Václav Havel (5/10/1936 – 18/12/2011) là tổng thống cuối cùng của Tiệp Khắc và tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech. Là nhà soạn kịch, nhưng ông nổi tiếng với tư cách lãnh tụ Cách mạng Nhung. Thế giới đã biết nhiều đến những tác phẩm bất hủ của ông, ví dụ như tiểu luận viết năm 1978 "Quyền lực của Không Quyền lực" (The Power of the Powerless). Sau đây là bài phát biểu của ông với nhân dân Tiệp Khắc ngày 1/1/1990, ba ngày sau khi được chọn làm tổng thống.
Václav Havel
Thưa đồng bào!
Bốn mươi năm qua, cứ đến ngày này các bạn đã nghe những vị tiền nhiệm của tôi phát biểu về cùng chủ đề với nhiều phiên bản khác nhau: rằng nước ta đang thịnh, rằng chúng ta sản xuất được hàng triệu tấn thép, rằng chúng ta tin tưởng chính phủ của mình, và rằng những viễn cảnh tươi sáng đang mở ra trước chúng ta.
Tôi nghĩ rằng các bạn không tiến cử tôi vào chức vụ này để rồi tôi cũng sẽ nói dối với các bạn.
Nước ta nào phải đang thịnh. Tiềm năng sáng tạo và tiềm năng tinh thần lớn lao của các dân tộc chúng ta hiện không được sử dụng hợp lý. Toàn bộ các ngành công nghiệp của ta đang sản xuất hàng hóa chẳng ai quan tâm, trong khi những thứ ta cần lại thiếu. Một nhà nước tự gọi mình là nhà nước của giai cấp công nhân lại sỉ nhục và bóc lột công nhân. Nền kinh tế lạc hậu của chúng ta đang phung phí năng lượng ít ỏi sẵn có của mình. Một đất nước từng có thể tự hào về trình độ học vấn của công dân lại chi tiêu quá ít vào giáo dục đến nỗi hiện nay xếp hạng 72 trên thế giới. Chúng ta đã gây ô nhiễm đất, sông và rừng do tổ tiên để lại, và hiện nay chúng ta có môi trường nhiễm bẩn nhất Châu Âu. Người lớn ở nước ta chết sớm hơn ở hầu hết các nước Châu Âu khác.
Tôi xin mạn phép nêu một quan sát nhỏ của cá nhân. Gần đây, khi đáp máy bay đến Bratislava, tôi tranh thủ chút thời gian giữa những lúc nói chuyện để nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay. Tôi thấy khu công nghiệp liên hợp của nhà máy hóa chất Slovnaft và khu nhà ở Petr'alka khổng lồ ngay đằng sau nhà máy. Quang cảnh đó đủ để tôi hiểu rằng trong nhiều thập niên giới chính khách và lãnh tụ chính trị của chúng ta đã không hoặc không muốn nhìn ra cửa sổ máy bay của họ. Tôi không có số liệu nghiên cứu thống kê để hiểu nhanh hơn và rõ hơn hiện trạng chúng ta đang đối mặt.
Nhưng tình hình đó vẫn chưa phải là vấn đề chính. Điều tệ hại nhất là chúng ta sống trong một môi trường đạo đức nhiễm độc. Đạo đức của chúng ta đổ bệnh vì chúng ta đã nhiễm thói quen nói khác với suy nghĩ của mình. Chúng ta biết cách không tin vào gì cả, biết bỏ mặc nhau, chỉ biết chăm lo cho chính mình. Những khái niệm như tình yêu, tình bạn, lòng trắc ẩn, tính khiêm nhường, hay lòng khoan dung đã đánh mất cả chiều sâu lẫn diện rộng, và nhiều người trong chúng ta xem đó là những tính cách tâm lý kỳ dị, hoặc giống như những tàn tích từ thời xa xưa sót lại, hơi lạc lõng trong thời đại của máy vi tính và tàu vũ trụ. Chỉ một số ít trong chúng ta có khả năng lớn tiếng ta thán rằng giới chóp bu quyền lực lẽ ra không nên được toàn quyền như thế, và rằng những nông trại đặc biệt chuyên sản xuất thực phẩm xanh và sạch, cao cấp chỉ dành riêng cho họ nên gởi rau tươi quả ngọt đến các trường học, nhà thiếu nhi và bệnh viện nếu nền nông nghiệp của chúng ta không thể cung cấp cho tất cả mọi người.
Chế độ trước đây – được trang bị ý thức hệ kiêu căng và không biết dung thứ – đã giáng cấp con người xuống thành một lực lượng sản xuất, giáng cấp thiên nhiên xuống thành một công cụ sản xuất. Ở điểm này, chế độ đó đã tấn công chính bản chất của con người và thiên nhiên lẫn mối quan hệ hỗ tương giữa con người và thiên nhiên. Chế độ đó đã giáng cấp những con người tài năng và tự chủ, lao động có kỹ năng trong đất nước của chính mình, xuống thành các linh kiện phụ tùng của một cỗ máy kềnh càng, ồn ào và hôi hám nào đó, mà chẳng ai rõ ý nghĩa thực thụ của cỗ máy đó là gì. Cỗ máy đó chẳng làm gì khác hơn là tự bào mòn một cách từ từ và không thương tiếc chính nó và những linh kiện phụ tùng.
Khi bàn về bầu không khí đạo đức bị nhiễm độc, tôi không chỉ đang nói đến những bậc trưởng thượng ăn rau xanh và sạch, và không nhìn ra cửa sổ máy bay. Tôi đang nói về tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đã quen với cơ chế toàn trị và chấp nhận nó như một sự thật không thể thay đổi, do vậy giúp nó trường tồn. Nói cách khác, tất cả chúng ta – dù đương nhiên ở những mức độ khác nhau – đều chịu trách nhiệm về sự vận hành của cỗ máy toàn trị. Không ai trong chúng ta chỉ là nạn nhân của nó. Tất cả chúng ta đều chung tay góp sức tạo ra nó.
Tại sao tôi nói vậy? Thật chẳng phải chút nào nếu hiểu di sản đau buồn của bốn mươi năm qua là điều xa lạ do một người bà con xa để lại cho chúng ta. Trái lại, chúng ta phải chấp nhận cái di sản này như một tội lỗi chúng ta tự gây ra cho chính mình. Nếu chấp nhận như vậy, chúng ta sẽ hiểu rằng tất cả chúng ta, chỉ có chúng ta mà thôi, phải hành động về chuyện đó. Chúng ta không thể đổ lỗi mọi thứ cho giới cai trị trước đây, không chỉ vì điều đó không đúng, mà còn vì như vậy sẽ làm thui chột bổn phận mà mỗi người chúng ta đương đầu hiện nay, đó là nghĩa vụ hành động độc lập, tự do, hợp lý và nhanh chóng. Chúng ta hãy đừng nhầm lẫn: chính phủ tốt nhất trên thế giới, quốc hội tốt nhất và tổng thống tốt nhất, không thể tự thân đạt được nhiều thành quả. Và sẽ là sai lầm nếu ta hy vọng một mình chính phủ có thể đưa ra giải pháp chung. Tự do và dân chủ bao gồm sự tham gia, do đó gồm cả trách nhiệm từ tất cả chúng ta.
Nếu chúng ta nhận ra điều này, thì tất cả những nỗi kinh hoàng mà nền dân chủ mới của Tiệp Khắc thừa hưởng sẽ không còn quá kinh khủng nữa. Nếu chúng ta nhận ra điều này, con tim chúng ta sẽ lại có quyền hy vọng.
Trong nỗ lực khắc phục những mối quan tâm chung, chúng ta có cái để dựa vào. Thời gian gần đây – và đặc biệt sáu tuần vừa qua của cuộc cách mạng diễn ra trong bình yên của chúng ta – đã cho thấy tiềm năng con người, đạo đức và tinh thần lớn lao và nền văn hóa dân sự vốn ngủ quên trong xã hội chúng ta dưới cái mặt nạ vô cảm mà ta buộc phải đeo. Khi có người nhất mực khẳng định chúng ta là thế này thế nọ, tôi luôn phản bác bằng lập luận rằng xã hội là một tạo vật bí ẩn và thật là dại dột nếu chỉ tin vào bộ mặt bề ngoài nó lộ ra cho ta thấy. Tôi mừng vì mình đã không sai lầm. Khắp thế giới người ta tự hỏi những công dân nhu mì, bị sỉ nhục và có vẻ hoài nghi chua chát của Tiệp Khắc lấy đâu ra sức mạnh kỳ diệu để chỉ trong mấy tuần, và một cách đường hoàng và yên bình, tháo bỏ ách toàn trị lâu nay đè nặng trên vai. Và chúng ta hãy đặt câu hỏi: những người trẻ tuổi này chưa từng biết đến một cơ chế khác lấy đâu ra lòng khát khao chân lý, tình yêu tư tưởng tự do, quan niệm chính trị, lòng can đảm công dân và tính thận trọng công dân của họ? Làm thế nào mà cả cha mẹ của họ – chính thế hệ đã bị xem là lạc lối – cũng tham gia với họ? Bằng cách nào mà rất nhiều người lập tức biết phải làm gì và chẳng ai cần khuyên nhủ hay hướng dẫn gì cả?
Tôi nghĩ có hai lý do chính cho bộ mặt đầy hy vọng của hiện trạng nước ta. Trước tiên, con người không chỉ là một sản phẩm của thế giới bên ngoài; họ còn có thể gắn mình với điều gì đó siêu việt, bất luận thế giới bên ngoài cố gắng tiêu diệt một cách có hệ thống khả năng đó trong họ. Thứ hai, những truyền thống nhân văn và dân chủ, mà trước đây có quá nhiều đồn đoán, dù gì cũng đã ngủ quên trong cơn mê muội của các dân tộc và sắc dân thiểu số của chúng ta, và được lặng lẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để mỗi người chúng ta có thể khám phá những truyền thống đó đúng thời điểm và biến chúng thành hành động.
Tuy nhiên, chúng ta đã phải trả giá cho tự do hiện nay của mình. Nhiều công dân đã chết trong tù trong thập niên 1950, nhiều người bị hành quyết, hàng ngàn mạng người bị tiêu diệt, hàng trăm ngàn người tài năng bị buộc phải rời khỏi đất nước. Những người bảo vệ danh dự của các dân tộc chúng ta trong Đệ Nhị Thế Chiến, những người phản kháng chế độ toàn trị và những người chỉ gắng là chính mình và suy nghĩ tự do, tất thảy đều bị trừng phạt. Chúng ta không nên quên bất cứ ai đã trả giá cho tự do hiện nay của chúng ta bằng cách này hay cách khác. Những tòa án độc lập nên cân nhắc một cách công bằng tội lỗi khả dĩ của những ai chịu trách nhiệm cho những đòn trừng phạt đó, để sự thật về quá khứ gần đây của chúng ta được tiết lộ đầy đủ.
Chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng những quốc gia khác cũng đã trả giá còn đắt hơn cho tự do hiện tại của họ, và nhớ rằng họ cũng đã gián tiếp trả giá cho tự do của chúng ta. Chúng ta không được quên những dòng sông máu tuôn chảy ở Hungary, Ba Lan, Đức và gần đây một cách ghê rợn ở Romania, cũng như biển máu đã đổ ở những nước thuộc Liên Xô. Trước tiên bởi vì toàn bộ nỗi đau khổ của con người liên quan đến mọi người khác. Nhưng ngoài ra, chúng ta cũng không được quên những điều đó vì chính những hy sinh vĩ đại này tạo nên bối cảnh bi thảm của tự do ngày nay hay sự giải phóng dần dần các nước thuộc khối Xô Viết, do đó là bối cảnh cho tự do mới tìm thấy của chúng ta. Nếu không có những thay đổi ở Liên Xô, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Dân chủ Đức, những gì đã diễn ra ở nước ta khó mà xảy ra. Và nếu có xảy ra, chắc chắn diễn biến đã không yên bình như vậy.
Việc chúng ta hưởng những điều kiện quốc tế tối ưu không có nghĩa là có ai khác trực tiếp giúp đỡ chúng ta trong những tuần gần đây. Thực vậy, sau hàng trăm năm, cả hai dân tộc chúng ta đã ngẩng cao đầu tự hào về tính chủ động của mình mà không cần dựa dẫm vào sự giúp đỡ của những dân tộc hay cường quốc mạnh hơn. Tôi nghĩ điều này tạo nên tài sản đạo đức cao quý của thời điểm hiện tại. Thời điểm này chan chứa hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ không còn mang mặc cảm của người phải luôn luôn mang ơn kẻ khác. Giờ đây chỉ tùy thuộc chúng ta liệu niềm hy vọng này có thành hiện thực hay không và liệu lòng tự tin công dân, dân tộc và chính trị có được đánh thức theo một cách mới mẻ chưa từng thấy trong lịch sử.
Tự tin không phải là tự ái. Mà ngược lại: chỉ một người hay một dân tộc tự tin, hiểu theo nghĩa hay nhất của từ này, mới có khả năng lắng nghe người khác, chấp nhận họ là bình đẳng với mình, tha thứ cho những kẻ thù của mình và ăn năn về tội lội của chính mình. Chúng ta hãy thử áp dụng kiểu tự tin này vào đời sống của cộng đồng chúng ta và, với tư cách dân tộc, vào cách hành xử của chúng ta trên trường quốc tế. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể khôi phục lòng tự trọng của mình và sự tôn trọng lẫn nhau của chúng ta, cũng như sự tôn trọng đối với các dân tộc khác.
Nhà nước chúng ta sẽ chẳng bao giờ lại là phần lệ thuộc hay người bà con nghèo của bất cứ ai khác. Đúng là chúng ta phải chấp nhận và học hỏi nhiều điều từ những nước khác, nhưng trong tương lai chúng ta phải làm như vậy với tư cách đối tác đồng đẳng của họ và cũng có cái để họ học hỏi.
Tổng thống đầu tiên của chúng ta viết: "Jesus, chứ không phải Caesar." Ở điểm này, ông noi theo các triết gia Chelčický và Komenský của chúng ta. Tôi dám nói rằng chúng ta thậm chí có thể có cơ hội truyền bá ý tưởng này rộng hơn và đưa một nhân tố mới vào chính trị Châu Âu và toàn cầu. Nếu muốn, nước ta hiện nay có thể vĩnh viễn biểu lộ tình thương yêu, sự thông cảm, sức mạnh của tinh thần và của ý tưởng. Ngọn lửa nhiệt tình rạng rỡ này chính là điều cụ thể chúng ta có thể đóng góp vào chính trị quốc tế.
Masaryk [tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc] đã đặt chính trị của mình trên nền tảng đạo đức. Chúng ta hãy thử, trong một thời đại mới và theo một cách mới, khôi phục quan niệm này về chính trị. Chúng ta hãy tự dạy mình và người khác rằng chính trị nên là cách biểu lộ lòng khao khát đóng góp vào hạnh phúc của cộng đồng chứ không phải nhu cầu lường gạt hay cưỡng đoạt cộng đồng. Chúng ta hãy tự dạy mình và người khác rằng chính trị không thể chỉ là thuật làm điều khả thi, đặc biệt nếu như vậy nghĩa là thuật đầu cơ, tính toán, mưu toan, thỏa thuận mờ ám và dùng thủ đoạn thực dụng, mà chính trị cũng có thể là thuật làm điều bất khả thi, tức là thuật hoàn thiện bản thân và thế giới.
Chúng ta là nước nhỏ, tuy nhiên có thời chúng ta đã là giao lộ tinh thần của Châu Âu. Có lý nào chúng ta lại không thể lấy lại vị thế đó? Chẳng lẽ đó không là một tài sản khác có thể dùng để đền ơn giúp đỡ của những nước khác mà chúng ta sắp cần đến?
Bè lũ Mafia nội địa của chúng ta, những kẻ không nhìn ra cửa sổ máy bay và ăn thịt lợn được nuôi riêng, có thể vẫn còn lẩn quất và đôi khi có thể gây rối ren, nhưng họ không còn là kẻ thù chính của chúng ta. Mafia quốc tế dưới bất cứ hình thức nào càng không phải là kẻ thù chính của chúng ta. Kẻ thù chính của chúng ta hiện nay là những thói xấu của mình: thái độ bàng quan với lợi ích chung, sự phù phiếm, tham vọng cá nhân, tính ích kỷ, và thói ganh đua. Cuộc đấu tranh chính sẽ diễn ra trên trận địa này.
Sẽ có những cuộc bầu cử tự do và một chiến dịch tranh cử trước mắt chúng ta. Chúng ta đừng để cuộc đấu tranh này làm bẩn bộ mặt đến nay vẫn còn sạch sẽ của cuộc cách mạng êm đềm của chúng ta. Chúng ta đừng để những nỗi thông cảm của thế giới mà chúng ta đã giành được rất nhanh lại cũng nhanh chóng ra đi do chúng ta lạc lối giữa vô vàn cuộc đấu đá tranh giành quyền lực. Chúng ta đừng để ước muốn phục vụ bản thân lại nở rộ trong cái lốt trang trọng của ước muốn phục vụ lợi ích chung. Bây giờ đảng phái nào hay hội nhóm nào thắng cử không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là những ai đắc cử sẽ là người giỏi nhất trong chúng ta, theo nghĩa đạo đức, dân sự, chính trị và chuyên nghiệp, bất kể họ thuộc chính đảng nào. Những chính sách tương lai và uy tín của nhà nước chúng ta sẽ phụ thuộc vào những nhân vật chúng ta lựa chọn, và sau này, bầu vào các cơ quan đại diện của chúng ta.
Thưa đồng bào!
Cách đây ba ngày, tôi trở thành tổng thống của nước cộng hòa theo ý nguyện của các bạn, được bày tỏ thông qua các đại biểu của Hội đồng Liên Bang. Các bạn có quyền mong đợi tôi nêu ra những nhiệm vụ tôi đặt ra cho mình với tư cách là tổng thống.
Nhiệm vụ thứ nhất là sử dụng toàn bộ quyền lực và ảnh hưởng của tôi để bảo đảm rằng chúng ta sẽ nhanh chóng đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tự do, và con đường đi đến cột mốc lịch sử này sẽ đường hoàng và yên bình.
Nhiệm vụ thứ hai của tôi là bảo đảm rằng chúng ta tiếp cận những cuộc bầu cử này với tư cách hai dân tộc tự trị tôn trọng lợi ích, bản sắc dân tộc, truyền thống tôn giáo và biểu tượng của nhau. Là một người Czech đã đọc lời tuyên thệ tổng thống với một người Slovak rất gần gũi với mình, tôi cảm nhận một bổn phận đặc biệt – sau những kinh nghiệm cay đắng mà người Slovak đã nếm trong quá khứ – đó là bổn phận bảo đảm rằng tất cả những lợi ích của dân tộc Slovak được tôn trọng và trong tương lai dân tộc Slovak sẽ không bao giờ bị cản trở đảm nhiệm những chức vụ nhà nước, bao gồm chức vụ cao nhất.
Nhiệm vụ thứ ba của tôi là ủng hộ mọi điều giúp cải thiện hoàn cảnh cho trẻ em, người cao niên, phụ nữ, người bệnh, người lao động siêng năng, các dân tộc thiểu số và tất cả những công dân của chúng ta vì lý do nào đó khó khăn hơn người khác. Thực phẩm chất lượng cao hay bệnh viện cao cấp sẽ không được là đặc quyền của kẻ có quyền; mà phải dành cho những ai cần nhất.
Là chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang tôi muốn bảo đảm rằng năng lực quốc phòng của nước ta sẽ không còn được dùng như cái cớ để bất cứ ai cản đường những sáng kiến hòa bình can đảm, giảm lực lượng quân sự, thiết lập lực lượng quân sự thay thế và việc nhân đạo hóa đời sống quân sự.
Ở nước ta có nhiều tù nhân dù có thể đã phạm những tội ác nghiêm trọng và đã bị trừng phạt vì những tội đó nhưng – bất chấp thiện chí của một số điều tra viên, quan tòa, và trên hết là các luật sư biện hộ – đã phải cam chịu một hệ thống tư pháp suy đồi tước mất quyền của họ. Giờ đây họ phải sống trong những nhà tù không phấn đấu đánh thức các phẩm chất tốt đẹp hơn bên trong mỗi người, mà lại nhục mạ và hủy hoại họ về cả thể xác lẫn tinh thần. Xét đến thực tế này, tôi đã quyết định tuyên bố ân xá tương đối rộng khắp. Đồng thời tôi kêu gọi các tù nhân hiểu rằng bốn mươi năm với những cuộc điều tra, phiên tòa và án tù bất công không thể nào được chỉnh sửa trong một sớm một chiều, và hiểu rằng những thay đổi đang được nhanh chóng chuẩn bị vẫn cần có thời gian để thực hiện. Nếu nổi loạn, các tù nhân sẽ chẳng giúp ích gì cho xã hội và bản thân. Tôi cũng kêu gọi công chúng đừng sợ các tù nhân một khi họ được phóng thích, đừng gây khó khăn cho cuộc sống của họ, mà nên giúp đỡ, trong tinh thần Cơ đốc giáo, sau khi họ quay về với chúng ta để tìm ra trong bản thân họ những điều mà ngục tù đã không tìm thấy trong con người họ: đó là khả năng ăn năn và ước ao sống một đời đứng đắn.
Nhiệm vụ vinh dự của tôi là củng cố uy quyền của nước ta trên thế giới. Tôi sẽ vui mừng nếu những nhà nước khác tôn trọng chúng ta vì đã thể hiện sự thông cảm, lòng khoan dung và tình yêu hòa bình. Tôi sẽ hài lòng nếu Giáo Hoàng John Paul II và Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng có thể thăm nước ta trước các kỳ bầu cử, dù chỉ một ngày. Tôi sẽ hài lòng nếu những quan hệ hữu nghị của chúng ta với tất cả các quốc gia khác được củng cố. Tôi sẽ hài lòng nếu trước các kỳ bầu cử chúng ta thiết lập được quan hệ ngoại giao với Vatican và Israel. Tôi cũng muốn đóng góp vào hòa bình bằng cách viếng thăm trong thời gian ngắn các nước láng giềng gần gũi của chúng ta, Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức. Tôi cũng sẽ không quên những nước láng giềng khác của chúng ta – nước Ba Lan anh em và những nước ngày càng gần gũi với ta là Hungary và Áo.
Để kết luận, tôi xin nói rằng tôi muốn là một tổng thống nói ít làm nhiều. Là một tổng thống sẽ không chỉ nhìn ra cửa sổ máy bay mà, trên hết thảy, sẽ luôn luôn ở bên những công dân của mình và chăm chú lắng nghe họ.
Các bạn có thể hỏi tôi mơ đến nước cộng hòa kiểu nào. Tôi xin trả lời: tôi mơ về một nước cộng hòa độc lập, tự do, và dân chủ, về một nước cộng hòa thịnh vượng kinh tế nhưng cũng công bằng xã hội; tóm lại, về một nước cộng hòa phục vụ từng cá nhân và qua đó hy vọng rằng từng cá nhân sẽ lại phục vụ đất nước. Về một nước cộng hòa có nhân dân phát triển toàn diện, bởi vì nếu không có nhân dân như vậy thì không thể giải quyết bất cứ vấn đề nào của chúng ta – con người, kinh tế, sinh thái, xã hội, hay chính trị.
Người xuất chúng nhất trong số những bậc tiền nhiệm của tôi đã mở đầu diễn văn đầu tiên của ông bằng lời trích dẫn nhà giáo dục vĩ đại người Czech Komenský. Tôi xin mạn phép kết thúc diễn văn đầu tiên của mình bằng lối diễn giải của riêng mình cho cùng lời phát biểu đó:
Hỡi nhân dân, chính quyền đã quay về với các bạn!
Bản tiếng Anh: "People, your government has returned to you!", The Spectator, 18/12/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài ,http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/12/20/vaclav_havel_19900101_speech/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét