Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Đào Tuấn : Lương, lỗ, nợ, và giá điện

Nguồn tuanddk

Hôm qua, có hai dòng tin gây sốc liên quan đến EVN. Thứ nhất, lương bình quân 7,3 triệu đồng một tháng, mức lương mà CEO EVN than khóc là "đau lòng", là "không thể sống được ở thành phố", hóa ra chưa phải là thấp nhất. Lương ở một số bộ phận của EVN cao gần gấp đôi mức bình quân này. Tại Công ty mẹ - EVN, mức lương bình quân là 13,7 triệu; Khối truyền tải điện: 10,8 triệu và Khối phân phối điện: 7,9 triệu. Lưu ý, đây là mới chỉ là mức lương được tính vào giá thành điện. 
Dòng tin thứ hai: Giá điện bắt đầu tăng 5% kể từ hôm nay, 20-12.
Hóa ra, để cải thiện lương và đời sống ngành điện, EVN sẽ tăng giá bán, buộc người tiêu dùng phải thọc tay sâu hơn vào túi.
Những đồng lương khủng, "hạch toán" thẳng vào túi tiền vốn đã còm cõi vì lạm phát của người tiêu dùng- đang được trả cho một doanh nghiệp lỗ triền miên và lập kỷ lục mới về sự thiếu hiệu quả của đồng vốn.
Tại diễn đàn QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, năm 2010, EVN lỗ hơn 8.000 tỷ đồng do mua điện giá cao, lỗ 15.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. 
Nhưng cũng còn rất nhiều khoản lỗ khác mà có vẻ EVN không hề muốn công bố. EVN telecom là một ví dụ. Trong vài năm đầu tư ngoài ngành nuôi doanh nghiệp "mang họ" viễn thông này, EVN đã rót tới 2.442 tỉ đồng vào EVN Telecom, trong khi vẫn liên tục kêu thiếu vốn. Nhưng cái gọi là "kết quả kinh doanh" của cái lò xay tiền này thậm chí lập kỷ lục với con số lỗ 1.050 tỷ đồng chỉ tính trong năm 2010. Báo cáo của Kiểm toán nhà nước, vừa công bố hôm qua, có một chi tiết đáng chú ý: Lãnh đạo EVN đã chuyển một khoản chi phí (thiết bị đầu cuối) với giá trị 1.026 tỷ đồng từ EVN Telecom cho các doanh nghiệp điện lực. Liệu có còn cách hiểu nào khác là trong giá thành điện, các khách hàng sử dụng điện đang phải chịu lỗ cho đứa con "mang họ" viễn thông của EVN?
Báo chí đã rất nhiều lần cảnh báo về câu chuyện giá thành điện, đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và đời sống của 90 triệu dân đang phải gánh chịu hậu quả từ năng lực kinh doanh của các vị lãnh đạo của EVN. Điều này đã được chứng minh qua các con số hiệu quả đồng vốn- mà thực ra cũng là những đồng tiền thuế người dân đóng góp. Tính đến 30-12-2010, EVN đã đầu tư 50.000 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được chỉ đạt trên 540 tỉ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư chỉ hơn 1%. Cũng chính Bộ trưởng Huệ, trong một hội nghị về tái cơ cấu DNNN đã than vãn sự thiếu năng lực cạnh tranh của các DNNN bằng hai thông số: "Để tạo ra 1 đồng doanh thu trong năm 2009, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn (Trong khi đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng). Tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn trong mười năm qua, khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6% (trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì ở mức khoảng 10%)". Riêng đối với trường hợp EVN, tỷ lệ đồng vốn để tạo doanh thu của họ cao hơn nhiều so với mức tồi tệ chung. Trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp đến đáy trong số những cái đáy của sự thảm hại.
Nợ hơn 200.000 tỷ. Lỗ 8.400 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm 2,78%. Và lương bình quân 13,7 triệu. Và giá điện tăng 5% để bù lỗ.
Thế là người dân đang vừa phải bỏ tiền vốn cho EVN kinh doanh, vừa đang phải chịu một giá điện hàm chứa những bất công gồm cả các khoản nợ, hậu quả từ năng lực kinh doanh; các khoản lỗ, trong đó có lỗ tỷ giá, một biểu hiện của rủi do kinh doanh; và vô lý nhất là những khoản lương khủng trả cho những kết quả lỗ, nợ của EVN.
Thật chẳng có gì khiếm nhã hơn khi đúng vào ngày các lỗ, nợ của EVN, toàn những con số lỗ khó nuốt, bị bêu riếu thì Tập đoàn này vẫn trơ mặt công bố quyết định tăng giá điện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét