Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

TS Nguyễn Quang A : Bình luận về cuộc đấu khẩu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương về việc giảm giá xăng

Nguồn BVN


Còn nhớ AT&T đã là công ty viễn thông tư nhân chi phối thị trường viễn thông Mỹ một thời. Chính phủ Mỹ đã buộc xé nhỏ AT&T để thúc đẩy cạnh tranh. Không có hành động ấy của Chính phủ Mỹ chắc công nghiệp viễn thông thế giới không được như ngày nay.

Nhiệm vụ công ích đè nặng lên DN xăng dầu (ảnh: Phạm Huyền)

Nhiệm vụ công ích đè nặng lên DN xăng dầu (ảnh: Phạm Huyền)

Xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có tầm quan trọng đặc biệt trong ngành năng lượng. Muốn khu vực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Chính phủ Việt Nam trực tiếp điều hành các ngành chủ chốt của nền kinh tế, trong đó có xăng dầu, thông qua các doanh nghiệp nhà nước của mình (một vài công ty được gọi là cổ phần nhưng nhà nước vẫn giữ phần chi phối nên thực ra vẫn là doanh nghiệp nhà nước). Mối quan hệ giữa các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp này không minh bạch và nhiều khi các cơ quan hay quan chức nhà nước trở thành "tay chân" cho doanh nghiệp và đổi lại doanh nghiệp "nuôi" quan chức. Ông nào cũng giàu, cùng có lợi. Chỉ có đất nước và người dân phải gánh chịu hậu quả.

Trong bối cảnh ấy "sự nặng lời" đến mức báo giới phải "kinh ngạc" giữa một số đại diện của 2 Bộ Công thương và Tài chính trong hội thảo về xăng dầu ngày 20-9-2011 là điều dễ hiểu.

Bộ Công thương có vẻ "thông/và đồng cảm" với các doanh nghiệp xăng dầu: "doanh nghiệp đang gánh lỗ rất lớn, nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng hòng giải quyết được các biện pháp khác". Ai cũng biết Công ty chi phối thị trường (Petrolimex) khi làm hồ sơ niêm yết (để bán cổ phần, huy động vốn) thì nói công ty lãi lớn, khi bàn về giá thì thường kêu bị lỗ to.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói họ không lỗ, và ông truy lỗ ra sao thì họ trả lời loanh quanh về thành tích "nộp ngân sách". Nộp ngân sách đâu phải thành tích của doanh nghiệp! Đấy là thuế mà người tiêu dùng đóng cho nhà nước, giỏi lắm họ chỉ có "thành tích" thu hộ và "sử dụng" khi chưa nộp cho sở thuế! Ông Bộ trưởng Tài chính truy về lỗ lãi của từng mặt hàng, thì họ bảo "chúng tôi không tách ra từng mặt hàng giá lỗ lãi bao nhiêu mà tính tổng thể". Ơ hay, không có cái thành phần (từng loại mặt hàng) thì làm sao có thể tính tổng được. Quả là hết sức tù mù. Thế mà không có ai từ chức hay bị cách chức mới lạ và ngẫm kỹ cũng chẳng lạ gì.

Rồi ngày hôm sau họ phản lại các chất vấn của Bộ Tài chính bằng các số liệu tổng hợp: xăng lỗ hơn 50 đồng/lít, dầu lỗ… Liệu các ông chủ – nhân dân – đòi họ cung cấp số liệu chi tiết, thì họ có dám đưa ra mọi số liệu chi phí hay không? Chắc là "bí mật kinh doanh" vì đưa ra thì làm sao còn tù mù được nữa và họ sao sống nổi. Vấn đề cốt lõi là cần sự tù mù thì các bên mới "cùng có lợi".

Ông Bộ trưởng Tài chính đã nhận ra là quỹ bình ổn giá xăng dầu (tiền của người tiêu dùng góp) mà để cho các doanh nghiệp quản là không ổn. Cải thiện quản lý quỹ bình ổn và cả cải thiện, sửa đổi cơ chế quản lý giá như hiện nay dù có vá víu đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề căn bản. Vấn đề căn bản là phải có cạnh tranh lành mạnh và buộc các doanh nghiệp phải minh bạch sổ sách, và nhà nước đừng kinh doanh theo kiểu này nữa.

Như thế giải pháp cũng chẳng phải là "để cho họ có lãi" bằng cách giữ hay tăng giá. Tuy có 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng một đại gia vẫn nắm hơn 60% thị phần, độc quyền vẫn đó.

Vài năm trước tôi đã kiến nghị tổ chức lại ngành xăng dầu: chia tách Petrolimex ra làm đôi; hợp nhất nhiều trong số 10 doanh nghiệp nhỏ; để hình thành 3 – 4 doanh nghiệp sàn sàn nhau. Trước mắt có thể tất cả vẫn là các doanh nghiệp nhà nước, nhưng chúng phải cạnh tranh khốc liệt với nhau (hãy xem thị trường điện thoại di động). Khi đó vẫn cần sự điều tiết, giám sát của nhà nước (thí dụ để chống sự thông đồng), và chỉ khi đó vấn đề giá xăng dầu mới có thể hoàn toàn để cho cơ chế thị trường điều tiết. Khi đó các bộ liên quan sẽ rất nhàn, khỏi phải cãi vã. Bộ làm việc của Bộ, doanh nghiệp làm việc của doanh nghiệp. Nhưng họ có muốn thế không? Phải hỏi các ông to hơn.

Xóa độc quyền, tạo sự cạnh tranh thật sự và nhà nước không bao cấp, không ưu ái cho các doanh nghiệp này (lỗ thì cách chức Giám đốc thậm chí cho phá sản) mới là giải pháp chính. Mà đâu chỉ có xóa độc quyền và tạo sự cạnh tranh trong lĩnh vực doanh nghiệp.

N.Q.A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

***

Để bạn đọc rộng đường tham khảo, BVN xin đưa thêm dưới đây một số bình luận đã được đăng trên báo và mạng từ vài hôm nay

Xăng và Vương Đình Huệ

Huy Đức

Khi quyết định giảm giá xăng 500 đồng/ lít, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã chứng minh, "các doanh nghiệp không khó khăn như họ kêu ca, Petrolimex ngoài khoản lãi định mức 300 đồng/lít, theo số liệu hải quan, còn dôi ra một khoản 780 đồng/lít". Cách làm việc của ông Huệ cho thấy, ít nhất là cho đến nay, ông chưa trở thành con tin của các đại gia.

Sự can thiệp của Bộ Tài chính là cần thiết, vì như ông Huệ nói: Thị phần của ba đại gia Nhà nước, Petrolimex, Saigon Petro và PVOil, chiếm tới 90% nên không thể để doanh nghiệp tự định giá mà phải có kiểm soát. Vấn đề nằm ở đây.

Lợi nhuận là lợi nhuận, độc quyền quốc doanh còn dễ lũng đoạn Nhà nước hơn cả tư nhân. Không phải cứ nắm các mặt hàng chiến lược là Quốc doanh sẽ phục vụ được các mục tiêu xã hội. Có vẻ như Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã đúng khi kêu gọi phải dùng cái đầu để xử lý giá xăng dầu. Nhưng nếu mục tiêu của các Bộ là "phải giải quyết cái gốc: doanh nghiệp đang lỗ rất lớn" như ông Tú đề nghị thì chính các đại gia đang dùng cái đầu, còn các nhà hoạch định chính sách lại đang có nguy cơ trở thành "tay chân" của họ.

Để chống lũng đoạn các mặt hàng chiến lược, không chỉ xăng dầu, cần nhiều biện pháp. Nhưng, trước hết, Bộ Tài chính nên phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (chứ đừng làm với Bộ Công thương), ban hành một đạo luật, theo đó: Không một doanh nghiệp nào được phép nắm giữ quá 10% thị phần xăng dầu trong nước; Không một cá nhân nào, bao gồm vợ, con, có quyền nắm giữ một lượng cổ phiếu ở tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nội địa ở mức quá 6% thị phần. Chỉ khi phi quốc doanh hóa, các doanh nghiệp mới nhập đúng giá xăng dầu. Chỉ khi chia nhỏ các đại gia như Petrolimex, Saigon Petro và PVOil, và để tư nhân tham gia, Việt Nam mới có thể có thị trường thật sự.

Một Bộ trưởng như ông Vương Đình Huệ không nên tiếp tục dùng tài năng của mình để "ăn thua" từng đồng với các đại gia. Việt Nam đã cam kết "kinh tế thị trường" với WTO, Nhà nước không thể "điều hành giá" như thế này mãi được. Có lẽ ông Huệ cũng biết, với năng lực chi phối của các đại gia quốc doanh, cấp Thứ trưởng, thậm chí Bộ trưởng, chỉ là tép riu. Cạy cửa Vương Đình Huệ không được thì họ sẽ mở những cánh cửa cao hơn. Không những cần mua xăng giá rẻ, người dân còn muốn chứng kiến một Vương Đình Huệ không bị tẩm xăng đốt cháy.

Nguồn: http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fjjj.snprobbx.pbz/abgrf/bfva-uhlqhp/k%C3%84%C6%92at-i%C3%83%C2%A0-i%C3%86%C2%B0%C3%86%C2%A1at-%C3%84%E2%80%98%C3%83%C2%ACau-uh%C3%A1%C2%BB%E2%80%A1/265896390100263=3fabgvs_g=3dabgr_gnt

 ***

Nhóm lợi ích vì hơn 80 triệu dân?

22/09/2011 07:11:55

Nguyễn Quang A

- Trong một xã hội có tổ chức tốt, các nhóm lợi ích hoạt động hợp pháp theo các quy định rõ ràng và hoạt động của các nhóm lợi ích nói chung, có lợi cho xã hội.
Nhóm lợi ích là các tổ chức (thường là các hội, hiệp hội) vận động chính sách công sao cho có lợi nhất cho [các thành viên của] mình. Các nhóm khác nhau có thể có những lợi ích khác nhau và họ tìm cách vận động chính sách công theo lợi ích của nhóm mình là chuyện bình thường và là nhu cầu thực tế.

Các nhóm lợi ích luôn tồn tại. Họ hoạt động có lợi cho xã hội hay chỉ chú tâm đến lợi ích riêng là tùy thuộc vào môi trường pháp lý có rành mạch hay không; hoạt động của họ có minh bạch, có được kiểm soát, giám sát hay không; Nhà nước, xã hội dân sự và báo giới có buộc họ phải có trách nhiệm giải trình hay không.

Trong một xã hội có tổ chức tốt, các nhóm lợi ích hoạt động hợp pháp theo các quy định rõ ràng và hoạt động của các nhóm này, nói chung, có lợi cho xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú tại hội thảo ngày 20/9 - Ảnh: Tuổi trẻ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú tại hội thảo ngày 20/9 - Ảnh: Tuổi trẻ

Việt Nam chưa có các quy định pháp lý rõ ràng về vấn đề này. Nhà nước, xã hội dân sự và báo giới chưa buộc các nhóm lợi ích phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Chính vì vậy họ hoạt động một cách méo mó, không loại trừ khả năng câu kết với các nhà hoạch định chính sách để tìm kiếm lợi ích riêng.

Điều này giải thích vì sao khi nói đến nhóm lợi ích ở Việt Nam, người ta có thể hiểu theo nghĩa xấu: vận động chính sách công nhằm trục lợi cho bản thân.

Một sự biểu hiện của lợi ích nhóm theo nghĩa xấu là ứng xử của một số đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Bộ Công thương trong cuộc "Hội thảo điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/9/2011.

Theo báo giới, tại đó đại diện của Bộ Công thương đã khá nặng lời; còn đại diện của các doanh nghiệp luôn kêu lỗ [mà chẳng thấy ông nào từ chức hay bị cách chức] và phản đối chính sách giá của Bộ Tài chính. Họ không giải trình được các khoản lỗ, cách tính toán giá của họ không rõ ràng, không minh bạch, thậm chí họ còn nói lãn công, bỏ việc để gây sức ép với Bộ Tài chính.

Ông tân Bộ trưởng Tài chính lại biết "rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu" và ông cho rằng Bộ "sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân".

Trong khi một doanh nghiệp (Petrolimex) chiếm hơn 60% thị phần, thì không thể phó mặc cho cơ chế thị trường, và Nhà nước phải can thiệp. Không thể vin vào cơ chế thị trường!

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, từ vài năm trước tôi đã kiến nghị tổ chức lại ngành xăng dầu: chia tách Petrolimex ra làm đôi; hợp nhất nhiều trong số 10 doanh nghiệp nhỏ; để hình thành 3 – 4 doanh nghiệp sàn sàn nhau. Trước mắt tất cả vẫn là các doanh nghiệp nhà nước, nhưng họ phải cạch tranh khốc liệt với nhau (hãy xem thị trường điện thoại di động). Khi đó vẫn cần sự điều tiết, giám sát của Nhà nước (thí dụ để chống sự thông đồng), và chỉ khi đó vấn đề giá xăng dầu mới có thể hoàn toàn để cho cơ chế thị trường điều tiết.

Hãy trả lại nhóm lợi ích nghĩa thật của nó (không chỉ quá thiên về nghĩa xấu). Hãy cơ cấu lại các doanh nghiệp xăng dầu và hãy để cho nhân dân biết các ý kiến trái chiều nhau như ở hội thảo trên vì đó là một trong những cách buộc các nhóm lợi ích phải có trách nhiệm giải trình.

N.Q.A.

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/4461/201109/Nhom-loi-ich-vi-hon-80-trieu-dan-1812983/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét