Tác giả: Camilla Gibb
Dịch thuật: Lê Hoàng Việt
Hiệu đính: Hoàng Diễm Ly
Lời dịch giả
Tình cờ đọc được một bài viết giới thiệu về cuốn sách trên BBC News. Ngẫm lại tôi đã học English từ những năm lớp 6 đến giờ vẫn chưa đọc một nguyên tác văn học nào trên thế giới bằng tiếng Anh, cái học của mình mặc dầu không thể nói là vô dụng, nhưng cũng không hơn là bao. Lại trộm nghĩ đây cũng là một cơ hội để học rồi hành, lấy cái mình biết ra góp một phần cho những bạn muốn đọc mà không có thời gian để đọc nguyên tác, một số độc giả chưa thể đọc được nguyên tác, hay một số bạn chưa có hứng thú, thí đây là một cơ hội để tác phẩm viết về người Việt được người Việt đọc, tiếp cận với độc giả Việt, rút ngắn thời gian đọc nguyên tác hơn.
Một lý do thứ hai không kém phần quan trọng là vụ Nhân Văn Giai Phẩm hầu như ai cũng biết, nhưng chỉ là biết tên đối với giới trẻ, giới trẻ trong nước cũng như hải ngoại hầu như không có tài liệu minh xác nào, chỉ qua những lời kể thời gian không rõ ràng. Hiển nhiên, tác phẩm này chỉ là hư cấu, và là một tiểu thuyết, ta không thể căn cứ vào đây để xét đoán, nhưng viết về vụ Nhân Văn Giai Phẩm âu cũng là thêm một vài câu chuyện kể để phần nào những ai có hứng thú có thể đi xa hơn, sâu hơn, cùng giúp cộng đồng người Việt hiểu hơn lịch sử đất nước, cũng như người ngoài hiểu hơn về Việt Nam.
Tác phẩm là một lần thứ hai tôi cảm thấy rất kinh ngạc chuyện người nước ngoài viết về Việt Nam lại có thể hay như vậy, sâu sắc như vậy. Tác phẩm thứ nhất tôi được đọc bản dịch của dịch giả Dương Hiếu Nghĩa - Mẹ Việt Nam ơi dân ta có tội tình gì của một nhà báo Pháp, Pierre Darcourt, nguyên tác VIETNAM, QU'AS TU FAIT DE TES FILS? Và lần thứ hai này tôi lại có cơ duyên được đọc nguyên tác của một nhà văn Mỹ, bà Camilla Gibb, với tác phẩm: The Beauty of Humanity Movement, dịch theo như tên đề nghị là: Nét đẹp của phong trào nhân văn.
Có một số hạn chế, với những dịch giả, và nhất là những dịch giả không chuyên là làm cách nào để giữ được một cái nhìn trung lập mà lại chuyển đi được toàn vẹn cảm xúc của câu chuyện, những ý định tác giả đã gửi gắm vào đó. Nền văn hóa khác nhau đã gây ra những nhận thức khác nhau là một chuyện, ngôn từ khác nhau lại là một vấn đề đau đầu nữa mà quả thật khi dịch tôi luôn gặp lúng túng. Một vốn kiến thức nông cạn, một tác phẩm chuyển dịch đầu tay, một người không chuyên nghiệp, kinh nghiệm sống nhỏ nhoi, hẳn sẽ để lại trong bản dịch muôn ngàn hạt sạn. Bởi tác phẩm được viết cho miền Bắc, cho trái tim Hà Nội, nhưng dịch giả lại là người miền Trung, học Đại Học ở Sài Gòn, editor cũng ở Sài Gòn, chắc chắn phong tục tập quán miền Bắc không rành rọt, ngôn từ lại càng không chuẩn, nên chi rất mong tất cả sự lượng thứ và đóng góp.
Về mặt dịch thuật, có những hoàn cảnh được tác giả xây dựng đối thoại giữa những nhóm người, khi cao trào, vẫn chỉ là "I - You", dịch giả thường gặp khó khăn khi gắng giữ một thái độ trung lập, dịch là mày-tao, cậu-tớ hay thằng này, gã kia, tên kia đây?! Bởi lời nói của nhân vật ngoài biểu thị thái độ của nhân vật đó, còn biểu thị quan điểm của tác giả, thà rằng tác giả viết rằng "you bastard" ta còn có thể dịch theo nghĩa tiêu cực, nhưng chỉ có "I - You" thường tôi rất băn khoăn không biết phải đâu mới đúng. Hay đôi khi chỉ một con người xa lạ, chỉ giới thiệu vài dòng "The nurse" rồi biến mất mãi mãi, nếu cứ dùng nguyên nghĩa "người y tá" mãi đọc cũng sinh nhàm, mà dùng đại từ nhân xưng để thay thế thì thật băn khoăn không biết cần dùng : anh ấy hay ông ta, cô ấy hay bà ấy, quả thật là rắc rối, bởi tác giả không xác định giới tình người ta!
Một khó khăn khác là có những ngôn, hành, không có trong tiếng Việt. Và sau 24 năm sống trên cõi đời này, tôi mới nhận ra được một điều rằng tiếng Việt của chúng ta không phải là vạn năng, những từ mới luôn phát sinh, và luôn thiếu những từ để biểu thị sự vật hiện tượng. Ngay trong bản thân tiếng Việt, chúng ta có cụm từ "Nhân Văn" thì "Nhân" nghĩa là con người, "Văn" là vẻ đẹp, "Nhân Văn" đã hàm ý là vẻ đẹp của con người, của nhân loại; nhưng đôi khi ta vẫn dịch cho dễ hiểu là nét đẹp nhân văn. Như trong nguyên tác, có một đoạn nhỏ miêu tả anh Tư, một chàng trai Hà Thành nấu phở, anh ta lấy một thía nước mắm và hắt nó vào nồi, trong nguyên tác sử dụng từ "slash of nước mắm", nó là một cái vung, cái vẩy, một đoạn nước mắm trong thìa, không nhiều, không ìt, nhanh chóng, nhưng hầu như ta không biết phải diễn tả thế nào cho đúng chỉ trong đôi ba từ, nhiều quá thí rườm rà, trong khi nguyên tác chỉ cần 1 từ mà diễn ý. Quả thật, có những cái khó mà nếu không trải qua ta sẽ chẳng thể nhận ra được, cũng như những cái hay của một dịch giả trong quá trình dịch, quá trính đi tím hiểu những từ lóng, những hình ảnh, những phong tục. Và rồi nhận ra một điều, tại sao một tác giả người Mỹ, lại am hiểu Việt Nam như vậy?!
Hẳn nhiên, một người nước ngoài thì nhìn Việt Nam qua con mắt nước ngoài, có những cảm nhận, những hiểu (lầm) theo cách của họ, nhưng nhín chung rộng lượng, ta sẽ thấy rằng tác giả là một người hiểu rất rõ người Việt, một số khía cạnh, một số lĩnh vực rất đáng khâm phục, cũng như khéo léo lồng vào đó quan điểm của một người rất Mỹ thông qua cô gái Việt Kiều Maggie, quan điểm về sự tự do đối với nghệ thuật đương đại, và Tư, với quan điểm của một người Việt Nam đang còn nằm ở giữa kì chuyển tiếp với cái nhìn nửa bảo thủ nửa cởi mở.
Câu chuyện còn đưa chúng ta quay lại thời quá khứ, những năm cải cách điền địa, có vài phê phán nhẹ nhàng được đưa ra dưới góc nhìn của ông già bán phở Hưng, nhưng trên hết là một điều đã, đang, và tiếp tục được "chúng ta" xóa đi những vết tích, xóa bỏ lẫn thay đổi lịch sử, và một bộ phận lớn giới trẻ đang quan tâm hơn đến tương lai hơn là quá khứ, thì tác giả lại hiểu khá sâu sắc, tất nhiên sẽ chẳng có cứ liệu lịch sử nào đưa ra trong này, đây chỉ đơn thuần là một tác phẩm tiểu thuyết, nhưng rồi chúng ta, khi hiểu lịch sử, đọc tác phẩm, sẽ càng cảm phục những hiểu biết và cảm nhận, cũng như những sự thật (hư cấu) trong truyện. Tại sao lại là sự thật hư cấu, vì nó là sự thật, nhưng hư cấu qua tiểu tiết, tình tiết trong truyện.
Bên cạnh lịch sử, những cụm từ mà giờ đây đã lãng quên trong giới trẻ, một số gốc từ sẽ được dịch giả chú thích ở nửa sau tiểu thuyết như "Trotsky", "China Beach"... ta sẽ tìm thấy sự hiện đại, đương đại, một Việt Nam mạnh mẽ vươn lên, cũng như những góc tối của xã hội hiện tại. Câu chuyện là sự đan xen giữa hiện tại, quá khứ, và hướng đến tương lai, một sự thật rõ ràng là tác giả hiện tại đang viết về quá khứ, cuộc đời qua lời kể của những con người.
Chúng ta nghĩ gí khi biết rằng từng chi tiết nhỏ của người Việt Nam đều được người nước ngoài nhìn nhận, sự thật vẫn là sự thật, nó vẫn phơi bày ra đó dù người ta không để ý hay khỏa lấp, người nước ngoài thấy chúng ta đi, chúng ta đứng, thấy những hàng xe đan cửi trên đường, thấy một người khạc nhổ giữa phố, thấy vài gã say khật khưỡng trong đêm, thấy những bà bán hàng quán xúm lại mời mọc gây phiền hà, thấy những người Hà Nội kì thị Việt Kiều, xem họ như những kẻ bỏ chạy theo giặc, người nước ngoài cũng thấy những con người của một dân tộc thờ phượng tổ tiên, coi trọng mồ mả cha ông phải bỏ xứ mà đi, phải tị nạn, phải khai sinh ra cái tên "thuyền nhân", rồi ngày nay, người nước ngoài đi dạo qua khu phố cổ, trong con hẻm tối họ thấy một người đàn bà đang ngồi tiểu, họ thấy ông già bán phở dạo bị truy đuổi, bị đánh, bị bắt đóng thuế kinh doanh. Than ôi, tôi từng nghĩ đến, ai cũng từng nghĩ đến, nhưng phải khi đọc một tác phẩm đương đại ta mới thấy rằng người nước ngoài vẫn luôn nhín người Việt Nam đó thôi, dẫu ta biết hay không.
Tác giả sẽ đưa chúng ta qua một món ăn đã trở thành một trong những linh hồn của Hà Nội, một trong những món ăn của Việt Nam, Phở! Phở dưới sự chế biến cầu kì của người nghệ sĩ nấu phở, ông già Hưng, hay của chàng trai trẻ Tư, Phở được làm từ những sợi rong trong một cái ao, hay Phở được làm từ những nguyên liệu cao cấp, những bước chế biến, cũng được tác giả chăm chút miêu tả khá kĩ càng, từ bước chế biến đến cảm xúc người nấu, người ăn. Tại sao phở lại chế biến từ những sợi rong?! Là bởi những năm tháng bao cấp chúng ta cơm còn chẳng đủ mà ăn, nói gí đến phở, mà đến nỗi tôi lo ngại giả như kéo dài chừng vài chục năm nữa, liệu chăng những món ăn quốc hồn quốc túy chỉ còn là dĩ vãng?!
Cái đói khát, cái nghèo nàn mà chẳng sách vở nào miêu tả, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết nếu không tím không đọc, tím cũng chưa chắc ra, là những năm tháng sau cải cách điền địa, nếu sách vở chính thống chỉ cho ta những lời lẽ đơn giản như sản xuất suy giảm, năng suất thấp, thí đến với tác phẩm, ta sẽ có một góc nhìn rất con người hơn, là thực phẩm giảm đi như thế nào, từ từ, chậm rãi, chúng tác động đến đời sống thành thị vừa nhanh lại vừa chậm, ông bán hàng thịt không còn thịt để bán, rau cỏ trong chợ chỉ còn chăng những bó rau héo, những quả dòi đục, một không khí u ám nặng nề, và sự tuyên truyền mỗi ngày được phát đi phát lại không mỏi mệt. Lại bất chợt nghĩ mà khâm phục tác giả lấy đâu ra những cảm nhận đó để mà viết nên đây?!
Nếu ai đã nghe nhạc, hẳn người Việt Nam nào ít nhiều cũng đều biết nhạc phẩm "Gửi người em gái" của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh; trong nhạc phẩm sáng tác năm 1956 ấy có đoạn "Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rũ mà chi..." miêu tả một Hà Nội chờ đón Tết không tấp nập người đi, mà vắng bóng lặng lẽ, tại sao lại vắng bóng lặng lẽ, do chiến tranh ư, không, không phải chiến tranh, vậy do đâu thí đành để lại cho độc giả tự tìm hiểu vậy, sau này được cố ý đặt lại rằng "Hà Nội chờ đón Tết, hoa chen người đi..." tôi lại nhớ đến một câu nói của người thầy dạy nhạc rất lâu trước đây: mỗi nghệ sĩ là một chứng nhân lịch sử, không thể phủ nhận sự thật trong lịch sử được, sự thật qua thi ca, qua âm nhạc. Dẫu mai sau dù lịch sử đã hoàn toàn bị xóa bỏ hay thay đổi, thí lúc này đây, lịch sử vẫn đang xảy ra, trôi qua từng phút khắc một là sự thật. Và trở lại với tác phẩm, ta sẽ được tác giả dẫn dắt cả trong nghệ thuật những năm tháng xưa và nghệ thuật đương đại của Việt Nam, với sự Tây hóa, với sự chuyển mình mạnh mẽ, cả nét đẹp lẫn tính xấu, giữa những tác phẩm được sáng tác và tác giả chết trong đói nghèo như Bùi Xuân Phái nay được bán cả hàng ngàn Dollar và những sáng tác được làm một cách công nghiệp, với những họa sĩ bị đồng tiền chi phối, với những gallery, những phòng tranh ở Hà Nội, những thực trạng, hay cũng chình là những nét hiện đại của Việt Nam đang hướng đến. Tất nhiên, những nghệ sĩ chết trong đói nghèo thí nhiều không kể xiết, hầu hết ở miền Bắc, và tôi cũng chỉ nghe nói nghệ sĩ chết ví đói nghèo ở miền Bắc, lại là thủ đô Hà Nội, nếu muốn biết rõ hơn, độc giả có thể tự tìm hiểu vài nghệ sĩ như: Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương (nhạc phẩm Đêm Đông sáng tác trong đêm giao thừa ở Hà Nội 1939 khi nhạc sĩ lang thang giữa phố phường vắng lạnh vì không có tiền về Huế…)
Cuối cùng, với tất cả những sự trân trọng và biết ơn. Đầu tiên, cảm ơn tác giả đã cho chúng ta thêm một tài liệu, một cứ liệu, một góc nhìn về Việt Nam, lịch sử và đương đại, một tác phẩm trong kho tàng văn học của thế giới tin rằng sẽ làm sâu sắc hơn nhận thức của người đọc, khắc họa lại một Việt Nam mới mẻ trong tâm trì độc giả. Tôi cảm ơn những người, cuộc đời đã cho tôi những thứ tôi có để hoàn thành tác phẩm, là tri thức, là kinh nghiệm sống, là cơ sở học hành. Đặc biệt cảm ơn người bạn đã luôn đồng hành cùng tôi trong quá trình dịch truyện, người đã nhiệt tình giúp tôi edit tác phẩm, với tất cả lòng tri âm, mến mộ, và cả tình cảm đặc biệt dù chúng ta chưa một lần gặp mặt, nhưng tin rằng trong một lúc nào đó thí tôi mạn phép gọi là đồng điệu tâm hồn, bạn Hoàng Diễm Ly. Sau rốt, một phần rất lớn tài liệu được tham khảo từ hệ thống tìm kiếm Google, wikipedia, Google Images, Google Translate và trang web tratu.soha.vn.
Trân trọng,
Tùy Phong.
Tùy Phong.
Seoul, 2012 February 2nd (last edit: February 18th)
***
Nét đẹp của Phong Trào Nhân Văn
The Beauty of Humanity Movement
Tác giả: Camilla Gibb
Dịch thuật: Lê Hoàng Việt
Hiệu đính: Hoàng Diễm Ly
* Để đọc toàn bộ tác phẩm với kích cỡ chữ lớn hơn, mời các bạn click chuột vào đường dẫn sau:
https://docs.google.com/open?id=0B2lhqEPNsYTnbGpUZjc0WGJUSWluNS1qcWk3T1RvQQ
Để tải tác phẩm về máy, bạn đọc vui lòng di chuyển chuột đến góc phải, chọn File --> Download Original (Ctrl+S)
* Danlambao xin chân thành cảm ơn hai tác giả Lê Hoàng Việt, Hoàng Diễm Ly đã dịch thuật và giới thiệu tác phẩm đến với bạn đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét