Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Song Chi : Việt Nam - quyền được học tập, được chăm sóc khi ốm đau, bệnh tật?

Nguồn rfablog

Khi nhìn vào đời sống xã hội của một quốc gia, có ít nhất hai lĩnh vực mà người ta có thể đánh giá cái nhà nước đang nắm quyền lãnh đạo quốc gia ấy có thực sự "vì dân" hay không, và người dân có được quan tâm, thụ hưởng những quyền lợi tối thiểu của một con người hay không. Đó là hai lĩnh vực giáo dục và y tế.

Tại hầu hết các quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới, giáo dục là miễn phí, ít nhất ở bậc trung học. Nếu học sinh học giỏi hoặc nhà nghèo thì còn được cấp học bổng/tiền trợ giúp để mua sắm sách vở, phương tiện học tập, tiêu vặt…Khi học lên đại học, lại tiếp tục có chế độ học bổng, còn không thì mượn nợ nhà nước, sau này đi làm trả dần. Phần lớn sinh viên các nước, dù gia đình thuộc hàng trung lưu, có tiền, cha mẹ vẫn để cho con mượn nợ nhà nước đi học , như một hình thức để con cái phải có ý thức tự lo và cố gắng học tốt, ra đi làm tự trả nợ cho mình.

Còn trong lĩnh vực y tế, ở các quốc gia văn minh, tiến bộ, cũng là miễn phí, thực tế là do người dân khi đi làm việc đã đóng thuế hàng tháng và nhà nước dùng tiền đó để chi cho ngành y tế. (Tôi không dám so sánh với Na Uy và các xứ Bắc Âu bởi các quốc gia này, do lợi thế nước giàu mà dân số lại ít nên trong hai lĩnh vực này người dân được chăm sóc rất tốt.). Ở Mỹ, y tế không phải miễn phí, nhưng chính phủ cũng có những cách khác để hỗ trợ cho người dân. Nếu là người nghèo, thu nhập thấp thì vào nhà thương công, còn nếu đi làm đóng thuế, mua bảo hiểm y tế đầy đủ, thì khi đau nặng, bảo hiểm sẽ chi trả tùy theo mức độ mà người dân đóng tiền.

Nghĩa là chính phủ của các quốc gia tiến bộ đều tìm ra cách này cách khác để người dân có thể được chăm lo về giáo dục, y tế. Bởi đó là những quyền lợi tối thiểu mà con người phải được thụ hưởng: quyền được học tập, và được chăm sóc khi đau ốm, bệnh tật.

Nhưng ở một số quốc gia trong đó có thiên đường xã hội chủ nghĩa VN của chúng ta thì khác. Mang tiếng là một "quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa" nhưng chẳng có cái gì là miễn phí, trái lại, giáo dục và y tế lại quá đắt đỏ so với thu nhập của người dân từ tầng lớp trung lưu trở xuống.

Học hành ở VN tốn kém từ khi bắt đầu vào mẫu giáo, nhà trẻ cho tới suốt những năm trung học, đại học. Ngay ở bậc mẫu giáo, nhà trẻ, số tiền đóng hàng tháng đối với những gia đình nghèo như công nhân, dân nghèo thành thị…nhiều khi không lo nổi. Bởi vậy mới có những nhà trẻ "chui" tại gia do những người chả hề qua đào tạo giữ trẻ mở ra. Và không ít trường hợp vì dốt nát, thiếu kiến thức nuôi giữ trẻ, vì điều kiện ăn ở kém vệ sinh, thiếu dinh dưỡng…đã gây ra bệnh tật, tử vong oan uổng cho trẻ.

Từ cấp một, cấp hai, cấp ba, mỗi năm cứ đến ngày khai giảng là phần lớn các ông bố bà mẹ lại lo sốt vó vì phải đóng đủ thứ tiền. Đủ các loại phí tổn được kê khai. Chưa kể nhà trường làm bất cứ cái gì cũng nhè phụ huynh mà bắt đóng góp. Từ tiền bảo trì cho đến nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, có những khoản rất vặt vãnh như tiền chi trả cho nhân viên thu dọn khu vệ sinh, tiền mua micro để giáo viên có thể giảng bài âm thanh lớn cho cả lớp cùng nghe (!)…Rồi tiền cho các hoạt động ngoại khóa, thậm chí nhà trường làm từ thiện đóng góp xây nhà tình nghĩa cho thương binh liệt sĩ chẳng hạn, phụ huynh cũng phải đóng góp. Ngoài ra phụ huynh còn phải đóng tiền cho chi hội phụ huynh để mua quà cho giáo viên vào dịp ngày Hiến chương các nhà giáo 20.11, ngày Tết, mua quà cho chính các em khi kết thúc từng học kỳ, nghĩa là bố mẹ đóng tiền để mua quà động viên con em mình học tập chứ nhà trường hay nhà nước cũng chẳng làm được điều này v.v…và v.v…

Mà nhà trường thì đâu phải không có tiền. Các trường trung học ở các thành phố lớn, nhỏ đều có hàng chục cách khác nhau để kiếm thêm ngân sách. Nào cho thuê mặt bằng để các trung tâm tư nhân hoặc chính nhà trường đứng ra mở lớp dạy thêm, có trường còn cho thuê mặt bằng để làm chuyện khác. Nào bán đồng phục đầu năm học, nhiều trường còn nghĩ ra cả cách bán báo Khăn quàng đỏ, Mực tím…cho các em và bắt buộc phải mua, thậm chí bán vé số làm từ thiện các em cũng phải mua (!).

Học trung học ở các trường nhà nước thì như vậy. Còn nhà trẻ tư nhân, nhà trẻ quốc tế, trung học dân lập, trung học quốc tế…thì chi phí cao vòi vọi, từ vài ngàn cho đến cả chục ngàn USD mỗi năm. Vậy mà vẫn có nhiều gia đình có tiền cho con đi học. Giàu hơn nữa thì đi học nước ngoài. Trong khi đó ở những vùng như đồng bằng sông Cửu Long, các huyện lỵ nghèo ở miền Trung, vùng sâu vùng xa…năm nào cũng có hàng trăm hàng ngàn học sinh bỏ học, đi làm sớm vì cha mẹ không nuôi nổi! Nên đối với một đứa trẻ VN bây giờ, khi bắt đầu nhận thức về xã hội, thì cũng là lúc nhận ra sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo, cơ hội khác nhau cho mỗi cá nhân…ngay từ môi trường giáo dục!

Lên đến đại học, gánh nặng chi phí càng đè lên vai bố mẹ. Với một gia đình nông dân, hoặc thu nhập trung bình ở nông thôn, tỉnh lẻ, có một đứa con đi học đại học ở Hà Nội, Sài Gòn là cả một khoản tiền không nhỏ phải lo mỗi tháng. Nào tiền học, thuê nhà, ăn uống, chi tiêu…Nhà nước thì chẳng có bất cứ sự hỗ trợ nào cho sinh viên, mới năm nào nghe sáng kiến cho sinh viên mượn nợ ghi trên bằng cấp của ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân lúc bấy giờ mà thấy hãi!

Y tế lại càng là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân. Cái gì cũng tiền. Đau sơ sơ bước chân vào bệnh viện là đã mất mấy trăm ngàn, một, hai triệu đồng, đi đứt một nửa đến nguyên tháng lương công nhân. Còn đau nặng, bệnh hiểm nghèo nếu không có tiền thì chỉ có chờ chết. Thật ra người đi làm cũng có cái gọi là bảo hiểm y tế, nhưng ai có đau ốm vào bệnh viện thì đều biết, cái bảo hiểm y tế mua của nhà nước chả giúp được gì, rốt cuộc người dân vẫn phải bấm bụng bỏ tiền ra chữa. Tốn kém là vậy nhưng dịch vụ y tế có xứng đáng với đồng tiền bỏ ra không, cái này báo chí cũng đã nói đến rất nhiều. Ở các bệnh viện lớn tại các thành phố lớn lúc nào cũng đông nghẹt người, từ bệnh viện nhi khoa, sản khoa, ung bướu, tim…nơi nào cũng quá tải, bệnh nhân, sản phụ phải nằm chung 2-3 người một giường hoặc nằm la liệt ngoài hành lang là chuyện thường tình. Cuối cùng người khá giả lại bỏ tiền nhiều hơn để khám, chữa, sinh đẻ…ngoài giờ hoặc đến các bệnh viện quốc tế, người nghèo thì đành chịu đựng.

Mới đây lại nghe chuyện Bộ Y tế quyết định tăng viện phí và dịch vụ y tế. Nghĩa là cách ứng phó duy nhất của nhà nước này trước nạn lạm phát là tăng giá, từ xăng dầu, giá sinh hoạt, điện nước cho đến y tế, giáo dục, năm nào cũng chỉ thấy tăng mà không giảm xuống cho dân nhờ!

Đó là chưa nói đến chất lượng giáo dục, đạo đức trong môi trường giáo dục, chất lượng y tế, y đức…cái này lại phải một bài viết khác. Mà thực tế thì dư luận cũng đã kêu ca cả bao nhiêu năm nay chuyện giáo dục, y tế ở VN rồi, khỏi phải nói nữa!

Từ lâu rồi ở VN người dân đã có một tâm lý tự lo, tự thủ cho bản thân mình, gia đình mình, không hy vọng, tin tưởng hay chờ đợi bất cứ điều gì vào nhà nước. Lúc nào cũng phải nghĩ đến chuyện cày kiếm tiền, kiếm nhiều hơn nữa, hơn nữa… để lo cho việc học hành của con cái, lúc bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn, tuổi già…trăm thứ phải lo. Bởi lỡ có chuyện gì xảy ra mà không có tiền thì chỉ biết ngửa mặt kêu trời. Ngược lại, ở mấy cái nước tư bản giẫy chết mà nó lại chăm lo cho người dân và có tính chất xã hội chủ nghĩa hơn mấy cái nước như Trung Quốc hay Việt Nam nhiều.

Cuối cùng câu hỏi đặt ra là mỗi người dân VN đi làm đều đóng thuế cho nhà nước nhưng lại không được hưởng cái gì cả, phải chăng số tiền thuế ấy chỉ để nuôi một bộ máy chính quyền cồng kềnh, cưỡi trên đầu trên cổ dân, làm ăn điều hành quản lý đất nước thì kém hiệu quả, chỉ phá hoại là giỏi, và một đội ngũ khổng lồ công an, an ninh chỉ giỏi hành hạ dân?

Vậy mà cái nhà nước ấy lại cứ mở miệng ra là đòi người dân phải biết ơn Đảng và chính phủ, và ngay trong nhiều người dân vẫn còn có cái tâm lý ấy, kiểu như nhờ ơn Đảng, ơn nhà nước, VN ta mới được như ngày hôm nay, hoặc cái bọn hay lên tiếng chỉ trích nhà nước là một bọn vô ơn, đảng và nhà nước cho họ ăn học mà họ lại như thế v.v..và v.v…Lạ thật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét