Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Nguyễn Quang Lập : Mặc cảm Võ Đắc Danh

Nguồn quechoa

NQL: Võ Đắc Danh email cho mình:"Hôm qua,sau khi trao cho em 50 bức thư mời thi khoảng 1g sau, cô Thu, BTV NXBPN gọi điện cho hay, cô vừa nhận được điện thoại từ BTC Hội sách thông báo rằng cấp trên ra lệnh hủy bỏ 3 sự kiện trong hội sách: Buổi giao lưu của Võ Đắc Danh, của Bùi Văn Nam Sơn và chương trình tặng sách có chữ ký của Nguyễn Quang Lập. không hiểu ai là người ra lệnh và cũng không hiểu lý do. Sáng nay, Cô Thu đại diện cho NXB PN gặp em nói lời cáo lỗi, chấm hết".

Bài này mình viết tựa cho cuốn sách, gửi đăng báo Thanh niên, phút cuối cùng cũng bị tòa soạn cho out. Chẳng hiểu vì sao. Cuộc sống bây giờ lạ lắm, nhiều chuyện không thể hiểu lại diễn ra hằng ngày như là chuyện đương nhiên.

Đây là cuốn sách thứ năm, rút từ hơn một trăm bút kí, phóng sự, ghi chép của Võ Đắc Danh. Có lẽ gọi đấy là những ghi chép thì đúng hơn. Những ghi chép của "anh nông dân cầm bút", một biệt danh đáng yêu, cũng là sở đắc của anh, một người suốt đời cầm bút cho nông dân, vì nông dân,  những người  nông dân khổ đau khắp cánh đồng Nam Bộ. Thật hiếm có nhà văn nào được như anh, suốt cuộc đời tìm kiếm những số phận khổ đau, những con người bất hạnh- những con người bị vùi dập- bị lừa đảo- bị đổ oan- bị đày đọa… nơi bùn lầy, chỗ hoang vu, chốn xơ xác, bến tiêu điều… Lắm kẻ chỉ nghĩ đến việc phải đến đó thôi cũng đã phải rùng mình kinh sợ.

Trả lời câu hỏi những nhân vật nào ám ảnh anh nhất, Võ Đắc Danh đã nói: "Những con người khát khao sự tử tế, khát khao được sống đàng hoàng tử tế nhưng bị xã hội đấy họ vào bước đường cùng." Vâng, đó là nông dân, đích thị là nông dân, thời nào cũng thế. Viết về những con người như thế không thể nói viết để kiếm sống, để kiếm vinh quang lại càng không, trong khi đó  nhà văn phải đối diện với đòn trả thù của đám bất lương, những kẻ đã đẩy các nhân vật của anh đến đường cùng. Nhưng đó không phải là mối hiểm nguy số 1, sự hiểm nguy buả vây hết mọi nẻo đường anh đi, đó là đám quan tham, những kẻ luôn giấu diếm những tiêu cực và bất cập, trên mảnh đất họ trị vì chỉ có ấm no hạnh phúc, ai nói ngược lại người đó trước sau không có đất sống. Hơn một lần Võ Đắc Danh bị buộc phải treo bút và nguy cơ sa vào vòng lao lý, thật đáng sợ.

 Viết được như vậy, người viết chẳng những phải có tình yêu thương mà phải có lòng dũng cảm, chẳng những phải đức kiên trì mà phải có sự hy sinh, những thứ nói rất dễ nhưng làm được thật quá khó khăn, không phải ai cũng làm được. Nói thật, cả ngàn nhà văn hiện thời may lắm có dăm bảy người làm được điều đó, không hơn. Chính vì vậy mà dù ở đâu, thời nào, những trang văn đẫm mồ hôi và nước mắt của các nhà văn "cá biệt" này bao giờ cũng tỏa sáng và sống bền trong lòng bạn đọc, cho dù có thể tài dùng chữ của họ kém thua nhiều người khác.

 Đời chợ, chợ đời, cuốn sách thứ năm của Võ Đắc Danh vẫn tiếp tục dòng chảy cảm xúc của bốn cuốn sách trước. Vẫn là nước mắt nụ cười của những người nông dân khổ đau, chỉ có khác họ là những người đàn bà thôn quê hoặc từ thôn quê mà ra. Họ không phải là mẫu phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang-mẫu "người hùng" phụ nữ một thời,- họ là những phụ nữ dám sống trên những nỗi khổ đau cùng cực. Chỉ vậy thôi cũng đủ cho hết thảy chúng ta yêu thương và khâm phục.

Đối với tôi đó là những người đàn bà kì lạ, bởi vì trên mỗi bước đường đời họ đều gặp khổ đau và oan trái, cay đắng và thất thiệt nhưng họ đã không gục ngã, không đầu hàng. Đối với họ, tuồng như trời không có mắt, bao nhiêu khổ đau của thế gian trời đều đổ lên đầu họ. Thế mà họ vẫn nuốt nước mắt nghiến răng dấn bước, quyết không đầu hàng số phận.  Yêu người bị người phụ, tin người bị người lừa. Ngày xưa cầm súng giữ đất bây giờ bị cướp đất giữa ban ngày. Ngày xưa cưu mang đùm bọc bây giờ bị phản bội bị chơi đểu. Rồi bà mẹ già cõng trên lưng những đứa con tật nguyên. Rồi người đàn bà "mười sáu năm lấy chồng, giật mình nhìn lại mình đã tám đứa con nhưng chưa có một ngày hạnh phúc". Những người đàn bà có chồng là có thêm một gánh nợ, hết gánh nợ này đến gánh nợ khác, triền miên. Tôi đã bật khóc không chỉ một lần khi đọc Đồng cỏ cháy, nhiều khi muồn kêu to: trời ơi sao lại có những số phận khổ đau và oan nghiệt đến thế!

Đọc kĩ Võ Đắc Danh, đọc hết Võ Đắc Danh người ta buộc phải đặt câu hỏi: vì sao Võ Đắc Danh suốt đời đeo đuổi đề tài người nông dân cùng khổ, anh viết không để kiếm sống cũng chẳng để kiếm vinh. Vì sao như thế?

"Cũng có thể là tôi đang giận chính mình. Nhưng nói chính xác hơn là tôi luôn dằn vặt một mặc cảm tội lỗi với những nhân vật của tôi. Sau mỗi một bút ký, tên tuổi tôi ít nhiều được đánh bóng thêm, còn những nhân vật của tôi thì tiếp tục đắm chìm trong tiếng kêu oan vô vọng. Nhiều khi tôi tự hỏi, có phải mình đã làm sang cho mình bằng những thân phận thấp hèn của họ chăng ? Tôi cảm thấy đau lòng, thậm chí thấy ê chề, nhục nhã. Nhưng rồi sau đó gặp một thân phận khác, tôi lại dằn vặt muốn tiếp tục sẻ chia, muốn nói thay họ những điều mà họ không nói được. Cứ thế mà tôi cứ sống trong cái vòng lẩn quẩn buồn vui, cay đắng của cuộc đời, không thể tự tìm cho mình lối thoát nào khác."

Võ Đắc Danh đã nói như vậy, và xin gọi đấy là mặc cảm Võ Đắc Danh. Không có mặc cảm ấy không phải Võ Đắc Danh. Giữa cái thời vinh danh phì gia là lẽ sống, Võ Đắc Danh đã chọn mặc cảm ấy và sống cùng mặc cảm ấy suốt cả cuộc đời. Phục  lắm thay, cảm động lắm thay!

Nguyễn Quang Lập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét