Nhiệm kỳ Trương Tấn Sang-Nguyễn Phú Trọng-Nguyễn Sinh Hùng-Nguyễn Tấn Dũng, năm thứ 1
Tháng 11
Ngày 1, 2. Quốc hội họp. Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ, quy trách nhiệm: tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, Chính phủ cho biết đã cho 11 doanh nghiệp nước ngoài thuê 333.000 ha đất trồng rừng, nhưng mới giao 33.000 ha. Chính phủ hứa dừng, nhưng nay đã giao 288.000 ha, đặc biệt có cả những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, giá lại quá thấp, 180.000 đồng/ha. Chương trình trồng 5 triệu ha rừng, Chính phủ quản lý lỏng lẻo làm thất thoát tài sản.
Đề nghị đưa Dự thảo Luật biểu tình lên chương trình chính thức thay vì dự bị như đề xuất của Chính phủ, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị vẫn chỉ đưa vào chương trình chuẩn bị. Thắc mắc sao lại giành ưu tiên cho những luật không đáng có hoặc chưa cấp thiết như Luật Nhà thơ nhà văn, Luật Thư viện, trong khi những luật mở rộng quyền làm chủ của dân như Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Biểu tình lại chỉ đưa vào chương trình dự bị … Riêng Luật về Hội, Luật Trưng cầu dân ý thì đã bị treo ở khâu "chuẩn bị" mấy nhiệm kỳ rồi. Trên mạng tự do có nhiều bài viết chỉ trích chuyện này.
Cấp thêm 300 tỉ đồng nâng cấp tuyến đường ĐT 725 dài 200km, làm chi phí dự án alumin Nhân Cơ tăng rất nhiều, bộ Công thương đề nghị đánh giá lại tính hiệu quả do trước đây chưa tính phí vận tải. Trên trang mạng bauxiten vẫn tiếp tục có bài phân tích sâu, phê phán dự án bauxite.
Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản đương quyền ra Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm gồm 19 điều. Không thấy báo chí nhà nước bình luận, trên mạng tự do cũng thờ ơ.
Có tin và văn bản đưa lên mạng việc Ủy Ban Giám Sát Việc Bắt Giữ Vô Căn Cứ của Liên Hợp Quốc (United Nations Working Group on Arbitrary Detention) kết luận việc giam giữ Cù Huy Hà Vũ là vô căn cứ. Không thấy báo chí của nhà nước Việt Nam lên tiếng về việc này.
Học viên Pháp Luân Công vẫn liên tục tổ chức tọa thiền phản đối việc 2 thành viên ở Việt Nam bị bắt giam, xét xử. Tòa án Hà Nội xử tù 2 thành viên này vì tội đưa trái phép thông tin lên mạng viễn thông. Báo chí nước ngoài và dư luận trên mạng tự do cho là chính quyền bị sức ép của Trung Quốc nên đã bỏ tù họ phi lý vì môn phái này không bị cấm ở Việt Nam.
Ngày 3. Người của chính quyền xô xát với giáo dân Thái Hà, Hà Nội. Linh mục Chính xứ gửi đơn khởi kiện. Đêm 17, chính quyền khởi công trạm xử lý nước thải tại đây, công an rất đông. Mạng tự do rất nhiều bài tường thuật chi tiết, chủ yếu từ các trang của công giáo. Chính quyền Hà Nội chỉ có 3 tờ báo, 1 đài truyền hình để đưa vài tin, bài chỉ trích giáo dân Thái Hà, còn hơn 700 báo đài khác của nhà nước im lặng. Các xứ đạo khác, người Việt ở Úc, Canada có nhiều cuộc thắp nến hiệp thông cầu nguyện. Sáng 18. Hơn 500 linh mục và giáo dân bất ngờ biểu tình quanh Bờ Hồ sau khi đưa đơn khiếu nại tới Ủy ban Nhân dân thành phố.
Một dân biểu Úc gửi thư cho Nguyễn Tấn Dũng đòi thả các thanh niên sinh viên Giáo phận Vinh bị bắt từ tháng trước chưa rõ lý do, hiện đã lên tới 13.
Nhiều lo ngại về mối liên hệ giữa tham nhũng với tình trạng đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả, sẽ không dễ cắt giảm theo như Nghị quyết 11 của chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản ở tất cả các cấp có thẩm quyền.
Trước tin tức về khả năng giải thể, sát nhập các ngân hàng yếu kém, Chính phủ cam kết không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, trong khi tín dụng đen liên tục vỡ nợ, cơn lốc bán tháo bất động sản có nguy cơ làm bùng vỡ tín dụng, kéo theo sụp đổ các ngân hàng thiếu vốn và kém thanh khoản trong số quá đông tới gần một trăm ngân hàng. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh liên tục trong cả 4 quý.
Chính phủ, báo chí nói nhiều đến khái niệm "tái cơ cấu nền kinh tế", nhưng tại Quốc hội có những ý kiến cho là phải "tái cơ cấu" ngay chính bộ máy thực thi hiện nay vì nó là thủ phạm đưa đến những căn bệnh của nền kinh tế, phải có thiết chế mới kiểm soát, có luật về tái cơ cấu kinh tế.
Nhiều lo ngại về kinh tế, xã hội liên quan Trung Quốc. Như nạn nuôi thả bừa bãi ốc bươu vàng, đỉa trâu để bán sang Trung Quốc; mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào tay Trung Quốc; hàng lậu, cả những thứ nguy hiểm cho sức khỏe, như thuốc kích dục, hoa quả đội lốt Việt Nam tràn ngập thị trường; phòng khám của bác sĩ, thầy lang Trung Quốc tràn lan khó kiểm soát, nhiều người bị lừa; ham rẻ để nhà thầu Trung Quốc thắng thầu nhiều công trình lớn của nhà nước rồi lãnh nhiều hậu quả xấu.
Vụ Nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại từ tháng 1/2011 vẫn chưa kết thúc điều tra mặc dù vợ Hoàng Hùng đã tự thú là thủ phạm duy nhất. Trong khi đó có nhiều dấu hỏi nghi vấn, đánh giá việc điều tra của cơ quan công an quá sơ sài, chủ yếu từ các bài viết trên tờ Người lao động nơi Hoàng Hùng từng là phóng viên có nhiều bài viết chống tham nhũng, tiêu cực mạnh mẽ.
Loại tội phạm chưa từng có gọi là "đinh tặc", rải đinh trên đường cho xe cán phải đi vá sửa, vẫn hoành hành riêng tại thành phố Hồ Chí Minh. Công an không dẹp nổi, khó xử lý, đoàn thanh niên cộng sản sáng chế xe hút đinh cũng không xuể. Xuất hiện cả những "hiệp sĩ" là người dân tự tham gia phát hiện bắt giữ.
Ngày 4. Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực", báo chí nhà nước mạnh dạn hơn khi đưa tin, bài, về hành động đe dọa chiến tranh của Trung Quốc. Ngày 8. Tại Washington, Viện Nghiên cứu Mỹ và Châu Á tổ chức hội thảo "Quan hệ Chiến lược Mỹ- Việt và Khu vực Biển Đông". Ngày 6. Đài CNN đưa tin người Việt tại Mỹ tổ chức "Đại Hội Hoàng Sa Kỳ lll tại Bắc Cali".
Nhà nước khuyến khích tuyên truyền cho chủ quyền biển đảo qua những hoạt động như "Góp đá xây Trường Sa", thi kiến thức, viết bài đăng báo, trại sáng tác văn học … thông qua các tổ chức, hệ thống báo chí nhà nước trong phạm vi quản lý của mình.
Ngày 8. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hàn Quốc, chuẩn bị hợp tác xây một nhà máy điện hạt nhân.
Đoàn thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam phát hiện tại nhà ba cha con Huỳnh Ngọc Tuấn có các bài viết được cho là chống phá Nhà nước, lập biên bản và tạm niêm phong chứng cứ để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi chống phá Nhà nước. Theo tin trên mạng tự do thì có khoảng 40 công an cùng tham gia.
Có tin Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Vinashin cùng hơn 20 tổng công ty, công ty con tại Việt Nam bị công ty Elliott VIN (Hà Lan) khởi kiện tại tòa ở London.
Dịch "chân tay miệng" tiếp tục lan rộng trong cả nước, 10 tháng gần 90.000 mắc bệnh, chết 153 trẻ em, nhưng theo Bộ Y tế tình hình "đã được kiểm soát, chưa đến mức phải công bố dịch" chứ không phải vì mắc "bệnh thành tích". Riêng Ninh Thuận không bị nặng vẫn công bố dịch, mời Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải chữa trị đơn giản dùng Anolyt, muối sạch. Dư luận 2 chiều, vừa chỉ trích phương pháp của Khải, vừa nghi ngờ thái độ của bộ Y tế.
Tình trạng quá tải trong các bệnh viện công đã diễn ra trong nhiều năm, nay dư luận lại rộ lên, phần từ bộ trưởng mới đi thăm các cơ sở lên tiếng với báo chí.
Ngày 9. Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vòng 16, tại Washington.
Trong cuộc hội đàm với Trương Tấn Sang bên lề Hội nghị APEC, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đưa ra chuyện bắt giữ các blogger và đề nghị Việt Nam phải thể hiện nhiều hơn nữa về nhân quyền. Hillary Clinton tuyên bố với báo chí: "Chúng tôi đã nói rõ với phía Việt Nam rằng, nếu hai nước định xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược như hai bên mong muốn, Việt Nam phải thể hiện hơn nữa việc tôn trọng và bảo vệ quyền công dân".Một liên minh trong đó có Tổ chức Phóng viên Không biên giới cho biết, hiện có 20 phóng viên, blogger và các nhà hoạt động bị cầm tù do đã viết về tình trạng kìm hãm nhân quyền tại Việt Nam. Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền nói rằng, Việt Nam hiện có gần 500 tù nhân chính trị, tôn giáo đang bị giam cầm trong nước.
Trong khi đó, từ nhiều năm trên mạng hầu như chỉ có dày đặc các bài viết chỉ trích chứ không có tiếng nói bênh vực việc làm của chính quyền qua những vụ việc liên quan tới tranh đấu cho quyền tự do dân chủ của người dân mà chính quyền thường cáo buộc là "lợi dụng quyền tự do dân chủ", "chống lại nhà nước XHCN", "phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc". Ngay cả trong số hơn 700 báo đài của nhà nước, cũng chỉ có một số rất ít lên tiếng, tích cực nhất là tờ Quân đội nhân dân, sau đó là các báo của công an.
Việt Nam tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ, chủ yếu về hải quân.
Ngày 11. Công an Hà Nội triệu tập thẩm vấn 2 người, rồi bắt giữ thêm 4 người, từng tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn; thả ngay trong ngày. Trên mạng tự do đưa nhiều tin, bài, ảnh tố cáo chuyện bắt giữ, khám xét trái phép, vài người bị đánh đập. Trong khi đó, những người từng tham gia biểu tình vẫn tự tổ chức các hoạt động tuyên truyền, khích lệ ý thức chủ quyền biển đảo dưới hình thức mà chính quyền không dễ có cớ ngăn cản. Ngày 26. Sau khi tin loan trên mạng sẽ biểu tình vào ngày chủ nhật 27 để "ủng hộ Thủ tướng" ra Luật Biểu tình, công an giữ 2 người để thẩm vấn, có Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Thả ngay trong ngày. Ngày 27. Lại bắt hơn 10 người từng biểu tình phản đối Trung Quốc trong mấy tháng qua, khi họ có mặt quanh Bờ Hồ. Thả ngay trong ngày.
Nguyễn Thanh Nghị, ủy viên dự khuyết trung ương đảng, con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ hiệu phó trường đại học, được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Xây dựng. Là thứ trưởng trẻ nhất xưa nay, 35 tuổi, nhưng không thấy báo chí bình luận, ca ngợi như lệ thường với những trường hợp đặc biệt. Trên mạng tự do có nhiều bình luận không mấy thiện cảm, có nhắc tới số phiếu rất thấp 15/400 của đại hội đảng Thành phố Hồ Chí Minh bầu vào thành ủy và 2/15 của Bộ Chính trị đề cử ủy viên dự khuyết trung ương đảng trước đại hội 11.
Bộ chính sử của triều Nguyễn, về hai phế đế Thành Thái, Duy Tân Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, được dịch, xuất bản lần đầu. Cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" bị thu hồi, nhưng lại được in lậu trong nước, chào bán trên trang Amazon và một công ty truyền thông ở Mỹ mua bản quyền. Trên mạng tự do lại rộ lên phản đối lần nữa khi nghe tin truyền hình trung ương VTV sắp chiếu bộ phim "Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long". Ấn Độ giúp 3 triệu USD trùng tu khu di tích Mỹ Sơn.
Tổ chức New7Wonders công bố Vịnh Hạ Long đã lọt vào bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, đầu năm 2012 sẽ có kết quả chính thức. Báo chí nhà nước loan tin hồ hởi nhưng cũng có những bài đặt một vài nghi ngờ về ích lợi thực chất của hoạt động bình chọn. Trên mạng tự do tiếp tục chê cười, trong đó có cả bài của những trí thức, nhà văn hóa tên tuổi.
Nhiều vụ bạo hành trong nhà trường, cô đánh trò, trò đánh nhau.
Ngày 14. Nguyễn Duy Chiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, bộ Ngoại giao nói chuyện tại một trường đại học ở Hà Nội. Chiến không cho chụp ảnh, quay phim. Chiến nói: "Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia do các đảng cộng sản lãnh đạo, chúng ta cùng chung ông Tổ Mác Lê-nin". Về vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2, tháng 5, và tàu Viking 2, tháng 6, của Việt Nam, Chiến cho đó chỉ là cử chỉ"yêu cho roi cho vọt". Các giáo sư, giảng viên của trường và sau đó là dư luận trên mạng tự do phản ứng dữ dội, không chấp nhận kẻ ở địa vị như Chiến mà lại có những nhận thức, thái độ tệ hại vậy đối với chủ quyền quốc gia và quan hệ quốc tế. Báo nhà nước không có tin bài nào.
Trên mạng tự do của cả Trung Quốc, Việt Nam, báo chí và nhà bình luận nước ngoài rộ lên bàn tán về một đoạn video quay cảnh tàu Việt Nam được cho là của cảnh sát biển đâm vào tàu hải giám Trung Quốc. Có không ít nghi vấn theo nhiều hướng.
Thẩm định để xuất bản cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa". Nhà xuất bản Trẻ vừa cho ra mắt bốn cuốn sách trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam, trong đó có tập sáchBằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Quyết định xây dựng Trung tâm vũ trụ đầu tiên, sẽ xong năm 2018, tốn 600 triệu USD, Nhật giúp.
Ngày 17. Công luận sôi sục trong nhiều ngày về lý lẽ của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội, Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 . Cả báo nhà nước lẫn các trang mạng tự do kịch liệt phê phán Phước đã xúc phạm nhân dân, chống lại tiến trình dân chủ, trong đó có cả Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cựu ủy viên bộ chính trị phụ trách tư tưởng-văn hóa; nhiều dấu hỏi về cái gì đằng sau lời phát biểu bị cho là ngu xuẩn, dối trá, bảo thủ của Phước. Rất nhiều bài viết ủng hộ sớm ra luật biểu tình nhưng cũng có nghi ngờ nội dung luật có thể ngăn cản quyền biểu tình của dân khi chính bộ Công an được giao soạn thảo, và trên thực tế chính quyền luôn tìm cách ngăn chặn biểu tình, đổ cho "các thế lực thù địch" dễ lợi dụng lật đổ chế độ.
Từ chuyện Hoàng Hữu Phước, cùng với kiến nghị ra luật nhà thơ của đại biểu Nguyễn Minh Hồng và vài trường hợp khác, dư luận cả báo nhà nước lẫn trên mạng nghi ngờ về năng lực, trách nhiệm của đại biểu quốc hội nhiệm kỳ này.
Báo hải ngoại có bài viết hiếm hoi về xung khắc trong hậu trường chính trị giữa Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Trong lúc thông tin nội bộ lãnh đạo chính quyền cộng sản luôn luôn được giữ kín thì không có gì xác thực cho nội dung và mục đích của bài viết này.
Ngày 21. Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về dự án Luật biển Việt Nam, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và thảo luận về dự luật, trong 2 ngày, nhưng báo chí không được dự. Kỳ họp sau mới thông qua. Có nhiều nghi vấn, thắc mắc quanh việc trì hoãn thông qua dự luật và cả lối nửa kín nửa hở với dân như vậy về một luật rất liên quan tới bên tranh chấp lớn nhất là Trung Quốc, vốn đã có Luật Lãnh hải và vùng biển tiếp giáp từ năm 1992.
Hải quân Việt Nam và Trung Quốc tổ chức phiên họp lần thứ 6 về tuần tra trên vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Dự định đến năm 2030 có 13 lò phản ứng tại 8 nhà máy điện hạt nhân, vay Nga 9 tỉ USD để xây, nhưng phía nhà nước không có thông tin xác thực, Giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt cho là Việt Nam chưa đủ khả năng quản lý nhiều nhà máy điện hạt nhân. Liên tục nhiều bình luận về khoản lỗ 10.162 tỉ đồng năm 2010 của ngành điện và việc ngành này đòi tăng giá điện, lý do giá bán thấp, nhưng nhiều ý kiến cho là do đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều.
Ngày 24. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố việc Trung Quốc cho phép khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Giá vàng lên xuống loạn xạ, nhiều ý kiến thắc mắc do có tin sắp có Nghị định mới thay thế nghị định quản lý kinh doanh vàng từ 12 năm trước, trong đó quy định nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng thông qua công ty SJC.
Ngày 25. Trong lúc có những chờ đợi vấn đề gai góc như vụ Vinashin sẽ được đại biểu quốc hội chất vấn Thủ tướng, thì bài trả lời của Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Biển Đông đã gây bất ngờ lớn, thu hút chú ý trong nhiều ngày, dành được cảm tình của nhiều giới, khi đề cập tới những điều hệ trọng chưa từng được lãnh đạo cao nhất nói trước công luận, như cuộc xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc năm 1974 từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Từ đây, báo nhà nước như có chỗ dựa, mạnh dạn hơn khi nói về chủ quyền biển đảo, nhất là Hoàng Sa, chủ đề luôn bị các cơ quan quản lý tìm mọi cách hạn chế. Dư luận trên mạng tự do coi đây cũng là thắng lợi của những hoạt động tích cực của người dân dưới nhiều hình thức khác nhau bất chấp những ngăn cản của chính quyền. Tuy nhiên, cũng có những nghi vấn về động thái này, từ sự nhìn nhận nội tình chính trị trong nước thời gian qua, một số hành động cứng rắn của chính quyền ngay sau đó với những người biểu tình "ủng hộ thủ tướng" tại Hà Nội và các nhân sĩ trí thức tổ chức một buổi chiếu phim về Hoàng Sa tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo đảng cộng sản sang Trung Quốc tham dự hội thảo lý luận lần 7 giữa hai đảng.
Ngày 29. Ban Tuyên giáo trung ương tổ chứcHội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và phân giới, cắm mốc năm 2011.
Sau nhiều áp lực quốc tế, chính phủ Pháp, trước đó mấy ngày còn có Tổ chức Theo dõi nhân quyền, Tòa phúc thẩm xử blogger-nhà giáo Phạm Minh Hoàng giảm án xuống 17 tháng tù giam và 3 năm quản chế so với án sơ thẩm 3 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Trong 10 ngày xảy ra 3 vụ nổ dưới lòng đất ở vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam. Chưa có kết luận nguyên nhân, nghi do ảnh hưởng của đập thủy điện.
Nhiều bình luận trên báo chí trong, ngoài nước về tình trạng bị cô lập của Trung Quốc, vai trò của Mỹ tại châu Á nổi lên qua Hội nghị APEC tổ chức tại Hawaii và việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Úc, được dư luận cho là có liên quan tới mối quan ngại về sức mạnh quân sự và thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.
Philippines thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc quanh tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc xuống giọng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng việc Bắc Kinh ngày càng khẳng định chủ quyền lãnh hải của mình đang khiến gia tăng tình trạng bất ổn định về mặt chiến lược trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ thăm Philippines, tuyên bố ủng hộ nước này về quân sự và ngoại giao. Ấn Độ: tuyên bố với Trung Quốc là việc thăm dò dầu khí trên Biển Đông với Việt Nam hoàn toàn mang tính thương mại, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi cấm không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đến nói chuyện tại một Đại hội Phật giáo ở thủ đô Ấn Độ và hủy bỏ một cuộc gặp quan trọng về biên giới với Trung Quốc vì yêu sách đó. Hàn Quốc vây bắt nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải.
Trung Quốc: 10.000 người góp tiền giúp Nghệ sĩ Ngải Vị Vị đóng thuế, chính quyền tìm cách ngăn chặn; lo lắng về mạng xã hội. Ủy Ban Quốc Hội về Trung Quốc của Hoa Kỳ đưa ra phúc trình thường niên thứ 10 nhận xét "Lãnh đạo Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền trắng trợn hơn, bất chấp những luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế mà họ đã tuyên bố tôn trọng, do đó, họ đã siết chặt kềm kẹp xã hội Trung Quốc".
Dư luận Đài Loan không mấy hy vọng có được hòa ước với Trung Quốc sau ý kiến của Tổng thống Mã Anh Cửu vào tháng trước cho là hòa ước có thể đạt được trong vòng 10 năm.
Miến Điện tiếp tục hàng loạt những tiến bộ mở rộng dân chủ, được các nước ASEAN bầu làm chủ tịch khối vào năm 2014. Ngày 24, Quốc hội nước này đã thông qua Luật Biểu tình, cho phép người dân được biểu tình ôn hòa.
Campuchia đã có 173 người dân bị buộc tội hình sự vì tranh chấp đất với công ty tư nhân và một số gia đình có quyền lực. Ngày 21 bắt đầu phiên tòa xử 3 thủ lĩnh còn sống sót của Khmer Đỏ.
Cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo bị bắt vì cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2007.
Liên minh châu Âu loay hoay giúp giải quyết vấn đề nợ công của Hy Lạp 350 tỉ euro. Thủ tướng Ý Berlusconi từ chức.
Libya vừa có chính phủ mới thay thế chế độ độc tài Gaddafi thì lại nổi lên vấn đề Syria bị các nước phương Tây và Liên đoàn A rập trừng phạt, đòi Tổng thống từ chức, phản đối mạnh mẽ đòi chấm dứt bạo lực đàn áp người biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad kéo dài đã 7 tháng; Nga phản đối can thiệp bằng quân sự. Liên hiệp quốc khẳng định quân đội và an ninh nước này phạm tội ác chống lại loài người.
Ai Cập liên tục có biểu tình đòi quân đội chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự.
IAEA khẳng định Iran phát triểu vũ khí hạt nhân từ năm 2003.
Kết nạp Palestin làm thành viên, UNESCO gặp khó khăn vì bị Mỹ cắt tài trợ.
Vẫn tiếp tục nhiều cuộc biểu tình lây lan từ phong trào "Chiếm Phố Wall" ở Mỹ, hàng trăm người bị bắt.
—
Mời đọc: Tư liệu tham chiếu cho tháng 11-2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét