Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Trúc Xanh : Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn

Nguồn chuacuuthenews

VRNs (21.09.2011) – (Tưởng nhớ những người Công giáo đang bị nhà cầm quyền giam cầm bất hợp pháp, đặc biệt 3 thành viên của Gia đình Truyền thông Chúa Cứu Thế

Sau tháng Tư 1975 cha mẹ tôi dời nhà đến đường Trương Minh Giảng, quận Ba, Sài Gòn. Từ đó mỗi Chúa Nhật tôi thường đi lễ ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ nằm trên đường Kỳ Đồng nên thường được gọi tắt là "Nhà thờ Kỳ Đồng".

Có khi tôi đi xe đạp, có khi đi bộ. Nếu đi bộ thì trên đường về nhà thế nào cũng phải tấp vô đâu đó ăn hàng. Vào những năm 80, suốt từ chợ Trương Minh Giảng (*), sau 1975 bị đổi tên là Lê Văn Sĩ (**), tới đường Kỳ Đồng là một dọc những quán vỉa hè, gánh hàng rong; ngay bên cạnh nhà thờ cũng có một một khoảnh đất với hàng quà thứ.

Nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn

Đi nhà thờ không nhắc tới Chúa mà chỉ kể toàn món ăn hàng thì thiệt tệ quá, nhưng tuổi trẻ của tôi là thế đó, ham ăn ham chơi, chẳng để ý gì nhiều tới chung quanh.

Tính tôi ham vui từ hồi nhỏ. Hồi nhỏ, có lần mẹ cũng dắt đến đấy (con nít biết đi là phải đi nhà thờ rồi). Con nhỏ ngồi trên ghế nhưng không yên, hau háu mắt nhìn ra ngoài. Nó thấy cả một mảng sân rộng mênh mang, nắng chiếu lấp loá đẹp làm sao. Nó xin mẹ cho con chạy chơi một tí nha. Mẹ chiều con gái út. Và con nhỏ tung tăng chạy nhảy trên sân vắng tanh vì người lớn đều đang chăm chú xem lễ.

Đó là kỷ niệm đẹp nhất của tôi về Nhà thờ Kỳ Đồng. Đó là lúc tôi còn nhỏ lắm, chưa biết đọc chữ nữa kia, nhưng trí óc non nớt trẻ thơ vẫn nhận thấy và ghi nhớ cái không khí tuyệt diệu của ngôi thánh đường ấy, thật trang nghiêm nhưng vẫn rộng mở thật khoảng khoát.

Mãi về sau khi lớn, tôi mới hiểu ra cái cảm giác ấy có được là do kiến trúc đặc biệt của nhà thờ. Nhà thờ Kỳ Đồng rộng bề ngang hơn là cao theo chiều đứng như Nhà thờ Đức Bà hay Nhà thờ Tân Định. Hai bên là hai hàng cửa lớn được che bởi dãy hành lang khá rộng, nhờ đó, khi các cửa được mở hết ra lúc cử hành thánh lễ người ngồi bên trong không hề bị nắng chói hay mưa tạt. Nếu đông quá hết chỗ ngồi, người ta đứng ở hành lang xem lễ cũng rất thoải mái.

Bên trong Nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn

Nhìn từ ngoài, nhà thờ không có gì đặc biệt, không có nét gô-tích cổ kính, cũng không uốn lượn họa tiết Đông phương. Chỉ đến khi bước vào trong, ngồi vào ghế, mới thấy đẹp, cái đẹp của không gian thoáng rộng vì không bị hàng cột vướng tầm mắt, cái đẹp của những phiến tường trắng tinh thanh thoát, tương phản với những hàng ghế gỗ dài màu nâu gụ ấm áp.

Vòm nhà thờ như hai bàn tay chụm lại với nhau, đưa mắt người hướng lên, hướng về tượng Chúa Kitô chịu nạn trên thập giá. Các khung cửa uốn vòm cong với hành lang rộng, tách không gian bên trong với không gian bên ngoài thật vừa vặn đủ để người xem lễ không bị chia trí nhưng vẫn cảm thấy làn gió mát thổi hây hây.

Lời kinh tiếng hát không bị gói giữa bốn bức tường kín nhưng cũng không bị lạc mất hay loãng ra vì vùng sân rộng bao quanh thật yên tĩnh. Chỉ có gió thổi, bóng cây lay động; tất cả dường như muốn nói, mọi sự không có gì khác đâu, bước ra sẽ gặp nhau thôi nhưng bây giờ hãy để tâm hồn nghỉ ngơi một chút, bên Thiên Chúa.

Người đi lễ tự động chia nhau ngồi thành hai bên, nam tả nữ hữu, dù vợ chồng cũng không được ngồi cạnh nhau (lúc đó như thế, không biết giờ này ra sao?) Khi linh mục chủ tế bảo: "Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau", thì ở dưới, hai bên nam và nữ gần như rất đều nhịp cùng quay vào chính giữa, cúi người, gật một cái, sau đó mới quay qua gật đầu chào "phe ta".

Cha tôi thuộc loại người "cấp tiến". Cha biết bên Tây không cúi mình chào chúc bình an như bên Ta mà bắt tay nhau. Một lần cha chơi điệu, đến đoạn Chúc Bình An, thay vì cúi người, gật một cái, cha đưa tay ra, bắt tay ông bạn đứng bên cạnh. Ông bạn trố mắt nhìn cha, ngơ ngác hỏi: "Ô, anh tính về đấy à?"

Không, tôi chưa bao giờ dám "chơi bạo" như cha. Cùng lắm tôi chỉ bạo gan tới mức tự mình xin vào ca đoàn nhà thờ. Không hiểu lúc đó tại sao tôi lại xin vào ca đoàn? Có thể vì những dòng nhạc thánh ca vang lên thanh thoát lạ thường đã quyến rũ tôi, hay, vì tôi đang khao khát có một tập thể để hòa nhập vào, để làm cái gì đó có ý nghĩa hơn là những công việc thường ngày.

Những năm sau 1975, tất cả mọi hội đoàn thanh thiếu niên đều bị cấm đoán, ngoại trừ Thiếu nhi Khăn Quàng Đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng Sản và Thanh niên Xung phong. Tôi đã đeo khăn quàng đỏ vài năm, nhưng lên tới lớp 10 thì lớn rồi, khỏi phải làm "cháu ngoan Bác Hồ" nữa. Thật là thở phào "thoát nạn"!

Còn gia nhập Đoàn hả? Hổng dám đâu, vào đó để học chỉ thị và kiểm điểm mút mùa a? Cũng được "khuyến mãi" tận tình đó chứ, nào là vào Đoàn được nhiều quyền lợi lắm, nào là vào Đoàn được thêm điểm khi thi đại học, v.v. và v.v. Nhưng một anh cùng xóm có lần bảo riêng tôi, "Em lo học đi nha, đừng vào Đoàn. Như anh đây, chỉ vì trước kia anh vào đó lo rồi cứ đi họp đi sinh hoạt, thế là có học hành được đâu, rồi thi rớt đại học. Bây giờ thành dở dang, đi làm nghề phát thơ. Chẳng ra gì hết!"

Tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ dáng anh gày gò trên chiếc xe đạp cũ. Anh và tôi không thân nhau, chỉ quen vì cùng ngõ, vậy mà không hiểu sao anh lại dám nói cho tôi nghe những điều lúc đó bị coi là "nhạy cảm". Dù sao, tôi vẫn nhớ ơn anh đã cho tôi một lời khuyên thật chân tình.

Chúng tôi lớn lên như thế đó, đầy một trái tim nhiệt huyết, không hận thù, không phe phái. Nhưng muốn tìm một cuốn sách hay cũng không có mà đọc, vì mọi quyển sách "ngụy" đều bị đốt hoặc bị cấm, muốn tìm một nơi để chung sức góp tay cũng không có mà tới, vì mọi tổ chức đều phải nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng.

Chúng tôi lớn: còi cây rừng, cỏ dại.
Tuổi thơ chưa kịp ngọt đã chua, lè!
Mỗi trang sách bật lên nghìn dấu hỏi.
Nguyên không gian chưa chỉ dấu đi, về.

Chúng tôi lớn: vào đời không lựa, chọn.
Hoa tình cờ nẻ đá mọc hoang mang.
Suối không mạch, thác không nguồn: chảy ngược.
Ngón vực ngờ khỏ vỡ trán cô đơn. (1)

Những buổi chiều tập hát với ca đoàn phần nào làm tôi bớt thấy lạc lõng. Đây là ca đoàn chính của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Ca trưởng tên Thiện, nên anh lấy bút hiệu Thi Yên. Những bài thánh ca của Thi Yên có nhạc điệu nhẹ nhàng, êm ả; lời giản dị, dễ hát nhưng ý nghĩa lắm. Tới bây giờ, tôi vẫn nhớ vài đoạn, "Cuộc đời như áng mây, trôi nổi lúc hợp tan giữa vời. Đường dài xa khuất xa, lê bước mỏi mê kiếp phong trần", "Dù đời đẹp biết bao, nhưng có đóa huệ nao chẳng tàn. Rồi hồn nghe giá băng, tê tái dấu chôn kín nỗi niềm…"

Chúng tôi thường tập hát trên tầng hai của dãy nhà phía sau nhà thờ. Trước đây, dãy nhà này là tòa soạn báo Tuổi Hoa do linh mục Chân Tín sáng lập. Nhiều người như tôi có lẽ sẽ mãi mãi nhớ tới tờ báo Tuổi Hoa mong mỏng xinh xinh của miền Nam tự do. Hình bìa nào cũng dễ thương với nét họa của ViVi – Võ Hùng Kiệt, những cô gái chàng trai nhìn rõ là người Việt, không phải loại mắt to, mũi thẳng, dáng cao, cằm thon như các hình người Nhật Bản vẽ in trên cặp sách, hộp đựng bút…

Có một truyện ngắn tôi thích lắm. Truyện kể về giờ văn của một lớp trung học vào dịp Tết. Cô giáo dặn mỗi học sinh đem theo ít giấy pơ-luya màu. Trong lớp, mỗi người tự sáng tác một bài thơ, ngắn dài tùy ý, sau đó chép thành nhiều bản. Viết xong, chia cho các bạn trong lớp. Thế là cuối giờ, tất cả đều có một tập thơ bằng giấy màu để làm kỷ niệm. Ngâm nga những bài thơ bạn bè trong không khí ngày Xuân, thật dễ thương làm sao.

Những câu chuyện trong báo Tuổi Hoa thường như thế, nhẹ nhàng, không khuôn sáo, và đầy ắp tâm tình của những người tuổi trẻ. Tiếc tôi lúc ấy chỉ mới là một đứa nhóc con, nếu có đến tòa soạn Tuổi Hoa thì chỉ biết đi quanh trong tiệm sách Đức Mẹ, dán mắt vào tủ kính trưng bày những chuỗi tràng hạt bằng thủy tinh lóng lánh.

Rồi đứa nhỏ lớn lên, và đứa nhỏ vào đại học. Và nó có một tập thể khác, một khung trời khác. Tôi xin thôi không đến tập hát nữa. Tôi cũng không hề về thăm lại ca đoàn.

Ngoài tính ham chơi, tôi khám phá ra mình còn có thêm một tính khác, bạc tình.

Chắc phải bạc tình lắm nên hàng chục năm sau đó, cho tới khi qua Mỹ, tôi vẫn không nhớ gì tới Nhà thờ Kỳ Đồng, ngôi thánh đường của một quãng tuổi thơ. Thỉnh thoảng đôi lần nghĩ ngợi, tuy có nhớ tới nhưng cũng chỉ nhàn nhạt vậy thôi.

Nhưng gần đây, nhiều tin tức về nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn khiến tôi chú ý. Tin về lễ thụ phong linh mục bất chấp sự cấm cản của nhà cầm quyền, tin về các buổi thắp nến cầu nguyện cho những người hoạt động đối kháng, tin các linh mục bị cấm xuất cảnh một cách vô cớ…

Hóa ra có một Nhà thờ Kỳ Đồng khác mà tôi chưa bao giờ biết tới, rất mạnh mẽ, rất kiên cường. và tôi còn biết Dòng Chúa Cứu Thế không chỉ ở trong Nam, Sài Gòn mà còn có Dòng Chúa Cứu Thế ngoài Bắc, Thái Hà và nhiều nơi khác khắp nước Việt. Ôi, thế ra, từ bấy lâu nay, biết bao con người đã âm thầm chịu đựng và không ngừng làm việc, thế mà tôi quá vô tâm, chẳng hay chẳng biết.

Tôi lại bỗng dưng thấy hãnh diện làm sao, vui mừng nữa, như thể gặp lại một người sau bao năm cách xa, thấy người đó vẫn sống đúng, vẫn đứng thẳng, không hề khuất phục.

Nhưng rồi tin dữ ập tới, người ta đã ra tay bắt cóc và đang giam giữ những thanh niên Công giáo. Họ có tội gì? Hay chỉ vì họ là những tín hữu nhiệt thành của Dòng Chúa Cứu Thế? (2)

Một cơn nghẹn dâng lên trong tôi, hai cảnh đời sao mà quá khác! Tôi từ nhà thờ ra thì chỉ biết đi ăn hàng, còn những người bạn trẻ ấy sau khi đi lễ là lao vào những việc thiện nguyện; tôi chỉ biết vui vẻ hát ca, còn họ, phải hằng ngày đối đầu với hiểm ác rình rập chung quanh. Tôi thật muốn nói một lời cám ơn tới họ, những người đang làm cái việc mà tôi đáng lẽ phải làm từ rất lâu rồi.

Bơ vơ đất khách bác cùng tôi.
Riêng bác cay chua nếm đủ mùi.
Tính mạng bao phen gần chết hụt.
Mày râu ba lượt bị giam rồi!
Trời toan đại dụng nên rèn chí,
Chúa giúp thành công tất có hồi.
Nếu phải đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai. 
(3)

Có điều, tôi vẫn thấy an ủi vì tôi biết các bạn trẻ ấy sẽ luôn luôn có một chỗ dựa vững chãi, đó là Dòng Chúa Cứu Thế. Trong tù ngục, tôi biết họ vẫn hát những bài thánh ca, dẫu chỉ hát thầm, và trong tâm họ vẫn lung linh tỏa sáng, ánh sáng của ngàn ngọn nến những đêm cầu nguyện, ánh sáng của Đức tin.

Còn riêng tôi, tôi thường nghĩ tới cái không khí khoảng khoát của khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nơi đó không chỉ có lời kinh và tiếng hát, nơi đó bảo bọc một ánh sáng không ngớt tỏa ngời, ánh sáng của tinh thần Phục vụ và Dấn thân.

Trúc Xanh

___________

(*) Trương Minh Giảng (?-1841), quan bậc nhất của nhà Nguyễn. Ông là người giỏi cả văn và võ (vừa là võ tướng và cũng là một sử gia) được nhiều hàm, tước và từng giữ chức Thượng thư bộ Hộ, Tổng đốc An Giang, Bảo hộ Cao Miên, Tổng tài Quốc sử giám. (Nguồn: Wikipedia).

(**) Lê Văn Sĩ (1910-1948), còn viết là Lê Văn Sỹ, tên thật là Võ Sĩ, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn một thời gian ngắn trước khi bị giết năm 1948 trong một cuộc càn quét lớn của quân Pháp vào vùng Láng Le, Vườn Thơm (Bình Chánh ngày nay.) (Nguồn: Wikipedia).

Chú thích của tác giả
1. Thơ Ở Thời Của Những Người Không Tuổi Trẻ - Du Tử Lê
2. Lại một bạn trẻ người Công giáo vừa bị bắt đột ngột Gia Minh, 08/09/2011, rfa.org
3. "An Mai Quân" 安枚君 (An ủi Mai Lão Bạng – Người dịch: Đào Trinh Nhất) là bài thơ chữ Hán của Phan Bội Châu gởi cho Mai Lão Bạng (tục gọi là Già Châu), một tu sĩ Thiên Chúa Giáo tham gia phong trào Duy Tân bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Lôn.

, Phiêu bồng ngã bối các tha hương
辛 Tân khổ thiên quân phận ngoại thường.
性 Tính mạng kỷ hồi tần tử địa
鬚 Tu mi tam độ nhập linh đường.
驚 Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú
不 Bất thế phong vân đế chủ trương.
賈 Giả sử tiền đồ tận di thản
英 Anh hùng hào kiệt giã dung thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét