Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2011-12-20
Trong những ngày vừa qua, sự kiện nổi bật nhất thế giới vẫn là tin lãnh tụ Kim Jong-il từ trần.
Ngay sau khi tin này được Bình Nhưỡng thông báo, các chính phủ đều lên tiếng kêu gọi tân lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un nên nắm bắt cơ hội, cùng cộng đồng thế giới xây dựng một thời đại mới ổn định hơn, thịnh vượng hơn cho quốc gia và cho dân chúng. Trong khi đó những nhà phân tích chính trị đưa ra những dự đoán về các diễn biến có thể xảy ra ở chính trường Bình Nhưỡng trong những ngày tới.
Cha truyền con nối
Ít nhất là có 2 chuyện được giới truyền thông quốc tế đưa tin và mọi người đều chú ý tới. Chuyện thứ nhất là thi hài của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il được đặt trong một lồng kính tại Cung Tưởng Niệm Kumsusan ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tang lễ sẽ diễn ra vào ngày thứ Tư tuần tới, tức ngày 28 tháng 12, nhưng người dân Bắc Hàn sẽ để tang ông Kim Jong-il cho tới ngày thứ Năm, 29 tháng 12.
Chuyện thứ nhì là giới truyền thông Bắc Hàn đã sử dụng những từ ngữ mới để ca tụng ông Kim Jong-un, người sẽ lãnh đạo đất nước. Họ gọi ông Kim Jong-un là "lãnh đạo tôn kính", "lãnh đạo vĩ đại", là "cột trụ của nhân dân". Điều đó khẳng định, một lần nữa, ngôi vị lãnh đạo quốc gia ở Bắc Hàn lại tiếp tục theo đường "cha truyền con nối", khởi đầu là ông Kim Il-sung, tức ông Kim Nhật Thành, sau đó là ông Kim Jong-il và bây giờ là Kim Jong-Un.
Hồi tháng 10 năm ngoái, ngay sau khi tin tức cho thấy anh thanh niên 28, 29 tuổi này cùng với cha của anh ta là ông Kim Jong-il xuất hiện trước công chúng. Lúc đó, không chỉ tình báo Hoa Kỳ mà ngay cả tình báo Nam Hàn, Nhật Bản đều liên hệ với những người biết anh ta hay từng gặp anh ta để hỏi tin tức xem anh này là ai, và câu trả lời lúc bấy giờ cũng vẫn còn mù mờ. Chỉ biết tân lãnh tụ Kim Jong-Un là một anh thanh niên có vẻ rụt rè, từng du học ở Thụy Sĩ, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, và thích bóng rổ, thần tượng thể thao của anh là những lực sĩ bóng rổ Mỹ.
Về chuyện liệu tân lãnh tụ Kim Jong-Un của Bắc Hàn có gặp khó khăn trong những ngày sắp tới hay không thì hầu như mọi người đều nghĩ là cuộc chuyển quyền này chưa chắc đã suông sẻ. Lý do được đưa ra là thời gian cha của Kim Jong-Un xuất hiện trước công chúng trong tư thế của người kế vị kéo dài tới 14 năm, trong khi người dân Bắc Hàn và thế giới mới biết đến Kim Jong-Un chỉ có 1 năm, nói đúng hơn là từ tháng 10 năm ngoái.
Đã thế, đừng quên phải mất 3 năm sau ngày kế vị cha lên nắm quyền, ông Kim Jong-il mới thực sự điều khiển được đảng và quân đội. Trong khoảng thời gian 3 năm đó có rất nhiều tin được tung ra, trong đó có cả tin ông Kim Jong-il bị ám sát hụt, một số nhân vật cao cấp trong đảng và tướng lãnh bị đi tù về tội âm mưu đảo chánh, và có một vài tướng lãnh Bắc Hàn trốn sang Trung Quốc xin tỵ nạn.
Vì vậy, có lẽ thời gian chỉ có một năm chưa đủ để nhà lãnh đạo quá trẻ Kim Jong-Un có thể nắm mọi quyền hành, tức là chưa đủ để anh ta có được quyền uy mà cha của anh là lãnh tụ quá cố Kim Jong-il đã có.
Ai sẽ thực nắm quyền?
Nếu chúng ta gọi Bắc Hàn là một quốc gia đầy bí hiểm thì chuyện chia sẻ quyền lực sau ngày ông Kim Jong-il chết còn bí hiểm hơn nữa.
Hầu như tất cả mọi chú ý bây giờ đang được dồn cho bà Kim Kyong-Hui, em gái của ông Kim Jong-il, tức là cô của tân lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, và chồng của bà này là Tướng Jang Song-Theak. Mọi người đều nói cặp vợ chồng này là những người đang có quyền lực nhất nước, đặc biệt sau vụ lãnh tụ Kim Jong-il bị tai biến mạch máu não hồi 2008 thì uy quyền của cặp vợ chồng này mỗi ngày một tăng.
Nhưng chính cũng vì thế mà có dư luận cho rằng ông Kim Jong-il phải vội vã tìm cách đưa con mình lên nắm quyền, vì sợ nếu có chuyện gì, mọi quyền lực sẽ lọt vào tay vợ chồng cô em. Trên nguyên tắc thì cô em và ông chồng có bổn phận bảo vệ, hướng dẫn để giúp cậu cháu Kim Jong-Un xây dựng quyền lực và củng cố quyền lực.
Ngay sau khi được tin ông Kim Jong-il chết, Nam Hàn đặt quân đội trong tình trạng báo động, Nhật Bản cho họp an ninh khẩn cấp. Tình hình không thật sự nguy kịch đến mức Seoul và Tokyo phải làm những điều đó, nhưng cần phải đề phòng, và cả Nhật Bản lẫn Nam Hàn đều làm những điều cần thiết phải làm.
Nhiều lý do khác nữa cũng đã được nhắc đến trong những ngày gần đây, từ chuyện Bắc Hàn có 1.9 triệu binh sĩ, có phi đạn tầm xa có thể bắn tới Mỹ, có các loại võ khí hiểm độc như võ khí hóa học và tin tức tình báo nói là họ có đủ nhu liệu để chế tạo 6 trái bom hạt nhân.
Nhiều quốc gia Tây Phương, trong đó có cả Hoa Kỳ đã lên tiếng nói hy vọng Kim Jong-Un đi theo con đường khác con đường cha anh ta đã đi qua, tức là bắt tay với cộng đồng thế giới để xây dựng hòa bình, ổn định, cải tiến kinh tế, nâng cao mức sống của dân chúng, ngưng ngay các chương trình dẫn đến chế tạo võ khí hạt nhân mà cha anh ta là ông Kim Jong-il đã theo đuổi lúc còn sống.
Nếu điều này trở thành sự thật chính là niềm mong ước của mọi người, nhưng có trở thành sự thật hay không thì chưa rõ. Điều mà các chính phủ đã đưa ra cho thấy rõ ràng thế giới muốn thấy Bắc Hàn góp phần xây dựng ổn định, hòa bình, muốn một nước Bắc Hàn thịnh vượng hơn.
Vai trò của Trung Quốc
Tại các buổi điều trần ở Quốc Hội Liên Bang Mỹ, nghe những người tị nạn Bắc Hàn kể lại đời sống của họ mà ai ai cũng phải bật khóc, không ngờ ở thế kỷ 21 mà vẫn có những người phải sống đời cùng cực như thế. Chính vì vậy nên một số chính phủ Châu Âu lên tiếng nói cái chết của ông Kim Jong-Il đánh đấu một thời đại kinh hoàng, và hy vọng tân lãnh tụ Kim Jong-Un can đảm thực hiện những kế hoạch để người dân sống đỡ khổ hơn.
Trung Quốc muốn Bình Nhưỡng đổi mới để tránh chuyện làn sóng tỵ nạn kinh tế từ Bắc Hàn tràn sang Hoa Lục, đồng thời giảm bớt gánh nặng viện trợ mà Trung Quốc đang phải giúp cho Bắc Hàn hàng năm.
Trung Quốc giữ một vị trí quan trọng đối với Bắc Hàn, và Bắc Hàn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc. Nhưng có lần ông Jack Pritchard, Cựu Đại Sứ Mỹ ở Nam Hàn, bảo với đại ý rằng dù cần Trung Quốc đến mức nào đi chăng nữa, lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng phải hiểu là một mình Bắc Kinh không đủ để giúp Bắc Hàn phát triển.
Liệu chuyện nhân dân Bắc Hàn nổi dậy làm cách mạng có thể xảy ra hay không, câu trả lời là không, ngay lúc này thì không vì người dân Bắc Hàn đang sống trong u mê, đang sống trong bưng bít, và thế giới bên ngoài không thấy có thành phần chống đối. Không có chống đối thì không thể nào có nổi dậy.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là biến cố chính trị sẽ không xảy ra ở Bình Nhưỡng. Loại biến cố mà một số người đang nói đến là một cuộc thanh trừng nội bộ, tức dưới dạng một vụ đảo chánh ở cấp thượng tầng, chứ không phải là một cuộc nổi dậy từ nhân dân đi lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét