Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Nguyễn Hữu Quý : Kính thưa các loại… “kính mong”!

Nguồn quy-blog

Nguyễn Hữu Quý


Như đã thành thuộc tính ngấm vào máu thịt của người Việt Nam, đã từ rất lâu, ta hay quen với các cụm từ "Kính mong", "mong lắm thay", "nhờ ơn Đảng, Nhà nước"… của tầng lớp trí thức Việt Nam đăng trên các diễn đàn, báo chí chính thống… khi muốn đề đạt, góp ý một vấn đề gì đó trước thực trạng của đất nước.

Hôm qua, 13/8 mặc dù trên trang Ba Sàm có điểm bài  "Mong Tổng Bí thư thể hiện dấu ấn cá nhân", của GS Chu Hảo; và mặc dù đã từ lâu tôi rất kính trọng GS, nhưng tôi không thể đọc bài viết, vì ngay ở tiêu đề bài viết, như đã thành quen, tôi lại thấy giới trí thức hàng đầu vẫn chưa tự mình thoát ra được thân phận của người thấp kém, luôn luôn phải nài nỉ, van xin…, dẫu là chuyện của đất nước, mà không phải "xin" cho riêng mình.

Cũng ngay trong buổi tối ngày hôm qua, tôi chú ý đến một bài viết có tựa đề "Đừng tin bọn trí thức hương nguyện và giả cầy!" đăng trên Blog Đông A; tiêu đề bài viết này tạo cho tôi ấn tượng và tìm đến; và sau khi có một comment hỏi Đông A rằng:

Bác cho định nghĩa về trí thức hương nguyện và giả cầy cái?

Thì được Đông A trả lời:

@Linh: Trí thức giả cầy có 2 loại: một loại giả hoàn toàn theo tiêu chuẩn học thuật, và loại thứ 2 là giả theo mục đích, tức là bọn mượn học thuật làm con đường tiến thân chính trị.

Trí thức hương nguyện là loại gần giống với loại thứ 2 của trí thức giả cầy, nhưng bọn này không hẳn vứt học thuật, mà lấy học thuật để che đậy mục đích chính trị, luôn nói những lời a dua hoặc theo bọn chính khách, hoặc theo số đông theo một nghĩa nào đấy.

Cũng đã từ rất lâu, trên truyền hình, khi Nhà nước đầu tư vào vùng sâu, vùng xa một con đường, dẫu chỉ là con đường đất, nhưng khi được trả lời phỏng vấn, ta đều nghe các bậc già làng, trưởng thôn trả lời, rằng "Nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước…". Thậm chí vay tiền ngân hàng trả lãi (như là vay vốn để xóa đói, giảm nghèo), ở nhiều nơi ta thấy trên tuyền hình, những người đi vay, khi được hỏi đều trả lời "nhờ có ngân hàng cho vay vốn" v.v… và v.v…

Hẳn mọi người, đặc biệt là những người có tuổi trên 50, chúng ta rất quen với bài hát "Em đi làm tín dụng" (sáng tác của Nguyễn Văn Tý, năm 1971), bài hát rất hay với những ca từ:

Bản làng ta luôn vẫn nói đến công ơn Đảng, ơn Chính phủ
Đã giúp ta xây dựng cuộc đời

Ai xây nên mái ngói đỏ như son
Ai cho con em ta đến với trường

Đối với "dân đen" thì như vậy; còn đối với tầng lớp là Cán bộ, công chức thì ta cũng hay thấy, cứ mỗi khi một phong trào, hoặc một sự kiện nào đó "thành công", ta lại nghe nói "Nhờ sự quan tâm của cấp ủy đảng, và chính quyền, cho nên…"; hoặc "Nhờ sự chỉ đạo sát sao của chi bộ và ban giám đốc…", có nghĩa là không thoát ra khỏi tư duy đã được giáo dục rằng, mọi thứ trên đất Việt có được là… công ơn Đảng, ơn Chính phủ!

Liên hệ với giải thích của Đông A về "trí thức hương nguyện và giả cầy"; Hôm nay, chúng ta thấy không hiếm các vị "miệng có gang có thép" một thời, trước khi về hưu đã đặt con cháu vào các vị trí chủ chốt ở tầm quản lý Đất nước; Vi la, nhà lầu, xe hơi… đã đầy đủ, dư thừa; đưa con cháu đi học ở nước ngoài, có đô la, tài khoản, thậm chí có khi là mua đất bên Âu, Mỹ… thì nay, các vị mới lên tiếng, rằng "phải thế nọ, phải thế kia" v.v..

Thực sự, đấy mới là bọn giả cầy, rất đáng khinh bỉ!

Chẳng biết rồi những năm tới đây lại có tổ chức "Học tập và làm theo tấm gương và đạo đức Hồ Chí Minh" như đã từng tổ chức rất rầm rộ, tốn kém kéo dài trong mấy năm nữa hay không; nhưng điều đơn giản nhất như cụ Hồ đã nói "việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh"; nhưng chẳng có ai học và làm cả, bởi vì gắn với quyền lực là tiền (chưa dám nói đến cái "danh", vì hôm nay có thể gọi là "danh", nhưng sau này chưa chắc đã phải là danh; đến bia đá ở Văn Miếu mà ông cha ta còn đục bỏ nữa cơ mà).


Vậy thì ta trông đợi gì với hàng trăm lời "mong", "kính mong"... mà bao năm qua các nhà khoa học, giới trí thức và nhân dân đã đề đạt?!

Lại nhớ đến một đoạn trong Blog của GS Ngô Bảo Châu, vốn đã rất nổi tiếng trong nền báo chí nước ta trong năm 2010.

"Bám theo lề là việc của con cừu, không phải là việc của con người tự do".

Tiếc thay, giới trí thức mà môt phần trong số đó được xã hội tôn vinh là tầng lớp tinh hoa, có vinh dự và chịu trách nhiệm hướng dẫn xã hội đến với những điều tốt đẹp; nhưng đã một thời chỉ biết quay mặt để phò chính thống, tìm đường tiến thân, để được tôn vinh là với đủ các danh hiệu, mà suy cho cùng, đến hôm nay rất nhiều trong số đó đã trở nên vô nghĩa; để rồi, sản phẩm của nó còn đọng lại đến hôm nay là:

Kính thưa các loại… kính mong!

 

Trí thức Việt là những chú vẹt, hót theo & chỉ để làm cảnh, ăn hại...?!


Xin có thơ vui rằng:

Kính thưa các loại… kính mong!
Vì đâu nên nỗi, các ông, các bà?
Bao nhiêu năm, kiếp trâu bò
Quen người dẫn dắt bây giờ… kính mong?!
Kính mong… người có nghe không?
Xin hoài, mong mãi… mà lòng tái tê!

Có thể nhiều người sẽ không đồng ý với tôi qua bài viết này, nhưng không thể nói khác!

14.8.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét