Những nghịch lý chính trị trong tai họa tiền tệ
Đồng Euro thành đồng sứt. Hình bìa của tạp chí The Economist tuần này
Đúng ba năm sau ngày sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (15 Tháng Chín 2008, biến cố châm ngòi cho vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ), một thầy lang Mỹ đã từng bốc thuốc cấp cứu con bệnh được mời qua ngó vào giường bệnh của đồng Euro Âu Châu.
Năm 2008, ông Timothy Geithner còn là Thống đốc Ngân hàng Dự trữ New York, cơ chế điều tiết luồng giao dịch của Wall Street, một trung tâm tài chánh mắc bệnh với hàng loạt tổ hợp lớn nhất bị vỡ nợ dây chuyền. Cùng Chủ tịch hệ thống Dự trữ Liên bang (Ngân hàng Trung ương) Ben Bernanke và Tổng trưởng Ngân khố Hank Paulson, năm ấy, Thống đốc Geithner trực tiếp đối phó với vụ khủng hoảng. Sau cuộc bầu cử năm 2008, ông được Tổng thống tân cử Barack Obama bổ nhiệm làm Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, với chức năng của một Tổng trưởng Tài chánh như tại các nước khác.
Thứ Sáu 16, ông Geithner dự hội nghị của 27 Tổng trưởng Tài chánh Âu Châu để góp ý về giải pháp khai thông vụ khủng hoảng của đồng Euro. Biến cố này đáng chú ý vì là lần đầu tiên mà một thầy lang Mỹ được mời qua bàn chuyện Euro, khi đồng tiền này được lập ra hơn 10 năm trước chính là để... cạnh tranh với Mỹ kim. Cũng đáng chú ý là sự kiện Liên hiệp Âu Châu - cùng 17 thành viên của khối Euro – cùng hiểu ra rằng cuộc khủng hoảng tài chánh Âu Châu có những nguyên nhân nội tại, chứ không đơn thuần là một vụ lây lan nhiễm bệnh từ Hoa Kỳ.
Trước khi đến Ba Lan dự một ngày đầu trong hai ngày hội nghị, ông Geithner hiển nhiên có biết một việc rất nhỏ mà lớn tại một xứ có vị trí trọng yếu dù bé tí xíu tại Âu Châu.
Thủ tướng Bỉ Yves Leterme thông báo sẽ từ chức sau khi tạm xử lý công vụ trong hơn một năm. Chuyện Bỉ bị khủng hoảng – Thủ tướng phải xử lý thường vụ trong 458 ngày mà chưa có nội các mới – phần nào giải thích những hoạn nạn của Âu Châu, từ tiền tệ, kinh tế đến chính trị, không chỉ vì gánh nặng công trái của Bỉ lên tới gần 500 tỷ Mỹ kim (360 tỷ Euro), bằng 90% Tổng sản lượng - còn cao hơn tình trạng nguy ngập của xứ Bồ Đào Nha. Chuyện quá dài trong một bài viết có hạn.
Bỉ nằm vào vị trí chiến lược, có 11 triệu dân sống chung từ thời "lập quốc" hơn trăm năm trước vì/nhờ quyết định của bốn nước Âu Châu là Anh, Đức, Hoà Lan và Pháp. Sở dĩ sống chung vì là hai khối dân khác biệt, gồm có gần 60% dân số là Flemish ở miền Bắc là những người sống, suy nghĩ và ăn nói như dân Hòa Lan, khác hẳn dân Walloon (hơn 32%) tại miền Nam thì giống Pháp như hai giọt nước.
Vì nằm trên khu vực gọi là Bình nguyên miền Bắc của Âu Châu, địa bàn bành trướng và những trận chiến khốc liệt, nước Bỉ trở thành giải pháp tương nhượng của ngần ấy quốc gia liên hệ: một vùng trái độn. Bên trong, hai sắc dân chính thì nhìn về hai hướng và lập ra rất nhiều chính đảng để trong tương nhượng không có quá nhiều nhượng bộ! Mâu thuẫn Flemish-Walloon (hay Flamand và Wallon theo Pháp ngữ) là chuyện thường trực và cũng là lý do giải thích khủng hoảng chính trị của Bỉ, nơi các cường quốc Âu Châu đặt văn phòng nói chuyện điều hợp và thống nhất.
Ngày nay, giải pháp tạm thỏa đáng ấy có thể là một biểu hiện của cả khối Âu Châu vì ngần ấy quốc gia đều sống chung mà nhiều khi cứ nghĩ riêng - và bảo nhau không được! Khi đồng tiền được hồ hởi thống nhất trong một cơ chế chính trị chưa thống nhất – Liên bang Âu Châu như Liên bang Hoa Kỳ chỉ là giấc mơ - người ta gặp vấn đề.
Đấy là một nguyên nhân căn bản nhất của vụ khủng hoảng tài chánh và tiền tệ ngày nay.
Nền kinh tế nào cũng có thể gặp chu kỳ thăng giáng đi cùng hậu quả tài chánh và ngân hàng... Từ 10 năm nay, loại vấn đề ấy tại Âu Châu lại lây lan chồng chéo với nhau qua những phản ứng ly tâm về chính trị mà khuếch đại về kinh tế.
Sau khi Geithner dự hội nghị tại Ba Lan, phản ứng chung của các thầy lang tài chánh Âu Châu là hoài nghi cách chẩn bệnh, kê toa và bốc thuốc của ông thầy Mỹ. Hẹp hòi thì có thể là câu hỏi đầy mặc cảm, như "Tư cách gì?" Hoa Kỳ cũng là một con bệnh kinh tế mà!
Thực tế thì ta nên thông cảm vì kinh tế cũng là chính trị.
Tại Hoa Kỳ, các Tổng trưởng Ngân khố là chuyên gia được chỉ định vào chức vụ chuyên môn vì lý do chính trị của đảng cầm quyền, với sự đồng ý của Quốc hội. Trong vị trí ấy, thật ra, ông không có toàn quyền hành động. Riêng trong lãnh vực tài chánh và ngân hàng thì phải thường xuyên phối hợp với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương và Chủ tịch Quỹ Bảo hiểm Ký thác Federal Deposit Insurance Corporation (FDIC) là hai người điều khiển hai định chế phi chính trị, độc lập.
Nhưng cũng do chức năng kỳ lạ này - kỳ lạ dưới con mắt của các thầy lang Âu Châu - Tổng trưởng Ngân khố Mỹ là người nắm vững tình hình thực tế của thị trường để có khả năng ứng xử với biến động. Một thầy lang chuyên trị về các trường hợp cấp tính nguy ngập. Nếu muốn biết về bệnh tình và các biện pháp chữa chạy, ông ta hay bà ta có thể điện thoại hoặc... băng qua đường nói chuyện với các viên chức độc lập kể trên.
Tại Âu Châu, thầy lang nào mà có trách nhiệm đó phải liên lạc với 27 cơ quan hữu trách về ngân hàng (27 ngân hàng trung ương của thành viên Liên Âu, chưa kể Ngân hàng Trung ương Âu Châu ECB, định chế có trách nhiệm mà vô thẩm quyền vì dễ bị phủ quyết bởi bất kỳ một hội viên nào) và tham khảo hơn một chục cơ quan tiền tệ. Nếu cần tung tiền để cấp cứu các ngân hàng lâm nạn – như hiện nay – thì phải xin ý kiến của ba chục cơ quan khác.
Chỉ nội việc thảo luận và đề nghị phương thuốc, người ta mất nhiều tuần nói chuyện khẩn, và thương thuyết với hàng trăm chuyên gia, qua ba bốn lớp thông ngôn, trước khi có giải pháp cấp bách. Toa thuốc cấp bách đó còn phải thông qua Quốc hội, và được sự đồng ý của dư luận, trước khi được phê chuẩn và áp dụng.
Sau nhiều năm bị thị trường tác động mỗi ngày, hàng giờ, ngày 22 Tháng Bảy, các nước Âu Châu đã đạt một chương trình chuộc nợ. Đến khi kho thuốc đồng ý cho xuất kho thì bệnh tình đã qua thời kỳ nguy ngập hơn, nên đòi hỏi một đợt chẩn đoán và chữa chạy khác.
Trong khi ấy, các thầy lang Âu Châu có khi lại... thất cử. Nội các thành hình sau bầu cử sẽ mất thời gian tìm người, học việc và khoác áo đi chữa bệnh. Mà vì phòng hồi sinh không có người trực, họ mong là không gặp nhau tại nhà xác.
Hoa Kỳ là nơi mà sinh hoạt dân chủ bày ra khối chuyện tèm lem khật khùng. Nhưng khi hữu sự - như trong vụ Lehman Brothers, AIG, Fannie Mae, Freddie Mac, v.v... bị vỡ nợ và cần cấp cứu – các định chế hữu trách lập tức ra tay. Khỏi xin phép ai, Ngân hàng Trung ương bơm tiền với lãi suất rẻ để các ngân hàng - kể cả ngoại quốc bị lây bệnh – tránh cơn chấn động làm tê liệt cả nền kinh tế.
Chỉ vì thầy lang Mỹ có thẩm quyền và khả năng châm thuốc - mua thời gian - để dù bệnh chưa giảm thì vẫn khó phát tác, rồi thị trường tự hàn gắn lấy. Chưa chắc là họ giỏi hơn đồng viện Âu Châu nhưng có một hệ thống linh động và thống nhất.
Âu Châu thì chưa.Trong khi chờ đợi một Hiến pháp mới và nhiều hiến chương tài chánh khác, thầy lang có thể xé con bệnh làm nhiều mảnh. May là họ chưa múa dao và mổ nhau như trong quá khứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét