Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Luật sư Nguyễn Văn Đài : Anh hùng Trương Văn Sương (vừa tạ thế!)

Nguồn danlambao

Luật sư Nguyễn Văn Đài (danlambao) - Vào lúc 10.20 sáng ngày 12 tháng 9 năm 2011, trái tim tù nhân chính trị bị giam cầm lâu nhất thế giới đã ngừng đập tại bệnh viện tỉnh Hà Nam. Tù nhân chính trị Trương Văn Sương thọ 68 tuổi, có tất cả hơn 33 năm trong tù. Ông ra đi không chỉ để sự thương tiếc trong lòng những người thân trong gia đình mà còn để sự thương tiếc trong những người có cùng niềm tin vào Chúa Jesus, những bạn bè, đặc biệt là những tù nhân chính trị và thường phạm ở trại giam Nam Hà.

Tôi được đưa đến nhà tù Nam Hà vào ngày 4 tháng 1 năm 2008, khi đó những người tù chính trị ở đây đã kể tôi nghe rất nhiều về chú Sương, họ nói những gì mà tù chính trị ở đây được đối đãi tử tế hơn tù thường phạm là nhờ một phần những đấu tranh trước đây của chú Sương. Trước đây khi nhà bếp mỗi lần nấu cơm không tốt, rau bẩn, hay tiêu chuẩn ăn bị cắt xén, chú Sương thường mang tất cả đồ ăn đó ra nhà văn hóa trại, và yêu cầu ban giám thị tới nhận lại. Hàng tháng khi viết bản kiểm điểm cá nhân, chú Sương luôn viết vào đó là yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, và đưa ra những kiến nghị dân chủ hóa đất nước. Chú Sương cũng còn là tù nhân chính trị bị kỷ luật và bị giam cùm không chỉ nhiều nhất ở nhà tù Nam Hà mà có lẽ nhiều nhất thế giới. Mỗi lần kỷ luật chú Sương, công an nhà tù phải huy động những người to khỏe, người thì bịt mồm, người thì khóa tay, sau đó họ mới áp giải được chú Sương xuống khu kỷ luật.

Khi nghe những câu chuyện về chú Sương, tôi mong ước có dịp được gặp chú một lần. Tháng 10 năm 2008, tôi được họ chuyển sang buồng giam số 6, nơi chú Sương bị giam trước đây. Tất cả những tù nhân ở đây mỗi khi nhắc đến chú Sương, họ đều tỏ ra rất kính trọng chú. Tại nơi biệt giam, chú có nghe về tôi, và thỉnh thoảng chú có gửi cho tôi một chút rau tươi mà chú tự trồng được tại đó. Sau nhiều năm bị biệt giam, vào tháng 9 năm 2009, chú được đưa trở lại buồng giam số 6 chung với tôi và từ đó tôi và chú cùng ăn chung với nhau cho đến khi chú được đưa đi cấp cứu và sau đó được về gia đình chữa bệnh.

Trong thời gian ở đó, chú đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về những năm tháng tù đày gian khổ trong các nhà tù ở phía Nam, sau đó chú bị chuyển ra nhà tù Thanh Hóa và cuối cùng là nhà tù Nam Hà. Trong những năm bị cải tạo ở miền Nam, chú và những người tù ở đó đã phải kéo cày thay trâu trong nhiều năm, cơm ăn không đủ no. Những người tù bị kỷ luật thì cơm bị trộn chung với muối với tỷ lệ 70/30, không cho nước uống. Nhiều người không chịu nổi đã phải tự sát trong buồng giam. Chú Sương có mong ước được gặp lại các con, các cháu trước khi qua đời, nhưng chú cũng có nguyện ước được chết trong nhà tù.

Thượng Đế có lẽ đã hiểu thấu lòng chú, Ngài đã cho chú được thỏa ước nguyện. Tháng 7 năm 2010, chú bị ốm nặng, phải đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Hà Nam, do bệnh viện không có khả năng chạy chữa, nên bộ công an và nhà tù Nam Hà đã cho chú được về gia đình chữa bệnh một năm. Chú đã được thỏa mong ước gặp lại các con, các cháu và những người bà con thân thích. Nhưng có lẽ điều may mắn nhất cuộc đời của chú là khi chú tới Hội Thánh Tin lành Mennonite của mục sư Nguyễn Hồng Quang, chú Sương đã được gặp Chúa Jesus. Chú và con trai Trương Tấn Tài đã đặt niềm tin nơi Chúa, họ đã được cứu rỗi và được hưởng những phước hạnh mà Chúa ban cho. Những người Việt yêu nước ở hải ngoại đã quyên góp giúp chú Sương mua được mảnh đất và xây được một căn nhà nhỏ. Những tưởng chú Trương Văn Sương sẽ được vui vẻ tuổi già với con cháu cho đến khi về với Chúa. Nhưng ngày 15 tháng 8 năm 2011, bộ công an và nhà tù Nam Hà đã đưa chú trở lại nhà tù.

Những ngày ngắn ngủi bên cháu nội

Ước nguyện được qua đời trong nhà tù của chú đã được thỏa nguyện, 10 giờ 20 phút ngày 12 tháng 9 năm 2011, trái tim của người anh hùng đã ngừng đập. Đức Chúa Trời đã đưa linh hồn chú Trương Văn Sương về Thiên đàng vinh hiển, ở nơi đó chú không còn phải chịu cảnh ngục tù, không bị những kẻ gian ác rình rập, không phải chịu những cơn đau tim, những lần khó thở. Nhưng phần thân xác của chú hiện vẫn bị giam cầm tại nghĩa trang của nhà tù Nam Hà, phải ba năm sau các con của chú mới có thể đưa xương cốt của chú trở lại quê nhà.

Chú Trương Văn Sương đã để lại một tấm gương sáng cho những người đấu tranh dân chủ ngày hôm nay, đó là sự kiên cường, bất khuất, không lùi bước, không đầu hàng trước cái ác, trước những bất công. Hy sinh cả cuộc đời để tranh đấu cho tự do, nhân quyền. Chúng tôi, những thế hệ con cháu của chú sẽ tiếp tục tranh đấu để đất nước và nhân dân sớm được hưởng tự do, dân chủ. Để những ước mong của chú và những người đã ngã xuống vì tự do, dân chủ sẽ không bao giờ uổng công vô ích.


Ngày 15 tháng 9 năm 2011.

1 nhận xét:

  1. Nguyễn Bá Chổi : Viết cho người vừa nằm xuống - anh hùng Trương Văn Sương

    Nguồn danlambao : http://danlambaovn.blogspot.com/2011/09/viet-cho-nguoi-vua-nam-xuong-anh-hung.html

    Nguyễn Bá Chổi (danlambao) - “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, tôi là người hữu thần nên tin rằng, “người tù lương tâm” bất khuất Trương Văn Sương, sau khi trút hơi thở cuối cùng tại bệnh Nam Hà vào lúc 10 giờ 20 phút buổi sáng ngày 12 tháng 9 năm 2011, để lại thể phách mặc cho thiên hạ “vùi nông một nấm” lạnh lẽo dưới mảnh đất chưa thoát khỏi con mắt tù đày “quản lý”, anh vẫn còn đó phần “tinh anh”, linh hồn Trương Văn Sương.


    Linh hồn Trương Văn Sương vẫn còn đó, không chỉ quanh quất vùng trời biệt xứ nơi anh đã dành gần nửa phần đời để người hành hạ người, hay xuôi Nam về lại mái nhà xưa với con cháu và di ảnh người vợ đã chết vi mỏi mòn mong ngóng chồng biền biệt mãi; nhưng linh hồn anh còn được hoà nhập vào hồn thiêng sông núi bàng bạc mọi nơi trên đất nước Việt Nam,Tổ Quốc thân yêu mà anh hằng ôm ấp, chiến đấu giữ gìn bằng sinh mạng mình,và hiện hữu bên những ai đang tưởng nhớ đến anh. Với niềm tin chắc như thế, tôi viết bài này.

    Trước khi nêu lý do tại sao tôi lại gửi đến Anh tâm tình của một người xa lạ, tôi kính dâng lên Anh nén hương lòng tiễn biệt phần thân xác Anh đã trở lại bụi đất mà từ đó Anh “hóa kiếp con người” qua 68 năm.Thắp một nén hương lòng, hay thầm thì một lời cầu nguyện, mấp máy một câu kinh cho người vừa nằm xuống, là điều ai cũng có thể làm được, không buộc phải quen biết nhau.

    Tôi thấy Anh từ trong làn khói hương bước ra lừng lững như người lính trở về từ mặt trận trong hào quang chiến thắng. Linh hồn người tù Trương Văn Sương đã chiến thắng những tên chúa ngục ác ôn bậc nhất thế gian của tà đạo. Vòng hoa nào đủ xứng đáng để choàng lên cổ người chiến sĩ kiên cường không mảy may khuất phục trước một kẻ thù chuyên chính bạo lực và mưu ma thua chước quỷ chạy, dòng dã suốt ba mươi ba năm.

    Ba mươi ba năm giam cầm hành hạ tra tấn một con người “đòi lật đổ chính quyền” với vũ khí hai bàn tay trắng đã thực sự mang lại cho nhà nước của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa -- cái chủ nghĩa đã bị chính “tổ quốc “ đẻ ra nó phải “ăn năn” vứt vào bãi rác trên hai thập niên -- tấm bằng kỷ lục “vượt thời gian” về quyền... tù hãm con người !

    Một tấm kỷ lục khác mà chỉ có nhà nước CHXHCNVN độc quyền là “Làm sao giết được người trong... tù”. Không như các nơi khác trên thế giới này, ở đó dù chế độ nhà tù có gian ác đến đâu, người ta cũng còn chút lòng trắc ẩn với tù nhân đang chờ về thế giới bên kia và ban cho họ chút ân huệ theo nguyện vọng của đương sự hay thân nhân là được tha về để chết tại nhà, nhà cầm quyền đã chẳng đã động gì đến thỉnh nguyện của con Anh, bất chấp những yêu cầu của nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế, quyết bắt Anh trở lại nhà tù trong tình trạng suy tim cấp ba mà Anh lượng sức “Ba ra đi lần này sẽ không còn ngày trở lại”. Anh đã chết trong nhà tù chưa tròn một tháng sau.

    “Anh không chết đâu anh; Anh chỉ về với mẹ mong con”. Tôi nghe văng vẳng bên tai lời ai hát cho một chiến hữu của chúng ta đã anh dũng hy sinh trên chiến trường gần bốn mươi năm về trước. So sánh thời gian chiến đấu, những cam go, tương quan lực lượng, bối cảnh hậu phương, Trương Văn Sương lại càng “không chết đâu anh”; và tin chắc Mẹ Việt Nam đã tự hào khi có được đứa con mẹ mong đợi trở về với vòng nguyệt quế.

    Anh đã chiến thắng vì chính cái chết của Anh trong một hoàn cảnh như thế đã chứng minh hùng hồn không thể chối cãi, rằng đó là một chế độ vô nhân tính mà bấy lâu nay vẫn không ít kẻ còn mù mờ trước Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Phong Trào Xét Lại, Huế Mậu Thân, Tập Trung Cải Tạo, Đánh Tư Sản Mại Bản, Vùng Kinh Tế Mới, và gần đây nhất là Đàn Áp Người Yêu Nước Biểu Tình Chống Xâm Lăng.

    Anh hùng Trương Văn Sương, mong sao linh hồn Anh hoà vào hồn thiêng sông núi sẽ là nhừng làn sương đổ xuống đồng cỏ cằn khô đang mong đợi được hồi sinh.

    Trả lờiXóa