Tháng Ba 31, 2013 in Tổng hợp
Một "thạc sĩ Bờ Hồ bảo mưa đá là "bình thường", là "đúng quy luật", là "với quy mô nhỏ nên không thể dự báo trước được". Bình thường khi mưa đá, to như cái bát tô, khủng như cái xô, chỉ một đêm biến huyện lỵ Mường Khương tan hoang như bị đánh bom?
Hôm qua, một vị thạc sĩ của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, trên truyền hình dùng 2 từ "bình thường" để nói về những trận mưa đá liên tiếp ở Mường Khương, ở Bắc Hà, ở Simacai, ở Phố Ràng (Lào Cai), ở Vị Xuyên (Hà Giang), ở Võ Nhai, Đồng Hỉ (Thái Nguyên), ở Quan Hóa (Thanh Hóa), ở…
Ngoài việc giải thích đó là bình thường, là "không có gì bất thường so với thế giới". Các chuyên gia còn bảo nó "đúng quy luật", là "với quy mô nhỏ nên không thể dự báo trước được".
Bình thường khi mưa đá, chỉ một đêm biến huyện lỵ Mường Khương tan hoang như bị đánh bom?
Không có gì bất thường khi những ngôi trường mầm non gần như bị san phẳng?
"Quy mô nhỏ" là những viên đá ngày 26.3 to cỡ "cái bát tô", đến ngày 29 đã "to bằng cái xô"?
Không có gì bất thường vì đến mũ bảo hiểm có tem CR- anh nhà báo nào đó thật thời sự và vui tính- cũng bị đột thủng?
Và "đúng quy luật" trước một trận mưa đá mà ngay chính Chủ tịch Mường Khương Hoàng Duy Dũng đã rùng mình gọi đó là những trận mưa đá "lịch sử", là "trăm năm có một". Thưa Trung tâm dự báo, những người dân ở Tả Thàng, ở Mã Tuyển không hề biết trước khi giữa đêm "đá trên trời" xuất kỳ bất ý như trời giáng xuống giấc ngủ, xuống hiện tại và cả tương lai của họ. Thưa các vị thạc sĩ ngồi phòng máy lạnh ở Hà Nội, ở bản người dao Lũng Pâu, không mái nhà nào còn nguyên vẹn. Không một cây ngô nào còn có thể đứng thẳng. Không một lá đậu nào còn lành lặn. Và thưa ai đó, 40-50 người dân Tả Gia Khâu giờ đang trú ngụ trong mái nhà duy nhất chưa thủng toàn bộ, trong trường mầm non. Họ đã quá sợ hãi trước những điều các nhà khoa học, sau đó giải thích là "bình thường".
Thật khó để tìm kiếm một thông điệp gì đó sau lời giải thích với hai chữ "bình thường" của những người đáng lẽ phải có trách nhiệm cảnh báo trước.
Thông điệp, nếu có, chỉ là những trận mưa tàn phá với những viên đá bằng cái bát, bằng cái xô, lao đi như viên đạn, có thể xuyên thủng mũ bảo hiểm, vẫn cứ là "nhỏ", là không thể báo dự báo trước?
Nhưng thế thì ít nhất nên đổi tên trung tâm dự báo thành trung tâm giải thích sau mưa bão.
Tháng 8 năm ngoái, khi cơn bão số 8, bão Sơn Tinh hoành hành trong sự bất lực của kính thưa các loại thạc sĩ, tiến sĩ dự báo, GĐ Trung taamm khí tượng thủy văn quốc gia thanh minh trên Thanh Niên: "Chúng tôi đã làm hết sức mình". Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư giải thích việc "bão nhảy" từ dự báo cấp 8, lên cấp 14 trong thực tế như sau: Tuy nhiên khi vào tới nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị, chỉ trong buổi chiều 27.10, bão đã 'nhảy' từ cấp 12 lên cấp 14. Trong vòng 4 – 5 giờ, việc nhảy cấp này không mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh thêm nhiều như vậy".
Việt không thể dự báo, Mỹ, Nhật cũng không thể dự báo. Có điều, bão vào Việt Nam chứ không vào Nhật Mỹ.
Riêng chuyện bão đổi hướng, ông Đức, bấy giờ đã có lời giải thích bất hủ "Dự báo chỉ là dự báo thôi".
Dự báo chỉ là dự báo. Và nhỏ nên không thể dự báo. Cứ tạm chép lại ra đây những lời lẽ giải thích hay ho của các nhà dự báo.
Trong khi đó, người dân Sông Tranh tiếp tục thử thách thần kinh, giờ có lẽ đã chai tê, khi hứng chịu liên tiếp 2 trận động đất khuya 29, rạng sáng 30.3.
Sông Tranh có cái hay là không cần phải các thạc sĩ tiến sĩ dự báo, chính người dân biết trước lâu lâu lại có động đất, bởi, chẳng có gì khó hiểu. Đó là thứ động đất nhân tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét