Ðông Bàn/Người Việt
Ảnh minh hoạ (Internet) |
Tiền, quyền lợi cá nhân và quyền lợi thân tộc là động lực chính đằng sau cỗ máy chính trị của Ðảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay. Ðó là ghi nhận của hai công điện do Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh gởi về Washington D.C. trong hai tháng cuối năm 2009.
Hai công điện, một viết hồi tháng 10, một viết hồi tháng 12, 2009, bao gồm nội dung các cuộc nói chuyện riêng của ngoại giao Hoa Kỳ với một doanh gia và một quan chức thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Cả hai nhân vật Việt Nam đều bày tỏ sự ngao ngán trước tình trạng tham nhũng lan tràn. Cả hai bày tỏ sự bất lực trước tình trạng tham nhũng không thể ngăn chặn, mà phần lớn là vì, dưới sự bảo vệ của đảng, các đảng viên gần như trở thành "bất khả xâm phạm."
Đại hội lần thứ 11 của đảng CSVN. Theo công điện của Ngoại giao Hoa Kỳ, dưới sự bảo vệ của đảng, các đảng viên gần như trở thành "bất khả xâm phạm. (Hình: Getty Images) |
Vào Ðảng để kiếm tiền!
Một doanh gia tại Sài Gòn nói, Ðảng Cộng Sản bị chi phối bởi nhóm đảng viên "chỉ muốn làm giàu cho cá nhân và gia đình họ," và nhóm này "chống lại tiến trình minh bạch hóa hoặc những cuộc chiến chống nạn tham nhũng."
"Tiền bạc đóng vai trò tai hại trong cơ chế hoạch định chính sách của Ðảng Cộng Sản, và cũng chính vì tiền mà đảng này bị Trung Quốc lợi dụng để mở rộng quyền lợi của họ tại Việt Nam, bất kể sự bực mình ngày càng lan rộng của quần chúng đối với chính sách của chính phủ và Ðảng CSVN đối với Trung Quốc."Vẫn theo lời doanh gia.
"Trên thực tế, quyền lợi kinh tế của cá nhân (đảng viên cộng sản) đã và đang trở thành yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình làm chính sách của đảng. Tiến trình hoạch-định-chính-sách-dựa-trên-tiền khiến Ðảng Cộng Sản Việt Nam ngày càng được tổ chức dựa theo tinh thần bè phái, loại bè phái được định hình bởi các thỏa hiệp về quyền lợi kinh tế."
Doanh nhân này nhận định, sự ra đời của tinh thần bè phái dựa trên quyền lợi kinh tế là một hiện tượng hoàn toàn mới. Hiện tượng này xuất hiện từ cuối năm 2005 và từ đó trở thành khuynh hướng chính trị có tính cách quyết định đối với Việt Nam: "Vào đảng, tất cả là vấn đề tiền bạc!"
"Hệ quả tất yếu, và nguy hiểm, của sự thăng tiến của nhóm đặc quyền kinh tế trong đảng chính là khuynh hướng chống lại sự minh bạch, chống lại cải tổ, chống lại điều hành chính phủ tích cực - vốn từng có thời được áp dụng. Sự đảo chiều này không phải do nhóm thủ cựu lấn thế, mà do quan điểm của nhóm đặc quyền kinh tế, xem sự minh bạch, tự do ngôn luận và cải tổ là trở ngại để họ thu vén quyền lợi."
Trong số thành phần lãnh đạo chủ chốt của Ðảng Cộng Sản, có rất nhiều người hiểu rằng, đảng sẽ mất quyền kiểm soát nếu cứ tiếp tục đi theo con đường này. Tuy nhiên, thay vì ủng hộ khuynh hướng cải tổ để xây dựng sự ủng hộ cho đảng, họ tập trung mọi khả năng để kìm chế những thay đổi tích cực, cho dầu chỉ là tạm thời, để có thể vơ vét càng nhiều càng tốt cho riêng họ và gia đình họ.
"Họ muốn vơ vét trước khi khuynh hướng chống đảng thắng thế."
Khi được hỏi có phải cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng kiểm soát những tập đoàn quốc doanh lớn nhất hay không, doanh gia này nhận định, "nhiều quyết định tại Việt Nam phải đi qua Văn Phòng Thủ Tướng, để thủ tướng ra quyết định."
Trong số những quyết định này, có quyết định phân chia đất đai, tài nguyên - và quan trọng nhất - quyết định hỗ trợ tín dụng do nhà nước bảo đảm (và vì vậy phân lời thấp). Vì có quyền chấp thuận hoặc bác bỏ các quyết định ấy, "Thủ Tướng Dũng đủ sức khống chế, và khống chế một cách hiệu quả, các tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn." Tuy nhiên, những tập đoàn này lại cạnh tranh với nhau, không phải trên thương trường, mà thường là"trong cuộc đua để xem ai có thể cung cấp bổng lộc nhiều hơn cho gia đình và cho những đảng viên chủ chốt đã đứng ra ủng hộ họ."
"Dưới quyền Thủ Tướng Dũng, các tập đoàn kinh tế quốc doanh ngày càng trở nên trung tâm của tiến trình chính trị, và là cỗ máy chính yếu mà Ðảng Cộng Sản sử dụng để thu vén quyền lợi cho đảng viên. Các tập đoàn này cũng ngày càng trở nên thiếu hiệu quả. Lý do là vì họ đo sự 'thành công' bằng khả năng phân phối tài nguyên quốc gia đến các giám đốc và người ủng hộ, chứ không bằng khả năng kinh doanh."
Ðiều quan trọng, vẫn theo công điện thuật lời doanh nhân, tiền và quyền lợi chi phối cả các quyết định liên quan đến Trung Quốc - theo chiều hướng tiêu cực.
"Vì biết Ðảng Cộng Sản bị chi phối bởi tiền, giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng tung tiền để tiếp cận đảng viên Việt Nam, và qua đó mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Việt Nam. Trong khi quần chúng không ưa Trung Quốc, và trong khi một số cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam cũng rất không ưa Trung Quốc vì cho rằng quyền lợi làm ăn với Trung Quốc gắn liền với nạn tham nhũng, thì quyền lực chính trị của Trung Quốc lại thăng tiến ngay trong nội bộ Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Lý do là vì, đây (Ðảng Cộng Sản Việt Nam) chính là nơi mà Ðảng Cộng Sản Trung Quốc biết rằng họ phải tập trung mọi nỗ lực để có được ảnh hưởng thật sự tại Việt Nam."
Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ghi nhận, trong nhiều cuộc nói chuyện với ở chốn riêng tư với giới tư doanh thành đạt tại Sài Gòn, giới này thường chỉ trích trực tiếp vai trò của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều người khác đã hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước - vốn ngày càng lớn thêm lên và có vai trò tàn phá trong nền kinh tế.
"Bảo kê" của Ðảng
Nội dung một cuộc nói chuyện khác, với một quan chức của thành phố Hồ Chí Minh, tái khẳng định quan điểm của giới doanh gia về nạn tham nhũng và sự bảo bọc của đảng đối với đảng viên của mình.
Công điện làm ngày 17 tháng 12, 2009 bàn về chức năng và thực lực của cơ quan Thanh Tra Chính Phủ tại Sài Gòn. Công điện trích lời quan chức này, rằng chống tham nhũng tại thành phố Hồ Chí Minh là công việc "tứ bề thọ địch."
Bởi vì cơ quan Thanh Tra Chính Phủ không được quyền truy tố, và cũng không có thẩm quyền phối hợp (với các cơ quan khác), các cuộc điều tra công chức tham nhũng dễ dàng bị ngăn chặn bởi quan chức các bộ và ngành. Các cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến đảng viên thậm chí không thể được tiến hành nếu không được giới lãnh đạo đảng cho phép.
Bên cạnh những khó khăn này, giới thanh tra cho rằng thách thức lớn nhất của họ bắt nguồn từ quan điểm của tất cả mọi công chức chính quyền, rằng chính "giới lãnh đạo cao cấp nhất của họ cũng dùng quyền lực để tham nhũng, để thu vén quyền lợi cá nhân." Và vì vậy, "tham nhũng là điều chấp nhận được."
Theo quan chức này, nỗ lực chống tham nhũng sẽ không bao giờ thành công trừ khi giới lãnh đạo cao nhất của đảng và chính phủ chịu nhúng tay vào. Ông nói, những người chịu trách nhiệm chống tham nhũng "không bao giờ có thể thuyết phục được giới công chức đừng nhận hối lộ, đừng lạm dụng ngân sách, hoặc đừng lạm dụng quyền hành, nếu giới này vẫn còn tiếp tục chứng kiến cảnh lãnh đạo của họ, thành viên gia đình và bạn bè của lãnh đạo, vẫn cứ tiếp tục trở nên giàu có (nhờ vào tham nhũng)."
"Tham nhũng ở Việt Nam diễn ra từ nóc," "và chỉ có thể chấm dứt bằng cách bắt đầu từ nóc."
Ở Việt Nam, Thanh Tra Chính Phủ không được quyền khởi tố, không được phép yêu cầu các cơ quan khác nhau cùng hợp tác điều tra. Trong khi Thanh Tra Chính Phủ có thể điều tra từng cá nhân một, họ lại không được quyền khám xét văn phòng làm việc, khám xét computer, giấy tờ của các cá nhân đang bị điều tra, nếu không có "cơ quan chủ quản" viết giấy cho phép. Thậm chí, nếu một cấp trên trực tiếp của người đang bị điều tra đồng ý cho phép điều tra, chỉ cần một người khác, cấp cao hơn, bảo phải ngưng, thì toàn bộ tiến trình điều tra phải dừng lại.
Quan chức này nói, tại Việt Nam, công an có thẩm quyền tuyệt đối. "Công an chuyên về mảng an ninh và chính trị đứng riêng, có thẩm quyền tuyệt đối trong việc yêu cầu, hoặc trực tiếp nhúng tay, tịch thu tài liệu của bất cứ ai, không cần lệnh tòa."
Mặc dầu Việt Nam có cơ quan "Thanh Tra Chính Phủ," có vẻ như cơ quan này chỉ tồn tại "làm vì." Thanh Tra Chính Phủ tại thành phố Hồ Chí Minh "hoàn toàn không được quyền điều tra đảng viên, bất kể đảng viên cao cấp hay đảng viên quèn, nếu không được phép của Thành Ủy."
"Thậm chí với đảng viên cấp thấp nhất, quyết định điều tra cũng phải do Bí Thư Thành Ủy cho phép, tức là phải có phép của Bí Thư Thành Ủy, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Lê Thanh Hải và Phó Bí Thư Nguyễn Văn Ðua."
"Ðối với các thành viên tương đối cao cấp, hoặc đối với các vụ "nổi cộm," Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ phải đưa ra cho lãnh đạo đảng tại Hà Nội quyết định."
Bởi vì phải xin phép trước khi điều tra, các thanh tra luôn bị rơi vào tình huống: Ðảng sẽ không cho phép điều tra nếu không có chứng cứ rành rành về một cá nhân nào đó tham nhũng; hoặc là các thanh tra viên có thể bị kỷ luật, hoặc thậm chí bị bỏ tù, nếu cứ việc điều tra trước khi được cho phép.
Trên thực tế, một đảng viên chỉ bị điều tra nếu có một cơ quan vệ tinh nào đó của đảng, chẳng hạn Mặt Trận Tổ Quốc, yêu cầu phải có điều tra, dựa trên những tố cáo có bằng chứng hẳn hoi. Thậm chí trong các trường hợp này, đảng cũng sẽ yêu cầu đảng viên phạm lỗi "tự kiểm," chứ thường là không cho phép tiến hành điều tra. Những đảng viên không biết tự kiểm, hoặc làm cho đảng mất mặt, thì đảng chắc chắn sẽ cho phép điều tra. Thậm chí, trong những trường hợp ấy, một số đảng viên cao cấp sẽ nhảy vào, tung ô dù che chở cho những đảng viên đàn em trung thành với mình.
Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ và Xa Lộ Ðông-Tây là một ví dụ. Thanh Tra Chính Phủ đã yêu cầu được điều tra vụ này, nhưng bị từ chối. Huỳnh Ngọc Sỹ có mối quan hệ cá nhân rất thân với Bí Thư Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét