Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

TTXVN : NGÀNH NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC SAI LẦM TRONG VẤN ĐỀ LIBI

Nguồn anhbasam

Tài liệu Tham khảo đặc biệt

Thứ Ba, ngày 20-9-2011

TTXVN (Angiê 18/9)

Theo tạp chí "Phát thanh", mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libi (NTC) bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi thể chế này cáo buộc Trung Quốc bán vũ khí cho chế độ ông Gaddafi ngay trong khi cuộc chiến đang diễn ra. Omar Hariri, thành viên NTC, khẳng định vũ khí của Trung Quốc đã được giao cho chế độ Gaddafi và được dùng để chống lại quân nổi dậy.

Giới quan sát nhận xét cáo buộc của NTC phần nào đã làm dậy sóng và Bộ Ngoại giao nước này bị đẩy đến chỗ phải thừa nhận, không phải là không lúng túng, các cuộc trao đổi có diễn ra ở Trung Quốc, nhưng hợp đồng không được ký cũng không được thực hiện. Chuyên gia Pierre Haski cho rằng cùng với sự sụp đổ của ông Gaddfi trước quân nổi dậy được phương Tây hỗ trợ, Trung Quốc phải chịu thất bại ngoại giao thật sự đầu tiên từ khi trở thành cường quốc.


Trong vụ này, Trung Quốc lâm vào thế phòng thủ vì đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết 1970 của Liên hợp quốc cấm vận vũ khí đối với chế độ Gaddafi. Khó có thể tin rằng các cuộc thương lượng vi phạm lệnh cấm vận đó có thể diễn ra mà không được phép của giơí lãnh đạo chính trị, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định. Bởi lẽ đây là các công ty khổng lồ, như Norinco với một triệu nhân công, và cũng đã từng dính líu đến nhiều vụ bán vũ khí gây tranh cãi.

Dù mức độ can dự của Chính quỳên Trung Quốc vào các cuộc tiếp xúc gây sốc đó đến đâu, thông tin được tiết lộ càng làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã tế nhị giữa nước này và phe nổi dậy ở Libi, đồng thời làm nguội lạnh thêm bầu không khí giữa hai bên về vấn đề giải toả tài sản của chế độ Libi cũ. Chủ tịch NTC, Moustapha Abdel Jalil, đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về thái độ bất thường đó. Trung Quốc thực tế đã không ủng hộ lập trường của sáu chục nước và tổ chức đã thống nhất tại Pari, lại còn yêu cầu lãnh đạo mới của Libi bảo đảm lợi ích của mình ở nước này.

Trong con mắt của nhà phân tích Arnaud de La Grange, thông tin về vụ bán vũ khí cho chế độ Gaddafi càng làm Trung Quốc lúng túng về nhiều phương diện. Trước hết, Trung Quốc luôn phản đối can thiệp vào Libi và nhìn chung, về nguyên tắc phản đôid mọi cuộc can thiệp vào các nước có chủ quỳên. Thứ hai, gần đây Trung Quốc mới nỗ lực cải thiện quan hệ với phe nổi dậy ở Libi khi phe này thắng thế trước chế độ Gaddafi. Đấy là chưa nói đến lợi ích thương mại rất lớn của Trung Quốc ở nước này, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ. Theo ông Arnaud de La Grange, lãnh đạo Trung Quốc có thể có hai cách lựa chọn: hoặc không thừa nhận sự kỉêm soát hoàn toàn mà nước này vẫn từ nhiều năm nay, hoặc chịu trách nhiệm đối với hành động của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.

Trung Quốc cũng đã từng bị các nhà lãnh đạo mới của Libi phê phán. Họ còn để lộ ý định sẽ tính tới thái độ của Trung Quốc đối với quân nổi dậy trong việc phân chia lại hợp đồng dầu mỏ vốn là vấn đề chốt đối với Trung Quốc (giống như tất cả các bên tham chiến…). Có tới 10% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Libi được bán cho Trung Quốc trong năm 2010.

Mười ngày sau khi chế độ Gaddfi sụp đổ, Trung Quốc vẫn chưa công nhận NTC, thậm chí còn không cho phép trả lại chính quyền mới ở Libi tài sản của nước này ở nước ngoài bị phong toả từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng. Tại hội nghị quốc tế giúp Libi ở Pari, Trung Quốc chỉ cử một Thứ trưởng Ngoại giao đến dự. Theo chuyên gia Pierre Haski, đó là dấu hiệu cho thấy nước này không muốn giúp đỡ chính quyền mới ở Libi. Vấn đề Libi khiến giơí lãnh đạo Trung Quốc đau đầu mà chưa tìm được giải pháp. Họ bị kẹt giữa nỗi lo sợ lợi ích kinh tế bị ảnh hưởng xấu và nỗi ghê sợ khi phải công nhận những kẻ nổi dậy đã lật đổ "người bạn" của mình. Chính từ đó mà ngành ngoại giao Trung Quốc mắc phải hai sai lầm.

Từ 10 năm trở lại đây, ngành ngoại giao Trung Quốc hoạt động rất tích cực cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, song hiện đang phải trả giá vì đã không dự báo được kết cục của cuộc khủng hoảng Libi. Hai yếu tố cho thấy Trung Quốc đã không  nhận ra vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc đánh giá quá mức sự suy yếu của phương Tây và năng lực quân sự của các nước này trong việc mở một mặt trận mới trong khi các cuộc chiến ở Ápganixtan và Irắc đang tiếp diễn. Thứ hai, Trung Quốc không nắm bắt được các vấn đề nội tại của các nước Arập, đặc biệt là động lực của các cuộc cách mạng khởi đầu ở Tuynidi hồi tháng 12/2010.

Chuyên gia Pierre Haski đánh giá là cuộc khủng hoảng "trầm trọng" và thật sự là cuộc khủng hoảng "nghiêm trọng nhất" của ngành ngoại giao Trung Quốc từ khi nước này hưởng quy chế (không được công bố) cường quốc. Cuộc khủng hoảng rất có ý nghĩa ở chỗ ngành ngoại giao Trung Quốc hiện nay hoàn toàn bị dẫn dắt bởi lợi ích kinh tế của nước này, mức độ cần có nguyên liệu và sự cần thiết phải có thêm thị trường mới.

Tất cả các cường quốc trên thế giới đều hành động tuỳ thuộc vào lợi ích kinh tế của mình, song Trung Quốc lại thực hiện điều đó "một cách sống sượng" mà không có được vỏ bọc nhân văn của các nền dân chủ phương Tây.

Trong cơn bão táp cách mạng hiện nay ở thế giới Arập, Trung Quốc với vị thế hiện nay không đủ khả năng để đối phó với các tình huống thay đổi rất nhanh trong đó dân chúng là người nắm quyền chủ động. Pháp cũng đã thấy được mình bất lực trong cuộc đối đầu với các chế độ độc tài như ở Tuynidi như thế nào, song đã nhanh chóng đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Lợi ích của các nền dân chủ phương Tây thích ứng với khả năng duy trì hay đánh đổ chế độ tài, can thiệp hay không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước thứ ba. Trung Quốc không có được sự mềm dẻo đó mà ngược lại, lại đe doạ không cho vào thị trường nội địa của mình hay không cấp tài trợ.

Đối mặt với Libi hiện nay, cũng giống như với NaUy hồi năm ngoái, đe doạ như vậy không có tác dụng vì cả Libi lẫn NaUy đều có khả năng thanh toán nhờ có dầu mỏ. Chính Trung Quốc mới là nước cần dầu mỏ chứ không phải ngược lại. Thêm vào đó là chế độ mới ở Libi gần như không có nhu cầu phải tôn trọng Trung Quốc vốn đã từng ủng hộ Gaddafi.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ xem xét lại lập trường và thái độ của mình để không mắc lại những sai lầm như trước đó. Trường hợp Xyri có nguy cơ sẽ đẩy Trung Quốc vào một vị thế không dễ dàng khác, trước áp lực quốc tế ngày càng mạnh đối với chế độ của al Assad, một chế độ cũng được hưởng lập trường "trung lập" của Trung Quốc có lợi cho họ như đối với Gaddafi. Trong con mắt của những người chống lại nhà độc tài, lập trường trung lập đó là sự hỗ trợ cho người tàn sát họ.

Giới quan sát đặt câu hỏi liệu sự thận trọng của Trung Quốc có phải là do nước này không tin phe nổi dậy sẽ giành chiến thắng cuối cùng hay chỉ là một sự bác bỏ "Mùa xuân Arập" theo bản năng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét