Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Những Cọng Rêu Dưới Đáy Ao

Nguồn danluan

Lúc nhỏ, có lần, tôi nghe học giả Nguyễn Hiến Lê khuyên là nên tập thói quen viết nhật ký. Nghe thì cũng thấy hay hay nhưng thử làm mới biết là không dễ. Tôi loay hoay mãi cũng không thấy có điều gì cần phải ghi lại cho bản thân (hay cho… hậu thế!) về cuộc sống vô cùng nhạt nhẽo, hay lạt lẽo, của mình.

qpt1191657213.jpg

Chỉ đôi khi, khi chịu hết nổi sự tẻ nhạt thường nhật, tôi mới (lén) làm một hai câu thơ – cho nó đỡ buồn:

Xưa mộng kình ngư tung bể sóng.
Bây giờ mương rạch kiếp lòng tong!

Trời, nói gì nghe… thấy thương quá vậy – cha nội?

Thì cũng nói (đại) vậy cho nó đỡ kỳ, chút đỉnh, chớ hồi giờ – nói nào ngay, ngay cả lúc mộng mơ hết cỡ – tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ gì đến những hình ảnh (thấy ghê) cỡ như "kình ngư" hay "bể sóng."
Còn chuyện "mương rạch kiếp lòng tong" – có lẽ – là thân phận chung của phần lớn thiên hạ, chớ đâu phải là bi kịch của riêng ai, đúng không? Tôi nói vậy tưởng đã buồn (thảm thiết) ông Võ Văn Trực lại còn nghĩ ra một cách ví von (nghe) thảm sầu hơn nữa.

Nhà văn của chúng ta ví von phận người như những "Cọng Rêu Dưới Đáy Ao." Kiếp rong rêu vốn đã lặng lờ; đã vậy, lại còn nằm chìm lỉm tuốt luốt dưới đáy ao nữa thì (ôi thôi) kể như an bình tới phát ớn luôn. Ai cũng tưởng vậy nhưng không phải vậy. Sự bình an nơi cái ao Việt Nam (chắc) chỉ có thể tìm được nơi những trang sách giáo khoa:

"Cơm nước xong, trời vừa tối. Ngọn đèn treo, thắp giữa nhà. Cha ngồi đọc nhật báo. Anh đang ngồi cúi xuống xem sách hay làm bài. Mẹ và chị, kim chỉ vá may. Ở bên cạnh, hai đứa em nhỏ đang nghe bà kể câu chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại khúc khích cười với nhau rất vui vẻ."

[Tối Ở Nhà. Quốc Văn Giáo Khoa Toàn Thư (Trần Trọng Kim, et al) Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư Xuất Bản, ấn bản đầu tiên năm 1935]

Trước đó không lâu, vào năm 1930, mười ba công dân ưu tú của nước Việt đã bị thực dân Pháp hành hình chỉ vì họ không cam chịu sống trong vòng nô lệ. Hình ảnh một buổi tối gia đình quây quần vui vẻ, được mô tả năm năm sau đó, dưới chế độ thuộc địa (e) hơi gượng gạo.
Nhiều người dân Việt không "vui vẻ" gì lắm trong cảnh sống an bình giả tạo như thế. Trong số này có ông Võ Quang Hiền. Theo lời nhà văn Võ Văn Trực, bào đệ của ông, ngay từ lúc thiếu thời ông Hiền đã hăng hái tham gia vào cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam.

Sổ tay của ông "… trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm ảnh thiêng liêng: Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin, Ăng-ve Hốt-gia, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Gốt-van, Ti-tô, Vô-rô-si-lốp, Đi-mi-tơ-rốp, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt…" (Võ Văn Trực. Cọng Rêu Dưới Đáy Ao. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Văn Hoá & Truyền Thông Võ Thị, 2007. Bản điện tử do talawas chủ nhật thực hiện).

Lòng nhiệt tình của Võ Quang Hiền với cuộc cách mạng vô sản chỉ (chợt) nguội, sau khi ông tham dự vào Chiến Dịch Cải Cách Ruộng Đất ngay tại làng quê của mình. Từ đây, sổ tay của ông bắt đầu xuất hiện những dòng chữ đậm nét băn khoăn: "Ông Thìn làm giáo học mà cũng địa chủ, bà Mến biết cái cóc gì mà cũng thường vụ Quốc dân Đảng, địa chủ cả nút thế này thì lấy ai làm nông dân… Chúng nó kích bà con nông dân tố nhau lộn nhào lộn nhút…"

Sự gian xảo và tàn ác của "chúng nó" khiến ông dần dần thay đổi thái độ: "Con đường tham gia công tác xã hội của anh xuống từng nấc thang: sĩ quan quân đội, cải cách ruộng đất, cán bộ thông tin xóm, Đảng viên trơn… và cuối cùng là phó thường dân! Tưởng là 'dứt bỏ đường công danh', vui thú điền viên tham gia việc làng việc xóm cho vui, đến bây giờ anh mới nhận thức ra rằng việc làng việc xóm cũng là việc xã hội, mà làm 'việc xã hội' là thế nào cũng bị va chạm, xô xát. Anh hoàn toàn giành thì giờ lo việc gia đình nhưng vẫn bị Đảng uỷ để ý, cho là 'phần tử bất mãn', là 'cố ý chống đối'… Thì ra cái 'cọng rêu dưới đáy ao' mà anh tưởng là 'yên thân' như các nhà nho ngày trước, có ngờ đâu cái cọng rêu ấy trong thời buổi này cũng phải đối mặt với mọi biến động của xã hội…"

Những "va chạm xô xát" của cọng rêu Võ văn Hiền, dưới đáy ao, tuy không mạnh bạo gì cho lắm nhưng cũng đủ khiến cho nó trở nên xơ xác:

"Không có một cuộc họp chính thức nào của các ông lãnh đạo xã và thôn cấm chỉ anh Hiền dạy tiếng Pháp hoặc cấm mở lớp dạy học. Nhưng người ta xì xào bàn tán rất nhiều về lớp học của anh. Sao thằng Pháp cai trị ta tám mươi năm, bây giờ lại dạy tiếng của nó? Sao ông Hiền đi đánh Pháp chín năm, bây giờ thắng nó rồi, lại đem tiếng của nó ra mà dạy? Ông Hiền dạy tiếng Pháp làm gì nhỉ, đào tạo bồi cho Tây à? Đào tạo thông ngôn cho Tây à?"

"Cả sáu học trò lần lượt bỏ học. Gian nhà trở lại hai tấm phản với hai chiếc ghế dài, ảnh ông Khổng Tử với câu 'Tiên học lễ hậu học văn', và một… thầy đồ tân thời mặt buồn rười rượi."

Qúi vị lãnh đạo cách mạng nơi làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) đã lần lượt đẩy ông Võ Quang Hiền từ nỗi buồn này, sang nỗi buồn khác. Chung cuộc, ông chết dần mòn trong bệnh tật và nghèo đói:

"Tôi đặt lên ngôi mộ tấm ảnh của anh – không phải tấm ảnh gày gò của ông lão sáu mươi, mà là tấm ảnh người thanh niên cường tráng những năm tháng hào hùng ở Việt Bắc: mặc áo trấn thủ, đội mũ lưới đính quân hiệu. Hàng trăm cặp mắt chăm chăm nhìn vào tấm ảnh, chợt thức dậy trong tiềm thức của họ những kỷ niệm về anh và về làng xóm thuở Cách mạng sơ khai."

Nhà văn Võ Văn Trực quả là khéo nói, hay khéo lách, chớ cách mạng Việt Namthưở nào – "sơ khai" hay "thoái trào" – cũng đều tạo ra vô số những cọng rêu (bầm dập te tua) dưới đáy ao đục ngầu của nó. Ông Vi Đức Hồi – nguyên trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn – là nhân vật điển hình cho loại rong rêu (muộn màng) này.

Vi Đức Hồi thuộc thế hệ người sinh trưởng trong lòng cách mạng. Theo lời ông, ngay khi vừa mở mắt chào đời, bé Hồi đã được ru (ngủ) bằng những câu của thời đại mới:

"Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Bác Hồ hơn mẹ, hơn cha…
"

Chả trách, chương mở đầu cuốn hồi ký (Đối Mặt) của ông ghi đầy những dòng chữ hồ hởi (và phấn khởi) như sau:

"Nhớ lại hồi khi tôi mới lớn lên và bắt đầu tìm hiểu về đảng, tôi nhận thấy đúng là 'đảng là ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao', tôi yêu đảng, tôi mến mộ đảng đến tột độ và chỉ mong ước mình sớm được đứng trong hàng ngũ của đảng để được cống hiến sức mình cho đất nước, cho dân tộc đó là nghĩa cử cao đẹp của mỗi công dân yêu nước bình thường. Khi tôi đọc cương lĩnh đầu tiên của đảng năm 1930, tôi thật sung sướng vì đảng chỉ ra rằng: Khi cách mạng giải phóng dân tộc thành công, đảng đưa cả nước ta tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua tư bản chủ nghĩa. Xã hội mà đảng hướng tới là một xã hội đỉnh cao của sự văn minh nhân loại, ở đó sẽ không còn chế độ người bóc lột người, mọi người sống với nhau bình đẳng bác ái, nhà nước là của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của đảng tiên phong của giai cấp công nhân, đảng bao gồm những người tiên tiến nhất, tiên phong nhất, là những người công bộc của dân, vì nhân dân mà phục, đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc…"

Càng qua những chương sau, Vi Đức Hồi càng hay lập đi lập lại những câu "đảng nói không biết ngượng, đảng nói một đàng làm một nẻo, đảng nói như hát hay…" Ông dần dần xa lánh đảng, rồi trở nên "đối mặt" với nó, và bị khai trừ.

Sau đó – cũng như trường hợp của ông Võ Quang Hiền, hồi đầu thế kỷ – Vi Đức Hồi cũng quyết định biến mình thành một "cọng rêu dưới đáy ao," nơi làng quê khốn khó của mình:

"Quê tôi, một trong những Xã nghèo nhất Nước ta, là một trong 9 Xã cuả Tỉnh Lạng sơn và là một trong hai Xã duy nhất của Huyện Hữu lũng chưa có bóng dáng điện lưới quốc gia; là Xã vùng sâu,vùng xa, Xã đặc biệt khó khăn…"

"Tuy vậy, người dân quê tôi sống trọn nghĩa, trọn tình. Ở đâu đó tình người có những lúc đầy vơi, nhưng người dân quê tôi thì cho dù thời cuộc có những biến đổi đến đâu, nhưng lòng người thì vẫn một mực thuỷ chung, son sắt."

"Thế nên tôi cố tìm cách để tỏ lòng biết ơn, thể hiện tấm lòng của mình đối với những người láng giềng xung quanh tôi, tạo thêm sự gắn bó, sự mật thiết tình làng, nghĩa xóm. Tôi mạnh dạn trao đổi với mấy người bạn của tôi, đề nghị họ giúp và thế là tôi có được ít tiền của bạn bè cho vay, cộng với chút ít của tôi giành dụm. Tôi mua được một chục cặp lợn con, giúp cho 10 hộ nghèo nhất ở làng tôi để họ chăn nuôi, khi nào lợn xuất chuồng bán thì hoàn trả gốc cho tôi, để tôi chuyển cho hộ khác. Nhiều người phấn khởi, nhận lợn và cảm ơn."

"Tin này Xã báo cáo Huyện… Thường trực Huyện uỷ triệu tập cuộc họp cán bộ chủ chốt ở xã Tân lập (quê tôi) để nghe cơ sở báo cáo tình hình. Huyện uỷ quán triệt: đây là một trong những âm mưu rất nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, hơn lúc nào hết, chúng ta phải nêu cao cảnh giác cách mạng, chặn đứng mọi hành động nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân, gây mất ổn định an ninh chính trị. Ngay lập tức phải họp toàn dân quán triệt về những thủ đoạn, 'âm mưu diễn biến hoà bình' của bọn chúng, kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ của Vi đức Hồi."

Ông bị cô lập ngay tại quê nhà, rồi bị bắt giam. Cuối cùng, ông cũng trở thành một cọng rêu nhưng không nằm dưới đáy ao mà nằm trong lòng nhà tù cách mạng.

Cọng rêu mới được phát hiện là một thanh niên – có tên là Nguyễn Chí Đức – vừa được công luận biết đến, sau khi anh bị công an Hà Nội đạp vào mặt giữa lòng "thủ đô của lương tâm nhân loại." Sự kiện này đã được nhà văn Nguyên Ngọc ghi nhận như sau:

"Trong việc này còn có một điều rất đáng chú ý: Qua tất cả vụ việc, qua những ứng xử của Nguyễn Chí Đức từ khi tên anh được nhắc đến, ta có thể thấy rõ đó là một con người hết sức bình thường, rất an phận, không hề không muốn làm bất cứ điều gì để khác dù chỉ một chút những người chung quanh, một công dân lầm lũi và tội nghiệp, ngay cả khi bị hại nặng nề cũng sẵn sàng cho qua, quên đi, 'không muốn đi quá sự việc' như anh nhiều lần nói khi có người quan tâm đến anh và vụ của anh. Một người tuyệt đối trung thành và tin tưởng ở đảng, trong bất cứ tình huống nào, ngay cả lúc bị hại khi mình đấu tranh vì đảng, vì nước…, vâng một người như vậy đấy…, một người vô cùng nhỏ bé và vô danh, luôn muốn thu mình lại đến mức nhỏ bé nhất để sống yên thân…, con người tội nghiệp ấy bây giờ sau tuyên bố bình thản của ông Nguyên Đức Nhanh, đã phải đau đớn nói rằng anh đã bị đẩy đến đường cùng… khi những người ở tận đáy xã hội, nhỏ bé nhất trong xã hội, suốt đời chỉ mong được yên phận như Nguyễn Chí Đức và bố mẹ anh đã thấy bị đẩy đến đường cùng, đã thấy xã hội này là không còn sống được đối với họ nữa, thì là chuyện khác hẳn rồi đấy. Là báo động đỏ!Vụ Nguyễn Chí Đức không hề nhỏ đâu, đặc biệt sau tuyên bố phủi tay của ông Nguyễn Đức Nhanh. Có gì như là dấu hiệu của sự tận cùng."

Đã ba thế hệ người Việt bị liên tiếp xô đẩy đến "tận cùng" như thế. Và vẫn theo lời nhà văn Nguyên Ngọc thì "xã hội này không còn sống được nữa." Nó đã đến mức "báo động đỏ" rồi.

Tôi chỉ là một thường dân, một cọng rêu phiêu bạt. Sống bên ngoài nỗi đau mà cả dân tộc đang phải chịu đựng nên tôi không đủ tư cách thể phát biểu những lời lẽ khí khái (và hừng hực lửa) như nhà văn Nguyên Ngọc. Những sự kiện vừa nêu – về ba cọng rêu dưới đáy ao của dất nước – chỉ khiến tôi thốt nhớ đến lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, trong buổi toạ đàm về tác phẩm Ba Người Khác (của Tô Hoài) vào hôm 22 tháng 12 năm 2006, tại Hà Nội:

"Đội cải cách ruộng đất về làng như một cơn gió độc, cuốn lộn tùng phèo mấy chục nóc nhà giống như mấy chục cái đụn rạ của thôn tôi lên."

Chủ nghĩa cộng sản cũng đến Việt Nam theo cùng một cách. Nó cũng như một cơn gió độc, cuốn lộn tùng phèo cuộc đời của (mấy thế hệ) người dân ở đất nước tôi lên.

Tưởng Năng Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét