Để tìm hiểu về vấn đề này, RFI phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế, có trụ sở tại Frankfurt (Đức).
1- Xin ông cho biết các nhận định của ông về việc chính quyền Việt Nam tiến hành cưỡng chế một số công dân vào giam giữ tại một số trại "cải tạo", được gọi là "cơ sở giáo dục", mà không thông qua xét xử tại tòa án, trong thời gian gần đây ?
- Trước hết tôi xin có nhận định về trường hợp của bà Bùi Thị Minh Hằng là một Blogger và một người tham gia hầu hết các cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.
Trong thông cáo báo chí ra cách nay hơn 1 tuần Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế đã cực lực phản đối việc giam giữ này và đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho bà Hằng. Trong vụ này, Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (CƯQTQDS&CT) mà Việt Nam là một thành viên từ năm 1982. Việt Nam đã không tuân thủ điều 9 qui định việc cấm giam giữ độc đoán và điều 19 qui định về quyền tự do ngôn luận của Công ước này.
Uỷ Ban Nhân quyền LHQ, là cơ quan LHQ giám sát việc thi hành công ước nói trên, vừa mới công bố bản nhận định về quyền tự do ngôn luận theo điều 19. Theo bản nhận định này, thì rõ ràng bà Hằng bị xâm phạm quyền tự do có quan điểm riêng là một trong những nhân quyền bất khả xâm phạm của công ước, nghĩa là nó không thể bị tước đoạt hoặc giới hạn trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù đó là hoàn cảnh của một nước có chiến tranh. Chúng ta cần khẳng định rằng với quyền tự do có quan điểm riêng này, bà Hằng có quyền mặc áo, dương biểu ngữ, phát truyền đơn ở ngoài đường hay nộp đơn khiếu nại hoặc tố cáo. Vì nếu không có những cách bày tỏ này thì quyền tự do có quan điểm riêng sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa. Việt Nam thường tuyên bố tôn trọng quyền tự do quan điểm và đã ra Luật tuân thủ Điều ước Quốc tế thì chúng tôi đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện đúng đắn các cam kết quốc tế.
Tổ chức chúng tôi rất lo ngại khi thấy chính quyền Việt Nam dùng mọi phương cách, kể cả các cách thức phi pháp, để giới hạn các nhân quyền căn bản. Phạt hành chính bằng số tiền rất lớn hay bắt đưa đi cải tạo là những phương thức nhằm giới hạn các quyền tự do căn bản ở Việt Nam. Bà Hằng hay gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn là 2 trường hợp nổi bật, nhưng chúng tôi còn biết rất nhiều trường hợp khác cũng đang bị đe dọa về công ăn việc làm hoặc an toàn thân thể như : Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), Lê Dũng, Nguyễn Văn Phương, v.v… Chúng tôi thấy những việc làm này nằm trong một kế hoạch vi phạm nhân quyền có hệ thống.
2- Ở Việt Nam, có một quan điểm khá phổ biến cho rằng, quan niệm về nhân quyền của Việt Nam có những điểm khác. Vậy xin ông cho biết quan điểm của ông về cách nhìn này ?
- Chúng ta cần bàn một cách cụ thể. Về điều 19 trong CƯQTQDS&CT, phân biệt trong quyền tự do ngôn luận ba quyền cụ thể. Thứ nhất là „quyền có quan điểm", thứ hai là „quyền được nhận thông tin" và thứ ba mới là „quyền phát biểu". Riêng cái quyền có quan điểm là một quyền tuyệt đối. Ở đây, chúng ta nói rằng, quyền của bà Bùi Thị Minh Hằng đó là quyền mặc áo có ghi chữ ra đường, có quyền phát truyền đơn, hoặc khiếu nại. Cái "quyền có quan điểm" đó là quyền tuyệt đối, không thể bị tước đoạt trong bất cứ hoàn cảnh nào, không phụ thuộc vào bất cứ một xã hội, hay một nền văn hóa, hay một quan điểm chính trị nào hết. Ở đây, nếu Việt Nam đã tham gia vào một công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, thì chúng ta phải chấp nhận thủ tục của Ủy ban Nhân quyền LHQ là cơ quan có thẩm quyền.
3 - Trở lại việc bà Bùi Thị Minh Hằng bị giam giữ như vừa qua, xin ông cho biết quan điểm của ông về chuyện này, đứng từ góc độ pháp luật quốc tế ?
- Theo luật quốc tế thì việc dùng thủ tục hành chánh để cướp quyền tự do thân thể của bà Hằng là hoàn toàn phi pháp. Quyền tự do thân thể của một con người qui định bởi điều 9 của CƯQTQDS&CT có giá trị rất lớn nên không thể bị giới hạn bừa bãi được. Điều 9 này qui định muốn giới hạn quyền tự do thân thể thì phải làm ra luật pháp rõ ràng và muốn áp dụng thì phải thông qua tòa án xét xử, cũng như nạn nhân phải được thông báo theo đúng thủ tục pháp lý.
Bà Hằng bị bắt vào ngày 27/11 bởi một quyết định đưa bà đi cải tạo đã được ký trước đó 20 ngày mà đến lúc đó bà hoàn toàn không hay biết gì hết. Việc làm khuất tất này đã phơi bày tất cả yếu điểm của cái gọi là Pháp lệnh Xử lý Vi Phạm Hành chính.
Ngay cả theo luật Việt Nam, thì việc giam giữ bà Hằng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Việc vi phạm hành chính của bà Hằng khi mặc áo, đội nón lá có chữ hay đi biểu tình ở Hà Nội là điều chưa được pháp luật Việt Nam xác định. Đơn thư khiếu nại và tố cáo của nhiều người, trong đó có nhiều đơn của bà Hằng, liên quan đến vấn đề phạt hành chính vẫn chưa được trả lời. Cho nên công an rõ ràng đang lạm dụng luật khi giam giữ bà ta. Chúng tôi thấy thủ tục đưa bà đi cải tạo theo pháp lệnh trên là thủ tục vừa đá bóng vừa thổi còi. Công an là người đề nghị, rồi công an cũng là người quyết định luôn. Chẳng có ai kiểm soát công an cả.
Rõ ràng là Pháp lệnh Xử lý Vi Phạm Hành chính đã bị lỗi thời. Chúng ta biết tổ chức giúp đỡ phát triển của LHQ là UNDP ở Hà Nội đã phê bình việc lạm dụng biện pháp cải tạo. Quốc hội Việt Nam đã đòi chuyển quyết định về cải tạo sang cho tòa án để bảo đảm thủ tục chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, thận trọng, chính xác và bảo vệ những quyền cơ bản của công dân.
Trong những ngày qua, một số bạn ở Việt Nam đã trăn trở rất đúng về việc một Pháp lệnh có nhiều khiếm khuyết chiếu theo luật quốc tế và luật Việt Nam như vậy, đang gây tranh cãi rất lớn trong dư luận, giới luật sư và quốc hội, có nhiều điều khoản đáng phải sửa đổi và sắp bị thay thế bằng một bộ luật như vậy, mà vẫn còn được công an khai thác để bắt bà Bùi Thị Minh Hằng.
Trả lời câu hỏi, tôi thấy là những quốc gia tôn trọng nhân quyền không bao giờ chấp nhận những hành vi hoặc những pháp luật có tính độc đoán và xâm phạm quyền tự do thân thể như vậy.
4 - Xin ông cho biết, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã có những can thiệp như thế nào để giúp các công dân Việt Nam, bị rơi vào cảnh ngộ như thế này, trong hoàn cảnh pháp luật Việt Nam và việc thực thi pháp luật ở Việt Nam vẫn chưa bảo đảm được sự công bằng ?
- Như đã chúng tôi đã nói phần trên, chúng tôi đã lên tiếng về vụ việc này. Ở đây, chúng ta có 2 tầng làm việc. Tầng thứ nhất là phải giúp đỡ cho bà Hằng và gia đình. Cần giúp gia đình bà đi thăm nuôi để phá vỡ sự cô lập. Cần tìm luật sư để làm sáng tỏ cơ sở pháp lý của quyết định đưa bà đi giam cải tạo và giam cải tạo ở một nơi xa nhà.
Tầng thứ hai là tầng vĩ mô. Bà Hằng không phải là trường hợp duy nhất bị giam giữ độc đoán. Cù Huy Hà Vũ cũng bị giam giữ độc đoán bằng một cách khác. Việt Nam đang có hàng trăm tù nhân chính trị và hàng trăm người Thượng bị giam giữ rất xa nhà. Các cơ quan của LHQ như Uỷ Ban Nhân quyền, Tổ Công tác Chống Giam giữ Độc đoán, Báo cáo viên về Quyền tự do Ngôn luận, … cần được thông tin nhiều hơn nữa về những trường hợp này. Các chính phủ đang viện trợ cho Việt Nam cũng phải biết. Để làm gì? Để họ thúc ép Việt Nam phải tôn trọng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế, phải nội luật hóa những điều ước nhân quyền quốc tế thành những điều luật rõ ràng và nghiêm chỉnh, phải thực thi luật pháp một cách đúng đắn và phải cứu xét các khiếu nại một cách công bằng. Việc giải quyết các khiếu nại và bồi thường trong trường hợp có sai trái sẽ là thước đo cho thiện chí bảo vệ nhân quyền của mỗi quốc gia.
Công việc trên sẽ làm không xuể nếu không có sự góp công, góp sức của những người bạn Việt Nam. Chúng tôi rất cần những báo cáo chính xác về các trường hợp cá nhân và những phân tích hay nghiên cứu về các điều luật hay những hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng, rộng lớn và có tính cách hệ thống. Chúng tôi ghi nhận những cố gắng phá vỡ bưng bít thông tin của những người sử dụng internet và viết blog Việt Nam trong thời gian qua.
- Xin chân thành cảm ơn ông Tổng thư ký.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét