Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Nguyễn Ngọc Già – Đời sống tâm linh & xã hội dân sự.

Nguồn danluan

Đời sống tâm linh tại Việt Nam bị thui chột và ngủ vùi trong nhiều năm, đó phải chăng đã góp phần rất lớn hủy hoại những giá trị đạo đức hình thành nhân cách làm người? Và cao hơn, chính sự thiếu vắng đời sống tâm linh trong sáng, thanh khiết đã góp tay tàn phá đất nước chúng ta như hiện trạng đau lòng trong ít nhất 20 năm trở lại đây?

Khi tuyệt vọng nhất, những lúc ấy, phần lớn chúng ta có xu hướng tìm về với tâm linh. Tâm linh trong sáng và thanh khiết, không phải loại "bùa chú – học tập và làm theo…" hay "lời nguyền huyết ngải" mang chất rủ rê và xoa dịu nhằm trốn chạy những tội ác tràn ngập đất nước hôm nay.

Tâm linh không phải thứ mê tín dị đoan. Tâm linh của học thuật, của báo ứng và của nhân quả.

Những giá trị tâm linh đã bị xếp xó trong nhưng ngăn kéo cũ kỹ để thay bằng những bậc thang của danh vọng và tiền tài. Cả xã hội Việt Nam đang trả giá quá đắt cho sự thiếu vắng giá trị này từ nhân cách làm người, đạo đức kinh doanh mục ruỗng thông qua những con số tham ô khổng lồ, cho đến những "đại gia trang" kinh khiếp như của Bí thư tỉnh Hải Dương – Bùi Thanh Quyến.

GS. Nguyễn Minh Thuyết đã viện tới tâm linh trong cuộc trả lời phỏng vấn PV. Thu Hà của trang "Văn Nghệ Trẻ" được trang trannhuong.com dẫn về (1) như sau:

Trận động đất, sóng thần dẫn đến thảm hoạ ĐHN ở Fukushima, Nhật Bản, cho thấy con người không thể tưởng tượng được hết mức độ và hậu quả khủng khiếp của thiên tai. Tốt nhất là hãy từ các thảm hoạ nhỡn tiền rút ra bài học cho mình. Tôi nghĩ tổ tiên đã run rủi cho chúng ta bằng những điểm báo rất rõ ràng: Khi ta chuẩn bị triển khai đại dự án bauxite ở Tây Nguyên thì xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary; định làm đường sắt cao tốc thì xảy ra hàng loạt tai nạn tầu cao tốc ở Trung Quốc; định làm ĐHN thì xảy ra thảm họa ĐHN ở Nhật Bản. Chẳng lẽ những cảnh báo dồn dập như vậy chưa đủ hay sao?

Những ngôn từ của GS. Thuyết đậm chất "Luật nhân quả" để quả quyết đời sống tâm linh vẫn vô cùng cần thiết để soi rọi, để chiêm nghiệm, để trầm tư mặc tưởng mà ăn năn sám hối cho giới cầm quyền hiện nay?

***

Nền kinh tế Việt Nam lại tiếp tục hứng chịu cơn "sốt hỗn" cấp tập từ Vinalines mang tới, như từng hứng chịu từ Vinashin trước đó. Rất nhiều ý kiến cho rằng, nó – Vinalines -
sẽ không phải là cơn "sốt hỗn" cuối cùng, nếu tiến hành điều tra PVN, EVN, TKV, cũng như các ngân hàng quốc doanh cỡ lớn.

Chưa biết giới cầm quyền dùng liệu pháp giảm sốt nào cho Vinalines(!). Hy vọng nó không phải là liều thuốc giảm sốt chóng vánh bằng cách vội vàng "tái cơ cấu" đã để lại di họa nặng nề, bởi virus cúm mang tên "Mất Tiền Cụt Vốn" đang lây lan nhanh chóng trước cái nhìn bất lực của những "bác sĩ kinh tế". "Sốt hỗn" từ Vinashin đã được giảm đột ngột là liệu pháp chỉ có thể do các "bác sĩ kinh tế" quá yếu tay nghề trong "nền y đức" hoang dại ra tay "chữa trị". Và hậu quả là… "ngay trước mắt".

Người Việt Nam đã không còn choáng váng, xây xẩm khi những con số chục ngàn tỉ thất thoát, tham nhũng như trước đây nữa. Bây giờ người dân nói về "quả báo nhãn tiền", "đời cha ăn mặn đời con khát nước" v.v… và thật nhiều các bằng chứng đen về "bệnh lạ" mà Bộ Y Tế không đủ khả năng chẩn đoán có lẽ phải nhờ tới sự giúp đỡ của WHO (2).

Đó phải chăng lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng: giá trị tâm linh cần phải được đưa trở lại mau chóng và phổ cập ngay trước hết cho giai tầng thống trị mà chính những việc làm "Trời không dung Đất không chứa" của họ đã để nhân dân phải gánh chịu ngày nay trên mọi lĩnh vực?

Người CS lẽ nào quên nhà báo Trần Quang Thành, với khuôn mặt biến dạng ghê sợ (3) sau khi nhận lãnh ca acid đậm đặc vì "tội" tố giác tham nhũng, buôn lậu? Liệu bè lũ Nguyễn Đức Nhanh có bao giờ giật mình nghĩ về tội ác ngày xưa để thảng thốt cho gia phong bại hoại ngày nay với cậu con trai Nguyễn Đức Quang ăn chơi khét tiếng đất Hà Thành? Có thể là không, bởi người ta có thể quy về giáo dục mà lãng quên yếu tố tâm linh, khi nhắc về "Luật nhân quả".

"Luật nhân quả" dưới cái nhìn khoa học đã có lời giải kinh hoàng tại huyện Kinh Môn – Hải Dương với hàng trăm người chết mỗi năm do ung thư (4) vì khói bụi từ nhà máy xi măng Hoàng Thạch!

Đi cùng với nỗi đau mất đất của người dân Văn Giang -
Hưng Yên, TS. Nguyễn Xuân Diện cũng nhắc nhở về tâm linh, khi cuộc càn quét đất Xuân Quan vừa qua, đã phơi lộ những đoạn xương trắng các thân nhân của người Xuân Quan hiện nay, để cảnh báo những ai tiếp tay cho quân cướp đất, liệu có ăn ngon ngủ yên trong những căn biệt thự diễm lệ?

***

Có lẽ từ những cuộc xuống đường chống bá quyền Bắc Kinh hồi năm ngoái, tiếp nối đi cùng với nỗi oan mất đất của nông dân, dẫn đến những động thái quyết liệt hơn trong việc phản đối Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho ĐHN tại Việt Nam; góp chung chữ ký với 65 trí thức khác, biểu lộ sự chia sẻ với người Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của họ tại bãi cạn Scaborough từ TS. Nguyễn Xuân Diện, đã làm giới cầm quyền Việt Nam đang dần lộ rõ sự sợ hãi, để từng bước một lên kế hoạch loại trừ anh với cái mũ "chống phá nhà nước"?

Cao hơn ý định loại trừ TS. Nguyễn Xuân Diện chính là việc nghiền nát một xã hội dân sự đang phát triển – như cái gai trong mắt giới cầm quyền. Họ nhận thấy rõ phía sau TS. Diện là xã hội dân sự đang lớn mạnh – điều mà chính thể này không mong muốn. Khách quan mà nói, TS. Nguyễn Xuân Diện đã có được sự đồng tâm rất nhiều trong việc làm vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia từ các trí thức nổi tiếng trong ngoài nước cũng như các cựu quân nhân, công an tại Hà Nội. Giới cầm quyền nhận thấy rõ sức hút quần chúng có vẻ ngày càng mãnh liệt từ TS. Diện để quyết triệt anh?

Sự việc đang dần lộ rõ âm mưu chống lại trí thức từ phía cầm quyền, một cách có hệ thống với những chi tiết kỹ lưỡng được tố cáo như Hồ Thu Hồng quy chụp:

Beo gọi Sàm Chi Diện là đám thần kinh chính trị…(5)

Nếu không vu bằng "bao cao su đã xài", "nhận tiền bọn phản động" thì "điên khùng" sẽ được gắn vào để phủ chụp cho những ai cất lời phản biện đều cần được đưa vào nhà thương tâm thần mà… ở(!). Dường như ngoài nhà tù, nhà thương điên, có vẻ đang muốn gán cho TS. Diện, giới cầm quyền không còn "nhà" nào khác (ví như "nhà đạo đức giả", "nhà chính trị dỏm", "nhà dân chủ cuội" v.v…) để ứng xử có đạo đức hơn một chút trong đời sống tâm linh bị hoang phế mà họ chỉ xem như là thứ hù dọa trẻ con vô căn cứ khoa học?!

Dù sao, Sử gia Dương Trung Quốc kiêm Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã phải công nhận (6):

Đương nhiên vào thời điểm này chúng ta không còn ở thời kỳ chủ nghĩa vô thần thô mộc nữa. Chúng ta tin rằng có đời sống tâm linh, nó là một phần giá trị của đời sống thực, nó giúp cho đời sống thực tốt hơn bằng những nguyên lý mang tính đạo đức. 
***

Đời sống tâm linh dù sao vẫn như mạch ngầm tuôn chảy trong xã hội, bất chấp Tôn giáo vẫn bị kiểm soát ngặt nghèo và đàn áp thô bạo. Phải chăng xuất phát từ nguồn cội đó, người ta ngày càng thấy nhiều hơn sự lên tiếng như lời sám hối, thổ lộ sự ray rứt, dằn vặt lương tâm trước đất nước điêu linh của nhiều nhân vật nổi tiếng một thời bị CSVN lừa đảo, ru ngủ như: Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải, Hạ Đình Nguyên, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Hồng Hà v.v…?

Khởi từ sự lên tiếng phản ứng của hơn 2.700 người về khai thác bauxite cách đây 3 năm, tiếp đến, dù đơn thân, việc TS. Cù Huy Hà Vũ đã tiến hành khởi kiện Nguyễn Tấn Dũng, tố cáo Vũ Hải Triều v.v…, đó nhất định là tín hiệu mạnh để vực dậy một xã hội dân sự bị lãng quên nhiều năm. Từ nền móng đó, "ngôi nhà" xã hội dân sự Việt Nam dù chật vật, dù không được phía cầm quyền hoan nghênh, vẫn từng ngày đắp xây và ngày càng hoàn thiện. Ngày càng nhiều vụ việc được người dân nối tiếp nhau dùng Luật pháp, biểu tình để bảo vệ và đấu tranh cho cá nhân, cho cộng đồng, chỉ tiếc lực lượng Luật sư còn quá ít để can đảm nhập cuộc cho xã hội dân sự lớn, mạnh, nhanh thêm nữa!

Lợi ích cộng đồng, lợi ích Quốc gia, lợi ích dân tộc đã được người dân ngày càng hiểu rõ khi gắn chặt quyền lợi cá nhân (dễ dàng bị xâm phạm như Bùi Thị Minh Hằng, Trịnh Kim Tiến, Trần Thị Nga, Kỹ sư Lê Văn Tạch v.v…) để dấn bước cùng góp tay vận hành hiệu quả xã hội dân sự, song song bên cạnh quyền lực nhà nước – vẫn chỉ phục vụ cho giai tầng thống trị.

Hai bộ máy vẻ như đang vận hành song song? Bộ máy quyền lực của giai cấp thống trị và bộ máy xã hội dân sự???

Những sự kiện số đông người đồng lòng phản đối về khai thác bauxite, cướp đất tại Văn Giang, Điện Hạt Nhân v.v… cho đến lên tiếng ủng hộ nhân dân Philippines, thể hiện ý thức trách nhiệm tầm quốc gia dần đến quốc tế, như một chỉ dấu cho thấy giới trí thức nhanh chóng bước lên hàng đầu để nhận lãnh sứ mạng nhằm gợi mở, tạo cảm hứng cho một hướng đi mới của tiến trình dân chủ hóa? Dù cho những biểu hiện của một xã hội dân sự như thế này làm giới cầm quyền mất ngủ, kém ăn, nó vẫn đang tiến lên phía trước như TS. Nguyễn Xuân Diện đã trả lời BBC: luôn chuẩn bị tình huống xấu nhất.

Đó cũng tạo thế đứng mạnh mẽ cho những tổ chức dân sự khác đang hình thành khởi từ những nhóm nhỏ bạn bè đang dần lan rộng, mà mới đây hàng trăm người dân đã kéo nhau đi dự phiên tòa 4 thanh niên công giáo tại Nghệ An.

Mặt khác, diện mạo xã hội dân sự từ manh nha hình thành nay đã hiện rõ là yêu cầu khách quan, khó lòng cưỡng nổi, trong khi giới cầm quyền đang lúng túng, lo ngại và có phần hốt hoảng để tìm cách bóp nát, với cách xoay quanh những thủ đoạn vừa xấu vừa cũ, ngày càng mất tác dụng, vô hình chung phơi bày năng lực thích ứng kém, không theo kịp đà phát triển thời đại với tư cách lực lượng hướng dẫn và quản lý xã hội.

***

Nhìn lại 3 năm qua, xã hội dân sự ngày một lớn mạnh, dù cho đến nay việc lập hội (*) vẫn là "món nợ luật pháp" từ phía cầm quyền đối với người dân.

Xã hội thiếu vắng quá lâu đời sống tâm linh thanh khiết, bởi thay vào đó, xu hướng mê tín dị đoan được giới cầm quyền cổ võ và khuyến khích người dân hướng vào thông qua các lễ hội phù phiếm, tốn kém như "Khai ấn đến Trần" v.v… hoặc tệ hơn, lợi dụng Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua "Cuộc cầu siêu" để đạt mục đích chính trị, sau đó là xua đuổi các đệ tử Làng Mai tại Lâm Đồng cách đây hai năm, theo cách "hết xôi rồi việc". Tất nhiên không thể quên viên tướng công an Phạm Dũng được bổ nhiệm giữ chức "Trưởng ban tôn giáo chính phủ" như một minh chứng, giới cầm quyền hiện nay chưa có cái nhìn khoa học và nhân bản về Tôn giáo nói riêng và "Tâm Linh" nói chung.

Tuy vậy, Tâm Linh – giá trị tinh thần quý báu tạo nên hồn cốt thanh cao để làm Người – đang quay trở lại trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, khởi đi từ những hoàn cảnh sống động, thương tâm của ngư dân, nông dân, những người chết oan dưới tay công an, các tấm gương hy sinh đấu tranh cho dân chủ bất chấp thị phi v.v…

Tâm Linh và Xã Hội Dân Sự là hai mặt của một vấn đề -
xây dựng đất nước phú cường, hòa bình và nhân ái.

Sắp tới đây, có lẽ sẽ còn nhiều tuyên bố đánh dấu sự trưởng thành và phát triển thêm nữa của xã hội dân sự? Chẳng hạn như: "Tuyến bố cực lực lên án tập đoàn Vinashin, Vinalines tham nhũng vốn Quốc gia"; "Tuyên bố các tập đoàn kinh tế lớn như PVN, TKV, EVN, Sông Đà v.v… không đủ khả năng thực hiện chủ trương "Kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo" của đảng và nhà nước; "Tuyên bố "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo" là đi ngược lại lợi ích dân tộc", "Tuyên bố tẩy chay gởi tiết kiệm các ngân hàng làm ăn bê bết"; "Kêu gọi tẩy chay khu đô thị Ecopark"; "Kêu gọi các tổ chức tín dụng quốc tế tài trợ Việt Nam phải minh bạch hơn khi cho các tập đoàn kinh tế nhà nước vay vốn" v.v…

Đời sống tâm linh đang trở lại cùng một xã hội dân sự đang trưởng thành chín chắn như "Mùa Xuân Đầu Tiên" (7) được mong ước:

[video:http://www.youtube.com/watch?v=hco9upMTbY8]

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .

Nguyễn Ngọc Già
________________

http://trannhuong.com/  (1)

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-ll-help-vn-unknown-disease-vh-05212012151737.html  (2)

http://tintuchangngay8.wordpress.com/2012/05/25/tran-quang-thanh-viet-nam/  (3)

http://vtc.vn/394-332382/phong-su-kham-pha/chuyen-rung-dong-mot-xa-chet-ung-thu-hang-tram-nguoi.htm  (4)

http://tintuchangngay8.wordpress.com/2012/05/25/bai-hoc-gi-cho-nguyen-xuan-dien/  (5)

http://giadinh.net.vn/4491p0c1000/khong-nen-van-doi-song-tam-linh-vao-minh-mot-cach-thieu-co-so.htm  (6)

(*) Lẽ ra "Luật về hội" nên được đòi hỏi ra đời (trước hoặc) song song với Luật biểu tình. Đó là điểm mà giới Luật gia, Luật sư, đại biểu quốc hội vì dân nên lưu tâm hiện nay.

 (7)

************************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét