Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Tống văn Công : Nên xin lỗi! (Vụ vu khống trí thức yêu nước của Truyền Hình Hà Nội! sự kém cỏi của TGĐ Đài!)

Nguồn BVN

Tống văn Công

Sáng nay, được đọc ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc về lá  thư ngày 25-8-2011 của ông gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, ý kiến của ông Phạm Quang Nghị trao đổi qua điện thoại với nhà văn và công văn 1111/PTTH ngày 31-8-2011 do Tổng giám đốc Đài PTTH Hà Nội Trần Gia Thái trả lời bạn xem truyền hình.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng Đài PTTH Hà Nội có nội dung vu khống và xúc phạm, khi coi các cuộc biểu tình và những người biểu tình ấy là phản động.

Ông Phạm Quang Nghị điện thoại cho Nguyên Ngọc nói rằng "có thể Đài PTTH Hà Nội "đã non nớt" khi phát phóng sự này".

Ông Trần Gia Thái cho rằng "Việc đưa một bức ảnh trong thời gian 3 giây có hình các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải cùng những người tham gia biểu tình khác là để minh họa cho nội dung bản tin chứ không có lời bình nêu đích danh cá nhân những người này là phản động chống đối như trong đơn thư của các ông".

Nhà văn Nguyên Ngọc gọi việc làm của ông Tổng giám đốc Trần Gia Thái là "phủi tay và vô liêm sỉ", cho nên ông phải công bố lá thư đề ngày 25-8-2011 gửi cho ông Nghị.

Trong khi ông Nghị và Thành ủy Hà Nội chưa kết luận vấn đề nghiêm trọng này, tôi xin có vài ý kiến với các đồng nghiệp Đài PTTH Hà Nội.

Ông Tổng giám đốc Trần Gia Thái đã không hiểu từ "minh họa" trong báo chí!

Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học), minh họa là "làm rõ thêm, sinh động thêm nội dung của tác phẩm văn học hoặc của bản trình bày, bằng hình vẽ, hoặc những hình thức dễ thấy, dễ hiểu, dễ cảm". Thêm một định nghĩa nữa của Từ điển Bách khoa ViệtNam: minh họa là "hình ảnh gắn liền với bài viết giống như tiểu họa trong các cuốn sách viết tay cổ. Minh họa vừa có chức năng tư liệu, vừa có chức năng thẩm mỹ, làm sáng tỏ thêm nội dung bài viết, vừa tạo hứng thú cho người đọc…".

Tóm lại, qua định nghĩa của hai quyển từ điển thì minh họa là "làm rõ thêm, sinh động thêm nội dung"; "hình ảnh gắn liền với bài viết". Chính bài viết đã là "lời bình"cho bức ảnh rồi, sao lại còn bảo là "không có lời bình nêu đích danh"?! Và đưa ảnh lên 3 giây, hay 1 giây đâu có khác gì nhau?

Tôi xin kể một chuyện cũ trong đời làm báo của mình có liên quan đến chuyện minh họa.

Đầu thập kỷ 90, ngành Hàng không Việt Namcó một vụ tai nạn máy bay. Phóng viên báo Lao Động liền gọi điện thoại phỏng vấn Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Nhị. Tổng giám đốc đã trả lời rất khúc chiết và đầy tinh thần trách nhiệm. Do phỏng vấn qua điện thoại nên phóng viên không có ảnh chụp kèm bài. Phòng thư ký Tòa soạn đã tìm trong kho tư liệu bức ảnh chụp Tổng giám đốc trước đó không lâu. Báo phát hành, bạn đọc phản ứng: "Tại sao trả lời về vụ tai nạn, ông Tổng giám đốc không có vẻ hối tiếc mà lại tươi cười?". Ông Nguyễn Hồng Nhị hiểu tòa báo không có ảnh mới, nên thông cảm không hề chê trách. Tuy nhiên, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm phải xin lỗi ông và nói lại với bạn đọc.

Các đồng nghiệp Đài PTTH Hà Nội nên suy nghĩ lại vấn đề này, nếu thấy sai đến đâu thì xin nhận mình sai đến mức đó, cần xin lỗi thì xin lỗi là cách hành xử đẹp.

Ngày 1-9-2011

T.V.C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét