Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Tống Văn Công : Thực tế về những vấn đề cơ bản của nhân quyền và các quyền tự do (bài cũ 2010)

Nguồn haydanhthoigian


Đây là một đoạn trích trong bài "Kỷ niệm lần thứ 65 CMT8 và Quốc khánh 2-9: chỉ có một thứ dân chủ, nhân quyền" của tác giả Tống văn Công viết năm 2010. Giá trị, ý nghĩa thực tế vẫn còn nguyên. Lại một năm nữa trôi qua, cần phải nhìn lại mình, nhìn xung quanh xem ta đang ở đâu, chổ nào trên con đường tự do, dân chủ.

..Số đông đảng viên cộng sản đi vào cách mạng chỉ với lòng yêu nước. Hai cuộc kháng chiến đã làm cho họ nhìn phương Tây với ý thức đối lập. Khi nghe lý thuyết tự do, dân chủ của Đảng đã lãnh đạo kháng chiến thắng lợi thì tất cả đều tin rằng một Đảng gồm toàn những người đã "vô sản hóa" thì không thể trở thành độc tài, phản dân chủ, tham nhũng, càng không thể liên minh với kẻ thù dân tộc. Thực tế cuộc sống diễn ra càng ngày càng khác xa những gì mà họ từng mong ước.

Tống văn Công

Hiến pháp 1992 của ta từ điều 50 đến 70 ghi nhận nhân quyền và các quyền tự do không thiếu điều gì của phương Tây đòi hỏi:

"Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự đều được tôn trọng, thể hiên ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật.

"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật."

"Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác".

"Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật."

" Công nhân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí;có quyền được thông tin; có quyền hội họp và lập hội theo quy định của pháp luật."

"Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật."

– v. v. và v.v.

Như vậy nếu nhìn vào ngôn từ thì thấy cách nói của ta về những vấn đề cơ bản của nhân quyền và các quyền tự do không có gì trái với phương Tây. Sự trái nhau được ẩn nấp ở cụm từ "theo quy định của pháp luật". Hiến pháp nói công dân có quyền tự do lập hội, nhưng những người lập Công đoàn độc lập, Hội nhà báo tự do… đã nhanh chóng được mời vào trại giam. Nói tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) phải tự giải thể. Gần 700 tờ báo chỉ được phép ở "lề phải" của sự thật và chân lý. Mọi vấn đề lớn của quốc kế dân sinh, thậm chí các cán bộ Đảng phạm pháp cũng phải chờ chỉ đạo của Đảng để nói hay không nói, được nói tới mức nào.

Số đông đảng viên cộng sản đi vào cách mạng chỉ với lòng yêu nước. Hai cuộc kháng chiến đã làm cho họ nhìn phương Tây với ý thức đối lập. Khi nghe lý thuyết tự do, dân chủ của Đảng đã lãnh đạo kháng chiến thắng lợi thì tất cả đều tin rằng một Đảng gồm toàn những người đã "vô sản hóa" thì không thể trở thành độc tài, phản dân chủ, tham nhũng, càng không thể liên minh với kẻ thù dân tộc. Thực tế cuộc sống diễn ra càng ngày càng khác xa những gì mà họ từng mong ước. Cải cách ruộng đất là sự kiện đầu tiên làm cho các đảng viên hiểu ra rằng Đảng quang vinh vẫn có thể phạm những sai lầm của thời trung cổ mông muội!

Cuộc "tự diễn biến" đầu tiên là của một số cán bộ cốt cán của Đảng tiếp nhận sự chuyển động hướng về tự do dân chủ ở Liên Xô do Nikita S. Khrushchev khởi xướng: Chống sùng bái cá nhân lãnh tụ, phê phán hành động độc tài của Stalin, thực hiện Đảng toàn dân, Nhà nước toàn dân, thực hiện dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 9, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, nhưng vẫn không thuyết phục được các đảng viên này: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Nguyễn Kiến Giang, Dương Bạch Mai, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Trần Minh Việt, Vũ Thư Hiên, Huy Vân…

Sau đổi mới, mở cửa, sự hòa nhập với thế giới đã mở mắt cho nhiều đảng viên cộng sản nhận ra nguyên nhân thất bại của mô hình xã hội chủ nghĩa Stalin là do rời bỏ những giá trị của nền văn minh nhân loại (nhân văn, tự do, dân chủ, sở hữu tư nhân, xã hội công dân, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, chế độ đại nghị) cưỡng bức cuộc sống đi vào ngỏ cụt của chuyên chính vô sản, sở hữu toàn dân, kinh tế kế hoạch tập trung, nhà nước toàn trị, xã hội trại lính. Các đảng viên cộng sản biết được lý thuyết Marx – Lênin mà mình tin theo mấy chục năm qua thật ra là của Lênin, Stalin. Bởi vì sau khi giải tán tổ chức Đồng minh những người cộng sản (ngày 17 – 11 1852), Karl Marx và F. Engels không chủ trương làm cách mạng vô sản bằng biện pháp bạo lực nữa, vì cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi. Hai ông cùng chỉ đạo xây dựng đảng xã hội dân chủ. Sau khi Karl Marx qua đời (năm 1883), F. Engels họp đại biểu phong trào công nhân thế giới vào tháng 7 năm 1889 thành lập Quốc tế thứ 2, chủ trương đấu tranh nghị trường, thực hiện tự do, dân chủ bằng nhà nước pháp quyền. Ngày 6 tháng 3 năm 1895, Engels viết lời nói đầu cho quyển sách Đấu tranh giai cấp ở Pháp, có đoạn như sau: "Lịch sử chứng tỏ chúng ta mắc sai lầm. Quan điểm của chúng ta ngày ấy là một ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều điều hơn, không những xóa bỏ mê muội của chúng ta mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 đã lỗi thời về mọi mặt " (1848 là năm ra đời Tuyên ngôn của Đảng cộng sản). Quốc tế 2 là tiền thân của Quốc tế xã hội sau này, đã lãnh đạo nhiều quốc gia trở thành dân chủ giàu mạnh.

Những người hô hào chống "diễn biến hòa bình", chống "tự diễn biến", không hiểu rằng từ Quốc tế 1 đến Quốc tế 2 là một quá trình "diễn biến hòa bình" rất tốt đẹp làm cho chủ nghĩa xã hội tìm được sức sống. Cả K. Marx và F. Engels đều không ngừng "tự diễn biến", kịp thời nắm bắt được tình thế thay đổi, để tìm ra lời giải mới cho cuộc sống nhân loại.

Sau đổi mới, một lớp đảng viên ưu tú nhất đã tiếp tục "tự diễn biến": Trần Xuân Bách, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lữ Phương, Lê Hồng Hà, Tô Hải, Phạm Đình Trọng, Đỗ Xuân Thọ… có thể kể cả các vị Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Khắc Viện…

Nhờ hội nhập toàn cầu, có áp lực của dư luận tiến bộ trên thế giới, cho nên những biện pháp chuyên chế không thể thực hiện lộ liễu, chỉ những người có hành động quá quyết liệt như Nguyễn Hộ mới bị trấn áp. Hơn nữa, những đảng viên "cấp tiến" ngày nay không còn bị đơn độc như những người trước kia. Hiện nay đã có những lớp lớp trí thức trẻ vượt lên họ, đi trước họ, quyết liệt hơn họ, vô hình trung đã bảo vệ và khuyến khích họ.

Tôi may mắn được trò chuyện nhiều lần với Trần Xuân Bách khi ông còn là ủy viên Bộ Chính trị. Một lần tại nhà riêng của ông trên đường Phan Đình Phùng, tôi hỏi: "Đòi đa nguyên, đa Đảng, anh có sợ Đảng bị mất độc quyền lãnh đạo không?". Ông đáp: "Dân tộc mình đang hết sức cần thiết phải có tự do dân chủ để phát triển nhanh chóng, đuổi kịp thời đại, sau khi đã bị tụt hậu quá xa. Phải có đa nguyên, đa Đảng thì mới thực sự có dân chủ. Đảng phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên. Hơn nữa, phải nhận thức rằng khi không còn ở thế độc quyền, Đảng sẽ có nhiều điều kiện để thoát khỏi tham nhũng, sẽ gần dân hơn, được dân tin cậy hơn. Một Đảng gắn bó với dân, được dân tin cậy thì không bao giờ thất bại".

Tiếc thay, những người lãnh đạo thiển cận không nhận thức được chân lý rất giản đơn như Trần Xuân Bách. Tệ hại hơn có người còn cho rằng năm 1945 Đảng còn yếu nên phải thực hiện dân chủ để lôi kéo nhân dân thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Quả là một cách nghĩ phản bội nhân dân! Từ lâu, người Nhật, người Hàn Quốc… đón nhận chân lý phải có dân chủ mới có giàu mạnh, đã đưa đất nước họ lên hàng đầu thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét