Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

GS-TS Chu Hảo : "Muốn có tầng lớp trí thức, phải có tự do học thuật"

Nguồn tuanvietnam

Tác giả: Hoà Trần (ghi)

"Một nhà nước quan tâm đến tầng lớp trí thức thì không phải chỉ qua đãi ngộ, mà trước hết là tạo ra một không khí tự do học thuật, dân chủ bình đẳng trong tranh luận thảo luận." - GS Chu Hảo.

LTSCâu chuyện về giáo dục, tri thức, trí thức VN hiện được rất nhiều người quan tâm, thảo luận. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu góc nhìn của GS-TS Chu Hảo về vấn đề này qua  nội dung trích lược cuộc trò chuyện của ông trong chương trình Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật phát trên kênh VTV1 ngày 7/8/2011.

Trí thức phải có năng lực phản biện xã hội

Biên tập viênTheo dõi những hoạt động, công việc của ông từ trước đến nay, tôi có cảm giác những câu chuyện liên quan đến mở mang dân trí, giáo dục đã là mối quan tâm của ông từ nhiều năm, ngay từ thời là thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ môi trường với các dự án hợp tác với Pháp để nâng cao GD VN. Đến khi nghỉ hưu thì dường như ông được tự do hơn, được bung ra để làm điều mà ông tâm huyết. Đó là một sự chọn lựa?

Tiến sĩ Chu Hảo: Đúng là một sự chọn lựa, chọn lựa có chủ đích. Thứ nhất là trong suốt quá trình công tác ở cương vị quản lý khoa học, được tiếp xúc nhiều với bạn bè trong nước và thế giới, càng ngày tôi càng cảm nhận được sự thiếu hụt rất lớn đối với riêng mình về nền tảng văn hóa. Mà tôi nghĩ rằng một con người nếu không qua được một nền GD trong đó chú trọng bồi dưỡng nhân cách qua nền tảng văn hóa đó thì là một thiếu hụt rất lớn, không những cho thế hệ chúng tôi mà còn các thế hệ tiếp sau nữa. Vì thế nên ngay từ khi còn công tác tôi đã nghĩ về hưu mình sẽ làm cái gì. Đó là công việc tôi lựa chọn.

Thưa tiến sĩ Chu Hảo, chúng tôi rất muốn được nghe những chia sẻ của ông về vấn đề trí thức VN hiện nay, khi mà ông với tất cả những công việc, hành động của mình từ NXB Tri Thức với tủ sách tinh hoa, rồi những câu chuyện liên quan đến GD VN, cuối cùng cũng tập trung vào một vấn đề: cố gắng tạo nên một tầng lớp trí thức của VN thực sự đúng nghĩa. Tại sao ông lại có trăn trở lớn đó?

Câu hỏi này rất trúng vào mối quan tâm lớn nhất của tôi. Đã từ rất lâu, càng ngày tôi càng có 1 nhận xét rằng tầng lớp tinh hoa của mọi xã hội chính là tầng lớp trí thức. Về định nghĩa trí thức, tôi đã từng viết những tiểu luận và đã công bố trên các phương tiện, các hội nghị. Không phải ai cũng đồng ý với định nghĩa đó, nhưng tôi nghĩ rằng đã là trí thức thì phải có hai phẩm chất rất quan trọng, đó là phải độc lập tư duy, và thứ 2, quan trọng hơn là năng lực phản biện XH và dám chịu trách nhiệm về những ý kiến phản biện của mình.

Từ xưa đến nay trong lịch sử loài người, tầng lớp đó, nói như một trí thức Nga, rằng nếu coi XH là một cơ thể sống thì tầng lớp trí thức là cơ quan nhận thức. Vậy nếu cơ quan nhận thức ấy không được rèn luyện, đào tạo qua môi trường làm việc cụ thể của mình, không có nền tảng văn hóa vững vàng và đặc biệt là không có nhân cách thì đó là một thiệt thòi lớn cho xã hội.

Cho nên từ sau khi nghỉ hưu, tôi làm tất cả mọi việc cũng chỉ nhắm đến xây dựng một phẩm chất của tầng lớp trí thức đó, bằng hai hoạt động, một là NXB Tri Thức chuyên dịch những tác phẩm kinh điển, tinh hoa, trong đó trình bày một cách sâu sắc những giá trị phổ quát của nhân loại về quyền làm người, về dân chủ, tự do, hạnh phúc, tâm lý học, xã hội, v.v... Hoạt động thứ hai là tôi tham gia Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, cháu ngoại Phan Chu Trinh làm chủ tịch. Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh là sự tiếp nối tinh thần khai dân trí, nâng cao dân khí, hậu dân sinh. Tinh thần đó là tinh thần thực sự cách mạng trong cuộc chấn hưng văn hóa, GD của nước mình từ đầu thế kỷ trước. Tôi nghĩ tinh thần đó phải được phát huy và được đại đa số những người nhận mình là trí thức ở trong nước tiếp thu. Tất cả những việc làm đó đều nhằm góp phần xây dựng một tầng lớp tinh hoa của dân tộc - chính là tầng lớp trí thức.

Năm 2005, GS Chu Hảo cùng các đồng sự thành lập NXB Tri Thức với mục đích cung cấp những tri thức nền quan trọng nhất trong kho tàng tri thức nhân loại thông qua các xuất bản phẩm đáng tin cậy. Trong hơn 5 năm qua, với cương vị TBT, ông đã cho ra đời hàng trăm cuốn sách có giá trị, tổ chức nhiều cuộc nói chuyện chuyên đề về sách và văn hóa đọc sách.

Với uy tín và tâm huyết của mình, ông đã tạo ra được sự đồng thuận của rất nhiều cá nhân và tổ chức đã đồng hành với NXB trong công cuộc chung tay lan tỏa tri thức.

Xin ông chia sẻ một chút về Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh?

Khi thành lập NXB Tri Thức, tôi biết rằng vấn đề kinh phí hoạt động văn hóa là không dễ, đặc biệt là với những công trình như tôi nói là dòng sách hơi lạ một chút, bàn về tự do, dân chủ, cái mà tưởng như đương nhiên có trong xã hội này rồi, thì tại sao giờ lại phải xuất bản những cuốn sách kinh điển bàn về những vấn đề đó? Những điều đó rất khó giải thích để xin được tài trợ của nhà nước. Vì vậy tôi nghĩ tự tôi đi xin phép thành lập một nhà xuất bản với khuynh hướng rất rõ ràng là không chạy theo lợi nhuận, chỉ làm những sách đúng đắn. Chúng tôi tạm gọi đó là Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới. Tuy nhiên, mỗi đầu sách mà chúng tôi xuất bản cũng chỉ được 1.000-2.000 cuốn là tối đa, trong khi đó một quy tắc trong làng xuất bản đều biết là phải xuất bản được từ 3.000-5.000 cuốn thì mới có lãi. Trước tình hình đó, chúng tôi mới nghĩ ra sáng kiến là thành lập một quỹ là Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh.

Tôi đã trình bày với bà Nguyễn Thị Bình việc cần có một quỹ để tài trợ cho Tủ sách tinh hoa và bà đã cùng chúng tôi xây dựng Tủ sách tinh hoa qua một hội đồng khoa học. Hai năm sau chúng tôi thấy rằng Quỹ dịch thuật thì nghĩa hẹp quá, trong khi giá trị của Phan Chu Trinh lại quá lớn. Càng ngày chúng tôi càng thấy bên cạnh Phan Bội Châu, bên cạnh Hồ Chí Minh, có một Phan Chu Trinh. Có thể Phan Chu Trinh đi theo một con đường khác, nhưng tư tưởng của ông thì hết sức mang tinh thần khai sáng, khai minh. Vì thế tôi đề nghị với bà Bình đổi tên quỹ thành Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh.

Quỹ này có 3 hoạt động chính: một là xây dựng Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, giao cho NXB thực hiện. Thứ hai là thành lập Giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh hàng năm. Thứ ba là tổ chức các buổi tọa đàm về những vấn đề học thuật, giới thiệu sách hoặc là một chủ đề nào đó. Chúng tôi bắt đầu làm ở miền Nam, miền Bắc rồi gần đây bắt đầu phát triển trong miền Trung.

GS-TS Chu Hảo

Giáo dục mãi loay hoay vì thiếu sự đồng thuận

Thưa ông Chu Hảo, cũng trong chuyên mục Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật, người đầu tiên "than thở" với chúng tôi về cái gọi là sự thiếu hụt tầng lớp tinh hoa trong xã hội VN - có nhưng ít, có nhưng chưa tập hợp được thành một tiếng nói tinh thần, tiên phong để mọi người cùng nghe theo - chính là nhạc sĩ Dương Thụ. Và hôm nay ông cũng chia sẻ một nỗi đau đáu như thế. Nhưng tôi cứ thấy như là một bức tranh biếm họa là trong khi rất nhiều trí thức than thở như vậy,  thì lại có câu chuyện là chúng ta đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ rất nhiều. Như vậy là thế nào?

Vấn nạn của chúng ta hiện nay về lâu dài chưa hẳn là vấn đề kinh tế. Việc khắc phục khó khăn về thiếu hụt kinh tế dễ hơn nhiều việc thiếu sót nền tảng văn hóa. Nền tảng văn hóa đó phải được bắt đầu từ nền tảng GD quốc dân, nhưng trong mấy chục năm qua chúng tôi rất đau lòng rằng nền GD này vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết. Học chủ yếu để đi thi, để lấy bằng, và cái bằng đó là bằng hư học chứ không phải thực học. Cho nên tầng lớp tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ rồi đại học có thể nhiều gấp bội ngày xưa, nhưng tính tinh hoa lại rất ít.

Ai cũng than thở rằng GD của chúng ta đang có vấn đề, dường như chúng ta chưa có một kim chỉ nam để vạch ra định hướng rõ ràng, trong khi chúng ta có biết bao nhiêu đề án, dự án hàng nghìn tỷ, cuối cùng mấy chục năm vẫn loay hoay. Vậy chúng ta thiếu cái gì để cái sự loay hoay đó kết thúc?

Có lẽ cái quan trọng là thiếu sự đồng thuận trong nhận định về thực trạng GD VN. Suốt gần vài chục năm gần đây, giới KH VN và cả các bậc cha mẹ đều thấy nền giáo dục rất có vấn đề. Thế mà gần đây ngành GD được tặng giải thưởng HCM, rồi các đồng chí lãnh đạo ngành cũng mới được nhận huân chương hạng nhất, hạng nhì. Điều đó chứng tỏ là XH nghĩ một đằng nhưng cơ quan chính thống lại nghĩ giáo dục rất có thành tích. Điều đó sẽ cản trở rất nhiều đến khả năng cải cách nền giáo dục này.

Thực sự chất lượng của nền GD chúng ta hiện nay rất có vấn đề về cả hai mặt. Mặt thứ nhất là trước hết nền GD quốc dân phải là nền giáo dục nên những con người có nhân cách, phẩm chất, ý thức trách nhiệm xã hội cao, có thể sống được với cộng đồng, hòa nhập được với thế giới. Thế nhưng trong các "sản phẩm đầu ra" của chúng ta chất trí thức thì ít, chuyên môn thì các nhà đầu tư nước ngoài vào đây tuyển mộ các kỹ sư VN đều phải đào tạo lại. Họ cũng phản ánh lại những nhận xét rất đau lòng là: thanh niên VN rất nhanh, thay vì phải đào tạo hàng năm hay vài năm với thanh niên như các nước xung quanh, thì với thanh niên VN sau khi học kỹ sư xong chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là làm rất nhanh, nhưng có cái họ không thể đào tạo nhanh được là kỷ luật lao động, ý thức trách nhiệm, sự trung thực với công việc.

Thưa tiến sĩ Chu Hảo, tôi còn nhớ bố mẹ tôi dạy rằng cuộc đời bố mẹ ngày hôm nay là bước đệm cho các con ngày sau sẽ có một cuộc đời sung sướng, đầy đủ, phát triển với tất cả những điều kiện cần có. Và cho đến ngày hôm nay khi những người như chúng tôi đã ở lứa tuổi 40, chúng tôi vẫn nghe những người xung quanh nói rằng phải một vài thế hệ nữa, chờ thế hệ những đứa trẻ giờ mới 3 tuổi, 5 tuổi, điều đó mới xảy ra. Ông nghĩ thế nào về câu chuyện này?

Tôi vẫn sốt ruột rằng sự phát triển của đất nước mình còn chậm, mà một trong những cái chậm nhất chính là sự phát triển của nền GD, và nếu không quan tâm, không rốt ráo, tìm mọi cách để chấn hưng được nền GD hiện nay thì đến thế hệ con cháu của thế hệ hiện nay cũng chưa làm được đâu, lại phải đến thế hệ con cháu sau đó nữa.

Cái gì cũng phải có dụng công mới làm được. Muốn có một tầng lớp [trí thức] như thế, trước hết là trách nhiệm của chính quyền, của người lãnh đạo phải ý thức được rằng trí thức phải được tôn trọng, người tài phải được dùng hiệu quả. Không phải trên lời nói mà phải trên thực tế việc làm. Một nhà nước quan tâm đến tầng lớp trí thức thì không phải chỉ qua đãi ngộ mà trước hết là tạo ra một không khí tự do học thuật, dân chủ bình đẳng trong tranh luận thảo luận. Đó cũng là trách nhiệm của những người tự nhận mình là trí thức, nếu đã tự nhận mình là trí thức thì hãy cố gắng làm thế nào để không phải suốt từ thế hệ này đến thế hệ sau đều nói rằng phải đợi. Tuy nhiên, ngay cả những nước tiên tiến có nền công nghiệp 200-300 năm nay, có nền GD mà có lẽ chúng ta đều mơ ước, cũng rất băn khoăn về nền GD của họ và cứ khoảng 10-15 năm họ lại đặt lại vấn đề phải làm lại nền GD của họ một cách cơ bản.

Tôi và rất nhiều trí thức khác đã thảo luận về vấn đề này và chúng tôi đều có cảm nhận rằng chừng nào ở nước ta chưa có một tầng lớp tinh hoa tập hợp lại với nhau như 1 tầng lớp xã hội - tập hợp ở đây không phải là một đoàn thể, mà là tìm đến nhau thông qua các diễn đàn, thảo luận, tranh luận, qua đó tự nhiên hình thành một tầng lớp có trình độ chuyên môn cao, đồng thời có ý thức trách nhiệm xã hội rất lớn. Một xã hội phải có điều kiện kinh tế chính trị nhất định, mới có được tầng lớp đó, nhưng trên hết là phải có không khí tự do học thuật. Những điều kiện trên tôi nghĩ là chưa hẳn đã rõ ràng trong xã hội ta hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Bình (bìa phải) - nguyên phó chủ tịch nước CHXHCN VN - chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - trao giải thưởng "Dịch thuật" cho dịch giả Nguyễn Đôn Phước - Ảnh: Minh Đức - Tuổi trẻ

Tôi chưa bao giờ nhận là trí thức

Vậy việc ông đang làm ngày hôm nay - mong muốn có một thế hệ trí thức tương lai của Việt Nam ngày càng đông đảo hơn bằng tất cả tâm huyết của mình - sẽ không hề dễ dàng?

Đương nhiên sẽ rất không dễ dàng. Nhưng có thể nói 1 câu nói kinh điển rằng càng khó khăn lại càng thú vị. Nhìn nhận ở một khía cạnh khác thì xã hội của mình đã dân chủ lên rất nhiều. Mươi năm trước chắc tôi không thể chia sẻ những điều thẳng thắn thế này, bây giờ tôi được nói chính là nhờ cơ chế dân chủ và xã hội chúng ta được mở rất nhiều. Tuy nhiên là còn rất hạn chế so với điều cần phải có và điều chúng ta mong muốn.

Tôi nghĩ là ai làm điều gì, tâm huyết điều gì đều có xuất phát điểm nào đấy. Vậy xuất phát điểm của tất cả những điều ông đang làm là gì, thưa ông?

Khi đã có điều kiện hiểu biết về đất nước mình, tiếp xúc với thế giới, tôi chỉ nghĩ một điều là không có lý do gì mà dân tộc mình trong rất nhiều lĩnh vực còn kém cỏi thế này. Nếu nói rằng đất nước chúng ta không có một nền văn hóa đáng kính trọng thì có khi cũng hồ đồ, nhưng nếu nói đó là một nền văn hóa thật sự hùng mạnh thì chắc cũng chưa phải. Một đất nước không có những tác phẩm lớn tầm cỡ nhân loại, những tác giả vượt ra ngoài biên giới, một đất nước với kho tàng văn hóa có những thành quả đặc sắc nhưng đồ sộ thì lại ít, kể cả những công trình kiến trúc, thì về lâu dài chúng ta phải nghĩ đến việc xây dựng không chỉ bám vào những truyền thống sẵn có, phải nghĩ đến việc phát huy văn hóa của mình ở tầm cao hơn nữa.

Đó là về mặt văn hóa, còn về mặt kinh tế, chúng tôi nghĩ rằng không lý do gì mà đất nước mình lại nghèo như thế này, tốc độ tiến bộ lại chậm như thế này. Chúng tôi muốn đất nước mình thoát khỏi tình trạng hiện nay. Bạn bè tôi mỗi người có một môi trường hoạt động khác nhau. Riêng tôi sau khi nghỉ hưu tôi chọn đóng góp xây dựng một nền tảng văn hóa cho đất nước, dân tộc. Thứ hai tôi thực sự muốn hình thành một xã hội dân sự lành mạnh, đó chính là một trong ba thành phần rất quan trọng của xã hội - nhà nước, kinh tế và xã hội dân sự. Tất cả hoạt động của tôi chỉ mong muốn một điều đó thôi.

Ông có nói một người trí thức chưa chắc đã tự coi mình là trí thức, mà do đó là do mọi người công nhận. Mọi người nói tiến sĩ Chu Hảo là một trí thức, còn ông nói gì về bản thân mình?

Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đã từng làm khoa học một cách rất nghiêm túc, nhưng đến giờ rất ít khi chúng tôi nói rằng mình là nhà khoa học mà chỉ nhận mình làm công tác nghiên cứu khoa học. Trí thức cũng như vậy. Nhiều người nói chúng tôi là trí thức nhưng thực sự chúng tôi chưa bao giờ đứng trên một diễn đàn nào và nhận mình là trí thức, mà chỉ nói rằng chúng tôi là những người quan tâm đến sự phát triển của đất nước với ý thức trách nhiệm xã hội của mình.

Vậy thưa ông, ngay lúc này, mối băn khoăn thường trực, khiến ông suy nghĩ nhất của ông là gì?

Tôi hiện băn khoăn là NXB Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh phải có người kế tục để phát triển. Trong quỹ chúng tôi ít người trẻ và mối băn khoăn hiện giờ của tôi là làm thế nào tìm được người trẻ có điều kiện hoạt động mà không ham làm giàu lắm, có thể để tâm, sức vào sự hoạt động, phát triển của Quỹ. Thứ hai là NXB Tri Thức cũng vậy, tại NXB chỉ có tôi là lớn tuổi, còn lại đều dưới 30. Bây giờ những người 50-60 tuổi đến NXB tìm hiểu là nếu tôi nghỉ thì có thể thay thế được không thì nhiều người cũng ngại vì khối lượng công việc rất nhiều mà thu nhập chẳng đáng là bao, chỉ đủ sống.

Xin cảm ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét