nhưng chính họ đang thò cái lưỡi bò tham lam hòng cướp trọn lãnh hải trên Biển Đông của Việt Nam.

Ngày 20 tháng 8 anh Khang có việc đi Ninh Bình thăm hỏi người thân và dự sinh nhật. Sáng sớm ngày 21/08/2011 từ Ninh Bình về đến Hà Nội anh bảo người nhà bắt xe taxi về trước rồi vòng ra Bờ Hồ để quan sát biểu tình. Thực ra anh Khang rất ngưỡng mộ những người trong mấy tuần vừa qua đã đi biểu tình phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển đảo của Việt nam, tuy không nhập vào đoàn biểu tình nhưng anh tự cho mình là người tham gia biểu tình hoặc những người ủng hộ các cuộc biểu tình vừa qua. Đến nơi thì cuộc biểu tình vừa bị giải tán. Anh Khang gặp gỡ chúng tôi và cùng đi bộ chầm chậm vòng quanh Bờ Hồ. Vừa đi, vừa nói chuyện để trao đổi với nhau và giải tỏa bớt nỗi bức xúc mới trước đó chứng kiến cảnh bắt giữ người biểu tình. Chính ông Nguyễn Đức Nhanh giám đốc công an Hà Nội đã "khẳng định, đây là những cuộc biểu tình yêu nước tự phát, cho nêncác cấp và công an Hà Nội không có chủ trương trấn áp, bắt giữ người biểu tình tự phát. Do phải bảo vệ các đại sứ quán và bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn TP, nên lực lượng công an Hà Nội kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục người biểu tình rời xa khu vực Đại sứ quán Trung Quốc.Lực lượng công an không bắt giữ người biểu tình, chỉ đưa một số người lên xe buýt về đồn công an để giải thích…" (1).

 Khi đi dạo gần hết một vòng Hồ Gươm chúng tôi còn gặp chị Dương Hà vợ tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, thày giáo Đỗ Việt Khoa người nói không với tiêu cực của ngành Giáo dục. Một anh lớn hơn anh Khang mấy tuổi, đầu bạc trắng tên là Q nói: "Tôi có một anh bạn tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Miền Bắc năm 1972 đã đi B, sau ngày 30/04/1975 giải ngũ về công tác cùng tôi, rồi tiếp tục nhập ngũ lên biên giới phía Bắc chống Tàu năm 1979, sau lại chuyển ngành về cơ quan cũ. Bạn tôi đi chống Tàu ở biên giới thì không hề hấn gì, nhưng đi biểu tình chống Tàu ở Bờ Hồ thì bị bắt. Anh ấy huyết áp thấp nếu bị bỏ đói có thể hạ đường huyết và bị sốc" (2). Mọi người bàn nhau đi taxi lên Mỹ Đình, anh Khang nói với anh em: "Tôi có xe, để tôi chở anh em đi". Trên đường đi anh em chúng tôi ghé vào siêu thị mua bánh và nước, chúng tôi muốn cùng đóng góp, nhưng anh Khang bảo để anh lo. Anh nói: "Tôi cũng dễ chịu hơn về mặt tài chính, để tôi được gánh vác toàn bộ".

 Xe chúng tôi đến Mỹ Đình lúc 12h 15 phút trưa tại đó chúng tôi thấy có nhiều nhóm bạn trẻ, cả tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, thạc sỹ Vũ Quốc Ngữ và một số anh chị em chúng tôi chưa biết hết tên cũng mang bánh và nước chờ bên ngoài nơi họ bắt giữ anh chị em biểu tình. Chúng tôi đề nghị với những công an bảo vệ ở bên ngoài được gửi bánh và nước cho anh em đang bị giữ ở bên trong nhưng họ không chấp nhận. Dù anh Q đã nói: "Trong số anh em bị bắt có một người bị huyết áp thấp nếu bị hạ đường huyết có thể bị sốc dẫn đến tử vong các anh có chịu trách nhiệm được không?" Họ vẫn nhất định không cho. Mọi người nhao nhao phản đối, lát sau có một công an mặt thường phục trạc 50 tuổi từ trong đồn đi ra nói: "Tôi đảm bảo với bà con có nước và bánh cho những người bên trong". Mọi người không tin, đòi cử người vào kiểm tra. Họ đồng ý. Chúng tôi cử anh Q lớn tuổi nhất vào trong. Sau khi kiểm tra anh Q xác nhận: "Mọi người bị bắt đã có nước uống và bánh ăn". Tất cả reo lên: "Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!" Lúc này anh em mới yên tâm chia nhau số bánh còn lại, ăn tạm cho đỡ đói lòng để chờ đợi anh em bên trong được thả. Mọi người tản ra người thì tranh thủ dựa vào ghế của quán nước ngủ, người thì chụp một số ảnh để lưu lại cảnh này.

 Tới khoảng 13h 30 phút có tiếng ồn ào nổi lên phía trong quán nước, sau này mới biết lúc đó đám công an ra đuổi không cho anh em ngồi quán nước và họ bắt đi hai người là cô Hội và Thạc sỹ Vũ Quốc Ngữ. Trước đó mươi phút anh Khang đã đánh xe ra bên ngoài xa nơi họ bắt giữ anh em. Anh hạ ghế xe ô tô bảo mọi người tranh thủ chợp mắt. Bỗng một toán người xuất hiện trong số đó chỉ có vài người mặc sắc phục công an. Toán người này có một số hành động khác thường (chửi bới rất thiếu văn hóa, văng ra rất nhiều từ như các cụ nhà ta nói "hàng tôm, hàng cá"ngoài chợ cũng không nói như vậy). Một người còn trẻ (chỉ bằng tuổi con của mấy người có tuổi trong chúng tôi) mặc sắc phục công an giao thông không đeo biển, đến bên xe dùng lời lẽ khiêu khích, xích mé đuổi chúng tôi đi chỗ khác, không cho đỗ xe tại đó (một đường nhánh vắng vẻ, không có biển cấm đỗ, không phải khu vực bảo vệ và đầy củi, rác, sát lề đường đầy cỏ, gần một gara ô tô nghỉ không làm việc ngày chủ nhật). Mặc dù bị xúc phạm chúng tôi vẫn ôn tồn trả lời: "Chỗ này là đường nhánh, không có biển cấm đỗ, không phải khu vực bảo vệ tại sao lại yêu cầu chúng tôi không được đỗ xe?". Người mặc sắc phục công an giao thông không đeo biển chạy đi gọi người đến tiếp ứng dù chẳng ai làm gì hại anh ta.

  Khi thấy họ hùng hổ kéo đến mọi người vẫn không tin đó là các chiến sỹ công an "bạn của dân". Những người đã được Bác Hồ giáo dục: "Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép". Những người theo quy định của ngành khi tiếp xúc và thực thi công vụ phải chào dân và ăn nói lễ độ và chính ngành công an tiến hành cuộc vận động "Thực hiện nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hoá, vì nhân dân phục vụ". Họ lao đến quát tháo: "Mấy thằng kia đi chỗ khác mau! Không được đỗ ở đây! Cút mẹ chúng mày đi!". Bán tin, bán nghi anh Khang hỏi một người mặc sắc phục công an: "Các anh là ai? công an thật hay công an rởm?" Rồi anh Khang đưa tay hỏi một công an viên mặc sắc phục và nói: "Anh đang đeo biển, mong anh giải thích cho tôi vì sao không được đỗ xe ở đây?" Người công an chém mạnh tay từ trên xuống, khiến cho tay anh Khang đụng vào biển hiệu của anh ta, làm bật gim cài cái biển đang đeo. Liền ngay lúc đó xuất hiện một người mặc thường phục màu xám, người đậm, thô mập, hùng hổ đến vừa nắm cổ áo anh Phan Trọng Khang vừa giật mạnh vừa quát: "Xuất trình giấy tờ cho chúng tao kiểm tra". Anh Phan Trọng Khang nhẹ nhàng gỡ tay hắn ra và đáp lại: "Anh là ai?" Người đàn ông đó trả lời: "Tao là trưởng công an huyện Từ Liêm".

  Anh Phan Trọng Khang vẫn nhẹ nhàng hỏi tiếp: "Có giấy tờ chứng minh anh là trưởng công an Từ Liêm không?". Người đàn ông mặc thường phục hét tướng lên như một con thú bị chọc tiết: "Tất cả đây là quân của tao. Chúng bay đâu, bắt lấy thằng này! Nó dám chống người thi hành công vụ". Cô L. người cùng đi với chúng tôi ở Bờ Hồ lúc đó còn gõ nhẹ vào tay người đàn ông này nói: "Anh ơi, anh ấy có làm gì đâu mà bảo chống người thi hành công vụ?" Cũng may họ đang muốn bắt anh Khang chứ nếu không có thể cô L cũng bị vu cho tội chống người thi hành công vụ.

 Toán công an lao vào bắt anh, hai người túm tóc; giật tóc; bẻ tay quặt ra đằng sau; một người lấy còng số 8 bập vào tay anh; một công an nói: "Thằng này nó có xe ô tô" hắn thò tay vào túi quần lấy chìa khóa xe ô tô để đưa cả xe đi. Lôi anh đi xềnh xệch được một quãng, họ đẩy anh lên xe thùng. Một công an viên ngồi sẵn trên xe giánh một quả đấm rất mạnh vào mạng sườn anh. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến mọi người không kịp phản ứng, không kịp quay video hay chụp ảnh mà nếu có ghi lại chắc gì đã giữ được? Bốn nhân viên nhà nước xông vào đàn áp một ông già trên 60 tuổi người đầy thương tật; bốn nhân viên nhà nước lao vào trấn áp một người dân không có bất kỳ một hành động nào phản kháng lại. Sau này được biết người đàn ông, người đậm, thô mập, mặc áo xám, đứng đầu đám người đó là Trần Quang Trong trưởng công an huyện Từ Liêm. Trước đó ông Trong lái một chiếc Camry đời cổ đã lượn xe sát nơi chúng tôi bốc xuống mấy thùng bánh và nước và định đè nát đồ tiếp tế. Cô L. một người đã tham gia một số cuộc biểu tình sững sờ, nước mắt chảy dài, cô nói với một anh công an giao thông đã có tuổi đi ngang qua: "Anh ơi! Anh ấy có làm gì đâu mà bắt? Làm sao mà bất công thế? Anh ơi sao đất nước mình khổ thế? Anh ấy chỉ đến đây mang bánh, mang nước cho anh em bị giữ trong đồn thôi, có chống đối gì đâu!".

 Anh công an giao thông nhẹ nhàng nói với cô L: "Thôi em ơi! Chẳng giải quyết được gì đâu! Em đi về đi". Sau này cô L có nhận xét anh công an đó ăn nói rất nhẹ nhàng và tỏ ra thông cảm với chúng tôi. Kể ra lực lượng công an và an ninh mà có nhiều người như thế. Chắc chắn có những người dân đã không gọi họ là những "kiêu binh" thời hiện đại và sẽ không có nhiều cái chết oan khuất, tức tưởi của người dân, do những người đã thoái hóa biến chất trong các lực lượng này gây nên- những người đã không còn xứng đáng danh hiệu "vì dân phục vụ".

 Sau khi họ đưa anh Khang đi. Chúng tôi mới ngớ ra! Chẳng ai biết người bạn vừa bị bắt tên là gì, ở đâu. Sau này có còn cơ hội gặp lại nữa không. Chúng tôi ra một quán nước cách độ vài trăm met ngồi chờ. Hôm đó họ không thả anh chị em bị bắt ra cùng một lúc, có lẽ vì sợ anh em chị lại làm một cuộc biểu tình tiếp nữa như hôm 17/07/2011. Cứ mỗi người ở được thả Chú Hiếu gió lại đón ở cửa và dùng xe chở ra chỗ chúng tôi, nhờ một anh trong chúng tôi bấm cho một kiểu ảnh. Anh chị em chúng tôi hỏi han động viên và mua nước cho các bạn uống rồi cử người chở các bạn ra bến xe đi về các tỉnh. Khi đó chúng tôi mới được biết có những bạn trẻ từ Hà nam, Nghệ an, Thanh hóa, Phú thọ, Bắc giang, Thái nguyên về Hà nội biểu tình. Thật là những tấm lòng cao quý! Chúng tôi gặp cả vợ chồng cô Trần Thị Nga người phụ nữ đã có những ngày gặp nạn tại xứ Đài Loan, vợ của thạc sỹ Vũ quốc Ngữ. Chờ đến tận 18h 45 phút khi biết chắc mọi người đã được thả hết nhưng không gặp được người bạn chống Tàu ở biên giới thì không hề hấn gì, nhưng đi biểu tình chống Tàu ở Bờ Hồ thì bị bắt. Sau khi đã biết chắc người bạn đó đã được thả, trời đã chạng vạng tối chúng tôi mới đèo nhau bằng xe máy ra về.

(1)  http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110803/Trung-tuong-Nguyen-Duc-Nhanh-Khong-chu-truong-tran-ap-nguoi-bieu-tinh-yeu-nuoc.aspx

(2) Sốc (Shock) là một hội chứng lâm sàng, hậu quả của việc tưới máu (dẫn máu đến nuôi các bộ phận cơ thề) không thoả đáng, bất kể nguyên nhân gì – sự giảm tưới máu khởi phát do mất cân bằng cung và cầu oxy và cơ chất (trong đó chủ yếu là nồng độ đường trong máu quá thấp). Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến rối loạn chức năng tế bào, tổn thương cơ quan, suy nhiều phủ tạng, trụy tim mạch và tử vong.

 

Phần hai

 CÔNG DÂN PHAN TRỌNG KHANG NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC TẠI NHÀ TÙ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

 Họ bắt anh Khang lên xe thùng đưa về Công an Từ Liêm. Đến nơi họ đẩy anh vào một phòng để chờ xử lý. Tại đó anh Khang gặp lại thạc sỹ Vũ Quốc Ngữ và cô Hội trước đó đã bị họ bắt cũng với lý do mang bánh và nước tiếp tế cho bà con bị bắt giữ trái phép khi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Anh kể lại cho hai người lý do bị bắt vào đây. Ngồi chờ rất lâu chẳng thấy họ làm gì. Anh mới học yoga nên tranh thủ xếp chân ngồi thiền cho thư giãn, được một lát thì họ quát bắt ngồi bỏ chân xuống dưới. Họ đưa Hội về nhà khám xét, lúc sau họ tách ba người mỗi người về một phòng giam. Phòng giam khoảng 14 m vuông có một bệ xí, một bục xi măng để ngủ rộng độ bằng một cái gường đôi loại nhỏ, một bể nước bao kín chỉ có một cái lỗ rộng chừng 15 cm muốn lấy được nước phải thò cái cốc vào múc. Miệng cái lỗ múc nước đã nhỏ lại lởm chởm sắc cạnh nếu không khéo khi thò tay vào có thể bị chầy xước. Mọi sinh hoạt của người bị giam giữ đều diễn ra trong đó (ăn, ở, tắm giặt, đi vệ sinh). Muốn lấy nước phải dùng một cốc nhựa; hai ba ngày nước được bơm một lần; những lúc cạn phải thò tay hết cánh tay mới múc được, nếu lỡ làm rơi cốc là chịu.

 Anh Khang bị tra hỏi nhiều lần. Mỗi công an một biên bản, "nguyễn y vân" một nội dung để xem có gì mâu thuẫn. Một bài ca cũ rích; một bài bản vô tích sự của những cái đầu u tối. Họ cứ nghĩ những người biểu tình yêu nước là tội phạm nên phải làm như thế. Họ đâu có biết chúng ta hành động quang minh chính đại. Chỉ một lý do yêu nước! Có gì đâu mà phải dấu diếm. Đến chiều họ đưa anh vào một phòng lột hết quần áo bắt anh mặc áo tù và cạo trọc đầu như một tên tội phạm.

 Khoảng 8 – 9 giờ tối trưởng công an huyện Từ Liêm Trong gặp riêng anh Khang. Ông ta nói người biểu tình yêu nước là phản động, là lợi dụng để chống chính phủ, là Việt Tân đứng đằng sau các cuộc biểu tình, là dẫn đến "cách mạng màu"… Sau một hồi "tuyên truyền cảm hóa" ông ta hỏi: "Lớn tuổi rồi anh có ân hận gì về hành động của mình không?". Anh Khang thẳng thắn trả lời: "Tôi chả có gì phải ân hận. Tôi chẳng cầu danh, chẳng cầu lợi. Tôi cũng chẳng biết họ những người đi biểu tình phản đối bọn Tàu gây hấn là ai. Việc tôi đã làm chỉ là tấm lòng của con người với con người. Lúc đó tôi có hành động bức xúc như vậy, vì công an các anh hôm nay hành xử rất thiếu văn hóa, không tôn trọng dân, không thực hiện đúng điều lệnh công an khi gặp dân phải đứng nghiêm, giơ tay chào, nói năng phải thưa gửi (1). Bây giờ công an thật, công an giả lẫn lộn, biển hiệu, cảnh phục, quân hàm, mũ áo đều có thể giả. Cứ ra đường Nam Bộ mua được liền, có khi trang bị cho cả một trung đội cũng sẵn. Ở một nơi giữa đồng không mông quạnh như vậy, rồi lại chửi mắng thiếu văn hóa, trong khi ngành Công an đang tiến hành cuộc vận động "Thực hiện nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hoá, vì nhân dân phục vụ". Làm sao tôi có thể tin đó là Lực lượng Công an chân chính. Bản thân anh nếu ở địa vị tôi chắc anh cũng thế thôi. Tôi đi tiếp tế, mục tiêu giúp đỡ mọi người không đạt được, tôi ra đấy nằm nghỉ, chờ anh em có thế thôi, Có điều gì đâu mà phải ân hận".

 Ông ta hỏi tiếp: "Anh không nhận ra được điều gì à?" "Thực sự tôi chẳng nhận ra điều gì cả? Lỗi xẩy ra dẫn đến các anh bắt tôi về đây là cái rất bình thường trong cuộc sống. Thôi tùy các anh muôn xử thế nào tôi chịu thế đấy" Sau này gặp lại chúng tôi anh nói: "Nếu lúc đó tôi thỏa hiệp và nhận là mình có tội chắc câu chuyện sẽ theo hướng khác". Trao đổi với nhau khoảng 15 phút không "tuyên truyền cảm hóa" được Trong nói với anh: "Nhẹ không ưa, mày rắn đầu lắm, rắn đầu hả, thế thì tao cho mày biết, thôi về đi". Nửa tiếng sau ông ta ký lệnh tạm giam tôi ba ngày.

 Sáng hôm sau Công an Từ liêm đưa anh vào phòng số 10. Công an Từ liêm dành riêng phòng này để đánh người, phòng biệt lập, ở cuối dẫy để khi bị đánh người khác không nghe thấy tiếng kêu của người bị tra tấn. Khi đưa đến phòng đánh người một người nhân viên công an nói: "Ông này lớn tuổi ưu tiên cho vào phòng thay đồ trước". Anh Khang bị đưa vào đánh trước tiên (trong ba người bị Công an Từ liêm bắt giữ ở Mỹ đình hôm 21/08/2011). Cũng viên trung uý Nguyễn Mạnh Tường (số hiệu 023-175) người đã đánh thạc sỹ Vũ Quốc Ngữ sau đó. Viên công an này bắt anh lột hết quần áo trước khi đánh. Hắn vờ quay lưng lại rồi bất ngờ đánh một cái tát vào mặt anh. Anh Khang là lính trinh sát biết võ khi bị đánh nhưng anh không tránh.

 Tường hỏi: "Mày tên Khang à? Mày biểu tình yêu nước à?", "Mày theo đuôi bọn trí thức hả? Định lợi dụng biểu tình làm loạn à?" Sau này kể lại anh nói: "Công an Tường còn ít tuổi hơn con gái anh". Anh bình tĩnh đáp lại: "Nếu như cán bộ có thể rút được máu tôi, cắt được thịt tôi để cán bộ được lên chức lên quyền hoặc vợ con cán bộ thêm được chút quyền lợi, bổng lộc g,ì mời cán bộ làm thêm. Người tôi đây cán bộ nhìn thấy rồi thương tật đầy mình. Đời tôi đi chiến đấu gian khổ nhiều, hy sinh đã quen rồi, tôi chịu được hết" Nghe câu nói của anh Khang, công an Tường chùn tay, không đánh nữa, Tường bảo anh mặc quần áo, đưa trả anh về phòng. Công an Tường nói bâng quơ không rõ nói với ai: "Người có công với nước, có ưu đãi, lớn tuổi thế thôi".

 Sau đó công an Tường mấy lần đi qua phòng còn nói kiểu phân trần nhưng vẫn bằng cách nói trống không thiếu văn hóa: "Thế nào có thấy được ưu đãi không? Có thấy được hơn người không?" Anh Khang chỉ đáp lại cho qua chuyện bằng những câu có vẻ như vô nghĩa: "Vâng!" "Vâng!" "Vâng!" Cái đầu đất của Tường lại còn hỏi: "Vâng cái gì mà vâng lắm thế!" Hắn không biết được, anh không muốn nói chuyện với loại như hắn.

 Tuy vậy trong thời gian bị giam giữ tại Công an Từ Liêm, anh cũng tiếp xúc với một số nhân viên công an anh cho là còn biết suy nghĩ, biết cái gì con người ta phải làm trong cuộc đời để phần "người" lớn hơn phần "con". Một viên công an tâm sự với anh: "Cuộc đời em con nhà nghèo muốn thi vào sư phạm làm thày giáo dạy trẻ hoặc y khoa làm thày thuốc cứu người. Nhưng cuộc đời đưa đẩy chẳng đạt ước muốn. Có ông chú xin cho đi nghĩa vụ công an, sau hết nghĩa vụ vào ngành. Lúc đầu làm công an giao thông. Sáng ra bắt bà con thì được 10% tiền thưởng từ số tiền phạt. Lấy tiền đó đi ăn sáng, nhưng em chỉ đứng ven đường; chẳng bắt ai; anh em gọi đi ăn sáng em cũng không đi. Không được lòng lãnh đạo họ đẩy em về công an phường. Đi đuổi chợ em chẳng dám ra tay với bà con, nhìn họ em lại nghĩ đến bố mẹ, anh em, chú bác, bà con mình ở quê. Một nắng hai sương làm được cân rau, củ sắn, củ khoai vất vả lắm! Sao nỡ hắt đạp của dân! Thế rồi họ đưa em về đây coi người bị giam giữ. Ngày tháng trôi qua cũng lên đến cấp này. Nhưng nếu cứ ra khỏi cái cổng sắt này thì biết ai thế nào. Cuộc đời em chẳng trông mong gì ở cái nghề này…Nó không có hậu."

 Anh Khang bị giữ ở đó ba hôm rồi họ đưa anh đến Hòa Lò. Có một điều chung đối với các tù "hình sự" kiểu như các anh, họ thường bị nhốt chung vào phòng với các phần tử bất hảo. Đại úy Nguyễn Duy Tiên người quản giáo có trách nhiệm phân phạm nhân về các phòng giam nói với anh một câu đến bây giờ anh không quên: "Ở đây ánh sáng công lý không có, ánh sáng của đảng không vào, ánh sáng mặt trời không đến. Ở đây chỉ quan tâm nhà có ai gửi đồ không? Có ai tiếp tế không?" Phải chăng đó là lẽ sống của anh ta?

 Ban đầu anh bị nhốt cùng những người đã có hai ba án. Người mới vào thường bị "đầu gấu" hành hạ đánh đập. Màn đầu tiên, anh bị bắt ngồi xổm úp mặt xuống đất để nhập phòng. Thường người mới đến bị ngồi khoảng hai ba tiếng, với anh sau khi hỏi bị tội gì? Những phạm nhân đó chỉ bắt anh ngồi khoảng 30 phút. Họ nói: "Lớn tuổi, tha phạt". Anh kể lại: "Chúng hỏi gì, tôi đáp nấy". Do khôn khéo trong ứng xử nên những phạm nhân đó không hành hạ anh nhiều.

 Phòng có 36 người khoảng 40 m vuông, có hai dãy nằm hai bên, một bệ xí, một bể nước cũng trám kín nhưng lỗ to hơn ở phòng tạm giam Từ liêm. Các phạm nhân tự phân ra làm "trưởng buồng" gọi là "xếp", dưới trưởng buồng có "bộ đội" để thực hiện các lệnh của "xếp" đánh người, trấn đồ, "lái xe" cầm quần áo quay cho khô. "công nhân" và "nông dân" bắt làm gì phải làm để phục dịch bọn kia. Khi đã hiểu anh, các phạm nhân này còn mời anh lên mâm trên, mời thuốc lá, cà phê, nghe anh kể chuyện, gọi anh bằng bác. Ở đó một buổi, họ chuyển anh sang phòng khác, phòng một án rồi cũng phạt nhập phòng, cũng hỏi han rồi cảm phục. Nói chuyện một lúc mấy người anh chị còn gọi bọn đàn em xoa bóp cho anh. Anh Khang cám ơn và từ chối.

 Khoảng 6 – 7 giờ chiều ngày 25/08/2011 tại nhà tù Hỏa Lò anh nhận quyết đình chỉ biện pháp tạm giam chờ cơ quan pháp luật xử tiếp. Cũng thời điểm họ thả Phương Bích, Minh Hằng, Dũng. Được tự do Phương Bích chạy ào ra ngoài, như một con chim sổ lồng. Anh đi chậm qua tất cả các cửa kiểm soát đều xuất trình lệnh tạm tha. Xe công an Từ Liêm đón tại đó các em và con gái chờ sẵn. Trong những ngày giam giữ anh họ đến nhà anh lục soát, thu giữ máy tính, tạm giữ cả ô tô. Cái ô tô của anh là phương tiện đi lại mà cũng bị coi là tang vật gây án.

 Những ngày bị bắt tạm giam ở Công an Từ Liêm, rồi ở Hỏa Lò vì cái tội danh họ gán cho "chống người thi hành công vụ". Công an đã đối xử thô bạo với anh, họ chửi bới, đánh đập, cạo trọc đầu anh, nhốt anh cùng những phần tử bất hảo hòng mượn tay hành hạ anh. Có đêm không ngủ được anh nằm suy nghĩ. Cuộc đời sao trớ trêu vậy? Anh nhớ đến những ngày trai trẻ chiến đầu ở chiến trường Quảng Đà, ở Trị Thiên, Anh nhớ đến cái huy hiệu Lenin chị Lê Bích Hà (2) tặng anh hôm anh lên đường nhập ngũ. Anh nhớ lại chuyện một người bạn kể lại khi ở trại an dưỡng thương binh câu chuyện như sau: Lần đó trong chiến dịch Đường 9Nam Lào, quân ta phối hợp với lực lượng Pathet Lào đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Quân Sài gòn. Bạn của anh khi ấy (năm 1970) cũng là lính trinh sát anh ấy được phái đi kiểm tra lần cuối chuẩn bị cho trận đánh hôm sau chẳng may bạn anh bị đối phương bắt.

 Lúc đó bạn anh cũng là lính cùng sư đoàn 304 với của anh. Tối hôm trước bắt được anh ấy, mấy người lính Sài Gòn trói nghiến bạn anh vào một cái móc gắn trong lô cốt. Họ chẳng đánh đập gì bạn anh, chỉ gọi bạn anh là Việt Cộng. Sáng hôm sau họ đưa bạn anh lên gặp thượng cấp để khai thác. Họ hỏi bạn anh về đơn vị, về kế hoạch tấn công của ta, về tình hình quân số, chuyển quân, trang bị vũ khí… Bạn anh chẳng khai gì với họ. Hỏi mãi chẳng được một viên sỹ quan Sài gòn nổi đóa định đánh anh ấy, nhưng một người khác ngăn lại, người này nói: "Qua trông Việt cộng này có vẻ thư sinh lắm, để xem". Anh ta hỏi: "Nghe nói Việt cộng bắt cả tú tài, sinh viên, cử nhân, kỹ sư ra trận phải không?" Bạn anh trả lời: "Chúng tôi tự nguyện". Nhưng người sỹ quan Sài Gòn nói "Nếu ông là tú tài, sinh viên, cử nhân, kỹ sư, tôi không để ai đánh ông. Ở Miền Nam, những người này là trí thức, họ được kính trọng. Dù là Việt Cộng nhưng ông là một người lính có có học nên tôi trọng ông". Bạn anh nói: "Lứa tuổi chúng tôi ở Miền Bắc đều được ăn học có bằng tốt nghiệp cấp ba. (Bằng cấp ba tương đương Tú tài II -trung học đệ nhị cấp ở Miền Nam), sau đó nhà nước xét tuyển vào các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp (như trung học kỹ thuật ở miền Nam). Nhưng bây giờ nhiều người chúng tôi đã xếp sách bút, ra trận…".

 Sau đó họ cởi trói cho bạn anh, mời anh ăn cùng, anh chỉ uống ít nước và ăn tạm ít bich quy mặn (cracker). Đêm hôm đó lợi dụng lúc ta pháo kích vào cứ điểm, bạn anh trốn thoát về đơn vị. Sáng hôm sau quân ta đánh chiếm cứ điểm đó bắt sống một số tù binh trong đó có cả mấy viên sỹ quan hôm trước. Lần này bạn anh lại hỏi cung họ nhưng cả hai bên dường như đã hiểu nhau. Cuộc nói chuyện không có gì căng thẳng. Họ cũng là đồng bào của mình, có số bị cưỡng bức, có số vì hoàn cảnh đưa đẩy… Nhớ lại câu chuyện trên anh thấy một nỗi buồn vô hạn xâm chiếm lòng mình, miệng có cảm giác khô đắng. Cũng chẳng biết đắng miệng hay đắng lòng! Nhiều người bạn anh, các đồng đội bây giờ ra sao? Có ai nghĩ, anh lại sa chân vào chốn ngục tù thế này không? Còn những người lính Cộng hòa năm xưa ai còn ai mất! Trong số họ ai còn ở lại ViệtNam? Ai đã phải sang sống ở nơi đất khách quê người! Nhưng cách bạn anh và họ nói chuyện với nhau cả khi anh ấy bị bắt, lẫn lúc họ là tù binh của bạn anh, hai bên đều lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, coi nhau như đồng bào thì đến tận hôm nay, khi cuộc chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, cái trại an dưỡng hối ấy chắc chẳng còn, thế mà anh vẫn nhớ câu chuyện.

 Lúc đó anh và bạn anh là kẻ thù với họ, là những người ở hai bên chiến tuyến. Còn những người đang giam giữ anh lúc này họ được gọi là người bảo vệ chính quyền. Chính quyền đó, cụ thân sinh ra anh đã dành cả cuộc đời đóng góp công sức, để dựng xây nên. Còn anh là người đang đóng thuế cho chính quyền ấy để duy trì cái lực lượng bảo vệ kia, cũng chính anh và thế hệ của anh đã hy sinh những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, hy sinh một phần xương máu để hôm nay chính quyền này, có được quyền bán tài nguyên của đất nước nuôi những con người như: Trần Quang Trong, Vũ Mạnh Tường, Nguyễn Duy Tiên, những con người chỉ biết đến "Ở đây ánh sáng công lý không có, ánh sáng của đảng không vào, ánh sáng mặt trời không đến. Ở đây chỉ quan tâm nhà có ai gửi đồ không? Có ai tiếp tế không?…" và nhiều người trong số họ, như các chiến sĩ CA kia đâu còn biết "đối với dân phải kính trọng lễ phép". 

======================================================================

(1) Theo Điều 5, Tiết 1 của Điều lệnh công an khi gặp dân phải đứng nghiêm, giơ tay chào, nói năng phải thưa gửi.

(2) Con gái ông Lê Duẩn Tổng bí thư Đảng bạn học của anh đã lấy của bố huy hiệu Lenin được ông Bregionhep tặng. Sau này ông Duẩn có tìm cái huy hiệu. Chị Hà đã nói lấy tặng một người bạn trước khi lên đường đi B. Ông Duẩn đã nói thế thì được.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét