Thu, 12/22/2011 - 05:21 — canhco
Dạo này cứ mỗi lần đói giữa buổi thì mình lại thèm bánh mì. Ổ bánh mì đặc trưng của Sài Gòn nhiều chục năm trước của những ngày đầu đặt chân tới vùng đất xa lạ mà náo nhiệt này.
Đó là tháng 6 năm 1975, sau khi Sài Gòn hoàn toàn được cai quản bởi người bộ đội miền Bắc.
Lúc ấy mình cũng chẳng được bao tuổi, theo cha mẹ bỏ quê vào đây chỉ thấy nhớ bạn bè và láng giềng và không có ấn tượng gì mạnh mẽ cho tới một hôm, ổ bánh mì Sài Gòn đã đánh thức khẩu vị của một cô bé vùng lũ, hai bàn chân còn dính đầy bùn đất miền Trung chính thức cảm nhận và hòa theo dòng sống hối hả của thành phố này.
Căn nhà gia đình mình thuê nằm ở trong một hẻm rất sâu với nhiều nhánh lằng nhằng mà người mới tới khó thuộc để không lạc đường. Có một bí quyết dẫn mình về nhà trong những ngày đầu nhờ vào cái lò bánh mì kế nhà mình. Mùi thơm của bánh mì hình như không lúc nào dứt vì gia đình này làm suốt ngày, họ chỉ nghỉ khi phố đã lên đèn. Cái mùi quyến rũ của những ổ bánh mới ra lò khiến mình nghiện và không ngày nào mẹ mình không mua vài ổ cho cả nhà. Do là hàng xóm nên giá được tính theo giá sỉ và cái ngon nhất của nó là mới ra lò..
Ký ức của ổ bánh mì Sài Gòn theo mình suốt nhiều năm nhưng không hiểu sao bẵng đi một dạo rất lâu mình không ăn bánh mì nữa. Có lẽ cơ thể càng già đi thì thói quen ăn uống cũng thay đổi, tuy nhiên có một việc không đổi là mùi hương của bánh mì mới ra lò vẩn quyến rũ như ngày đầu mỗi khi tình cờ thoáng qua cánh mũi.
Một lý do nữa khiến mình bỏ rơi bánh mì Sài Gòn là càng ngày ổ bánh càng mỏng đi mà lại phình to ra hơn trước. Mùi vị tinh tế của ổ bánh không còn, thay vào đó là đủ thứ tạp chất được hòa vào nhằm làm cho giá thành hạ xuống, đặc biệt là bột nổi. Bánh mì khi xưa có thể để hai ngày mà không sợ cứng nhưng vào thời buổi gạo châu củi quế này một ổ bánh chỉ "sống dai" khoảng 6 tiếng, sau đó có trời mới biết người bán dùng thủ thuật gì để giữ cho nó dòn mềm như mới ra lò.
Hình như lò bánh mì tại Sài Gòn ngày một ít đi vì các xe bánh mì ở các ngã tư trong thành phố ngày một vắng bóng. Phẩm chất ổ bánh và nhu cầu sống của người thành phố thay đổi đã khiến món ẩm thực nổi tiếng một thời đang biến vào quá khứ.
Ổ bánh mì Sài Gòn tuy không đắt khách như xưa nhưng vẫn xuất hiện tại Ngã ba Hàng Xanh, các bến xe lớn liên tỉnh với hình thức rất ngon, rất bắt mắt. Trước tiên là nó lớn, lớn hơn ổ bánh ngày xưa. Màu sắc bên ngoài thì vàng óng và cháy lên ở những vết cắt làm cho ổ bánh thật sự hấp dẫn. Kế đó là giá bán của nó cũng đáng ngạc nhiên: rất rẻ so với thị trường hiện nay, nhưng lạ hơn hết là nó không được nhiều người yêu thích!
Có một lần lâu lắm rồi mình mua thử một ổ, khi bóp nhẹ vào thì nó làm cảm giác của mình trở nên khó chịu lạ kỳ. Mình cảm thấy bị lừa và cảm giác ấy vẫn đeo đuổi mình mãi tận hôm nay. Ổ bánh bẹp dí và mỏng manh đến khó tin. Cái hào nhoáng biến mất thay vào đó khuôn mặt nhăn nhúm thảm hại của ổ bánh khiến mình vừa tức vừa xót xa. Người bán lừa đôi mắt khách hàng, người mua lừa cái đói của bao tử qua số tiền ít ỏi họ có.
Sự thật này vẫn còn đó ở những câu chuyện khác vẫn xảy ra hàng ngày tại cái thành phố lớn nhất nước này. Sự đánh tráo kiểu bài ba lá lộ rất rõ trong các cuộc mua bán khác không riêng gì ở các chợ lớn nhỏ trong thành phố, nó đang xảy ra trên các chợ lớn hơn mà người ta có cách gọi hoa mỹ là tập đoàn kinh tế nhà nước.
…và Vinashin.
Ổ bánh mì Sài Gòn và Vinashin là hai mặt kinh tế điển hình cho sự thất bại: Cái nhỏ lẻ thiếu phẩm chất và cái lớn lao không được kiểm soát.
Vinashin ngay từ những ngày đầu đã xuất hiện như một biểu tượng mạnh mẽ của nền kinh tế quốc gia khiến nhiều người hãnh diện, thèm thuồng và cả tin rằng nó sẽ là món ăn chủ đạo của nền kinh tế như ổ bánh mì Sài Gòn ngày xưa khi người sản xuất chăm chú vào chất lượng của ổ bánh và hết lòng hết trí giữ uy tín cho thương hiệu của lò bánh mình.
Sau giai đoạn phùng mang trợn mắt hô hào cho cái mục tiêu tốt đẹp ấy Vinashin bắt đầu bị lũng đoạn bởi những ông chủ ít tài mà lòng tham quá lớn. Những đảng viên-ông chủ của Vinashin lộng hành tung tác trên các khu vực mà họ không kinh nghiệm để hàng chục ngàn tỷ đồng trôi vào túi các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, một phần trôi xuống biển và phần lớn khác trôi vào tài khoản của các ông trùm của chế độ này.
Có phải Vinashin đã bắt chước sự thành công của Bánh mì Như Lan?
Ha! ở Sài Gòn ai cũng biết sự nổi tiếng của Bánh mì Như Lan. Cái tiệm bánh nhỏ xíu sau vài vài chục năm, nay đã chiếm một khoảng đất bề thế tại đường Hàm Nghi với doanh thu chóng mặt hàng ngày. Như Lan không chỉ bán bánh mì mà nó còn kiêm luôn nhiều thứ khác…từ bánh trung thu, gà vịt quay cho tới các loại thịt nguội, bánh ngọt ăn chơi…người mua chỉ cần ghé Như Lan là có tất cả cho một buổi ăn nhẹ cho gia đình. "Mô hình" này được Vinashin bắt chước và người ta có quyền nghi ngờ rằng những quân sư quạt mo của Vinashin là fan của Bánh mì Như Lan không phải là không có …"cơ sở"!
Từ một đơn vị đóng tàu và kinh doanh hàng hải, Vinashin đầu tư vào các ngành không dính gì tới chuyên môn của nó. Nào là thị trường bất động sản, ngân hàng, nhà máy điện, cho tới nhập khẩu ô tô và ngay cả các cửa hàng bán xe gắn máy cùng hàng trăm loại hình kinh doanh khác đã xé nhỏ tập đoàn này thành những chiếc xe bánh mì bán lẻ bệ rạc trên đường phố.
Người Sài Gòn vài năm gần đây nghe tiếng rao của những chiếc xe đạp bán bánh mì rong có câu: "Bánh mì đặc ruột thơm ngon ba ngàn một ổ…"
Còn Vinashin thì rao: "tập đoàn Vinashin đang được cơ cấu lại cho phù hợp với tình hình mới và bước đầu cho thấy có nhiều biến chuyển khả quan…"
Hai lời rao giống nhau nhưng nội dung hoàn toàn khác.
Nỗ lực của sự cạnh tranh trong một ổ bánh mì đặc ruột khác hẳn với cái rỗng ruột của điều được gọi là "tái cơ cấu". Ổ bánh đặc ruột ngon hay dở còn phải bàn sau nhưng trước mắt là người bán nói thật, còn việc "tái cơ cấu" chẳng qua là trò bịt mắt bắt dê và người Sài Gòn khôn hơn những cái miệng quen nói dối trong bộ máy từ lớn tới nhỏ rồi.
Sự khác nhau giữa bánh mì Sài Gòn và Vinashin là nếu người bán bánh mì dở thì người ăn tránh xa và không trách nhiệm gì, trong khi đó sự sụp đổ của Vinashin sẽ làm cho những người đóng thuế nuôi nó phải thắt hầu bao của mình lại mặc dù chưa bao giờ được trực tiếp thưởng thức "ổ bánh" của nó. Theo một tính toán mới nhất thì mỗi người Việt phải gánh đều số nợ cho Vinashin 1 triệu trên mỗi đầu người.
Một triệu đồng mua được bao nhiêu ổ bánh mì đặc ruột nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét