Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

RFA. Nhà văn Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập - blog quechoa)

Nguồn RFA

2011-09-17

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu tác giả của hai tập tạp văn "Ký ức vụn" và "Bạn văn" đó là nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Trong vài năm trở lại đây hàng ngàn trang blog liên tiếp nổi lên với nhiều khía cạnh hấp dẫn người đọc khi mà những trang báo giấy ngày càng rời xa độc giả do bị ràng buộc và viết theo định hướng bởi guồng máy nhà nước. Các trang blog nhanh chóng thay thế báo lề phải để chuyển tải thông tin cũng như những bài viết chắc chắn không thể xuất hiện trên bất cứ tờ báo nào trong nước.

Bọ Lập và trang blog "Quê Choa"

Trang blog "Quê Choa" của nhà văn Nguyễn Quang Lập ngay từ ngày đầu tiên ra mắt đã được công dân mạng chú ý. Có thể do tên tuổi của anh đã có từ trước và cũng có thể do cách viết khá độc đáo đã làm người đọc chú ý, thích thú và chuyền nhau đường link tới trang này.

Số người vào trang "Quê Choa" cho tới nay đã lên hơn chục triệu lượt. Con số lớn lao này đã nói lên sự thành công của trang "Quê Choa" một cách thuyết phục và một phần do chính hai tác phẩm xuất phát từ trang blog này được in ra trên sách đã như sức hút khó kềm lại đối với công dân mạng.

"Ký ức vụn" in ra năm 2009 trở thành best seller đối với thị trường sách Việt Nam khiến trang blog "Quê Choa" càng nổi tiếng hơn. Quyển tạp văn này mang một nét mới của văn học Việt Nam do cách kể chuyện bằng khẩu văn của tác giả. Nhiều bài điểm sách cho rằng cách kể chuyện của Nguyễn Quang Lập làm người ta say mê. Đọc nó như đọc Kim Dung và không thể bỏ quyển sách xuống khi chưa tới trang cuối.

Nguyễn Quang Lập thích được gọi là Bọ Lập, bởi quê hương Quảng Bình luôn theo anh trong mọi trang sách anh viết ra. Phương ngữ đặc thù Quảng Bình làm nên tên blog"Quê Choa", và Bọ Lập đi đâu cũng kín đáo giới thiệu nét đặc thù của quê anh qua cách viết, cách kể chuyện bằng chính ngôn ngữ quê hương mình.

Nhà viết kịch xuất sắc

nguyen-quang-lap-200.jpg
Nhà văn Nguyễn Quang Lập. Photo courtesy of blog Quê Choa.
Nguyễn Quang Lập nổi tiếng trước khi viết blog và tạp văn. Anh sáng tác trên nhiều lãnh vực trong đó có văn học, kịch bản sân khấu và kịch bản điện ảnh. Tác phẩm"Đời cát" do anh viết kịch bản phim đoạt giải vàng Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương, giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 và nhiều giải thưởng khác. Phim "Thung lũng hoang vắng" cũng do anh viết kịch bản đoạt giải Fipresci, Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. Cũng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13, với thành công của Đời cát vàThung lũng hoang vắng, Nguyễn Quang Lập được trao giải Nhà biên kịch xuất sắc nhất.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập muốn chúng tôi gọi anh là Bọ đúng theo tinh thần mà anh vẫn giữ như từ trước tới nay: gắn bó và viết từ dòng chảy của non nước Quảng Bình. Trước tiên Bọ cho chúng ta biết về giai đoạn đầu khi anh chính thức bước chân vào sáng tác văn học:

Nguyễn Quang Lập: Lúc đầu tôi định viết một cuốn sách tầm cỡ theo kiểu Mỹ La tinh, ảnh hưởng của Marquet, dự định có tựa là "Bảy mươi chín niềm tin", viết khoảng 80 trang A4. Khi đó nghe tin Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các nhà văn Hà Nội, đổi mới mà .... cho nên mình háo hức quá nên dẹp luôn ý tưởng của "Bảy mươi chín niềm tin", và dự định viết về hiện thực phê phán. Cuốn "Những mảnh đời đen trắng"bị ảnh hướng rất lớn nhờ buổi nói chuyện của ông Nguyễn Văn Linh và niềm tin rất là thành thật. Mấy cuốn này mình viết trong vòng hai mươi ngày.

Mặc Lâm: Và sau đó thì cuốn sách này bị đánh dữ lắm phải không?

Nguyễn Quang Lập: Sau đó thì bị đánh kinh lắm! Khoảng bảy tám chục bài, các báo địa phương lẫn báo trung ương cũng như một chương trình truyền hình của đài Quân đội trung ương họ tổ chức đánh tôi một cách rất nặng nề, đại khái thế. Nó đấu tố đến mức mà ông Vũ Tú Nam, ông nhà văn rất hiền lành cũng phải phản ứng. Ông phản ứng với chương trình đó.

Mặc Lâm: Thế bọ có thể kể chuyện về viết kịch bản điện ảnh...câu chuyện xảy ra như thế nào? Chắc là hấp dẫn lắm, bởi đoạt luôn một lúc mấy cái huy chương...

Tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ một cái gọi là đói! Tôi phải kiếm tiền kể cả văn chương lẫn tất cả mọi thứ, trừ thơ ra!

Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Quang Lập: Tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ một cái gọi là đói! Tôi phải kiếm tiền kể cả văn chương lẫn tất cả mọi thứ, trừ thơ ra! Từ khởi điểm bắt đầu mình làm thơ thì rất hồn nhiên. Thích thì làm thôi, còn mọi việc trên đời này đều do nhu cầu kiếm sống!

Năm 94-95 tôi đem cả gia đình ra Hà Nội, lúc đó khổ lắm, làm cái nhà nhưng bị thiếu tiền, bạn tôi là đạo diễn Vương Đức ông ấy bảo là "tại sao mày thiếu tiền mà không hỏi mượn tao?" Sau đó ông cho tôi vay 700 đô! 700 đô hồi ấy lớn lắm. Sau khi tôi làm nhà xong các thứ ông ấy nói "bây giờ tao không bắt mày trả tiền tao đâu, mày làm phim đi tao trừ số tiền đó cho mày". Đây là loại phim TV, phim 1 tập.

Sau đó tôi làm phim truyện "Ngày nghỉ phép cuối cùng" đó là phim đầu tay của tôi, phim video một tập. Còn phim thứ hai là phim "Đời cát", phim này do Thanh Vân đưa truyện ngắn cho tôi bảo tôi chuyển thành kịch bản phim.

Mặc Lâm: Và khi "Đời cát" xuất hiện thì khán giả đón nhận như thế nào?

Nguyễn Quang Lập: Lúc đầu khi mới chiếu thì phim này không ai xem cả. Không phải vì phim dở mà bởi vì cái thói quen của người dân người ta không đến rạp vì không thích xem phim Việt Nam cho nên phim Việt Nam mà lại đầu đề là"Đời cát" thì chả ai màng.

Một hôm tôi đến rạp Tháng Tám, lúc đó đến giờ chiếu rồi mà trong rạp chỉ có tám người! Nhưng khi cuộn phim này được giải thì người xem khủng khiếp luôn! Người xem phim đông nghịt, tất cả các rạp trong cả nước một ngày chiếu ba xuất vẫn không phục vụ nổi,. Đây chỉ là hiệu ứng giải thưởng thôi chứ không phải là gì cả.

Nhờ blog viết nhiều hơn

ky-uc-vun-200.jpg
Bìa sách "Ký ức vụn". Photo courtesy of blog Quê Choa.
Mặc Lâm: Sau tai nạn tưởng chừng như cướp mất luôn trí tuệ của Bọ làm cách nào mà Bọ chống chỏi lại được hoàn cảnh gần như liệt nửa người để mà bước chân vào không gian mạng như một người chuyên nghiệp? Trước đó thì thế giới computer đối với Bọ ra sao?

Nguyễn Quang Lập: Một điều bất ngờ là năm 1996 tôi đến chơi nhà của Bảo Ninh tôi thấy có một máy vi tính và tôi rất phục. Tôi không biết làm sao mà nó vận hành được như vậy. Phục lắm nhưng trong đời mình chưa bao giờ có một cái máy vi tính cả. Hồi đó mình quan niệm rất là ấu trĩ, viết văn thì phải viết bằng giấy! Viết bằng máy thì chẳng ra làm sao cả! Phải có tâm, chuyển từ óc xuống tay mình cầm bút mới được, chứ máy vi tính thì chả là gì đâu!

Nhưng cuối cùng thì vợ kê cho một máy tính trên giường, vì không đi được. Trước tiên chỉ tập đánh máy thôi.

Mặc Lâm: Còn việc viết blog thì diễn tiến ra sao? hình như lúc đó các trang blog chưa thịnh hành lắm làm sao Bọ phát hiện được việc viết blog sẽ ảnh hưởng tới người đọc?

Nguyễn Quang Lập: Thật sự tôi hoàn toàn không biết gì về blog! Có một cô học trò tôi dạy ở Hà Nội đề nghị tôi lập blog. Lúc đó tôi hỏi blog là cái gì? Cô ấy trả lời blog là một loại nhật ký cá nhân để ngỏ, hay lắm! Tôi nghĩ đó là trò trẻ con, trò của mấy cô sinh viên chứ mình già rồi làm mấy thứ ấy làm gì!

Con bé nhà tôi lúc ấy nó học lớp 9 nó bảo là để nó lập cho tôi một cái blog rồi nó ép tôi bảo viết đi!

Nghe lời con tôi viết xong một blog. Viết cái entry đầu tiên xong tôi để đó chả để ý tới nó, quên luôn không nhớ nữa. Vài ngày sau mở ra thấy bao nhiêu là comment! 

Phải nói thật nhờ blog tôi sống nhông hơn và nhờ blog tôi viết nhiều hơn.

Nguyễn Quang Lập

Mình quá ngạc nhiên, sau đó suy nghĩ thấy rằng blog có tính chất rất tuyệt vời! Rất tuyệt vời! Tại vì mình ở nhà một mình, bản thân thì què không đi đâu cả, con cái đi học, vợ đi làm một mình, mình ở trong bốn bức tường lạnh ngắt không có gì cả.

Tại sao mình không mở blog để nghe những tiếng comment, nghe chính người khác trò chuyện với mình? Đấy là một niềm vui vô cùng luôn vì hàng ngày nghe tiếng lao xao của comment. Thấy phấn khởi và yêu đời hơn! Thật sự như thế. Phải nói thật nhờ blog tôi sống nhông hơn và nhờ blog tôi viết nhiều hơn.

Mặc Lâm: Ý Bọ nói nhiều hơn là sao? Là so với trước khi bị tai nạn phải không?

Nguyễn Quang Lập: Với trước khi tôi bị tai nạn. Tôi viết văn từ năm 20 tuổi nhưng chỉ trong vòng 2 năm tôi viết blog, khối lượng tôi viết gấp 4 lần so với tất cả những năm tôi không què quặt. Đó là cái nhu cầu. Nhu cầu tiếp xúc với bạn đọc. Nghề viết văn tóm lại là sự chia sẻ. Một khi mình nhìn thấy sự chia sẻ thật sự thì mình rất háo hức, háo hức lắm và mình viết không biết mệt.

Ký Ức Vụn và Bạn Văn ra đời

ban-van-200.jpg
Bìa sách "Bạn văn". Photo courtesy of blog Quê Choa.
Mặc Lâm: Và Ký Ức Vụn ra đời cũng từ trang blog này phải không Bọ?

Nguyễn Quang Lập: Hoàn toàn đúng vậy nhưng mình không để ý. Ông bạn nhà văn dịch giả Đoàn Tử Huyến bảo mình in những bài viết trên blog ra vì theo ông Huyến thì những bài này rất hay và sẽ hấp dẫn người đọc trên sách.

Khi đó mình chả để ý gì tới, nhưng khi in ra thì sách bán chạy khủng khiếp luôn! Có thể nói lúc đó vào năm 2009 tôi thật sự bất ngờ vì mình viết theo loại văn khẩu văn, mình bịa ra loại khẩu văn gọi là văn nói, cho nên mình cứ nghĩ người ta quen loại văn kia rồi ai coi loại văn này làm gì! Nhưng không ngờ kể cả những người bình thường hay có học đều rất thích thú!

Tôi nhận được hàng trăm, hàng nghìn những tin nhắn của bạn bè, của những người không quen nhiều người nói: "ông ơi vợ tôi đang đọc sách của ông mà cười như thế này..."

Mặc Lâm: Và rồi từ "Ký ức vụn" qua "Bạn văn" có sự tính toán, xếp đặt nào khác hơn hay không?

Nguyễn Quang Lập: Không có một tính toán nào cả. Bởi vì trong "Ký ức vụn" tôi chỉ in khoảng 20 mẫu chuyện của "Bạn văn" thôi, còn lại tôi nghĩ rằng thôi mình viết "Bạn văn" thì cũng như vẽ lại những chân dung văn học. Mình thấy rất nhiều người khen. Vì được khen nên cũng cố gắng viết nhiều lên. Sau khi đã thu thập nhiều rồi thì tính chuyện in thành sách. Lúc đầu định đặt là hí họa, hí họa văn chương, chỉ là vui không có ý gì. Suy nghĩ lại mình có nhiều chân dung rồi sao không in thành sách? Lúc đó cũng có gợi ý của mấy ông bên Nhà xuất bản Trẻ nên in thôi.

Mặc Lâm: Tôi có nhận xét thế này, thời gian gần đây trang blog "Quê Choa" của Bọ xuất hiện nhiều bài có tính thời sự rất lớn. Điều này mới xảy ra sau này hay trước đây Bọ cũng đã có những bài viết như thế này rồi?

Nguyễn Quang Lập: Không. Trước đây "Quê Choa" chỉ lập ra để viết văn chương cho vui thôi chứ không nói chuyện thời sự báo chí gì đâu, nhưng dần dà thấy nhiều chuyện chướng tai gai mắt quá, mình là thằng nhà văn mà không lên tiếng thì chẳng ra làm sao cả, thế nên tôi buộc phải lên tiếng thôi chứ còn lúc đầu chỉ làm một blog văn chưong cho vui chứ không có ý định làm cái gì cả. Nhưng dần dần cuộc sống nó đập vào mình, nó buộc mình phải lên tiếng. Nếu không lên tiếng thì mình thấy nó thế nào! Không được! Không xứng đáng là một thằng nhà văn! Buộc phải lên tiếng.

Mặc Lâm: Những bài viết thời sự của Bọ được rất nhiều comment tán thưởng, nhưng bên cạnh đó Bọ có bị phiền toái nào đến từ phía chính quyền hay không?

Bởi vì trong "Ký ức vụn" tôi chỉ in khoảng 20 mẫu chuyện của "Bạn văn"thôi, còn lại tôi nghĩ rằng thôi mình viết "Bạn văn"thì cũng như vẽ lại những chân dung văn học. 

Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Quang Lập: Hoàn toàn không! đó là điều rất là may mắn! Tôi nói đùa với ông Đỗ Trung Quân với ông Huy Đức là họ có đuôi còn tôi không có đuôi! Tôi không bị mọc đuôi! Đơn giản là vì tôi què tôi có chạy đàng trời nếu có ai người ta muốn bắt. Họ theo tôi làm gì! Nhưng tôi biết có một sự khó chịu, một sự khó chịu nào đó, mơ hồ, nhưng cụ thể thì không có.

Mặc Lâm: Vâng bây giờ xin quay lại với "Bạn văn" tôi đọc thấy rất nhiều điều rất thích thú, nó có tính cách phác thảo chân dung văn học rất rõ mà chỉ có ngôn ngữ Bọ Lập mới viết được, trong đó tôi đặc biệt chú ý câu chuyện của ông Xuân Diệu khi chính Bọ chứng kiến sự nóng giận của ông ấy và viết lên.

Đó là những nét hiếm thấy trong chân dung văn học. Đây cũng là đặc trưng của "Bạn văn", trong đó có rất nhiều chi tiết của những khuôn mặt khác nữa. Mỗi người một phong cách riêng mà Bọ nhìn ra. Tôi thắc mắc là Bọ lưu giữ những chi tiết ấy trong trí nhớ hay là Bọ ghi xuống vào lúc ấy rồi viết lại?

Nguyễn Quang Lập: Thật ra mình làm chân dung thì cũng giống như vẽ vậy. Cố gắng tìm một nét gì đặc trưng nhất của người ta, mình chọn lọc rồi viết ra. Giống như ông Xuân Diệu tôi quen ông ấy 8 năm trời, rất nhiều chuyện mình biết đặc sắc chứ. Nhưng từ góc nhìn của mình mà tạo ra một chân dung vừa ý mình. Tôi rất ghét loại chân dung ca ngợi nhau, khen nhau, tâng bốc nhau... đó không phải chân dung! Đó là bản báo cáo thành tích chứ không phải chân dung.

Quý vị vừa nghe một ít chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ nhân trang blog "Quê Choa" và hai tác phẩm Ký ức vụn và Bạn văn từ trang blog này.

Trong chương trình VHNT tuần tới Mặc Lâm sẽ gửi đến quý vị bài viết chi tiết về tác phẩm "Bạn văn" của nhà văn Nguyễn Quang Lập, mời quý vị đón theo dõi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét