Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Tạp ghi của Vương Minh Thu: NGÀY THÁNG NÀO ĐÃ RA ĐI… (nhân giỗ Trịnh Công Sơn)

Nguồn nhipcauthegioi

[31.03.2013 23:10 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) Đà Lạt không quá xa lạ đối với tôi, theo đúng nghĩa đen của từ "xa lạ". Tính từ lần đầu tiên cách đây ba mươi năm, thì lần đi chơi Đà Lạt Tết Quý Tỵ vừa rồi là chẵn chục lần tôi lên xứ sở của hoa và thông và sương mù.


Phố Đà Lạt vào sáng sớm
 

Đường từ Sài Gòn đi Đà Lạt đã tốt hơn rất nhiều so với những năm đầu thập niên 80, đặc biệt là đoạn đường cao tốc 30km mới xây dựng giữa Đức Trọng và Đà Lạt đẹp như mơ! Thời gian cho hành trình vì thế được rút ngắn đáng kể. Ngày ấy, chiếc xe đò cũ kỹ chạy bằng than đốt khởi hành sớm tinh mơ, nhồi nhét "hành" khách hết mức có thể, chậm chạp băng qua những chốt kiểm soát mậu dịch đặt nơi ráp ranh giữa các tỉnh. (Chỉ còn có thể ngắm nhìn lại chốt chặn ngăn sông cấm chợ ngày nào qua phim ảnh, như bộ phim truyền hình "Dòng đời"). Xe "bò" lên đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, đèo Prenn để đến thành phố nằm trên cao nguyên Lang Bian vào tầm bốn giờ chiều, sương mù đã giăng khắp Đà Lạt. 

Đèo Chuối bây giờ đúng ra chỉ là một con dốc. Không còn bao la màu xanh của chuối, những xe máy bán bắp luộc cơ động phục vụ lữ khách đứng với mật độ khá dày đặc ngay trên đèo. Đèo Bảo Lộc được nâng cấp mở rộng làm bớt đi cảm giác cheo leo hiểm trở mà tráng lệ của núi rừng. Những bông hoa dại tím mỏng manh bám vào vách đá có những khe nước mát lạnh chảy từ núi cao xuống - trong ký ức của con bé mười ba tuổi là tôi - đã hầu như biến mất trên cung đường đèo dài mười cây số. Hết đèo là vào đến Bảo Lộc, thủ phủ trà trên cao nguyên Di Linh của tỉnh Lâm Đồng. 

 
Rừng ngoại ô Đà Lạt 
  
Thị xã Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc) sầm uất. Quốc lộ xuyên qua trục đường chính của Bảo Lộc, hai bên đường cửa hàng cửa hiệu san sát. Một chung cư apartment mới xây, đang chăng băng-rôn "căn hộ mặt tiền đang mở bán, giá chỉ từ 2 tỷ". Vậy là "văn hóa" chung cư bê-tông đã lên đến xứ đồi núi này! Bảo Lộc chung một mô-típ với các đô thị tỉnh lỵ khác của Việt Nam, na ná như nhau thiếu bản sắc. Có chăng, đặc sản Bảo Lộc là những tiệm "Danh trà" ngày càng bề thế và chuyên nghiệp trong cung cách bán hàng trọn gói cho du khách, và những nhà vườn bày bán cây trà cổ thụ trồng trong chậu cảnh "hoành tráng" ven quốc lộ. 

Đã không còn phải mặc thêm áo khi đến Bảo Lộc. Người Bảo Lộc cũng mặc áo ngắn tay vi vu xe máy giữa tiết trời Xuân tháng Hai, vì đầu giờ chiều mà nhiệt độ tại Bảo Lộc vẫn là 30 độ C. Suốt đoạn đường từ Bảo Lộc đến Di Linh là màu xanh bạt ngàn của trà và cà phê. Đã cuối mùa hoa dã quỳ, lác đác thấp thoáng trên đường sắc hoa vàng Tây Nguyên. Không còn thấy những bụi dã quỳ trải dài ven đường quốc lộ như khoảng thời gian cách đây chục năm. Sự trù phú và sinh sôi của đất đai con người, hiệu ứng nhà kính toàn cầu nóng lên, đời sống ngày một xô bồ đã làm hanh hao đi rất nhiều yên tĩnh hoang vu, những đêm những sớm mai sương giăng giá buốt cùng cảm giác cô đơn u hoài của miền cao nguyên. 


Dã quỳ 

Cũng như thế, Đà Lạt mùa Tết đông kín người và xe. Trời chỉ còn se lạnh lúc về đêm và sáng sớm. Mà cái se lạnh ấy rõ ràng cũng đã bớt đi so với Tết Đà Lạt cách đây hai năm. Cho nên người ở Sài Gòn quanh năm nóng như tôi, thèm chút lạnh Đà Lạt chẳng còn cơ hội diện áo len áo khoác khăn quàng… 

Và rừng thông già cao ngất, những căn nhà gỗ sau nhà là triền đồi phủ màu xanh xanh đậm nhạt của rau củ, những con dốc mù sương thưa người qua lại… nay chỉ còn thấy khi đi xa ra vùng ngoại ô cách Đà Lạt hơn chục cây số. Một Đà Lạt đẹp như xứ cổ tích trong miền nhớ của tôi đã không còn nữa. 

Làm sao nhìn thấy lại những điều như tôi đã nhìn thấy ngày tôi 12, 13 tuổi? 

* 

Càng không thể nào thấy được Đà Lạt của thời gian gần năm chục năm về trước, cái heo hút lạnh giá của trị trấn Blao (Bảo Lộc) ngày nào, thời mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) đêm đêm thắp nến trùm chăn viết thư về cho Ngô Vũ Dao Ánh (NVDA) "Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày". 


Tượng TCS tại vườn tượng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng ở Đà Lạt


Như một cơ duyên, tôi chọn mang theo cuốn "Thư tình gửi một người" để tranh thủ đọc lại trong lần đi chơi Đà Lạt này. Nhờ vậy, tôi thấm hơn ca từ của một số tình khúc mà nhạc sĩ họ Trịnh đã cảm tác trong khoảng thời gian ở Blao, Dran (Đơn Dương) và Đà Lạt. Luôn luôn hiện diện trong mỗi bài hát là "tình yêu huyền thoại" dành cho người con gái mang tên NVDA, là nỗi buồn thân phận gắn liền với quê hương con người, là nỗi trăn trở về thời cuộc, những dự cảm về tương lai. 

Tôi có may mắn một lần được gặp người nhạc sĩ tài hoa, tác giả rất nhiều ca khúc mà tôi yêu thích. Lần gặp gỡ duy nhất ấy cũng đủ để lưu lại ấn tượng trong tôi về một người tử tế và nhẹ nhàng. Ông sống trong cuộc đời đơn giản như ca từ ông đã viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi…". 

Trong nhạc TCS, ta nhìn đâu cũng thấy có ta, tùy theo tâm trạng và hoàn cảnh. Ta thuộc dăm ba câu các ca khúc của ông, như thể câu đó TCS viết cho chính mình, viết giùm cho mình. Cũng có những ca khúc để lại ấn tượng bởi ca từ quá đẹp, dẫu đôi khi nghe là lạ khó hiểu ("có khi nắng khuya chưa lên, mà một loài hoa chợt tím"). Thời 17 tuổi ở ký túc xá, tôi và cô bạn thân chụm đầu vào máy headphone nghe đi nghe lại băng cassette "Sơn Ca 7" với giọng ca liêu trai của Khánh Ly không biết chán. Rồi cùng với thời gian, tôi nhận ra chất Thiền trong nhạc của TCS. Đọc "Thư tình gửi một người", mới thấy chất Thiền ấy đã hiện diện một cách tự nhiên và chân thành, khi TCS còn là chàng thanh niên chưa đầy ba mươi tuổi! 


TCS và người tình đầu tiên, Ngô Vũ Dao Ánh 
  
Và trên hết, đó là "tình người không định kiến" của TCS (chữ dùng của ca sĩ Giang Trang mà tôi rất tâm đắc khi nói về những ca khúc TCS). Vào một buổi chiều cuối năm 2012, Giang Trang tâm sự với tôi về CD "Hạ huyền" mới hoàn thành của cô, trong lần đầu tiên hai chị em gặp mặt (sau khi đã là bạn trên facebook). Giang Trang tự nhận cô không phải là ca sĩ, mà thích được gọi là người hát hơn. Tôi trân trọng và thật quý những nỗ lực lao động nghệ thuật, quý những tìm tòi những hy sinh của cô khi làm album "Hạ huyền" để nhạc TCS mãi mãi được nghe và nhớ đến. Theo một cách tiếp cận mới. Theo lời Giang Trang, đó là một hành trình cô đơn của một người hát đến với "Hạ huyền". 

Tôi chọn nghe bản "Tiếng hát dạ lan" trước tiên trong CD "Hạ huyền" vì nghĩ rằng đó là bài hát tôi chưa từng nghe. Thì ra tôi đã nghe qua Khánh Ly hát bản này, nhưng với tên "Dấu chân địa đàng". Đây cũng là một bài hát yêu thích của tôi lâu nay. 

Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo 
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều 
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền 
Bàng hoàng lạc gió mây miền 
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm 

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần 
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng 
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng 
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng 
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em. 

Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô 
Từ mưa gió 
Từ vào trong đá xưa 
Đến bây giờ mắt đã mù 
Tóc xanh đen vầng trán thơ 
Giòng sông đó 
Loài rong yên ngủ sâu 
Mới hôm nào bão trên đầu 
Lời ca đau trên cao 

Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ 
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa 
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền 
Để người về hát đêm hồng 
Địa đàng còn in dấu chân bước quên. 


Thư tình cho một người từ Đà Lạt 

Đọc "Thư tình cho một người" ở Đà Lạt, ngẫu nhiên tôi lại giở ra đúng trang sách mà tôi tin là có liên quan ca từ của "Tiếng hát dạ lan". 

"Ngày 23-9-1965. 

Ánh ơi, 

Bây giờ là đêm rất đầy ở thung lũng này, anh đang ngồi nhìn, ở phía đồi xa có từng chấm đèn đỏ rất buồn và trái núi thì đã bị che khuất từ chiều bởi mây xám. 

Anh nhớ rất nhớ đêm bây giờ ở đó Ánh đang ngồi bình an trong căn phòng ngát mùi hoa dạ lan và căn nhà anh đầy bóng tối trong căn phòng với chiếc bàn bureau nằm yên cùng những di tích còn để lại đó của anh. 

Có thể bây giờ đang còn mưa trên lá long não. Và chiều thứ năm này sao anh bỗng nghĩ là Ánh cũng có thể trở lại căn phòng đó để nhìn sự vắng mặt của anh, để ngồi trên chiếc ghế mây đó đếm lại dấu vết vừa qua của mùa hạ mùa thu. Để nhìn vẻ hư vô trên từng ngón tay dài bỏ hoang của Ánh. 

Hãy năng trở lại đó ngồi một lúc để cho anh hy vọng rằng Ánh cũng tha thiết với những- gì –đã- qua của anh. 

Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn. 

Ánh ơi, 

Nếu bây giờ anh ra ngoài trời gọi to tên Ánh thì tiếng gọi sẽ dội ra xa, cây cối sẽ thức dậy và loài sâu đất sẽ phải im đi. 

Anh bây giờ, nhất là trong giây phút này, chỉ mong làm sao có đủ phép màu để làm cho những kẻ mình yêu thương được hạnh phúc. 

Mỗi ngày sống qua là mỗi ngày thấy sự bình an sa sút đi một chút. Tâm hồn cũng hư hao đi nhiều. 

Anh không còn mong gì hơn là được tìm gặp mình mãi mãi giữa những người yêu thương. Sự dấn thân cũng chỉ nên có một lần và kéo dài cho mãi mãi. 

Ánh có nghĩ thế không...


 
Tác giả, hình chụp tại Đà Lạt 
  
Giờ thì tôi tin rằng cái tên "Tiếng hát dạ lan" thích hợp hơn là "Dấu chân địa đàng. Và một câu hỏi thú vị đặt ra ở đây, hoa dạ lan là hoa gì? Tôi tra hình ảnh trên google thì thấy có ba giả thuyết về cùng một cụm từ hoa dạ lan: hoa hyacinth, hoa dạ hương và hoa ngọc lan. Tôi nghiêng về hoa dạ hương nhiều hơn bởi trong những lá thư khác, TCS có nhắc đến "khóm dạ lan" nở về đêm. Hoa hyacinth (cùng họ củ hành với hoa thủy tiên, hoa tulip) rất đẹp và rất thơm thì có vẻ như không phổ biến ở Việt Nam lắm. 

Tên của Dao Ánh gắn liền với hoa mặt trời. Loài hoa mà TCS gọi là hoa mặt trời ấy chính là hoa dã quỳ Tây Nguyên. 

* 

"Mùa hoa hướng dương vẫn còn vàng tươi ở đoạn đường bọc bên lề chiếc cầu dài của thành phố. Buổi chiều anh đã đi ngang qua đó và nói một cách tự nhiên tên Dao Ánh. Như một tiếng gọi ngẫu nhiên. 

Ánh ơi, 

Tay Ánh bây giờ lạnh lắm rồi anh biết thế. Anh gọi hai bàn tay đó có mười phiến băng dài.



Lá thư xưa... 

Những bức thư tình lãng mạn hiếm thấy! Những bức thư bày tỏ những suy nghĩ, nỗi cô đơn, nhung nhớ từng ngày từng giờ rất chân thực và đầy tính tự sự, tính thời cuộc qua từng giai đoạn trong cuộc đời người nhạc sĩ tài danh. 

Và TCS đã chuyển tải tình yêu ấy vào rất nhiều bài hát viết tặng cho NVDA. 

"Dao Ánh Dao Ánh Dao Ánh, 

Đêm đã lạnh anh vẫn cố giữ hai bàn tay ấm để nghe rõ giá buốt hơn từ từng ngón tay dài của Ánh. 

Đêm đã khuya trên từng đầu cỏ. Ánh đã ngủ yên rồi phải không. Hãy ngủ bình an đi em lời ru sẽ là tiếng hát của những vì sao xanh đêm nay
." 

Bản thân tôi tự hỏi có khi nào NVDA - khi ấy mới là cô thiếu nữ 16, 17 tuổi - hiểu được hết những triết lý ẩn chứa trong tình yêu đó? Có khi nào thấy ngợp khi được TCS "gọi tên em mãi suốt cơn mê này"? 

Tuy nhiên, cá nhân tôi - và tôi tin là không chỉ cá nhân tôi - phải cảm ơn Dao Ánh đã là muse của những bản nhạc trữ tình lay động lòng người "Mưa hồng", "Hạ trắng", "Tình nhớ", "Có một dòng sông đã qua đời", "Còn tuổi nào cho em", "Xin trả nợ người", "Xin mặt trời ngủ yên", "Tình sầu", "Này em có nhớ", v.v…. Đặc biệt, ca khúc rất buồn và rất hay "Tình xa" cũng là viết cho ngày nhạc sĩ họ Trịnh biết tin NVDA lên xe hoa. 

Cảm ơn Dao Ánh đã gìn giữ suốt mấy chục năm tất cả những lá thư để rồi đến lúc chia sẻ với chúng ta kỷ vật riêng tư ấy. Để ta được thấy vẻ đẹp còn mãi với thời gian của tình yêu, của tình người. 

Vương Minh Thu, từ TP.CHM – Tháng 3-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét