Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Kinh tế thế giới trong tuần: Không có tin tức tốt lành (tamnhin.net)

Nguồn tamnhin

(Tamnhin.net) - Không có tin tức tốt lành, đó là điểm nổi bật nhất của kinh tế thế giới tuần qua. 

Không những vậy, các nền kinh tế lớn đều cảm thấy khó khăn, thấy nan giải khi tìm hướng đi hợp lý cho những tháng cuối năm 2011. 

Tamnhin.net đã dùng từ "khủng khoảng giải pháp" để phản ánh những bế tắc, lúng túng cũng như chưa hiệu quả trong xử lý nợ công, xử lý lạm phát, thâm hụt ngân sách và tăng trưởng mà rất nhiều nền kinh tế đã gặp phải trong thời gian qua. 

Trong bối cảnh như vậy, suy thoái hay suy thoái kép là những từ được sử dụng thường xuyên khi nói về kinh tế thế giới hiện nay. 

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng sự "vô trách nhiệm" của các nền kinh tế lớn (quan điểm của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick) cũng là tác nhân quan trọng dẫn đến sự bi quan và khó lường của kinh tế thế giới hiện nay.

Kinh tế Mỹ: 

"Mỹ đã vô trách nhiệm khi ngập ngừng trong xử lý các vấn đề nền tảng như tăng trưởng không bền vững trong chi tiêu, sự cần thiết của hệ thống thuế kích thích tăng trưởng và chính sách thương mại bế tắc". Đó là nhận xét có phần "nặng nề" nhưng có lý của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick khi nói đến điều hành kinh tế Mỹ trong những năm vừa qua. 

Có lẽ kinh tế Mỹ đã qua giai đoạn "huy hoàng" nhất với những chỉ số tuyệt đối về GDP, về năng suất lao động, về sức mạnh của đồng USD…khi so sánh với phần còn lại của kinh tế toàn cầu. 

Dù không muốn cũng phải khẳng định, kinh tế Mỹ hiện nay cũng khó khăn, cũng "do dự", cũng "ngập ngừng" và bị chia rẽ sâu sắc khi quyết định các vấn đề quan trọng như nhiều nền kinh tế khác mà sự kiện nâng trần nợ công trước ngày 2/8 vừa qua là ví dụ điển hình. 

Sự "bế tắc" trong việc đưa ra các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế Mỹ phản ánh xu hướng vận động không rõ rằng của kinh tế Mỹ hiện nay. 

Sẽ không bất thường nếu cho rằng kinh tế Mỹ hiện nay là những con số không vui: tăng trưởng thấp; nợ công, thâm hụt ngân sách và thất nghiệp…đều cao đã cho thấy sau khủng hoảng, kinh tế Mỹ chưa "ngượng dậy" được và tình trạng này sẽ còn kéo dài nếu không có đột biến trong điều hành kinh tế vĩ mô. 

Trung Quốc:

Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, kinh tế Trung Quốc may mắn không bị sa lầy vào vấn đề nợ công như Mỹ và Châu Âu, do vậy Trung Quốc có cách nhìn khác quan và thận trọng hơn đối với các vấn đề mà Mỹ và Châu Âu đang gặp phải. 

Trong một tuyên bố mới nhất, nền kinh tế lớn nhất Châu Á đã gửi đi thông điệp sẵn sàng chung tay hỗ trợ kinh tế Mỹ và Châu Âu đang gặp khó. 

"Chúng tôi đang rất quan tâm đến những khó khăn mà nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt. Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ và tăng cường đầu tư để hỗ trợ các quốc gia này", tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos lần thứ 5, ngày 14/9 tại tỉnh Đại Liên, Trung Quốc. 

Không những vậy, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và đang đi đúng hướng. 

"Tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặt hái được những thành quả kinh tế dài hạn cũng như mức tăng trưởng cao hơn. Đây sẽ là những đóng góp mới của chúng tôi trong việc duy trì thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn thế giới" và "Chúng tôi tin tưởng việc Trung Quốc sẽ đạt được những mục tiêu đề ra vào đầu năm, trong khi vẫn có thể kiểm soát được lạm phát ở mức cho phép",  nhận định đầy lạc quan của người điều hành kinh tế Trung Quốc. 

Tuy nhiên, ở góc độ khác Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick lại cho rằng Trung Quốc cần là "một đối tác thương mại có trách nhiệm" khi nói về tỷ giá, đầu tư và môi trường.

Châu Âu:

Tâm điểm kinh tế thế giới tuần này là Châu Âu, là Eurozone nhưng không phải là những tin tốt mà lại là những tin không thể không lo âu, không thể không bi quan.
 
Mặc dù có nhiều cam kết hỗ trợ 109 tỷ Euro nhưng Hy Lạp vẫn có thể vỡ nợ, vẫn có thể bị đưa ra khỏi Eurozone. Điều này đặt khu vực đồng Euro trước thách thức lớn nhất kể từ khi đồng Euro ra đời. 

Trong lý luận về nhà nước, đồng tiền là một trong những dấu hiệu, một trong những đặc trưng cơ bản của một quốc gia. Tuy nhiên lý luận này lại không đúng với 17 quốc gia thuộc Eurozone hay nói khác đi, mô hình này là chưa có tiền lệ. 

Trong 12 năm qua Châu Âu tồn tại một khu vực có 17 quốc gia có chủ quyền sử dụng đồng tiên chung mang tên Euro nhưng nhiều chính sách kinh tế lại không thể tương thích được. 

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick có lý khi cho rằng "17 quốc gia thi hành chính sách tiền tệ thống nhất trong khi vẫn cho phép các nước thành viên tự do chi tiêu và thu thuế". 

Do vậy muốn giải quyết vấn đề nợ công hiện nay ở Châu Âu cần phải có biện pháp "chưa có tiền lệ", điều này các nhà quản lý kinh tế của Châu Âu, của Eurozone phải hiểu hơn ai hết, hay nói cách khác "bóng" đang ở chân nhà quản lý kinh tế của Châu Âu, của Eurozone. 

Nếu không có thay đổi kịp thời, "Triển vọng đối với nền kinh tế châu Âu ngày càng tồi tệ. Cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng và tình trạng lộn xộn trên thị trường tài chính sẽ tác động xấu đến nền kinh tế", nhận định của Ông Olli Rehn, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ của EU. 

Quan điểm này cũng phù hợp với nhận định của bên kia bờ Đại Tây Dương khi cho rằng "Họ đã làm các bước để hãm đà khủng hoảng chứ chưa giải quyết được khủng hoảng. Chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến sự yếu kém của nền kinh tế thế giới cho tới khi vấn đề này kết thúc", phát biểu của Tổng thống B.Obama.

Nhật Bản:

Đồng tiền yếu là nỗi lo của nhiều nền kinh tế, đồng tiền mạnh và "siêu mạnh" cũng làm cho nhiều nền kinh tế "đứng ngồi không yên". 

Điều này hoàn toàn đúng với kinh tế Nhật Bản, đúng với đồng Yên trong thời điểm hiện nay. 

Nhật Bản không thể ngồi yên khi đồng Yên đã lên mức cao nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và đạt 75,95 Yên/USD. 

Điều này cảnh báo gói cứu trợ đồng Yên tăng giá trị giá 100 tỷ USD có lẽ chưa đủ và Nhật Bản cần chuẩn bị những giải pháp khác nếu muốn đồng Yên "neo" ở mức giá phù hợp. 

Cần biết rằng tuy là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng Nhật Bản lại là chủ nợ lớn nhất thế giới với mức thặng dư đầu tư hơn 3.000 tỉ USD, vượt xa nếu so với Trung Quốc có dư nợ 2.200 tỷ USD và Đức với 1.200 tỷ USD. 

Không những vậy lãi suất đồng Yên cũng thuộc diện "siêu thấp' với 0,1%, thấp hơn nhiều nếu so với lãi suất 0,25% của đồng USD, 0,5% của đồng Bảng, 1,5% của đồng Euro và 4,75% của đồng AUD. 

Quyết tâm can thiệp nếu đồng Yên tăng "vượt ngưỡng" cho phép của các nhà quản lý tiền tệ Nhật Bản là có nhưng kết quả can thiệp mới là điều quan tâm nhất của kinh tế Nhật Bản. 

Bi quan vẫn là tâm lý của một bộ phận dư luận Nhật Bản, "Áp lực tăng giá đối với đồng JPY có khả năng tiếp tục trong thời gian tới, và thậm chí giá trị đồng JPY dù có yếu đi tạm thời, thì cũng không thay đổi được một thực tế mỗi khi nền kinh tế thế giới khó khăn, đồng JPY sẽ trở nên mạnh lên" nhận định của ông Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao thuộc Học viện Nghiên cứu NLI tại Tokyo.
 
Nhật Bản là đất nước mặt trời mọc nhưng hiện nay cũng là đất nước của những nghịch lý kinh tế.

Lưu Văn Vinh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét