Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Đào Tuấn : Chạy danh dự (kiểu "chạy tang"!)

Nguồn tuanddk

Đăng ngày: 00:03 28-12-2011
Thư mục: Tổng hợp

Trong cuộc họp báo công bố quyết định từ chức, TTK Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn, khuôn mặt thất thần, nhắc đi nhắc lại rằng ông không từ chức (chỉ) vì sức ép của dư luận.
Thôi, cứ chấp nhận rằng ông từ chức vì trách nhiệm chứ không vì sức ép. Bởi dẫu sao, quyết định xin từ chức của ông cũng là một hành động dũng cảm, dù muộn. Quyết định đó, ở thời này, là cực hiếm, không dễ có nếu VFF không phải là một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Nhắc lại chuyện từ chức, mấy năm qua dư luận chỉ nhớ đến "vụ từ chức" của Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình năm 2006. Vào ngày 3-4-2006, Bộ trưởng Bộ GTVT đã viết đơn "xin từ nhiệm" sau hàng loạt các bê bối "tắm bùn trong ngày tàu E1 bị lật", "Cầu chui kém chất lượng như Văn Thánh", và đặc biệt là vụ "Con  bạc triệu đô" ở PMU 18. Điều đáng nói là lá đơn của ông Bình được đưa ra sau khi Thủ tướng đề nghị đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT. Ngày ông Bình "từ nhiệm" 3-4, cũng là ngày Bộ Chính trị họp xem xét đình chỉ chức vụ của ông Bình.
Về sau, có bình luận rằng: Nói ông Bình "từ nhiệm" nhưng hoàn toàn không phải là "từ chức" là bởi bản chất của lá đơn là một quyết định "chạy danh dự", trước khi bị cách chức.
Cách thức "từ chức chạy danh dự", giống y vị thẩm phán ở Cà Mau xin từ chức để "hạ cánh an toàn", sau khi bị phát hiện "tư vấn luật" cho vợ đương sự trong nhà nghỉ.
Trở lại với TTK Trần Quốc Tuấn. Đây là những cái tít báo sau thất bại của đội tuyển tại Sea Games 26. "Không ăn cắp cũng làm được trưởng đoàn bóng đá"; "Trưởng đoàn bóng đá, thua trận là...biến".
Còn đây là phản ứng dư luận sau quyết định "trảm Goezt, giữ Tuấn": "Phần ba của vở kịch vụng"; "Cứ cờ bí là dí HLV"; "Như cái lũ giật đồ".
Bỏ qua những lời lẽ không thương tiếc, nặng nề, những bình luận, thái độ, và cách sử dụng từ ngữ của báo chí cho thấy bóng đá đang là khu vực không có "vùng cấm", mà nhiều người gọi là "cái bịch bông" đối với truyền thông, dư luận.
Người ta, sau này, thế nào cũng nhắc đến ông Tuấn, và chuyện từ chức của ông hôm nay, như một người đàn ông quân tử, can đảm, dù sự quân tử giống với chiếc khăn trùm đầu mà báo chí cưỡng bức bắt ông phải chụp trước khi lên đoạn đầu dài, và sự can đảm, giống hơn với sự lỳ lợm. Ông Tuấn phải điếc bẩm sinh, phải vô cũng "can đảm" mới có khả năng chịu đựng sức ép của dư luận kể từ sau thất bại thảm hại của U23 Việt Nam tại Sea Games và vụ bất ngờ lật kèo sa thải HLV Falko Goezt.
Cũng ngày hôm qua, phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc cần có một nghị quyết về "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng" như một công việc rất phức tạp, "nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ". Và "Để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân".
TBT nhấn mạnh đến nhân tố cán bộ. "Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp".
Chưa bao giờ lại cùng lúc xuất hiện nhiều "tấm gương tha hóa" như bây giờ. Ngoài vụ thẩm phán "tư vấn luật" với vợ đương sự trong nhà nghỉ, các Phó Chánh án cafe võng với vợ người để "an ủi chuyện gia đình". Các quan công tố áo xám rủ các cô gái đi tắm sông. Quan chức ngành GTVT "tập luyện" cờ tướng với độ hàng tỷ đồng mỗi ván... Thật khó để tin đây là những công bộc của dân.
Nhưng đạo đức chỉ là một khía cạnh dễ nhận thấy, dễ bị phát hiện.
Số liệu của Bộ Nội vụ về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức (năm 2010) cho hay: 33% cán bộ, công chức không làm gì, 33% gọi là có việc làm.
Rất khó để nhớ được một trường hợp từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ, như trường hợp ông Tuấn, tại các cơ quan công quyền.
Và lý do, rất đáng nói, không phải vì cán bộ nào cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét