Tác giả: Walter Russell Mead
Người dịch: Đan Thanh
Ngày 30-4-2012
Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đến Bắc Kinh vào thời điểm có lẽ nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung kể từ khi Richard Nixon chìa tay ra với Chu Ân Lai trong chuyến thăm lịch sử của ông đến đất nước mà những nhân vật bảo thủ ở Mỹ khi đó vẫn gọi là "nước Trung Hoa đỏ".
Mùa thu năm ngoái, chính quyền Obama tiến hành được một cuộc cách mạng về ngoại giao ở vùng châu Á có biển – tức là những quốc gia ven biển hoặc có giao thương trên biển, nằm trên hoặc xung quanh lục địa châu Á, trải dài thành một vòng cung từ Triều Tiên và Nhật Bản, xuống đến Australia và Indonesia, chạy qua Đông Nam Á đến Ấn Độ và Sri Lanka. Via Meadia theo dõi chuyện này rất sát; đó là sự kiện địa chính trị lớn nhất kể từ vụ 11/9; và mặc dù hình thành trên cơ sở một loạt chính sách mà Mỹ đã có ít nhất từ thời Clinton rồi sau đó phát triển lên trong thời Bush, nhưng sự kết hợp các chính sách của chính quyền Obama tạo ra một bước ngoặc quyết định trong lịch sử châu Á thế kỷ 21.
Báo chí, vẫn còn mụ mị vì nốc quá nhiều đồ uống Koolaid mang nhãn "Mỹ đang suy trầm" – vốn vẫn được rao giảng rộng rãi những năm gần đây – vẫn chưa hiểu rõ chiến lược mới táo bạo, mạo hiểm và nhất là thành công tới mức nào: Mỹ đang xây dựng một khối hiệp ước thân thiện ở Thái Bình Dương để đối đầu – dù không phải để kiềm chế – những hậu quả từ sự tăng trưởng kinh tế và vị thế quân sự của Trung Quốc trong khu vực. (Nguyên văn: Drinking Koolaid, nghĩa bóng là một thành ngữ chỉ sự tin tưởng tuyệt đối mà không có sự tỉnh táo và phản biện cần thiết). Mỹ đang ủng hộ một cách mập mờ các nước châu Á nhược tiểu đang tranh chấp biên giới với Trung Quốc trên Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên và có tầm quan trọng chiến lược. Họ đã tuyên bố việc triển khai quân đội và những thỏa thuận quân sự mới, cùng với hành động mở rộng mạng lưới quân sự từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, các đảo trên Thái Bình Dương), nam và đông Australia, Singapore và xa hơn nữa. Họ tiếp tục thắt chặt quan hệ chiến lược với Ấn Độ – siêu cường hạt nhân thứ hai ở châu Á có dân số hơn 1 tỷ, cũng là nước tuyên bố công khai rằng mục đích của kho vũ khí hạt nhân (đang gia tăng) của họ là để làm đối trọng với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã tổ chức vòng đàm phán thương mại mới, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – sẽ mở rộng cửa thị trường trong nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc chưa được mời tham gia.
Đó là những động thái liều lĩnh. Nhiều chuyên gia Trung Quốc bực bội khi chính quyền tung ra chính sách mới vào mùa thu năm ngoái. Họ sợ hành động tấn công của Mỹ sẽ khiến những nhân vật cứng rắn ở Bắc Kinh theo đuổi một chính sách chống Mỹ toàn diện.
Điều này chưa xảy ra, cái chính là bởi vì, bất chấp những lời thổi phồng sai lạc về sự trỗi dậy không thể chống lại của Trung Quốc, thật ra không có nhiều việc Bắc Kinh có thể làm, liên quan đến chủ nghĩa tích cực mới của Washington. Trung Quốc càng đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, thì các nước khác càng bám chặt vào váy Washington hơn. Phá giá kho dự trữ đô-la thì sẽ phá hoại nền kinh tế Trung Quốc. Giữ lập trường cực kỳ cứng rắn về vấn đề Syria và Iran thì là chọc giận các nước Ảrập ở Vùng Vịnh, mà nhờ có dầu hỏa của họ, các nhà máy ở Trung Quốc mới vận hành được. Tập trận với Nga thậm chí còn chẳng gây ấn tượng gì với Bắc Triều Tiên, càng không đe dọa gì được Washington.
Mặc dù là một siêu cường đáng sợ trên rất nhiều phương diện, cũng là nước tiềm ẩn một tương lai vĩ đại, nhưng Trung Quốc, nói ngắn gọn, không phải là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Washington ở châu Á lúc này, và những ảo tưởng cùng sự lừa mị của nó khiến Trung Quốc bị phơi bày một cách bất lợi, trong khi siêu cường thực sự của thế giới đã quyết định bắt đầu trò chơi của nó ở lòng chảo Thái Bình Dương.
Điều chỉnh chính sách ngoại giao là một việc khó, đặc biệt là khi điều chỉnh quan hệ của các siêu cường. Kể từ mùa thu năm ngoái khi quyền bắt đầu tung ra sáng kiến hàng hải của họ, có vài chuyện đã xảy ra – một số là tình cờ, một số là những hậu quả không thể dự tính của những việc mà Mỹ làm – những điều đó thật sự khiến cho chính sách Trung Quốc của chúng ta (Mỹ) mạnh hơn và hiệu quả hơn dự kiến.
Chính những hậu quả và sự tình cờ này, chứ không phải chính sách châu Á thật sự của chúng ta, làm cho chuyến đi Bắc Kinh của bà Clinton kịch tính đến thế. Hãy xem những gì đã xảy ra kể từ khi chính sách châu Á mới của Mỹ được tung ra hồi năm ngoái:
- Myanmar, một trong các đồng minh khu vực của Trung Quốc, đã trở cờ. Hiện họ đang hợp tác ngày càng thân thiết hơn với các đối tác của Mỹ ở khối hiệp ước thân thiện Thái Bình Dương.
- Philippines có lập trường rõ ràng hơn và đối kháng hơn đối với "những kẻ xâm phạm" người Trung Quốc – xâm phạm vào vùng biển Manila đã tuyên bố chủ quyền – và họ nỗ lực lôi kéo Mỹ tham gia trực tiếp.
- Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang chứng kiến cảnh nhu cầu tiêu thụ bị sụt giảm, thậm chí vào đúng lúc những bất ổn trong vấn đề lao động trong nước tạo thêm áp lực đối với giới sản xuất.
- Thất bại của Bạc Hy Lai bộc lộ những vết rạn nứt trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc, phá tan niềm hy vọng về một sự chuyển giao quyền lực êm ả, và rọi ánh sáng vào nạn tham nhũng cố kết, mâu thuẫn và tranh giành quyền lực ngay trong đội ngũ tinh hoa cầm quyền ở Trung Quốc.
- Giờ đây, cuộc đào thoát mạo hiểm giữa đêm của Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) và việc ông ta chạy 500 km tới Đại sứ quán Mỹ để nương náu làm chính phủ Trung Quốc vừa tức giận vừa nhục nhã – vài giờ trước khi Ngoại trưởng Clinton đặt chân tới Trung Quốc theo lịch trình dự kiến.
Chắc chắn là một số nhân vật dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, kể cả những người giữ cương vị cao trong các cơ quan quân đội và nhà nước khác nhau, đều đang sôi sục vì giận dữ và thất vọng khi họ chứng kiến những sự việc trên. Thuyết âm mưu phổ biến trong một số giới cho rằng Mỹ có dính líu tới vụ scandal Bạc Hy Lai – suy cho cùng thì chính lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là nơi Vương Lập Quân bỏ chạy vào, và là nơi ông ta tiết lộ hết bí mật về "triều đại Bạc" ở Trùng Khánh. Cuộc chạy trốn của ông Trần Quang Thành tới đại sứ quán Mỹ sẽ khoét sâu thêm cơn hoang tưởng và giận dữ ở một số giới; đối với một số người, có vẻ như rõ ràng là ông Trần sẽ không thực hiện được cuộc đào tẩu này nếu không nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người hơn, thay vì chỉ một nhúm người bất đồng chính kiến; và thời điểm xảy ra vụ này đặc biệt đến mức vụ việc phải là một phần trong một kế hoạch bí mật mà Mỹ đã chuẩn bị từ lâu. Đặt các "dữ kiện" lại với nhau, cộng thêm với thái độ tự tin mới có của Mỹ ở khu vực, thì rất nhiều ý kiến nghiêm túc ở Trung Quốc sẽ đi đến kết luận là Mỹ đang cố gắng làm với Trung Quốc điều mà họ từng làm với Liên Xô. Hơn thế nữa, những người đó sẽ nghĩ rằng chúng ta (Mỹ) thành công đến nơi rồi – gần lắm, đến mức phải chống lại bất kỳ sự nhượng bộ thêm, hoặc rút lui thêm nào, coi đây là chuyện sinh tử.
(Nhân tiện, đối với giới ngoại giao Mỹ, việc chỉ trong vài tháng, một quan chức hàng đầu của Trung Quốc và một nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu, cả hai đều trở thành cực đoan, làm cho người Mỹ ở khắp nơi cao hơn một chút. Chúng ta đã xây dựng được ở Trung Quốc uy tín về cách hành xử chân thật và về sự can đảm chính trị; chúng ta nên đặt mục tiêu duy trì uy tín đó. Có những lúc tự hào về đất nước của mình là một điều tốt; và bây giờ là một trong những lúc như thế).
Các sự biến trên đây khoét thêm vào những vết thương sâu trong ký ức lịch sử của người Trung Quốc, và nỗi sợ bị bỏ quên, bị lăng nhục và bị gạt ra bên lề bởi một phương Tây có uy quyền lớn hơn, đúng đắn hơn, vốn chưa bao giờ nằm khuất sâu sau lớp vỏ của nước Trung Hoa hiện đại, lại đang bùng lên. Như vậy càng dở hơn, bởi vì cho đến gần đây, Trung Quốc dường như vẫn đang rất sung mãn; nhiều người Trung Quốc tin vào tất cả những lời lẽ thổi phồng về sự nổi lên của Trung Quốc, sự suy tàn của Mỹ, họ tin cũng mạnh như bất kỳ nhóm học giả châu Âu nào, cho nên cú sốc khi nhận ra mình sai sẽ là rất nghiêm trọng.
Trong khi đó, chiến lược của ban lãnh đạo hiện tại ở Trung Quốc đã từng là sử dụng cả vụ bê bối của Bạc Hy Lai lẫn vố đau nhận được từ cuộc phiêu lưu trong vấn đề Biển Đông để xiết chặt vòng kiểm soát quyền lực và tăng cường sự cố kết của đất nước với con đường cải cách trong nước, "trỗi dậy hòa bình" ngoài nước. Ôn Gia Bảo tận dụng thất bại của Bạc làm cơ hội để đánh cả khối cánh tả-dân tộc-dân túy trong nền chính trị Trung Quốc và củng cố quyền lực của cánh hiện đại, cải cách hơn trong đảng cầm quyền. Thất bại của Bạc tạo cơ hội cho ban lãnh đạo chính trị tái khẳng định quyền lãnh đạo của họ ngay cả trong quân đội, trong khi đó giới lãnh đạo quân đội buộc phải cùng hợp lực chống những thành phần trong lực lượng của họ ủng hộ con đường dân tộc chủ nghĩa, hoài cổ, nhuốm màu cánh tả của Bạc Hy Lai.
Từ quan điểm của Mỹ, đây có vẻ là một kết quả khá tốt. Chính quyền Obama đã sẵn sàng cởi mở chìa tay cho Trung Quốc, mang đến cho ban lãnh đạo cải cách mới được tiếp sức của họ một cơ hội đi tới, ngay cả khi ban lãnh đạo ấy gây một số sức ép kín đáo lên các vấn đề như Iran và Syria, là hai vấn đề mà Mỹ hy vọng được Trung Quốc ủng hộ hơn. Cuộc đào thoát của ông Trần gây khó khăn nghiêm trọng cho chiến lược đó. Từ quan điểm của ban lãnh đạo Trung Quốc, cuộc chạy trốn của ông cho thấy một sự kém cỏi về năng lực và lỏng lẻo về kỷ luật, làm xấu mặt tất cả các bên liên quan. Làm sao mà một người mù, sức khỏe suy kiệt, có thể đánh lừa đội ngũ an ninh của đất nước độc đảng hùng mạnh nhất quả đất? Làm sao một kẻ bất đồng chính kiến đang bị quản thúc tại gia lại có thể đột ngột xuất hiện trong tay người Mỹ ngay trước thời điểm diễn ra những cuộc đối thoại cực kỳ quan trọng với Ngoại trưởng Mỹ?
Và cuối cùng, còn một bóng mây đen nữa bao phủ chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Clinton. Thủ tướng Nhật Bản Noda sẽ gặp Tổng thống Obama trong lúc bà Clinton gặp gỡ người Trung Quốc; và theo dự kiến, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ sẽ thảo luận về việc đẩy mạnh hợp tác an ninh, đào tạo quân đội Nhật tại các căn cứ của Mỹ ngay cả khi quốc đảo Nhật Bản mở rộng quan hệ quân sự, mua sắm vũ khí và hỗ trợ "chiến lược" trên toàn châu Á. Chiếm vị trí ưu tiên trong danh sách những việc cần làm của cả Tổng thống Obama và Thủ tướng Noda là: triển khai các chiến lược để kiềm chân đồng minh khu vực cuối cùng còn tới nay của Trung Quốc, là Bắc Triều Tiên.
Điều này cho thấy sẽ không có sự mặc cả dễ dàng nào về số phận của ông Trần, và ban lãnh đạo Trung Quốc cũng chẳng dễ hợp tác vào lúc này trong các vấn đề khác cần quan tâm chung. Chính quyền Obama không thể buộc ông Trần tự nộp mình cho Trung Quốc bắt lại, nếu không họ sẽ bị tổn tại nghiêm trọng uy tín và vốn đạo đức; còn chính quyền Trung Quốc không thể để ông Trần ra đi mà lại không phải trả giá đắt.
Năm ngoái, khi chính quyền Obama bắt đầu có kế hoạch theo dõi Trung Quốc, họ không có ý định dồn Trung Quốc vào thế bí hay là kiềm chế nước này. Nhưng Mỹ mạnh hơn một chút, còn Trung Quốc lại yếu đi và dễ bị thiệt hại hơn nhiều người tưởng, và các chính sách của chúng ta có lẽ đã thành công nhiều hơn chút ít so với mức chúng ta muốn.
Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Á, đã lặng lẽ tới Bắc Kinh, cố gắng ngăn chặn, không để vấn đề Trần Quang Thành làm hỏng hội nghị thượng đỉnh. Chắc chắn là ông và Ngoại trưởng Clinton sẽ phải đối thoại rất nhanh và rất hay để đảm bảo với nước chủ nhà rằng Mỹ thành thực muốn có quan hệ đúng mực và tôn trọng với Bắc Kinh.
Điều mà tất cả chúng ta dường như đang học được ở châu Á, là các sự kiện đều có logic và tốc độ diễn biến của nó. Mỹ có thể khởi động một chính sách, nhưng chúng ta không thể kiểm soát hoặc điều chỉnh những hậu quả của chính sách khi chúng lan tỏa ra khắp thế giới. Nhiều cuộc đối thoại với quan chức Mỹ trong chính quyền hiện nay hoặc các chính quyền trước đây khiến tôi tin rằng không phải Mỹ đang cố gắng kiềm chân Trung Quốc theo cái cách mà chúng ta từng kiềm chân Liên Xô. Gần như tất cả người Mỹ ở những cương vị cao cấp trong xã hội đều tin rằng theo thời gian, tiến bộ về kinh tế sẽ đưa đến thay đổi chính trị ở Trung Quốc, nhưng đó là bởi vì phần lớn người Mỹ đều suy nghĩ như thế một cách tự nhiên và niềm tin duy sử (nguyên văn: Whiggish, quan điểm cho rằng lịch sử diễn tiến theo một quá trình tiến bộ tuần tự, và đánh giá quá khứ bằng con mắt hiện tại – ND) đó không có nghĩa như sự công bố một chính sách hay một dự định nào.
Ở Mỹ, những thành phần lãnh đạo trong cả hai đảng nói chung đều hy vọng vào một tiến trình cải cách dần dần và ôn hòa ở Trung Quốc, thay vì xung đột bạo lực; họ không muốn chia rẽ hoặc làm Trung Quốc suy kiệt đi, và họ cũng không thích thú gì sự tan rã của Trung Quốc. Người Mỹ cũng không coi sự phát triển của trật tự an ninh ở châu Á trong tương lai là một trò chơi có tổng bằng không. Mỹ muốn ngăn chặn, không để Trung Quốc lấn át châu Á, nhưng bản thân chúng ta cũng không muốn lấn át khu vực này.
Trong những lần đi thăm Trung Quốc, tôi phát hiện thấy nhiều người dân Trung Quốc có suy nghĩ tiêu cực hơn nhiều về các dự định của Mỹ, và họ coi Mỹ và Trung Quốc như đang vướng vào một trận đấu một mất một còn để giành quyền thống lãnh mà chỉ một bên có thể nắm. Hiện tại, một số nhà phân tích Trung Quốc ngạc nhiên thấy rằng có vẻ như Mỹ đang thắng thế trong cuộc đấu đó. Chúng ta không kỳ vọng rằng những nhân vật cứng rắn ở Trung Quốc sẽ chấp nhận tình hình này một cách bình tĩnh và tự nguyện rút lui, ngay cả khi họ không có mấy lựa chọn lúc này.
Ngoại trưởng Clinton sẽ bay từ Trung Quốc sang Ấn Độ, qua đường Bangladesh. Với việc Thủ tướng Nhật Noda ở Washington còn bà Clinton ở New Delhi, suy nghĩ của Bắc Kinh chắc chắn vẫn sẽ rất tiêu cực. Chắc chắn còn nhiều sự kiện chọc giận họ nữa sẽ xảy ra. Chính vì lợi ích của những nước nhỏ như Việt Nam và Philippines mà chúng ta phải tận dụng sự ủng hộ Washington mới dành cho họ, vào những gì họ có thể làm; điều đó sẽ giúp họ tự tin hơn trước Trung Quốc, và các diễn biến mới – đặt chính quyền Trung Quốc trước một sự lựa chọn khó chịu giữa chấp nhận yếu thế hoặc chịu khủng hoảng – chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan chắc chắn lại được đặt ra. Dự kiến Bắc Triều Tiên có thể sẽ hành xử sai trái. Thêm nhiều hoạt động của nhiều người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc nữa sẽ làm rung động công luận trong nước và ảnh hưởng tới vị thế của Trung Quốc ở ngoài nước. Sự bất định của nền kinh tế toàn cầu sẽ buộc Trung Quốc phải can thiệp vào chính sách kinh tế theo những cách có thể làm phức tạp quan hệ của họ với các đối tác thương mại, kể cả Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống dài dằng dặc ở Mỹ, mà giờ đã bắt đầu khởi động, hai ứng viên và người đại diện của họ sẽ cạnh tranh xem ai cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, an ninh và nhân đạo.
Lập trường mới của Mỹ về châu Á là có thật và sẽ không sớm thay đổi. Hậu quả của sự dịch chuyển đối với chính trị châu Á và quan hệ Mỹ-Trung là rất phức tạp và sẽ không thể hiểu đầy đủ chúng trong một thời gian nữa. Nhưng đây là một khoảng thời gian tăm tối, thậm chí nguy hiểm nữa; chúng ta chúc Ngoại trưởng Clinton đạt được mọi thành công có thể, trong quá trình bà xây dựng cây cầu nối giữa hai nền văn hóa chính trị và quan điểm về thế giới rất khác nhau này.
Nguồn: The American Interest
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét