Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Nguyễn Hữu Quý : Có phải thời cơ để Việt Nam thoát khỏi hiểm họa Trung cộng đã đến? (mộng đẹp! mong thay!)

Nguồn quy-blog

Nguyễn Hữu Quý


Người Việt hãy tin và dựa vào cội nguồn dân tộc để thay đổi theo kịp thời đại! 

Các báo ngày 03/8 đều đưa tin, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đã có bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội. 

Cũng theo nội dung các báo, bài phát biểu của TT Nguyễn Tấn Dũng với những lời tâm huyết và những lời hứa mà ông muốn gửi đến đồng chí, đồng bào. 

Đáng chú ý là, bên cạnh việc đưa ra 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016, được TTXVN đưa tin ngày 31/7, các báo ngày 03/8 đều nhấn mạnh về lời hứa của ông. 

Phải chăng, do nhiệm kỳ vừa rồi quá bê bết, với những tham vọng và bê bối: Đường sắt cao tốc; Bô xít; quả đấm thép Vinashin, những hạn chế của điều hành kinh tế vĩ mô v.v… mà hậu quả hôm nay là lạm phát đang phi mã; tất cả hàng hóa đã tăng trên 3 lần sau một nhiệm kỳ của TT, cho nên lần này các báo lại hy vọng và nhấn mạnh ở những lời hứa của ông? 

Nhưng thật khó cho TT, vì xung quanh ông không có những nhân vật xứng tầm, để có thể cùng ông xoay chuyển, chính vì thế mà trong bài phát biểu, theo như nhà văn Phạm Viêt Đào nhận xét. 

Trong bài viết kỳ này không thấy Thủ tướng nhắc tới từ "quyết liệt"? Phải chăng ông cũng đã bắt đầu cảm thấy bất lực, nhàm chối trước bộ máy công quyền trong tay ông.

Còn đối với nhà báo Huy Đức, trong bài viết "Ba khâu đột phá của Thủ tướng" đăng trên Blog Quêchoa, ngay từ đầu tác giả viết:

Không thể nghi ngờ khả năng sắp đặt nhân sự để thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn hai trang báo đăng bài "nhậm chức" dày đặc chữ, mới thấy, ông làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ. 

Và như đoán được những khó khăn, thách thức chồng chất còn đến với TT Nguyễn Tấn Dũng, cũng ở trong bài viết trên, tác giả Huy Đức kết luận: 

Tất nhiên, nếu ông Dũng muốn, việc thực hiện những điều tối thiểu này cũng không phải dễ dàng. Một nội các mà một số thành viên của nó đã phải chi phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ giấy phép. Nhưng, cũng như "Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo", đã lên tới đó thì đừng nghĩ tới mục tiêu kiếm chác. Thủ tướng cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Đối với một dòng họ có một người ngồi trên ghế Thủ tướng tới hai nhiệm kỳ thì điều đáng tự hào là những gì người đó đã làm chứ không phải là lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được. 

Viết đến đây thì nhận được tin tòa y án đối với Cù Huy Hà Vũ. Như vậy, không chỉ những người giúp việc viết diễn văn, các cố vấn chiến lược của Thủ tướng cũng vẫn mang những tư duy cũ. Tiểu khí vẫn bị đánh thức. Thay vì, sau những nỗ lực sinh tử để thâu tóm quyền hành, bậc anh hùng phải bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách mở lòng đại xá. Hy vọng, sau khi Quốc hội phê chuẩn nội các, Thủ tướng sẽ có những người giúp việc hiểu được vai trò lịch sử của ông hơn. 

*** 

Tuy nhiên, trong một góc nhìn khác, tôi vẫn "gạn đục khơi trong" để hy vọng rằng ông sẽ làm một điều gì đó để có thể đi vào lịch sử, từ những dự đoán sau đây: 

- Một người khôn ngoan chỉ có thể thể hiện được chính mình khi họ có đầy đủ các điều kiện trong tay. Và đến thời điểm này, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có đầy đủ các yếu tố này. 

Nói rằng "vua tập thể" nhưng trên thực tế, ông Dũng đã có thể chi phối đến 7/ 10 trong "tập thể vua" này; và đây là thời điểm để ông hành động. 

Người ta hay nói đến sự cạnh tranh giữa ông Sang - Chủ tịch nước với ông Dũng như là một điều tốt; nhưng tôi lại thấy điều đó không quan trọng; miễn là ông nào sẽ đi vào lịch sử như một Gorbachop, một Boris Elsin của Nga đối với nhân dân Việt Nam trước tiên mới là quan trọng; và (có vẻ như) lịch sử đã giao cho ông Dũng (?!). 

Với một con người mưu lược như ông Dũng, thì điều này hoàn toàn có thể diễn ra trong một vài năm tới. 

Có thể xem đây như là một yếu tố "nhân hòa" trong tay của ông Dũng; mặc dù như tác giả Huy Đức đã nói "… một số thành viên của nó đã phải chi phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ giấy phép", nhưng không phải là ông Dũng không làm được theo ý ông. 

- Thế nước, lòng dân sau những cuộc biểu tình và những diễn biến xấu từ Trung cộng (ngay trong nội bộ  bất ổn của Trung cộng và trong quan hệ cũng bất ổn Việt – Trung); là điều kiện để ông Dũng "tương kế tựu kế" nhằm thực hiện tất cả những tính toán của ông từ trước đến nay. 

Sẽ có nhiều người sẽ hỏi rằng, thế thì những việc làm "vô lối" (tạm gọi như thế) của ông Dũng trong nhiệm kỳ qua nói lên cái gì? Xin trả lời ngay, đó là những bước ông Dũng thể hiện giá trị của ông mà giờ này ông đã có được. Như vậy, nhìn theo góc độ này, thì giờ này ông đã thành công; nghĩa là ông đã tạo dựng được một ê kíp và đã qua thử thách để có thể ủng hộ ông cho những mục đích lớn lao sắp tới. 

- Sẽ là không công bằng nếu chỉ nói đến ông Dũng mà không nói đến TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trương Tấn Sang; theo tôi là: 

* BCT chưa nên để ông Trọng thăm Trung cộng, vì rất có thể Trung cộng tới đây sẽ mời ông Trọng sau kỳ họp Quốc hội lần này; chưa thể bàn với Trung cộng bất kỳ điều gì trong lúc này, tạm thời im lặng sẽ có lợi hơn cho sau này. Ràng buộc với Trung cộng lúc này sẽ làm cho các nhóm thân Trung cộng trỗi dậy và sẽ gây khó khăn cho ông Dũng; tôi tin rằng, "tứ trụ triều đình" cũng rất hiểu được điều này. 

* Ông Sang và ông Dũng lần này bắt tay nhau sẽ làm nên một chuyển biến ngoạn mục trong lịch sử nước nhà; tầm hiểu biết và nhạy cảm chính trị đủ để hai ông làm được việc này. Chúng ta hãy chờ xem. 

- Mọi người hay nói rằng ông Dũng thân Mỹ, và đây là giai đoạn để ông Dũng thực hiện hoài bão lớn của ông, mà trong nhiệm kỳ trước ông không thực hiện được vì nhiều lý do. 

Về mặt này, ông Dũng được sự ủng hộ của giới quân sự, ngay cả Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và các quân khu, mà vừa qua ông Dũng đã bổ nhiệm một loạt vị trí chủ chốt. 

- Mọi việc chỉ có thể diễn ra ở nửa cuối nhiệm kỳ, nghĩa là từ năm 2013 trở về sau. Theo đó, sau khi có đủ điều kiện, "Bộ tứ triều đình" sẽ sửa đổi Hiến pháp theo cơ chế Tổng thống, đoạn tuyệt với chủ nghĩa Cộng sản, được sự ủng hộ ngầm của Mỹ trong quá trình thực hiện để ngăn chặn Trung cộng (tất nhiên là hợp lòng dân, yếu tố quyết định để đi đến thành công); khi đó, ông Dũng có cơ hội làm Tổng thống và nhân dân ủng hộ ông làm Tổng thống đầu tiên của nước Cộng Hòa Việt Nam. 

Còn nhiều việc ông Dũng phải làm trong khoảng thời gian hơn một năm tới.   

Riêng đối với Cù Huy Hà Vũ, thì tác giả Huy Đức đã nêu rồi, phải đợi đến khi ông Dũng củng cố thêm quyền lực trong tay, thì ông Dũng mới thể hiện được. 

Rất có thể, Cù Huy Hà Vũ sẽ là một Bộ trưởng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Dũng. Hiện tại, do vấn đề Trung cộng (?!), cho nên chưa thể nói được gì hơn. 

Tốt nhất đối với Cù Huy Hà Vũ là trong thời gian tới, ông giữ gìn sức khỏe, có thời gian để đọc thêm sách;  đặc biệt là học tiếng Anh (vì tiếng Pháp ông đã có sẵn, cần ôn lại) để chuẩn bị cho một tương lai mới. 

"Tai nạn" xẩy ra trong đời một con người ta cũng rất hay gặp, trước khi chuyển sang một giai đoạn mới, mà Boris Elsin là một ví dụ. 

Thời cơ để Việt Nam thoát ra khỏi Trung cộng đã được bắt đầu; tuy có vẻ chậm chạp, khó nhận ra, nhưng sẽ quyết định trong thời gian tới, và lịch sử dân tộc đang đi theo hướng này. 

Sau lưng Việt Nam đang là người Mỹ, thời cơ đang đến không được bỏ lỡ; nhưng người Việt phải có bước đi thận trọng đề phòng Trung cộng gây bất ngờ (trong đó, Tập Cận Bình là nhân vật không thể xem thường), đó là việc tính toán của "tứ trụ triều đình", mà ông Dũng sẽ là một nhân vật đi vào lịch sử. 

"Thời thế tạo anh hùng" nó là như thế! 

Thông minh chưa hẳn đã là nhà chính trị, mà phải là bản lĩnh và mưu lược.

Dân tộc Việt Nam hay có những nhân vật lịch sử xuất hiện ở những thời khắc lịch sử, và lần này không là ngoại lệ trong một thế giới và điều kiện cụ thể đòi hỏi phải thay đổi. 

04.8.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét